top of page
Writer's pictureTừ Hân

Cái chết - Sự thay đổi nhiệm màu

Updated: May 30

Một cái chớp mắt cũng có thể là ngày mai, nhưng cũng có thể là khởi đầu cho một kiếp sống mới. Thật, không ai có thể biết rõ sự sống này kéo dài bao lâu. Nhưng ta biết ranh giới giữa sự sống và cái chết là trong một hơi thở.


Vì khi thở ra mà không hít vào thì ta biết đó là lúc kết thúc. Như đám mây trên bầu trời, khi cơn mưa tới là lúc đám mây không còn hiện diện, nhưng mưa lại mang đến cho đất đai thêm sự ấm ướt. Chết có thật là hết, hay là đánh dấu cho sự thay đổi nhiệm màu của sự sống!


Mình là Từ Hân - Học viên Content 3 Gốc, mời bạn cùng mình đọc bài viết để hiểu sâu hơn về Cái Chết - sự kiện quan trọng nhất trong cuộc đời nhé.


Cuộc hành trình khám phá sự kiện quan trọng nhất cuộc đời - Cái Chết


MỤC LỤC


===================


1. Cái chết và nỗi sợ

Sống là tồn tại, chết là mất đi. Nhưng ở đời, không có cái gì tồn tại mãi mãi, thậm chí cả sự sống này. Con người sợ bị mất mát, mất tiền, mất sức khỏe, mất tinh thần, mất mạng thế nên mới sợ nghèo, sợ bệnh, sợ ma và kinh khủng hơn nữa đó là sợ chết.


Cái chết không phải là điều xa lạ, những vì nó đến bất ngờ, với bất cứ ai, không thể tránh được nên ai cũng SỢ.

1.1 Nỗi sợ lớn nhất trên đời

Đứa trẻ con nào cũng sợ khi nhắc tới chết, bởi ông Thần Chết xuất hiện trong những bộ phim và những câu chuyện kinh dị. Hơn nữa, mất đi cha mẹ hay người thân đối với trẻ con là nỗi mất mát quá lớn bởi chúng sẽ mất đi tình thương.

Cảm giác mất mát của một đứa trẻ giống như khi bị mất món đồ yêu thích, khi con vật cưng bị chết, khi xa rời một thứ gì đó từng gắn bó, bị bỏ rơi, không ai chăm sóc, không có người thương yêu. Những nỗi sợ vô hình hằn sâu trong tâm trí con trẻ cho đến mãi về sau.

Lớn hơn chút nữa, chúng ta lại có thêm nhiều ràng buộc với thế gian. Nếu chết đi sẽ không còn được làm, không còn được thấy những điều mình mong muốn.

Sợ không còn ai nhớ đến, sợ tan thành hư vô, sợ không là gì cả. Cuộc sống còn biết bao dự định, khát khao chưa thực hiện, sợ chết trong tiếc nuối, như nhạc sĩ Đen Vâu đã viết trong bài hát “Trời ơi, con chưa muốn chết”:


Dù biết là cuộc đời này chẳng có gì là mãi mãi
Nhưng trời ơi, con không muốn chết vào ngày mai
Con còn có những hành trình cho con đi mòn đế
Đến những nơi xa thật xa con mơ khi còn bé…
Nếu con chết bây giờ thì cuộc đời con có nghĩa gì đâu

Qua hết quãng thời gian tuổi trẻ, khi đã có cho mình nhiều kinh nghiệm sống, chúng ta nhận thức nhiều hơn về cái chết. Người thân hay người xung quanh mất: có người chết vì bệnh, vì tai nạn, vì thiên tai, vì chiến tranh, ...

Không chết, liệu có được không?

Ta không thể nào tránh khỏi điều đó. Nó đến bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu, không trừ một ai, dù có là gì đi chăng nữa. Biết vậy, những ta không chấp nhận, vì chết đi ai lo cho cha mẹ già, ai chăm sóc con cái, ai tiếp tục những công việc còn dang dở.


Làm sao có thể buông bỏ như gia đình, nhà cửa, tài sản, những thứ thuộc về mình. Còn những người mình thương yêu, sẽ thật khủng khiếp nếu phải biệt ly, thật đau khổ nếu không còn được gặp lại.


Mình không thể chết và người thương mình cũng không được chết. Không chết liệu có được không?


