TRỌN VẸN TRONG GIÂY PHÚT HIỆN TẠI, CHẾT KHI NÀO CŨNG ĐƯỢC
Phần I, chúng ta đã được tìm hiểu về bản chất của chết để không còn sợ hãi. Như thay một chiếc áo đã cũ mòn theo thời gian, chết để từ bỏ một cơ thể già nua, tạm biệt những nỗi đau bệnh tật và những nỗi khổ của cảm thọ thì đó thật sự là một phước lành.
Tuy nhiên, chúng ta sẽ thực sự giải thoát hay lại tiếp tục trầm luân trong một kiếp sống đầy khổ đau nữa thì cần phải BIẾT SỐNG sao cho trọn vẹn một kiếp người để không phải hối tiếc khi kết thúc hành trình này.
MỤC LỤC
----------
Cuộc sống này chính là cơ hội trải nghiệm và phát triển để bản thân tiến lên một bản thể mới. Như sự tiến hóa của mọi loài sinh vật đang diễn ra từ hàng triệu năm qua, chắc chắn loài người cũng sẽ có nhiều thay đổi dưới sự vận hành của tạo hóa. Từ thời cha mẹ so với chúng ta thôi đã có rất nhiều điểm khác xa nhau. Vậy thì trải qua nhiều kiếp sống, loài người cũng có những biến đổi không ngờ, cả về hình thức và tâm thức. Và chết là bước ngoặt đánh dấu những sự chuyển biến ấy.
Muôn loài, tất cả đều vận hành theo cùng một quy luật Sinh-Diệt như nhau. Muốn biết ai đó sống ra sao, hãy chứng kiến cái chết của họ. Hay nói cách khác, sống như thế nào thì chết như thế ấy.
Thế nên, để có một cái chết tự tại - sống phải nhẹ nhàng. Sự nhẹ nhàng ở đây bao gồm một đời sống tinh thần tự do, tràn đầy tình thương nhân loại và vượt thoát mọi cám dỗ, ràng buộc của thế gian. Với một đời sống nhẹ nhàng thì cái chết không buồn đau mà còn có niềm an lạc.
Những yếu tố cấu thành “Con người”
Có khi nào bạn bắt gặp những điều bất thường xảy ra, mơ đến những nơi xa lạ hay gặp một ai đó rất quen mà không biết đã gặp ở đâu?
Có khi nào cảm giác như vẫn đang nhìn thấy, nghe thấy rõ mọi thứ nhưng không thể cử động được khi bị bóng đè?
Có khi nào bạn rơi vào trạng thái, một hình ảnh cứ tua đi tua lại như cuộn băng bị kẹt trong trí não khi bị gây mê?
Chúng ta sẽ ra sao khi bất thình lình rơi vào một khoảng không gian hoàn toàn khác lạ, hoang mang, bàng hoàng khi nhìn thấy chính mình đang nằm bất động?
Khi ấy mới nhận ra, ta chẳng biết gì về chính bản thân, chẳng chuẩn bị gì khi cái chết tới. Có điều gì đó đang chi phối kể cả khi ý thức không còn?
Con người, ngoài thân thể này còn có tinh thần, tất cả được tạo bởi một nguồn năng lượng diệu kỳ, đó là năng lượng của sự sống hay còn gọi là sinh lực. Nguồn năng lượng ấy do chính chúng ta tạo ra trong đời sống này và còn bắt nguồn từ năng lượng nghiệp quả luân hồi sang.
Như vậy, ta tồn tại được nhờ 3 yếu tố: thân thể, tinh thần và năng lượng sống. Khi chết đi, cơ thể trở về với cát bụi, năng lượng chuyển hóa thành “nghiệp quả” tái sinh sang đời sống mới.
Chúng ta thường chỉ quan tâm đến những gì nhìn thấy được là thân này, CƠ THỂ này, vẻ đẹp này, bề ngoài này mà ít khi quan tâm đến TINH THẦN cũng như NĂNG LƯỢNG chi phối tất cả.
Thân thể
Thân thể con người được cấu tạo từ tứ đại “đất, nước, gió, lửa”. Thế nên khi chết, những yếu tố này cũng lần lượt trở về tứ đại, trở về với trái đất.
Chúng ta đến như thế nào thì ra đi như thế ấy. Các bộ phận và chức năng kèm theo sẽ lần lượt dừng lại, sinh lực cũng rời đi. Có 5 dạng năng lượng cơ bản nuôi sống tinh thần và thể xác, chúng mất đi theo từng giai đoạn như sau.
1, Gió: Biểu hiện của năng lượng gió trong cơ thể là hơi thở. Khi hơi thở ngưng, hệ hô hấp dừng hoạt động. Gió đi ra, người chết thở ra và không hít vào nữa.
2, Lửa: Năng lượng Lửa cung cấp nhiệt cho cơ thể. Nhiệt mất khiến cơ thể lạnh và cứng lại.
3, Đất: Năng lượng Đất cấu tạo nên cơ thể. Mặc dù đã tắt thở và cơ thể nguội lạnh, người chết vẫn còn cảm nhận được những cảm thọ trên thân thể. Khi năng lượng đất rời đi, lúc đó các bộ phận trên thân xác mới không còn cảm giác gì nữa.
4, Hồn (năng lượng của tinh thần): Phần hồn như những khoảng không khiến cơ thể được nâng lên, nhẹ nhàng và bay bổng. Khi phần hồn rời đi, sức nổi của cơ thể mất, thân thể người chết trở nên nặng hơn.
5, Nước: Nước rời đi sau cùng, các kết cấu trong cơ thể tan rã. Khi ấy, có thể thấy nước ở một số bộ phận vỡ ra (máu ở mũi…).
Khi hơi thở dứt và tim ngừng đập mới chỉ là phần chết của thân thể (giai đoạn 1). Đến giai đoạn 5, khi Hồn rời đi, mới coi là đã chết. Thời gian để một người thực sự chết hẳn tùy thuộc vào thần thức của họ mạnh hay nhẹ.
Trên thế giới đã ghi nhận một số trường hợp ngừng thở, tưởng đã chết nhưng sau đó sống lại, gọi là hiện tượng chết lâm sàng. Một số người kể lại rằng, họ thấy mình được bao trùm bởi luồng ánh sáng êm dịu, tinh khiết và nhận được sự chỉ dẫn về mặt tinh thần. Tất cả đều cho biết chết không phải điều ghê gớm, đáng sợ như mọi người vẫn nghĩ mà chỉ là sự chuyển tiếp, một kinh nghiệm tâm linh mà ai cũng sẽ trải qua.
