top of page

Tình yêu thương của mẹ có bao giờ là sai?

Updated: Mar 18

MỤC LỤC:


***


Yêu thương nhiều mà không có trí tuệ dễ rơi vào sự mù quáng, làm cho người được yêu thương dễ rơi vào dựa dẫm, ỷ lại.

------------------

Cơn gió lạnh về trên phố núi, cái lạnh về chiều cứ từ từ thấm qua lớp áo ấm, âm thầm đi vào da thịt, len lỏi vào trong tâm hồn mỗi người. 


Trong ngôi nhà nhỏ dưới chân dốc, bà Sáu yếu ớt bập bẹ những lời cuối cùng trước khi từ giã cõi đời. Bà lấy ra chiếc nhẫn vàng cuối cùng đưa cho người con gái lớn bảo “hết tiền mua gạo thì bán đi mà chị em ăn nha con”. 


Câu chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói, nếu như đó không phải là lời trăng trối cuối cùng. Bà Sáu năm nay đã ngoài 95 tuổi, có tới 8 người con. Người con đầu năm nay cũng đã gần 70, người con út thì cũng ngót nghét gần 50 tuổi. Đáng lẽ ở cái tuổi này, bà sẽ an tâm phụng dưỡng, nhìn con cháu “an cư lạc nghiệp” và chẳng còn phải lo nghĩ đến chuyện “cơm áo gạo tiền” hay lo lắng cho đàn con.


Vậy mà mọi chuyện lại không được như thế!


Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Cả cuộc đời lòng mẹ vẫn theo con

-Trích "Con Cò" - Chế Lan Viên


Ai cũng biết rằng tình mẹ bao la rộng lớn. Đó là tình yêu thương vô điều kiện, sẵn sàng hi sinh tất cả để những đứa con của mình được hạnh phúc, khỏe mạnh. Bà Sáu - cũng như bao bà mẹ khác. Với tình yêu thương to lớn, cả cuộc đời bà đều mong dành những gì tốt đẹp nhất cho đàn con của mình. 


Thế nhưng tình yêu thương này có phần hơi mù quáng, có vẻ như nó thiếu đi trí tuệ.  


Trước đây, ông bà đều có xuất thân khá nên những đứa con sinh ra, đứa nào cũng được bao bọc. Ông mất, cứ thế bà bán đất chia đều cho những đứa con, lấy tiền đó để chi tiêu. Thế rồi, mặc dù ai cũng được học hành bài bản nhưng lớn lên lại chỉ có hai người lập gia đình, còn lại sống với số tiền bán đất của bà. Đứa nào khổ về bà lại cho.


Ba người con trai cứ thế hầu như chẳng còn thiết tha phấn đấu hay cố gắng. Người đi làm nhiều nhất cũng một tháng, còn lại lấy tiền lãi gửi ngân hàng mà sống qua ngày. Để qua cái tuổi 50 rồi cũng chẳng còn lý tưởng hay ước mơ gì cho cuộc đời. 


Họ đợi đổi đời bằng việc sẽ bán miếng đất còn lại, anh chị em chia nhau để ăn, để sống. 


Tình thương của mẹ 1

Tình yêu thương của người mẹ

Đáng lẽ gia đình bà Sáu sẽ là gia đình hạnh phúc trọn vẹn đủ đầy nhất. Vì xuất phát điểm so với nhiều gia đình cùng thời đã là quá tốt. Cái thời kì đất nước còn đói khổ, ăn sắn, ăn mì như cơm bữa, thì con cái bà Sáu đã có gạo để ăn, được đi học hành bài bản. 


Có nhiều câu hỏi được đặt ra, có người nói vì tâm linh, vì miếng đất đang sinh sống, có người bảo số phận nhưng có ai nghĩ rằng chính vì họ được đủ đầy từ sớm, họ được bao bọc quá nhiều cho nên họ mất đi “sức đề kháng” với cuộc sống. 

Vậy thì tình yêu thương có bao giờ là sai?


Tình yêu thương của người mẹ hay còn gọi là tình mẫu tử là sự cho đi xuất phát từ trái tim, tâm hồn, sự yêu mến, quan tâm chăm sóc những đứa con của mình mà không mong cầu đền đáp.