Rồi đến khi về già cũng là lúc bức tường thời gian đã chắn ngang trước mặt, nỗi sợ chết gặm nhấm mỗi ngày làm tâm can héo hon và thể xác hao mòn.


Người già dành thời gian để chiêm nghiệm thật sâu và chuẩn bị thật lâu cho mình một nơi yên nghỉ cuối cùng. Chết liệu có nhẹ nhàng như sao bay về trời, như nước về đại dương, như hạt bụi trở về với cát?


Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai tôi về làm cát bụi
- Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn-

Ông bà ta cho rằng, chết là được về với tổ tiên, với những người thân đã mất, thế nên phần nào tự an ủi cõi lòng mà nhắm mắt xuôi tay.


Nhưng chẳng ai biết được phút cận tử nghiệp phải đối diện với những gì, sẽ ra sao, ta sẽ đi về đâu, điều gì chờ ta bên kia cửa tử, địa ngục hay thiên đàng? Ta chẳng biết gì để mà chuẩn bị cho sự kiện quan trọng nhất cuộc đời.

Nỗi sợ chết bất giác đeo đẳng, vì không hiểu rõ về nó nên ta vẫn sợ. Vô Minh trở thành Thần Sinh Mệnh dẫn lối cho những kiếp sống vô minh. Nếu chúng ta biết trước, biết rõ thì chắc chắn sẽ không còn sợ nữa. Nên nỗi sợ lớn nhất của chúng ta không phải là cái chết mà là sự VÔ MINH, u mê do thiếu hiểu biết.


Vì vô minh nên mới sợ chết, sợ nên chúng ta trốn tránh, cứ như vậy càng sợ thêm.


Vô minh nên chúng ta mới tưởng tượng ra những điều không đúng về cái chết, thêu dệt nên những chuyện làm tâm trí hoảng loạn, thậm chí tin vào hủ tục mê tín dị đoan để rồi càng thêm u mê.


Câu trả lời cho những thắc mắc về cái chết vẫn bỏ ngỏ, AI CŨNG LO MƯU SINH, CÓ MẤY AI LO MƯU TỬ nên càng sợ khi cái chết đến gần.


1.2 Bản chất của nỗi sợ chết

Sợ chết chẳng qua cũng chỉ là một nỗi sợ, đó là sự phát tác của tâm đối với những điều bất như ý, là bản chất của si mê trong tâm thức. Nếu chúng ta hiểu rõ sự vận hành của tâm và kiểm soát được tâm thì sẽ không còn sợ nữa.

Từ tâm thức của một đứa trẻ, ta có thể thấy được bản chất của sợ chết bắt nguồn từ sợ mất mát, sợ những đổi thay không như ý. Chúng ta cần biết rằng chính những ý niệm về sinh - tử, đi - ở, mất - còn, xấu - đẹp… đã nuôi dưỡng sự sợ hãi trong tâm hồn.

Những ý niệm ấy được nhà Phật tổng hợp thành 8 ngọn gió đời bao gồm: “được- mất, khen - chê, vui - buồn, sướng - khổ.


Những ngọn gió ấy luôn thổi qua làm đời sống biến chuyển không ngừng. Đó là những thuận nghịch trong cuộc đời khiến chúng ta chao đảo, làm mất đi sự tĩnh tại và bình an nơi tâm.


Chính vì sự chao đảo này khiến ta chỉ thấy khổ đau vì không được như ý muốn, nó góp phần nuôi lớn tâm si - sự sợ hãi trong tâm trí. Khi bất như ý, ta đau khổ vì không có được thứ mình muốn, nhưng nếu được như ý ta vẫn khổ vì sợ mất, lo giữ chặt không buông.


Người nào không hiểu tính vô thường của 8 ngọn gió đời, khó chấp nhận những đổi thay, không chịu được những điều bất như ý thì tâm si càng lớn, nỗi sợ càng lớn.




2. Cái chết và vô thường

Vô thường là gì? Là sự thay đổi, không trường tồn, là đặc tính căn bản của mọi sự - luôn tuân theo quy luật sinh tồn của mọi sự vật, hiện tượng “thành, trụ, hoại, không”. Không có sự vật nào bất biến trong hai thời điểm nối tiếp nhau.