Hiện tượng ấy là khi họ chưa thực sự chết, khi năng lượng gió phân tán, khi gió tụ về họ sống lại. Ít nhất, những hiện tượng hy hữu đó cho chúng ta biết cảm giác giai đoạn 1 của Chết.
Tinh thần
Tinh thần hay đó chính là ý thức, là tâm, là suy nghĩ, thái độ định hướng cho mọi hoạt động của thân. Khi chết, tinh thần chuyển hóa thành Thần Thức (nghĩa là khi Tinh thần thức tỉnh).
Chúng ta có thể hình dung về sự tách biệt của thân thể và tinh thần qua một số hiện tượng lạ thường xảy đến, như:
Khi ngủ mơ, một phần linh hồn rời thể xác lang thang trong cõi tinh thần. Khi tỉnh lại, phần hồn trở về thân thể nếu đúng lúc cơ thể cũng thức thì đó là một giấc mơ, nếu muộn hơn thì thân thể không thể cử động, mê man và trĩu nặng, cảm giác có nhận thức mà không thể phản ứng được. Người ta gọi cảm giác ấy là bóng đè, khi phần tinh thần và thân thể chưa tương thích hoàn toàn.
Tinh thần chỉ được quan tâm đến khi chúng ta đau khổ, tuyệt vọng, sợ hãi. Do đó, khi người ta khổ mới biết quay về chăm sóc tâm. Khi chăm sóc tâm một cách sâu sắc, chúng ta mới khám phá ra tinh thần có những khả năng vô cùng kỳ diệu.
Nếu thân thể có mắt để nhìn, thì tinh thần thần cũng có khả năng nhìn thấy những thứ mà mắt thường không thể thấy được, “mắt của thân chỉ nhìn thấy thân, mắt của tinh thần nhìn thấy tinh thần” (con mắt thứ 3 hay còn gọi là con mắt tâm thức). Ta tiếp xúc được những vật chất hiện hữu còn tinh thần cũng có khả năng cảm nhận được những thứ không phải vật chất. Tương tự như vậy cho tất cả các giác quan, tinh thần đều có khả năng tương tự nhưng ở một chiều không gian bao la và rộng lớn hơn.
Phát triển tinh thần để có một trí tuệ vượt bậc, khai phá những khả năng tiềm ẩn vô tận. Khả năng của thân có giới hạn, nhưng tinh thần vô cùng kỳ diệu và ở phạm vi rộng lớn hơn, có thể di chuyển trong tích tắc, có thể xuyên qua mọi vật, có thể nghe và nhìn thấy những thứ xa vô tận…
Nhờ khai mở được những khả năng tinh thần, tiếp xúc với linh hồn người chết mà một số vị chân sư Tây Tạng đã nghiên cứu về đời sống bên kia cửa tử để cho chúng ta có cái nhìn chân thật hơn về những gì xảy ra sau khi chết. Những kinh nghiệm đó được ghi chép trong cuốn Tử Thư Tây Tạng. Bất kể người Tây Tạng nào cũng đều hiểu rõ về cái chết và xem đời sống này như một trường học, thân thể này phục vụ cho tinh thần. Cho nên, mục đích sống của họ là để tinh thần được phát triển, học hỏi, trưởng thành và tiến hóa.
Khi các giác quan thân thể tan rã thì giác quan tinh thần được khơi dậy (Thần Thức), nên người mất có thể đọc được tư tưởng người khác, di chuyển tức thời, thấy được quá khứ, tương lai... Khi chết đi, các linh hồn đều có khả năng này, tuy nhiên mức độ khác nhau tùy thuộc vào tâm thức và đạo hạnh của mỗi người. Một điều kỳ diệu là trong chúng ta đều có những khả năng ấy nhưng không biết cách khai mở và sử dụng. Đó cũng là lý do tại sao những vị tái sinh có thể luân hồi tự tại, bởi ở họ đã phát triển được các giác quan của tinh thần.
Để có thể khai mở được các giác quan tinh thần thì trước hết chúng ta phải kiểm soát được các giác quan thân thể trong trạng thái Tịnh - Tịch (an tịnh - rỗng lặng). Có thể cảm nhận điều này trong trường hợp khi ngủ, các giác quan thể xác rơi vào tĩnh lặng, khi ấy các giác quan tinh thần bỗng trở nên sống động, nên có thể mơ ngủ và được trải nghiệm về thế giới tinh thần, mơ gặp người thân đã mất, hay mơ về những trải nghiệm chưa từng…
Bởi có thân xác và tinh thần hoàn toàn tách biệt nên chúng ta luôn có cái nhìn hai mặt vào đời sống. Nhưng chúng ta chỉ nhận thức được những điều ghi nhận bởi các giác quan của thân, quy chụp vấn đề chỉ dựa trên mắt thấy tai nghe, thiếu giác quan tinh thần nên không đạt được sự hiểu biết toàn diện. Vì vậy, những người đã phát triển các giác quan tinh thần đều có những hiểu biết rất sâu sắc và toàn diện.
Để những hiểu biết về Chết không còn là một bí mật, khoa học cần thực sự phát triển hơn nữa, chứng minh sự tồn tại của linh hồn sau khi chết. Nhưng trước khi điều ấy xảy ra, những người có đời sống tinh thần cao, ý thức về sinh tử đã tự đi trước tìm câu trả lời cho bản thân để không còn sợ hãi, an lạc khi sống và tự tại khi chết.
Đối với những người tìm đến tâm linh, họ còn có mục tiêu tối thượng hơn nữa đó là tìm được chìa khóa phá vỡ luân hồi, nghiệp quả để không còn tái sinh, hoặc tái sinh được như ý nguyện, khi ấy họ đã làm chủ sinh tử “tử sinh chỉ là cánh cửa ra vào”.
Bên kia cửa tử
“Đức Karmapa là vị tái sanh thứ 17 thuộc dòng truyền thừa Karmapa từ thế kỷ thứ 12, là dòng tái sinh nhiều lần nhất cho đến nay và đã được Đức Đạt Lai Lạt Ma 14 xác thực. Đức Karmapa sanh ngày 26 tháng 6 năm 1985 tại Kham với đầy đủ dấu hiệu cát tường có thể thấy của một vị thánh tăng khi tái sanh”.