Tình yêu thương đó không thể cân đo đong đếm bằng bất kì hình thức nào. Đó là sự hi sinh vô điều kiện của người mẹ, mong muốn con mình nhận được những gì tốt đẹp nhất, mong con luôn sống trong hạnh phúc.


Tình thương của mẹ 2

Tình yêu thương chỉ sai khi thiếu trí tuệ

Tình yêu thương của người mẹ có ý nghĩa to lớn, sâu sắc với cuộc sống của mỗi người. Nó trở thành bước đệm đầu đời, vun đắp và nuôi dưỡng tâm hồn của những đứa trẻ. Tình yêu thương của người mẹ như dòng nước mát trong, tưới tẩm cho chồi non sinh trưởng tươi tốt, đơm hoa kết trái.


Thế nhưng, việc tưới nước ấy cũng giống như việc người mẹ yêu thương những đứa con bé bỏng của mình. Cũng phải có nghệ thuật, phải được sắp xếp khoa học và hợp lý. Hay nói cách khác là phải có trí tuệ, để trao tình yêu thương với sự hiểu biết, để phân biệt: yêu thương hay nuông chiều; mềm mỏng hay dung túng; ỷ lại hay nghị lực; đạo đức hay yếu đuối…

  

Có những cây ưa nước nhưng cũng có những cây không cần nhiều nước vẫn có thể sống được. Cho nên việc tưới nước ít hay nước nhiều cũng cần sự hiểu biết về loài cây mà mình đang tưới. 


Ví như việc dành tình yêu thương cho những đứa con của mình, những người mẹ truyền thống thường có xu hướng yêu thương con trai đầu lòng, mà vô tình dành quá nhiều sự ưu ái, quan tâm, chiều chuộng dẫn đến những người con trai ấy bị chìm dần trong vòng tay của người mẹ, chỉ cần một tác động nhẹ cũng làm chúng trở nên yếu mềm.


Tình yêu thương dần trở nên mù quáng, không kiểm soát, sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của con. Để rồi đứa con mặc nhiên, đó là những điều nó sẽ nhận được. Thậm chí hệ quả tiêu cực, có những đứa con cờ bạc nợ nần thì ba mẹ cũng là cứu cánh của họ. Vì yêu thương nên hết lần này đến lần khác bán hết tài sản để trả nợ, lo lắng cho con.


Việc tưới nước cũng nên lựa vào khung thời gian buổi sáng sớm hoặc chiều tối, khi tắt nắng. Khi tưới cũng cần có kỹ thuật, tưới bằng vòi và từ từ để nước có thể thấm dần vào đất mà nuôi cây. 


Thế nhưng nếu chúng ta cứ nếu tưới nước quá nhiều và không có sự tính toán hợp lý thì kết quả sẽ ra sao? 


Tương tự như những người mẹ truyền thống đôi khi sự yêu thương mà vô tình thiếu hiểu biết, họ yêu thương con bằng cách cung cấp đầy đủ về vật chất nhưng quên mất những đứa con cũng cần “thức ăn tinh thần” để chúng được trưởng thành và khỏe mạnh về tinh thần.


Họ sợ những đứa con mình chịu tổn thương mà đâu biết rằng sau tổn thương là trưởng thành. 


Chẳng hạn khi bị bố la, dạy dỗ khi phạm sai lầm thì người mẹ lại sẵn sàng bao che, chống cự. Dần dần những đứa con ấy hình thành thói quen, khi phạm sai lầm sẽ không dám đứng ra để nhận lỗi mà núp sau bóng mẹ, chờ đợi sự che chở, bao bọc.

 

Thật khó để nhận ra là mình đang làm đúng hay làm sai?

Tại sao tưới nước, chăm bón đầy đủ cây vẫn héo?

Tại sao yêu thương con hết mực con vẫn hư, vẫn không trưởng thành?


“Con hư tại mẹ”, câu nói truyền miệng và có phần mang tính chỉ trích những người mẹ. Chỉ là họ muốn yêu thương và dành những gì tốt đẹp nhất cho con thì sai hay sao.