Chết là giai đoạn cuối, là “không” hay còn gọi là “diệt”. Bởi vậy người ta cũng hay nói chết là vô thường, hay nguyên nhân của chết là do VÔ THƯỜNG.

Vô thường là không có gì tồn tại mãi, mục đích của chết là để làm cho sự vật ấy biến đổi.

Hiểu về chết trong vô thường không chỉ ngụ ý về cái chết của con người mà còn là sự mất đi, biến đổi của bất kỳ sự vật hiện tượng nào trên thế gian.

Vô thường làm cho mọi sự đều có cơ hội mới, thế nên nhờ chết đi mới có sự sống mới hay nói cách khác “chết là sự khởi đầu của một cái mới”.

Thật vậy, quan sát lên bầu trời, ta cũng cảm nhận được sự vô thường và thấy cả sự chết đang diễn ra.


Đám mây trên trời tạo nên những giọt nước rớt xuống thành mưa, đám mây đã chết để mưa sinh ra, mưa rơi xuống hòa vào sông thành nước. Nước theo sông suối đi vào đời sống con người, hòa tan và thấm đẫm tạo ra bao hình hài khác nhau rồi lại thành sương khói bay lên.

Cứ thế vạn vật biến chuyển trong dòng chảy không ngừng nghỉ của vô thường. Khi chúng ta hiểu về vô thường thì sẽ không còn buồn đau khi mất đi thứ gì đó, nhìn sâu để thấy được sự tiếp nối của thứ mất đi, như vậy sẽ không còn thấy sự mất mát nữa. Mọi thứ không tồn tại mãi nhưng tiếp nối với nhau.

“Nếu ai đó chết đi, hãy nhìn sâu vào thực tại, bạn sẽ thấy biểu hiện của họ từ những việc họ đã làm, những nơi họ từng đi, những lời đã nói những gì in sâu trong tâm trí bạn. Nếu nhìn sâu như vậy, bạn sẽ vượt thoát khỏi khổ đau, sợ hãi và tuyệt vọng


- Thiền sư Thích Nhất Hạnh.




3. Cái chết có sự sống không?

Chết có cảm giác như thế nào, thực sự về không, không còn cảm thấy gì cả, hay sẽ đi về một nơi đẹp đẽ nào đó? Có lẽ khi ấy, ta thấy mình nhẹ như một cơn gió, khép mắt lại, ít phút thôi, một người phụ nữ khác sẽ sinh ra ta …và một kiếp sống mới bắt đầu.

Chúng ta thường hay tưởng tượng về cái chết của mình với những điều tiêu cực. Tuy nhiên nếu nhìn sâu để thấy rõ trong cái chết, sự sống vẫn tồn tại thì chết không thực sự là mất đi.

Chúng ta nhìn thấy chết ở hai trạng thái: một là kết thúc sự sống, khi con người ngừng thở, con vật chết đi, bông hoa héo tàn; hai là chết khi sự sống đang tiếp diễn, đó là sự ngừng lại, thay đổi, thay thế, tiếp nối của các phần tử, tế bào, ý nghĩ, hành động hay sự việc.


Nếu quan sát thấy được trạng thái chết khi sự sống đang tiếp diễn, điều đó chứng minh rằng “kết thúc một cuộc đời chưa phải là chết”.

3.1 Luân hồi - Chết không phải là hết

Có không ít những hiện tượng kỳ lạ xảy ra như người mới chết sống lại, những nhà ngoại cảm tiếp xúc được với linh hồn của những người đã chết, những hiện tượng nhớ lại được kiếp sống trước…

Ngày nay, khoa học cũng đã thực hiện được rất nhiều nghiên cứu về trải nghiệm cận tử của con người. Số lượng nghiên cứu lên tới hàng ngàn ca và có một hiệp hội chuyên khảo cứu về hiện tượng cận tử này gọi là IANDS. Trong báo cáo họ kết luận, khi chết não bộ và cơ thể ngừng hoạt động, nhưng ý thức thì vẫn tồn tại để trải nghiệm sự sống tiếp theo, nhận biết được tất cả những gì đang diễn ra xung quanh.

Trong các cuốn sách tâm linh cũng kể lại rất nhiều câu chuyện thú vị, sống động về những kiếp sống luân hồi, như “Muôn kiếp nhân sinh” của giáo sư John Vũ, “Kiếp nào ta cũng tìm thấy nhau” của Brain L.Weiss.