Như vậy, có không ít những vị tái sinh hiện diện trên thế gian chứng minh một sự thật rằng Chết không phải là hết mà là sự tiếp nối. Điều đó nhằm mục đích gì? Có phải để dạy cho chúng ta biết cách sống một cuộc đời có ý nghĩa? Tại sao những vị tái sinh có thể luân hồi tự tại? Chúng ta thì sao?
Chết là trải nghiệm chưa ai từng, nên chắc chắn không khỏi bàng hoàng khi rơi vào trạng thái lạ lùng ấy. Thế nhưng, những người theo lối sống phát triển tinh thần, họ luyện nhập định khi Thiền và có được khả năng quen với cảm giác khi thân hoàn toàn bất động, hơi thở nhẹ như không, và tinh thần hoàn toàn tự do, tỉnh thức và chủ động. Vì vậy, các vị sư thường nhập thiền vào giây phút lâm chung.
Hiện nay, với nhiều những biến động của tự nhiên và nhân sinh, con người ngày càng khao khát khám phá những bí mật của đời sống để ngày càng hiểu biết hơn. Đó là những tìm hiểu về chính con người, sống thế nào, chết ra sao, rồi đi về đâu? Câu trả lời ấy dành cho những ai có khả năng phát triển các giác quan tinh thần, đi trên con đường tìm đến trí tuệ, đến minh triết đời sống và tìm hiểu các quy luật tự nhiên.
Ngày càng nhiều những nghiên cứu và khám phá về tiềm năng con người, những khả năng tiềm ẩn hay những hiện tượng kỳ lạ trong đời sống. Rất nhiều những vị chân sư, nhà tri thức, nhà nghiên cứu đã tự mình tìm hiểu và chia sẻ những trải nghiệm của họ cho thế giới. Chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy nhiều sách báo và ghi chép về những trải nghiệm này.
Một trong những cuốn sách rất thú vị, dễ dàng tìm thấy là Trở Về Từ Cõi Sáng - do tác giả Nguyên Phong tập hợp và phóng tác. Mục đích cuối cùng của những lí giải trong cuốn sách này là để sống một cuộc đời nhẹ nhàng, giải tỏa chính mình khỏi những áp lực vật chất khi còn tồn tại và để ra đi tự tại.
Chết đi về đâu?
Đây chắc hẳn là câu hỏi khó nhất của đời người!
Điều gì chứng minh chúng ta đã luân hồi từ một kiếp sống trước? Chúng ta có thể cảm nhận thấy những dấu vết luân hồi còn lưu lại trong tâm thức như: cảm thấy có một sự liên hệ mạnh mẽ với ai đó, không hiểu tại sao sợ độ cao, ghét một cái gì đó kinh khủng… Chúng là những trải nghiệm tiền kiếp còn lưu lại trong tàng thức.
Như vậy khi luân hồi qua một kiếp sống khác, linh hồn khi ấy vẫn là ta hay có gì khác? Cũng như thể xác, linh hồn cũng trải qua luân hồi và thay đổi thành những dạng thức khác nhau theo quy luật tự nhiên của vạn vật. Như vị Karmapa thứ 17 có tính cách và phong thái khác so với vị Karmapa 16 đời trước của chính mình.
Trong vũ trụ có nhiều cảnh giới để linh hồn tái sinh tùy theo rung động của tinh thần mỗi người khi mất. Những linh hồn có tần số rung động nhẹ thanh thuộc về những tinh thần tiến hóa sẽ cảm thấy an lạc vô biên, một cảm giác diệu kỳ chưa bao giờ từng trải và họ sẽ đi về nơi nguồn sáng. Đến đây thì chúng ta đã hiểu tại sao một cuộc sống nhẹ nhàng với tinh thần an lạc và sự tỉnh thức, chánh niệm có tầm quan trọng thế nào với cả sống và tới lúc chết.
Để tìm hiểu Chết đi về đâu, chúng ta có thể tìm thấy câu trả lời trong kinh sách hay ghi chép của các tôn giáo. Có nhiều quan điểm khác nhau nhưng chắc chắn một điều “sống thiện về nẻo lành, sống ác về nơi dữ” theo đúng quy luật nhân quả.
Theo quan điểm của Phật giáo, thần thức của người mất tùy theo nghiệp thiện ác sẽ sinh vào một trong sáu nẻo luân hồi: cõi trời, cõi a-tu-la, cõi người, cõi súc sanh, cõi ngạ quỷ và cõi địa ngục. Thực ra trong đời sống hàng ngày, chúng ta đã và đang trải qua những trải nghiệm của sáu nẻo luân hồi ấy. Khi niềm an vui xuất phát từ tâm định tĩnh thì ta có được cảm giác của cõi trời. Khi lòng sôi sục, hận thù thì có cảm giác như trong địa ngục. Và có những kẻ hành động thú tính không khác gì súc sinh hay tham lam vô độ như quỷ đói. Sáu nẻo luân hồi hay chính là sáu trạng thái tâm lý không chỉ có ở con người mà tồn tại trong mọi sự vật hiện tượng trong đời sống. Thiên tai, hạn hán, lũ lụt, hỏa hoạn chính là những cảnh giới xấu. Trong sáng, an lành, bình yên là cảnh giới tốt đẹp. Nhìn xung quanh ta, sáu nẻo luân hồi vốn đã hiện hữu.
Vượt qua sáu nẻo luân hồi, với một linh hồn tỉnh thức, từ bi, bác ái và không còn bị dẫn dắt bởi nghiệp quả, linh hồn sẽ về cảnh giới cao hơn, hay nói cách khác thoát khỏi Sinh Tử. Đó chính là Pháp Giải Thoát mà Đức Phật chỉ dạy.
Theo nhà Phật, cảnh giới tốt đẹp nhất gọi là Niết Bàn. Đối với các tôn giáo khác, tùy theo nhận thức, tư tưởng và văn hóa họ cũng có một cảnh giới tốt đẹp mà Đức Chúa hay Vị Thánh đã chỉ đường, một nơi để trở về hay còn gọi là Thiên Đường.
Dù theo tôn giáo nào thì cũng không nằm ngoài nhân quả, người tốt sẽ luôn được về nơi tốt, kẻ ác sẽ chịu hậu quả không thể tránh. Việc chỉ rõ ra sự thật này nhằm cảnh tỉnh con người nên hướng về nẻo lành, sống đời thiện lương và thức tỉnh mục đích sống.