Thật ra chỉ vì tình yêu thương của người mẹ quá bao la rộng lớn, họ chưa có đủ trí tuệ để nhận ra được họ đang làm đúng hay làm sai.



Tình thương của mẹ 3

Vậy làm sao để yêu thương có trí tuệ?

Ai sinh ra đời cũng muốn được yêu thương và trao đi yêu thương. Nhưng tình yêu thương không có trí tuệ dễ rơi vào sự mù quáng, tạo thành con đường bùn lầy khiến cho đối tượng yêu thương dựa dẫm, ỷ lại.


Từ một sinh mệnh đáng lẽ ra sẽ mạnh mẽ, kiên cường trước sóng gió, thì ngược lại chúng trở nên yếu mềm, lười suy nghĩ, lười vận động, lười giao tiếp, lười bước vào đời để đương đầu với cuộc sống. 


Vậy làm sao để tình yêu thương của những người mẹ, có thể vun bồi giúp cho những đứa con của mình trở nên tốt đẹp hơn?


Tình yêu thương phải được đặt trong trí tuệ, nếu như cứ tưới nước thì chưa chắc cây sẽ lớn. Mà phải có trí tuệ, sự hiểu biết để hiểu được loại cây đó thuộc giống nào, nó cần bao nhiêu nước và khi nào thì nó mới cần tưới nước. Đôi khi những loài cây nó cũng phải cần chút nắng, chút gió để tự thân nó vươn lên chống chọi và sinh tồn.


Đôi khi tình yêu của người mẹ có lúc cần “yêu thương” nhưng đôi lúc phải cần “tàn nhẫn”, chấp nhận đứa con mình phải chịu tổn thương và vấp ngã để chúng có được sức đề kháng.

 

Thay vì việc cho con tiền để tiêu, ba mẹ có thể tạo điều kiện cho con được học trong môi trường giáo dục tốt. Môi trường ấy chỉ dạy những kỹ năng sống cơ bản khi con còn nhỏ, cho con được va chạm, thậm chí được té ngã để con tự biết đứng lên. 


Và đồng hành cùng với con, chính những người mẹ đó cũng phải mở lòng mình để học những bài học không chỉ qua sách báo, trường lớp mà còn chính là cuộc sống. 


Với tình yêu thương tự nhiên đi kèm với trí tuệ, mẹ sẽ trở thành người bạn đồng hành đáng tin tưởng của con trên chặng hành trình trưởng thành.


Sâu thẳm mỗi con người điều tốt nhất họ có thể nhận được chính là gốc rễ của nhân sinh. Hay nói cách khác chính là 3 Gốc – Đạo đức, Trí tuệ, Nghị lực. 


Những thứ đó mới là vốn liếng to lớn nhất giúp cuộc sống mỗi người trở nên tốt đẹp hơn. Vì vậy người mẹ yêu thương con có trí tuệ sẽ tìm mọi cách để cho con mình có được nền tảng vững chắc về 3 Gốc hơn là những vật chất hữu hình.

Tình thương của mẹ 4

Tình yêu thương ai cũng có thể cho đi, nhưng cho như thế nào là đúng cách luôn là bài toán khó với tất cả những người mẹ, không chỉ là người mẹ truyền thống mà cho đến những người mẹ hiện đại ngày nay. Vì thế việc vun bồi trí tuệ là nền tảng cơ bản để yêu thương đúng và hiệu quả.


Nội dung: Thảo Uyên - Học viên Content 3 Gốc K6

Biên tập: Khánh Vi

Hình ảnh:

>>>Tìm hiểu thêm: 4 loại tình thương





45 views0 comments
Untitled-1.jpg

Cùng chung lý tưởng
“Giáo dục chuyển hoá 3 Gốc”

Trang thư viện 3 Gốc mong nhận được phản hồi, động viên hoặc “ủng hộ” tuỳ hỷ đến từ độc giả. Bởi đây là thông điệp ngầm nhắn gửi “Những gì chúng tôi làm mang giá trị thiết thực đến cho mọi người”, giúp 3GOC.VN sẽ ra mắt nhiều nội dung giá trị hơn trong thời gian tới. 

bottom of page