Hay rất nhiều những ghi chép của các nhà nghiên cứu, tâm thần học, bác sĩ y khoa đã mở ra những khám phá rất mới lạ và màu nhiệm về luân hồi, hay một đời sống mới sau khi chết.

Những hiểu biết về sự sống hay cái chết đã được thừa nhận và mô tả trong kinh sách của các Tôn giáo qua hàng ngàn năm.

Người Tây Tạng đã gìn giữ những tinh hoa của Phật Giáo về sinh tử như một nền văn hóa tâm linh trong đời sống.


Trong khi phần lớn thế giới vẫn bàng hoàng khi thấy cái chết diễn ra thì người dân ở đây không sợ chết. Họ coi cái chết là cơ hội để được giải thoát khỏi luân hồi hay được tái sinh sang một kiếp sống mới. Đối với họ, chết như một sự chuyển sinh tất yếu của quy luật vô thường.


Trong Phật Giáo, cái Chết cũng như sự Sống, là một quy luật của nhân sinh. Đức Phật sau chứng kiến bốn nỗi khổ lớn của kiếp người “sinh, lão, bệnh, tử”, nhìn thấy sự luân hồi của chính mình qua nhiều kiếp sống khác nhau. Ngài cũng nhìn thấy sự luân hồi của chúng sinh nên tìm con đường chấm dứt luân hồi để không còn khổ đau sinh tử.


Đức Phật dạy, tất cả mọi sự sống biểu hiện được là do Nhân Duyên hợp thành, khi nhân duyên hội tụ thì sự sống khởi sinh, khi nhân duyên tan rã thì sự sống hoạt diệt.


Vòng luân hồi lặp đi lặp lại là do sự vận hành của Nhân Duyên mà ra Quả.


3.2 Tái sinh - chết là khởi đầu của một cái mới

Chết không phải là hết vì chẳng có cái gì đã sinh ra lại tự mất đi. Khoa học đã chứng minh, vật chất mất đi sẽ còn năng lượng, năng lượng tích tụ lại hình thành vật chất. Nguồn năng lượng sống của con người khi đủ duyên hình thành trở lại, đó là sự tái sinh.

Tái sinh giải thích cho việc tại sao thiên tài từ nhỏ đã có những khả năng phi thường. Khả năng của con người không phải do não bộ phát triển, hay tri thức mà là do trải nghiệm mới có được.

Vì thế một thiên tài nhỏ tuổi có được sự hiểu biết vượt bậc là do kiến thức từ nhiều kiếp trước gom góp lại. Tất cả những kinh nghiệm sống hay tri thức nhiều đời được lưu lại trong tiềm thức hay nhà Phật gọi là A lại da thức.


Câu chuyện về sự tái sinh của những Đạt-Lai-Lạt-Ma Tây Tạng cũng phần nào hé lội cho chúng ta về bí ẩn sau cái chết.

Người có tâm thức cao sẽ ý thức rõ mục đích tái sinh để tiếp tục những mục tiêu còn dang dở, để học hỏi và tiến hóa cho đến khi họ biết được những sự thật của thế gian.


Cho nên các vị Đạt-Lai-Lạt-Ma trước khi chết sẽ để lại đồ vật làm dấu hiệu nhận biết để giúp mọi người tìm thấy mình sau tái sinh. Truyền thống này ở Tây Tạng được truyền đời, và vị Đạt-Lai-Lạt-Ma hiện nay là vị thứ 14 (tái sinh đời thứ 14).


Qua đó chúng ta thấy, sự tái sinh mở ra cho chúng ta một sự hiểu biết mới về sự liên hệ giữa hai kiếp sống, nên làm thế nào để chúng ta có thể hạnh phúc trong kiếp này và cả kiếp sau. Vì khi tái sinh, những thiện ác đã làm trong kiếp sống cũ sẽ tái sinh theo trở thành biểu hiện trong kiếp sống mới theo đúng quy luật nhân quả.


Do đó, để có một khởi đầu tốt đẹp cho một cái mới thì ngay trong giây phút hiện tại, chúng ta chỉ cho phép những tâm ý thiện lành, những ý nghĩ tốt đẹp, những hạt mầm hạnh phúc được tái sinh. Cho nên, chết ra sao không quan trọng bằng việc chúng ta sống như thế nào trong hiện tại.