Chính ý nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta trong kiếp này sẽ dẫn dắt chúng ta đi về đâu trong kiếp sau. Chúng ta hoàn toàn chịu trách nhiệm về cuộc đời của mình. Nhưng do thiếu hiểu biết về các quy luật tự nhiên nên chúng ta hành động bừa bãi, gieo đủ thứ nhân mà không biết hậu quả về sau. Đó chính là những thiếu sót lớn nhất mà loài người cần thay đổi. Những tai ương, hoạn nạn, bệnh dịch… đều do con người tự tạo ra, không trách cứ ai, đó chính là quyền lực thực thi của Luật Nhân Quả.
Do đó, chết có được về Niết bàn,Thiên đường hay không hoàn toàn do chúng ta có biết sống thiện lương và tỉnh thức.
Cận tử nghiệp
Hấp hối, giờ phút lâm chung là giai đoạn cận tử nghiệp. Đây là giai đoạn hết sức quan trọng vì nó quyết định số phận người chết trên con đường tiến hóa tâm linh.
Nghiệp gồm: tích lũy nghiệp và cận tử nghiệp. Tích lũy nghiệp là những kết quả của thân khẩu ý khi sống. Cận tử nghiệp là nghiệp tạo tác phút lâm chung. Do đó tâm trạng người chết quyết định cảnh giới mà họ sẽ đến. Điều cần thiết nhất để giúp một người sắp từ trần là làm sao để họ KHÔNG SỢ HÃI trong lúc này.
Trải nghiệm cận tử được nhiều người biết đến khi có thêm nhiều người đối mặt và kể lại giây phút này. Mỗi người sẽ có những trải nghiệm khác biệt nhưng nhìn chung, họ đều đi qua một đường hầm dài, chứng kiến một khoảng không gian sáng lòa và tận hưởng cảm giác nhẹ nhàng không tưởng. Đó là cảm giác khi năng lượng Gió phân tán. Cận tử nghiệp có thể tính từ lúc hấp hối đến khi chết hoàn toàn.
Kể cả khi hôn mê, họ vẫn có thể nghe dù không thể nhìn, hãy nói về những kỷ niệm đẹp để gợi lại những niềm vui. Hãy nói chuyện với họ hoặc nhờ một vị Thầy có hiểu biết khai thị để chuyển giao cho họ những tư tưởng tốt lành, những rung động đẹp để họ cảm thấy được an lạc trong giai đoạn quan trọng này.
Những điều cần lưu ý trong giây phút cận tử nghiệp:
Yên lặng, chăm chú lắng nghe và không phản ứng
Nhớ lời Phật dạy “chúng sanh là Phật sẽ thành”, coi người sắp mất cũng là một vị Phật trong tương lai để khơi gợi lòng yêu thương, kính trọng với người đang hấp hối.
Khơi gợi những điều thiện
Không chú ý những tội lỗi mà họ thổ lộ, chỉ chú trọng đến những niềm vui, những việc làm họ tự hào và hãy khuyến khích họ nghĩ về những điều tốt đẹp mà họ đã có để những chủng tử thiện nảy nở trong giây phút cận tử nghiệp.
Khi ngồi bên người hấp hối, nếu chúng ta có thể giữ được sự bình tĩnh, và giúp họ cảm nhận được điều đó thì đã giúp người ấy ra đi được an nhiên.
Đối với những người theo đạo, niệm Phật hay cầu nguyện là vô cùng cần thiết để tâm họ an tịnh, khơi dậy những hạt giống hạnh phúc sẽ giúp họ bớt khổ đau và không sợ hãi.
Tìm hiểu về cận tử nghiệp để chúng ta biết KHÔNG SỢ HÃI quan trọng như thế nào đối với sự ra đi. Đây là giai đoạn tối quan trọng quyết định SINH TỬ của đời người, họ sẽ về đâu trong sáu nẻo luân hồi. Trong giai đoạn này, nếu họ khởi sinh những niệm thiện lành hay có được tâm ý thanh tịnh sẽ giúp cho thần thức của họ tỉnh táo, bình tĩnh và thanh nhẹ hơn, chết không sợ gì cả, sinh tử tự tại.
Thân trung ấm
Khi năng lượng Lửa rời đi, chết tiếp tục diễn ra, thần thức thoát ra từ một nơi ấm nóng trên cơ thể và có thể quanh quẩn nhiều ngày sau, Phật Giáo gọi giai đoạn đặc biệt này là THÂN TRUNG ẤM. Gọi là thân trung ấm vì thần thức bước vào trạng thái trung gian giữa chết là lần tái sinh tiếp theo.
Ngay khi các giác quan của thân thể ngừng hoạt động, các giác quan của tinh thần trở nên linh hoạt tùy theo mức độ tỉnh thức của thần thức. Họ vẫn trong giai đoạn quan trọng quyết định cảnh giới sẽ đi. Hầu hết sẽ bàng hoàng, thậm chí còn chưa biết mình đã chết và cần được làm quen với trạng thái mới.
Vào thời điểm khi linh hồn rời thể xác, một cuộn phim ký ức trong tiềm thức khởi động. Tất cả mọi chuyện vui buồn, thành công hay thất bại, những nỗi khổ niềm đau, những việc thiện ác đều hiện ra trong tâm trí một cách rõ rệt.
Do đó, nếu cuộc sống của ai đó nhiều niềm vui, nhiều thiện nghiệp thì lúc đó linh hồn của họ thảnh thơi và nhiều năng lượng an vui. Hoặc những người nào có tinh thần định tĩnh, biết chấp nhận mọi sự, không luyến tiếc, cũng chẳng tham đắm hay khổ đau, họ sẽ chấp nhận sự thay đổi này và sẽ sớm thấy nhẹ nhõm, an lạc, tự tại và lơ lửng trong bầu ánh sáng chói lọi như pha lê.
Giai đoạn thân trung ấm có thể kéo dài tới 49 ngày, con số này chỉ là tượng trưng, mỗi thần thức mỗi khác tùy theo sự thức tỉnh linh hồn. Với ai đó nghiệp quả mãnh liệt, ví dụ chết bất thường hay tai nạn, tự tử… còn nhiều vướng bận nên quanh quẩn lâu dài cho đến khi nghiệp quả tiêu tán dần rồi mới đi tìm cơ hội tái sinh khác. Còn đối với những người chết vì già, chết nhẹ nhàng, đơn giản, coi như đã hoàn thành một kiếp sống, thần thức của họ sẽ tái sinh nhanh hơn chỉ sau vài giờ. Thế nên, những cái chết của người già dường như khiến chúng ta ít buồn đau hơn.