Để những gì đẹp đẽ nhất trong kiếp này có thể truyền lại cho con cháu mai sau, và để những quả ngọt kiếp sống này đi cùng chúng ta qua đến kiếp sống sau.


3.3 Không sinh không diệt đừng sợ hãi

Nếu luân hồi và tái sinh giúp chúng ta không còn sợ khi nghĩ về cái chết, thì quay về với giây phút hiện tại sẽ giúp chúng ta tạo nên những ý niệm an lành để sống trọn vẹn và hạnh phúc trong đời sống này.


Trong cuốn sách “Không sinh không diệt đừng sợ hãi”, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã đem đến cho chúng ta sự hiểu về cái chết một cách lạc quan, màu nhiệm nhưng rất chân thực theo đúng quy luật tự nhiên. Thiền sư chỉ rõ mọi sự vật đều vô sinh bất diệt, không có sinh ra thì sẽ không có mất đi.

Ngài thay thế từ sinh ra bằng từ biểu hiện để diễn đạt đúng quá trình tồn tại và biến đổi chứ không hề sinh diệt.


Khi có mặt đầy đủ các điều kiện cần thiết thì sự biểu hiện diễn ra, khi điều kiện không còn phù hợp thì không thấy được sự biểu hiện ấy nữa. Nên mọi sự việc đều vô sinh và bất diệt. Chúng ta không hề sinh ra vì trước đó chúng ta đã tồn tại, cũng không hề chết đi vì chúng ta còn tiếp tục ở một hình thái mới.


Như cây hoa đào chỉ nở khi tiết trời ấm áp. Trời trở lạnh, những bông hoa ấy héo và chết, như vậy khi nhân duyên hết, thì sự sống ấy cũng dừng lại. Nhưng đến một thời điểm thích hợp, sự sống lại tiếp tục biểu hiện, khi tiết trời ấm, hoa lại trổ bông.


Con người chúng ta cũng vậy, khi đầy đủ nhân duyên thì sẽ được sinh ra, trải qua một kiếp nhân sinh, khi những nhân duyên đã hết, chúng ta rời đi và sẽ như bông hoa đào, chỉ trở lại khi đã sẵn đủ điều kiện của một đời sống mới.

Sự sống là sự biểu hiện của sự vật khi nhân duyên đầy đủ, chết là khi đã hết nhân duyên. Đó là pháp mà Đức Phật đã chỉ ra, nên không có mất đi đâu cả, chỉ có thấy hay không thấy biểu hiện của sự vật mà thôi.


Ở một góc nhìn khác, khi người thân chết, chúng ta vẫn còn nhìn thấy những biểu hiện của họ trong ký ức, những việc họ làm, những thứ họ trao, những nơi họ đến, những lời họ nói.

Như vậy, không biết khi nào họ sẽ tái sinh hay biểu hiện trở lại ở một hình thái khác, chỉ cần biết chúng ta vẫn thấy những biểu hiện của họ còn ở đây, thậm chí trong chính huyết mạch của chúng ta, vậy thì họ cũng không thực sự mất đi đâu cả, chúng ta cũng không còn quá đau buồn.

Sống và chết diễn ra trong cơ thể chúng ta mỗi ngày đêm. Bất kỳ lúc nào cũng có nhiều tế bào chết và nhiều tế bào mới ra đời. Tâm ta cũng vậy, các ý nghĩ đến rồi đi. Các cảm xúc sinh ra rồi diệt. Biểu hiện, ngừng biểu hiện, liên tục tiếp nối nhau. Không có sinh, không có diệt, chỉ có sự chuyển hóa tiếp tục mà thôi”.


Lý giải của Thiền Sư về Sinh Tử thật giản dị, không nằm ngoài sự vận hành của quy luật tự nhiên, nhìn đâu cũng thấy Sinh Tử luôn luôn tiếp nối. Chết cùng tồn tại nghĩa là nó đang sống trong dòng chảy của muôn kiếp nhân sinh.