Có những người biết trước giờ phút lâm chung, tự chuẩn bị sẵn mọi thứ cho sự ra đi, và trút hơi thở nhẹ nhàng. Có những vị sư trước khi viên tịch đã gặp các đệ tử lần cuối, dặn dò xong và cứ thế ngồi mà ra đi. Vị Karmapa 16 trước khi chết đã để lại chỉ dẫn cụ thể về địa điểm, thời gian, tuổi, tên cha mẹ mà Ngài sẽ tái sinh. Sau 11 năm, các vị đệ tử khi mở bức thư bí ẩn ấy đã đi tìm và đã gặp tái sinh của Ngài, vị Karmapa thứ 17. Đó là những cái Chết Tự Tại, là điều kỳ diệu nhất của Sự Sống, một sự kết thúc hoàn mỹ nhất và hoành tráng nhất cho một cuộc đời.
Khi người thân mất
Như đã tìm hiểu ở Phần I “Cái Chết sự thay đổi nhiệm màu”, khi người thương yêu của bạn chết, họ không hề mất đi mà chỉ bỏ thân xác này để trở về với thế giới tinh thần. Bạn không còn nhìn thấy họ nhưng họ vẫn thấy bạn vì giác quan của tinh thần thanh nhẹ và rộng lớn hơn.
Người thân là những người có sợi dây liên kết vô cùng chặt chẽ với nhau, không chỉ cùng dòng máu, kế thừa gen di truyền mà còn gắn bó bởi sợi dây tinh thần qua nhiều kiếp sống. Vậy nên, giữa ta và họ vẫn luôn có một mối liên kết ký ức vô hình mà dù họ chết đi vẫn cảm nhận được tâm trạng của chúng ta. Ví dụ như khi người thân của bạn mất ở một nơi rất xa, bỗng thấy cảm giác bất thường như một phần năng lượng bị mất đi vậy.
Chết là điều không ai có thể thử, chẳng biết cảm giác như thế nào nên bất cứ ai cũng sẽ bàng hoàng khi đối diện với tình trạng khi ấy.
“Đa số thường có cảm giác như đang trôi nổi trong một luồng ánh sáng êm dịu và dần dần nhận diện được sự việc và biết mình đã chết. Và cũng có những người tinh thần bất tịnh, sẽ không có khả năng nhận biết thực tại, rồi mắc kẹt trong khoảnh khắc ấy, không biết là mình đã chết. Hoặc nếu hoảng loạn, sợ hãi hay luyến tiếc, hối hận điều gì đó thì các rung động của thể tinh thần sẽ bị rối loạn khiến họ bị hút vào những rung động tương tự của cảnh giới u ám”. - Trở về từ cõi sáng (Nguyên Phong).
Một thay đổi bất ngờ, cảm giác lạ lùng chưa từng thấy có thể khiến hoang mang, hốt hoảng và bàng hoàng. Do đó, khi người thân trút hơi thở sau cùng, việc quan trọng nhất hãy để cho linh hồn làm quen với trạng thái mới bằng cách giữ họ ở nơi thật yên tĩnh, tuyệt đối không được khóc than hay đụng chạm mạnh vào họ. Nếu không, người mất sẽ càng hoảng loạn, bối rối và đau khổ hơn.
Thế nhưng trong thực tế, chúng ta thường không chuẩn bị gì cho sự việc không mong muốn xảy ra nên hoàn toàn bị động và không biết làm thế nào.
Thậm chí khi cha mẹ già mất đi, người con hiếu thuận cũng chỉ biết làm theo phong tục tập quán, tổ chức một lễ tang trang trọng, đúng nghi lễ hay linh đình để mong cha hay mẹ an lạc nơi suối vàng. Nhưng thực sự họ có về đến suối ấy hay không thì không ai biết. Còn những người con tỉnh thức sẽ không quan tâm đến những hình thức phân tâm ấy mà biết lắng nghe sợi dây liên kết vô hình đang vang lên thanh âm nào trong tâm.
Nếu thực sự thương yêu người thân khi họ mất, hãy làm những việc có ý nghĩa thay vì khóc than.
Không chạm mạnh vào thân thể hay gây ồn ào trong khoảng thời gian từ khi ngưng thở cho đến khoảng 8-12 tiếng. Khoa học đã nghiên cứu và thấy rằng, sau khi ngừng thở, não và các tế bào vẫn sống thêm một khoảng thời gian lên tới 10 giờ. Do đó, thời gian để cho linh hồn rời khỏi thể xác khoảng 10 tiếng. Trước khoảng thời gian ấy, người mất mặc dù đã ngừng thở nhưng vẫn cảm nhận được nỗi đau thân thể như một tảng đá đè nặng, như con cua tách từng lớp da để lột mai. Nên bất cứ sự đụng chạm hay than khóc làm người mất đau đớn hay phân tâm đều vô cùng nguy hiểm. Nếu linh hồn họ không an dịu mà sân giận thì họ sẽ không thể tự tại ra đi.
Tử thư Tây Tạng ghi rằng: “Khi người sắp chết nghe thấy người thân khóc lóc thảm thương bên cạnh họ thì sự cảm nhận đau đớn của họ gia tăng khủng khiếp. Vì thế, người thân phải cố gắng làm sao giữ cho phút lâm chung của người sắp mất được yên lặng, thanh thản có thể người ấy mới ra đi một cách tự nhiên, an bình”
Tâm niệm dẫn dắt linh hồn người mất bằng cách khuyên họ bình an hướng về cảnh giới lành, chuyển giao cho họ những tư tưởng tốt lành, những rung động tốt đẹp để họ cảm thấy an lạc, không chỉ trong giây phút cận tử mà cả khi họ đã ngưng thở, vẫn có thể cảm nhận được.
Đọc kinh cầu nguyện, đọc Tử thư Tây Tạng, niệm Hồng Danh Đức Phật A Di Đà… tùy theo tôn giáo người mất với sự thành tâm. “Cầu nguyện để những rung động âm thanh có thể an ủi và khiến cho linh hồn người chết dịu lại. Từ những rung động của tịnh tâm khi nguyện cầu tạo nên sức mạnh kỳ diệu khiến người mất cảm nhận được lòng yêu thương chân thành mà an yên trở lại”. Khi tâm thức họ an lạc thì sẽ chiêu cảm về cảnh giới lành.
Không sát sinh, không sử dụng đồ ăn thịt cá, rượu thu hút những năng lượng nặng nề quấy nhiễu linh hồn người mất.
Không tổ chức linh đình, ồn ào vì luồng tư tưởng đám đông thường phức tạp, lộn xộn khiến tang gia bối rối, linh hồn người mất cũng bối rối. Chỉ cần tất cả yên lặng, chú tâm cầu nguyện một cách giản dị là tốt đẹp nhất.
Để biết cảnh giới sau khi mất, sau 8-12 tiếng có thể kiểm tra xem thần thức của người chết thoát ra từ đâu. Trên thân thể họ sẽ có một điểm ấm tụ lại thì đó là chỗ đi ra cuối cùng của thần thức.
Nếu điểm ấm ở ngực, trán, đỉnh đầu thì thần thức sẽ hướng về cõi lành, bởi tâm thức họ thanh nhẹ.
Nếu điểm nóng ấm ở bụng, đầu gối, lòng bàn chân thì khả năng họ lạc về hướng u mê. Khi ấy, hãy tiếp tục cầu nguyện chân thành và tha thiết bằng tất cả cả tình yêu thương. Nếu thần thức họ kịp sáng tỏ, vẫn có cơ hội về cõi lành.
Thiêu xác để không luyến tiếc thân, chuyển hóa những năng lực còn sót lại của thân xác để linh hồn hoàn toàn tự do.
Tiếp tục cầu nguyện liên tiếp 49 ngày (tụng kinh, làm thiện…). Người ta cho rằng, 49 ngày là khoảng thời gian nhân quả sắp xếp chưa ngã ngũ. Do đó, những tư tưởng thanh cao của người sống vẫn có thể tiếp thêm năng lượng cho linh hồn người chết. Trong kinh nhà Phật có chỉ rõ, người chết không mang theo được gì, thứ mang theo duy nhất là nghiệp đã gieo. Nếu chúng ta tạo phước đức đem hồi hướng cho người mất, thì họ vẫn nhận được một phần thiện nghiệp như một năng lượng diệu kỳ giúp cho thần thức của họ thanh nhẹ và sáng tỏ hơn.
“Việc cầu nguyện chân thành cho người chết có thể giúp đỡ họ rất nhiều, đây là một điều hết sức quan trọng mà mọi người cần biết. Khi từ giã cõi trần, người ta không thể mang theo tiền tài, sự nghiệp, danh vọng, mà chỉ có thể mang được lòng yêu thương và sự hiểu biết mà thôi”. - Trở về từ cõi sáng (Nguyên Phong).
Trong giấc ngủ, tinh thần có thể tiếp xúc với thế giới tinh thần, bởi vậy chúng ta thường mơ gặp người thân mới mất. “Thế nên, sau khi người thân mất, giữ tâm hướng về họ, tâm niệm những điều muốn nhắn nhủ với họ trước khi đi ngủ, bằng một cách nào đó bạn vẫn sẽ kết nối với họ và truyền tải điều mà bạn muốn nhắn gửi. Khi thức dậy, trở về với thân xác vật chất, các giác quan thân che khuất những tính năng tinh thần nên hầu như không còn nhớ gì cả. Tuy nhiên, người mất nếu còn gần bên vẫn có thể hiểu những suy nghĩ của bạn. Bạn có thể tiếp tục gửi những nhắn nhủ cho họ chỉ cần bằng cách suy nghĩ hay thủ thỉ trong tâm”. - Trở về từ cõi sáng (Nguyên Phong).
Đối diện với cái chết của chính mình
Khi quan sát cái chết của người thân, chúng ta phần nào hiểu, mình sẽ phải đối diện với những gì khi Vô Thường tới.
Do đó, thời khắc duy nhất để sống chính là thực tại. Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã chỉ cho chúng ta cách trở về với thực tại, đó là thực hành Chánh Niệm, tiếp xúc sâu sắc với đời sống ngay lúc này và ở đây.
Lo mưu tử
“AI CŨNG LO MƯU SINH, MẤY AI LO MƯU TỬ”
Đúng là thế, ai cũng lo ăn lo mặc, lo nhà lo cửa, lo đủ thứ trên đời nhưng tất cả chỉ để phục vụ cho đời khi đang sống. Đến khi chết rồi có đốt hàng núi vàng mã thì cái nhận được cũng chỉ là hơi tàn của một đống tro.
Cho đến khi đối diện với cái chết của chính mình, mưu tử liệu có còn kịp?
Cho nên, gom góp những phương pháp mưu tử tưởng không cần nhưng cần không tưởng:
Sống thuận tự nhiên
Ở tuổi trưởng thành, là khi cơ thể phát triển cần nhiều năng lượng, chúng ta có thể nạp vào nó rất nhiều thứ cần thiết. Tuy nhiên, đến khi nó suy hao, thì cũng nên giảm bớt tất cả những nhu cầu bồi đắp cho thân, chọn những loại thực phẩm gần gũi thiên nhiên, dễ hấp thụ và tiêu hóa giúp giúp cho cơ thể nhẹ nhàng, khỏe mạnh.
Học cách chấp nhận mọi thay đổi của tự nhiên, kể cả bất như ý, cuộc đời sẽ đơn giản biết bao. Khi ấy có chết cũng không tự đau khổ.
Sự thoái hóa hay tuổi già là dấu hiệu nhắc nhở cho chúng ta biết đã đến lúc cần quay về chăm sóc tinh thần, chuẩn bị cho một cuộc hạ cánh an toàn của thân xác trước khi linh hồn cất cánh. Hãy cho phép mình được sống chậm lại, nhìn lại những chặng đường đã qua, quay vào phát triển phần tinh thần bên trong thật yên, tịnh và tịch.
Với những người chết trẻ, khi vẫn còn nhiều mong muốn và khát vọng mãnh liệt, chết sẽ khó buông bỏ và dễ bị chìm đắm vào những mong ước dang dở. Vậy làm sao để chết tự tại nếu vô thường tới?