3.4 Trân trọng sự sống

Hiểu về sự sinh diệt của Vô Thường bạn sẽ thấy cái cái chết không còn xa lạ, đáng sợ nữa. Trái lại, chúng ta sẽ trân quý hơn những giây phút sống hiện tại, vì nếu chết mọi thứ sẽ thay đổi, thì sự sống trong giây phút này là thứ quý giá nhất.

Người ta thường chạy tìm hạnh phúc ở tương lai và tiếc nuối những ngày tháng tươi đẹp đã qua. Nhưng thực ra thời gian tươi đẹp và giá trị nhất không phải đã qua mà là những giây phút hiện tại. Vì không ý thức được về sự vô thường nên ta đã bỏ lỡ hiện tại.


Vì nếu biết không gì là trường tồn, bên nhau cũng không mãi mãi thì chúng ta sẽ biết yêu thương, chăm sóc nhau từng phút giây, biết sống như hôm nay là ngày cuối được bên nhau.

Nếu giả sử như bạn chỉ còn một ngày để sống, bạn sẽ làm gì? Điều đáng làm nhất có lẽ là trao trọn vẹn tình thương cho những người thân yêu. Nếu chết đi, chắc gì đã còn gặp lại thì hiện tại này là cơ hội duy nhất để ta được hạnh phúc bên nhau.

Trăm năm trước thì ta chưa gặp
Trăm năm sau biết có gặp không
Cuộc đời sắc sắc không không
Thôi thì hãy sống hết lòng với nhau
- Trích trong Thư Pháp Việt -

Khi biết trân trọng cuộc sống của nhau, chúng ta mới có chất liệu để nuôi lớn cây TÌNH THƯƠNG. Chỉ có tình thương mới giúp chúng ta đón nhận được khổ đau, thậm chí là cái chết.

Khi biết trân quý những giây phút hiện tại, chúng ta sẽ biết sống ý nghĩa hơn để chẳng có gì phải nuối tiếc khi chết đi. Có thêm tình thương, chúng ta mới dám thực hiện những mơ ước, trải nghiệm những bài học đáng giá, khám phá bản thân và nhìn rõ chính mình.


Khi nhìn chân thật vào hiện tại sẽ hiểu rõ chính mình, rõ tâm hồn trong thân thể là lúc sống tỉnh thức, quan sát được tâm. Tâm sáng suốt phát sinh trí tuệ, sự hiểu biết tột độ chỉ dành cho con người. Khi ấy, chúng ta sống một cuộc đời đầy ý nghĩa thì dù có chết cũng không có gì phải hối tiếc.

Con đi chưa tới nơi con cần trở về
Chưa nhìn thật rõ tâm hồn con trong thân thể
Và trời ơi, con không muốn con sẽ chết trong u mê
-Đen Vâu-

Cho nên, vì một mai sẽ chết nên chúng ta biết trân quý hiện tại, trân quý hiện tại nên biết sống tỉnh thức, sống tỉnh thức nên có trí tuệ, có trí tuệ thì chết không hề hối tiếc.


Hãy học cách sống hạnh phúc, bình an ngay hôm nay. Hãy tập nhìn sâu để hiểu được bản chất thật của sinh tử, như vậy bạn sẽ được chết bình an, không sợ hãi. Đấy là điều ai cũng có thể làm được”.


-Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

4. Tạm biệt nỗi sợ chết

Dưới đây mình xin chia sẻ 5 gợi ý giúp bạn vượt qua nỗi sợ chết, từ đó bạn sẽ có tâm thế sẵn sàng đối diện khi những bất như ý xảy đến.

4.1 Hít thở

Theo dõi hơi thở là phương pháp quan sát tâm, giúp tâm an tĩnh và không suy nghĩ lung tung. Những người thường xuyên thực hành phương pháp này sẽ có khả năng kiểm soát tâm và tỉnh giác trong thực tại để không bị những nỗi sợ dẫn dắt.

Thế nên, khi cảm thấy sợ hãi hay bất an hãy lập tức hít thật sâu, thở ra nhẹ nhàng và cố gắng theo dõi theo hơi thở cho đến khi nỗi sợ được kiểm soát. Chỉ cần như vậy đã có thể giúp bạn an tịnh trở lại, không chỉ nỗi sợ mà cả nỗi đau cũng sẽ giảm xuống.

Những người thường thực hành thiền, quan sát tâm, theo dõi hơi thở có thể tự kiểm soát được nỗi sợ như một phản xạ, giúp tinh thần an tịnh và bình an trong mọi phút giây.

4.2 Tâm niệm

Niệm danh hiệu Phật, hay danh hiệu của một vị Bồ Tát hay một vị Thánh nào đó tùy theo tôn giáo của bạn, hoặc ít nhất một câu thần chú hay một câu châm ngôn sẽ giúp bạn thức tỉnh trở lại.

Những vị Phật hay Bồ Tát mang năng lượng yêu thương, chữa lành mà chỉ cần nghĩ đến cũng khiến bạn xóa tan những lo sợ, muộn phiền.


Khi thực hành niệm tưởng chính là niệm PHẨM CHẤT tốt đẹp của các bậc thánh, từ đó cũng đánh thức những phẩm chất tốt đẹp vốn có thức dậy trong bạn mà sinh ra năng lượng tích cực.

Năng lượng ấy sẽ ngay lập tức thay thế cho những u ám và sợ hãi. Bạn có cảm giác được bảo vệ, che chở, yêu thương và chẳng còn sợ hãi nữa.


Đây cũng là một phương pháp rất ý nghĩa đối với những người sắp từ giã cõi đời để giúp họ không còn hoảng loạn.

Những người thường thực hành phương pháp niệm Phật thậm chí còn có thể tự hóa giải những nỗi sợ đến trong giấc mơ, bất giác niệm Phật như tự tánh vốn đã có Phật trong tâm.

4.3 Yêu quý sinh mạng

Nhân quả đã chỉ rõ rằng “Gieo nhân nào thì gặt quả ấy”. Nếu chúng ta biết yêu quý sinh mạng của bất cứ ai hay bất cứ sinh vật nào thì mạng sống của chúng ta cũng được che chở.


Thế nên, thấy người cứu người, thấy kiến cứu kiến, thậm chí cả cây cỏ, miễn đó là sự sống. Sinh mạng là thứ quý giá nhất trên đời, thế nên biết yêu quý sinh mạng mình thì cũng nên trân trọng sự sống của bất cứ loài sinh vật nào xung quanh.

4.4 Làm quen với thần Chết

Khi mình ngủ, tâm thức tạm thời rơi vào trạng thái như người chết vậy. Nên có thể tưởng tượng ngày mình rời xa thế gian như đang chìm vào giấc ngủ.

Mỗi tối sau khi thực hành hít thở hay tâm niệm, hãy nhắm mắt và làm quen dần với việc Chết. Khi không còn sợ chết nữa, năng lượng vô thường như tiếp sức mạnh cho chúng ta tự tại trước sinh tử.

Hoặc hãy tập sống như hôm nay là ngày cuối cuộc đời thì chết chỉ là ngưỡng cửa ra vào mà thôi. Có thể tham gia các buổi hộ niệm cho người sắp chết ở chùa để chứng kiến và có trải nghiệm để không còn thấy sợ chết.

4.5 Tâm trong sạch

Sống ngay thẳng và thiện lành, không làm điều gì có lỗi thì chẳng sợ hãi bất cứ điều gì. Người lương thiện không những được mọi người yêu mến, chở che mà Thần Chết cũng kính nể. Thế nên, chỉ cần nhớ Không làm các điều ác, chỉ làm các việc lành, giữ tâm ý trong sạch” thì chẳng còn sợ gì cả.


Khi không còn sợ, chúng ta sẽ biết cách đối diện với cái chết, đối diện với những nỗi sợ trên đời, đối diện với tất cả những nỗi khổ đau.


Nếu chết bạn còn không sợ thì chẳng có điều gì trên thế gian khiến bạn sợ hãi nữa. Tâm thức của bạn đã vượt thoát lên một bình diện mới, không còn nỗi sợ trong tâm, tự do thực sự sẽ tới với bạn, tâm trí được trải rộng đến những miền hiểu biết mới mà chính bạn cũng không thể tưởng tượng được.

Khi ấy, cuộc đời là một sự nhiệm màu mà Chết là bước đánh dấu sự chuyển biến màu nhiệm ấy.


(Còn tiếp … Làm sao để có Cái Chết tự tại)


Nội dung: Từ Hân - Học viên Content 3 Gốc

Biên tập: Khánh Vi

Hình ảnh: Trúc Phương