Do đó, dù còn trẻ, tốt nhất vẫn nên thức tỉnh tinh thần càng sớm càng tốt, sẵn sàng cho bất kỳ điều gì xảy ra vì hôm nào cũng có thể là ngày cuối trong cuộc đời.
Chết dường như là lời cảnh tỉnh cho những người còn sống biết tập từ bỏ những dính mắc và không tham lam bất cứ thứ gì cho bản thân. Vì chết chẳng mang theo được thứ gì, điều duy nhất mang theo là nghiệp, là sự hiểu biết.
Tuyệt đối không tự tử
Tự tử có phải là giải pháp thoát khỏi khổ đau?
Điều này thật sai lầm và vô cùng nguy hiểm. Nhiều người hiểu một cách mơ hồ rằng, chết sẽ thoát khỏi mọi niềm đau, chết được về cảnh giới an lạc, thế nên thà đau đớn một lần rồi thôi nên không ngần ngại tự kết liễu cuộc đời mình.
Trong kinh sách có viết, nếu người tự tử thì trong vòng 49 ngày, cứ 7 ngày người ấy sẽ trải nghiệm lại giây phút đau khổ ấy một lần như một sự trả giá. Điều này càng làm gia tăng nỗi sợ hãi và đau khổ của linh hồn, đó là lý do khiến họ không thể siêu thoát. Bởi vì trong tất cả những tội lỗi, ác nhất là giết người, mà nặng hơn là giết chính mình. Không biết trân trọng sự sống của chính mình liệu có đáng được trở lại kiếp sống làm người?
Trong khi có vô vàn cách để đối mặt mới khổ đau, thì tự tử không bao giờ là một lựa chọn, hãy biết sống tỉnh thức để nhìn nhận sự thật này và biết cách chuyển hóa khổ đau.
Thực hành các phương pháp không sợ hãi
Các phương pháp để xua tan nỗi sợ chết đã được đề cập trong phần I: Thiền, niệm, từ bi, trí tuệ, tâm trong sạch. Nếu các bạn có thể thực hành tốt dù chỉ một trong những phương pháp này thì chẳng còn sợ Chết. Khi không còn sợ thì Chết chỉ là ngưỡng cửa, là sự tiếp nối của tự nhiên.
Theo chỉ dẫn trong Kinh A Di Đà, một người chân thành cầu nguyện, vào phút lâm chung nếu niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà được nhất tâm bất loạn thì họ có thể chuyển thần thức để bước vào cảnh giới tịnh độ - thế giới của Đức Phật A Di Đà, niết bàn an lạc, không còn tái sinh.
Sống nhẹ nhàng - chết tự tại
Khi biết được sự quan trọng của Tinh Thần, nếu muốn sống một cuộc đời nhẹ nhàng thì chúng ta cần rèn luyện thân tâm hay nói cách khác, khi giác quan của thân thanh tịnh thì các giác quan của tinh thần sẽ thức tỉnh.
Vận mệnh cuộc đời do chính mình quyết định
Chúng ta thường có cảm giác mọi sự như được an bài và gọi đó là định mệnh. Kỳ thực, đó là sự vận hành tất yếu của Nhân - Duyên - Quả, mọi điều xảy ra đều có nguyên nhân. Thế nhưng, chúng ta thường mặc kệ cho đời sắp đặt. Tuy nhiên, có một điều vô cùng quan trọng mà chúng ta cần phải biết, đó là định mệnh cũng có thể thay đổi. Nếu chúng ta sẽ nhận được tất cả những gì mà mình đã gieo thì ngay từ bây giờ hãy gieo nhân tốt để thay đổi những kết quả về sau.
Một câu nói ví von như sau, có hai hạng người sẽ làm thay đổi hoàn toàn vận mệnh, thứ nhất là người đại thiện, thứ hai là người cực ác. Họ sẽ làm mới cuộc đời hoặc phá nát tương lai hoàn toàn do hành động của chính họ. Do đó, để có những thay đổi trong cuộc đời, để chúng ta thoát khỏi sự chi phối của vận mệnh hay chuyển hóa kết quả tương lai, giải pháp duy nhất đó là thay đổi tâm thức của chính mình ngay hiện tại.
Sống vị tha, giàu lòng nhân ái, vô ngã
Phát triển Tình Thương
Muốn sống nhẹ nhàng và chết tự tại thì chúng ta cần phải biết làm sao để phần tinh thần của mình trở nên tốt đẹp. Chất liệu quan trọng nhất để xây dựng một tinh thần tốt đẹp đó là TÌNH THƯƠNG, là chất liệu quý giá nhất của cuộc sống.
Do đó, người có tinh thần vị tha, giàu lòng bác ái, vô ngã thì họ hoàn toàn ung dung ở cõi trần hay tự tại khi ra đi.
Thực hành Tỉnh Thức
Đức Đạt Lai Lạt Ma nhấn mạnh, “người nào sống tỉnh thức thì sẽ chết tỉnh thức”. Nhưng vì chúng ta sống u mê nên đến khi chết không làm chủ được hoàn cảnh và bị nghiệp lực lôi kéo vào 6 nẻo luân hồi.
Hiểu được điều đó rồi, chúng ta sẽ nhất quyết sống đời tỉnh thức, luôn ý thức rõ rệt sự sống trong từng hơi thở.
Thầy Trần Việt Quân có nói: “Phát triển bản thân là quá trình học hỏi cả đời, không khi nào ngừng, mục đích đi tìm triết lý sống, đi tìm lẽ sống, sống sao cho xứng đáng với kiếp người này”. Phát triển bản thân chính là việc phát triển tâm thức, phát triển phần tinh thần của con người.
Phát triển bản thân và chuyển hóa tâm thức để đạt đến trí tuệ là con đường tất yếu để con người có thể cứu vãn sự sống của chính mình và của hành tinh này.
Sống nhẹ nhàng
Nếu bạn luôn sống với một tâm hồn đẹp, đời sống nhẹ nhàng thì khi chết thần thức sẽ dẫn dắt bạn đến những nơi tốt đẹp theo nhân quả. Vì khi bạn từ bỏ thế giới vật chất và đi vào thế giới tinh thần, linh hồn khi ấy có thể tự do di chuyển nên nếu linh hồn ấy thanh nhẹ, trong tâm có thiện lành, tinh thần tỉnh thức thì tự chiêu cảm về nguồn sáng tốt đẹp.
Việc giới hạn các nhu cầu của thân xác là điều hết sức quan trọng, ăn nhưng không ham, làm nhưng không mệt, buồn nhưng không giận, khổ nhưng không đau, nghèo nhưng không chán. Thường xuyên thực hành việc an tịnh tâm để không phát sinh tham lam, sân giận và si mê để có một tinh thần giải thoát ngay khi còn sống chứ không chỉ chờ đến khi chết.
Chết tự tại
Khi biết ngày giờ ra đi, tỉnh táo đến phút cuối cùng, thân tướng mềm mại là những dấu hiệu của một cái chết tự tại.
Khi những gánh nặng về thân xác như bệnh tật, mệt nhọc đều được cởi bỏ, ta hoàn toàn thảnh thơi và tự tại. Tinh thần khi rời bỏ thân xác, không còn cần đến những nhu cầu vật chất phục vụ cho thân nên dường như được thoát khỏi áp lực lớn lao của mưu sinh và mọi gánh nặng nên thường nhẹ nhàng.
Trong cuốn sách Nhà Giả Kim, Paulo Coelho đã viết rằng: “Chết vào ngày mai thì cũng chẳng khác chết vào bất cứ một ngày nào khác”. Thế nên, chúng ta cũng chẳng cần lo sợ vì rồi ai cũng sẽ phải đối diện với Vô Thường. Điều quan trọng là chúng ta có sẵn sàng cho cuộc ra đi bất cứ lúc nào hay không?
Để có thể chết vào bất cứ ngày nào thì chúng ta cần biết sống với giây phút hiện tại. Khi biết sống trọn vẹn trong giây phút hiện tại thì chết khi nào cũng được.
MAI TÔI ĐI
(Cố tác giả Thái Thúc Hoàng Minh đã qua đời ngày 13 tháng 2 năm 2015-Tại Đà Lạt)
''Mai tôi đi… Chẳng có gì quan trọng,
Lẽ thường tình, như lá rụng công viên,
Như hoa rơi trước gió ở Ьên thềm,
Chuyện Ьé nhỏ giữa dòng đời động loạn…
Trên giường Ьệnh, Tử Thần về thấρ thoáng,
Xin miễn bàn, thăm hỏi hoặc cầu an,
Khi xác thân thoi thóρ trút hơi tàn,
Nằm hấρ hối đợi chờ giờ vĩnh Ьiệt.
Khoảnh khắc cuối… Đâu còn gì tha thiết…
Những tháng ngày hàn nhiệt ở tɾần giαn.
Dù giàu sang hαy danh vọng đầy tɾàn,
Cũng buông Ьỏ tɾở về cùng cát Ьụi…
Sẽ dứt điểm đời ρhù du ngắn ngủi,
Để đi vào ranh giới củα âm dương,
Không Ьàng hoàng trước ngưỡng cửα Ьiên cương,
Bên trần tục, Ьên vô hình cõi lạ…
Chỉ ước nguyện tâm hồn luôn thư thả
Với hành trang thanh nhẹ Ьước qua nhanh,
Quên đằng sau những níu kéo giựt dành,
Kết thúc cuộc lữ hành trên dương thế…
Mắt nhắm rồi… Xin đừng tҺươпg ɾơi lệ,
Đừng vòпg hoa, ρhúng điếu hoặc ρhân ưu,
Đừng quαy ρhim, chụρ ảnh để dành lưu.
Gây ρhiền toái, nợ thêm người còn sống…
Ngoảnh nhìn lại, đời người như giấc mộng,
Đến trần truồng và đi vẫn tay không.
Bao trầm thăng, vui khổ đã chất chồng,
Nay rũ sạch… Lên Ьờ, thuyền đến Ьến…
Nếu tưởng nhớ… Xin âm thầm cầu nguyện,
Nên xem như giải thoát một kiếρ người,
Cứ Ьình tâm, thoải mái với vui tươi,
Kẻ đi trước, người sau rồi sẽ gặρ…
5. Đôi lời từ tác giả
Cách đây mấy tháng, tình cờ một lần nằm nghỉ xoa bụng, tôi phát hiện có gì đó khác lạ. Sau khi khám, bác sĩ kết luận tôi bị u xơ cổ tử cung và niêm mạc cổ tử cung dày, chỉ định sinh thiết xác định tế bào ung thư.
Đúng là chẳng ai nghĩ rằng sẽ có ngày mình chết nếu không được báo trước bởi bệnh tật hay tuổi già. Tôi dành thời gian quan sát cơ thể, chiêm nghiệm lại lối sống, tinh thần bởi bệnh do tâm sinh lý mà ra.
Tôi viết thẻ Cái Chết không nhiều khó khăn, chỉ đọc lại 2 cuốn sách “Không sinh không diệt” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh và “Trở về từ cõi sáng” của dịch giả Nguyên Phong, thêm với trải nghiệm 10 năm là con dân Tịnh Độ khi mỗi ngày thực hành niệm Phật và hôm nào cũng hồi hướng về Tây Phương.
Kiến thức còn hạn hẹp, nhưng được đọc và nghiên cứu những đúc kết từ những tác giả vĩ đại, nên những điều tôi chia sẻ không phải ai cũng đã biết. Mong rằng những ghi chép trong bài viết sẽ giúp chính tôi cũng như bạn đọc tìm được những khoảnh khắc nhẹ nhàng, sống tốt hơn để có thể tự tại khi ra đi.
Thần Chết chưa đến, mới gửi thư tay (cuốn bệnh án) nhưng tôi đã hồi đáp “Ông đến lúc nào cũng được!”
Nội dung: Từ Hân - Học viên Content 3 gốc khóa 3
Biên tập: Nhàn Lý
Em mới đọc xong bài viết của chị . Thực sự biết ơn chị đã chia sẽ và viết một bài rất ý nghĩa, sâu sắc. Với em thì phải dùng để mô tả bài viết là “Một công trình nghiên cứu khoa học về chủ đề cái chết “ .Để viết được bài này thì em nghĩ cần phải đúc kết từ Trải nghiệm cuộc sống, một Nhân Sinh Quan thực sự sâu sắc , đọc hiểu và đúc kết cách tác phẩm của rất nhiều tác giả ưu tú nhất ạ. Em cũng đã đọc 3 cuốn của chị đã trích dẫn ở trong nhưng cũng chỉ là những mảnh ghép rời rạc về chủ đề “Cái chết”…