MỤC LỤC:
***
Cuộc đời mỗi người trải qua nhiều giai đoạn, có lúc thăng lúc trầm, lúc bình lặng lúc sóng gió. Trong một vài khoảnh khắc yên tĩnh, ta tự hỏi rằng “Chúng ta sống vì điều gì? Sống thế nào để hạnh phúc?”.
Nếu chọn sống vì mình thì là ích kỷ, còn nếu sống vì người khác thì lại đánh mất bản thân. Vậy phải sống thế nào mới đúng? Cùng Uyên đi qua phần chiêm nghiệm như một góc nhìn mới mẻ cho cuộc sống của bạn nhé!
Chọn sống vì mình
Chọn sống vì mình là đặt lợi ích bản thân lên trên tất cả mọi thứ. Nói một cách có phần phũ phàng thì đó là cách sống ích kỷ, chỉ biết bản thân mình.
Người sống vì mình sợ mình chịu thiệt, sợ mình không bằng người khác. Cho nên họ luôn tranh đấu để được phần lợi ích nhiều hơn. Trong công ty cũ tôi làm có nhiều trường hợp như thế.
Họ đi muộn về sớm, đi chơi thì bắt tập thể đợi mình, nhờ vả họ giúp đỡ lại là thử thách. Họ luôn cảm thấy bất công vì bị đối xử không công bằng. Đó là những biểu hiện ích kỷ dễ thấy, nhưng có những sự ích kỷ mang lại hậu quả lớn hơn.
Có những người tham ô, vơ vét hết tài sản này đến tài sản khác, chỉ mong lấp đầy két sắt, nhưng thực chất là cố lấp đầy lòng tham của mình. Đó là cái tôi ích kỷ “vĩ đại” chỉ quan tâm lợi ích bản thân, thậm chí có thể làm ngơ, làm hại tới lợi ích của cộng đồng.
Người ta nói với nhau rằng “người không vì mình trời tru đất diệt” để biện hộ cho lối sống chỉ bo bo biết bản thân. Thời đại yêu bản thân lên ngôi, con người vin vào lý thuyết tốt đẹp để làm chiếc áo màu mè cho muôn vàn điều không đẹp đẽ.
Con người tàn phá rừng, khai thác quá mức để mở rộng đô thị; xây những khu nghỉ dưỡng cao cấp phục vụ nhu cầu của mình. Con người phát triển kinh tế nhưng đồng nghĩa với việc ô nhiễm môi trường ngày càng nặng nề. Cá chết hàng loạt dạt trắng bờ vì nước thải công nghiệp.
Con người làm hại thiên nhiên, phá hủy môi trường sống, khen thưởng những sáng kiến khoa học kỹ thuật - cũng chính là nguyên nhân hủy hoại cuộc sống của họ. Chúng ta đã nhân danh quá nhiều, sống vì lợi ích bản thân quá nhiều. Đáng sợ ở chỗ sự ích kỷ này lây lan, rộng lớn và đồng hoá làm con người quên mất rằng mình đang ích kỷ.
Còn có một hình thức sống vì mình khác, đó là những người có ý thức về con người bên trong của chính mình.
Họ tìm về sự bình an, yên ổn, không tranh giành những điều kiện vật chất và hào nhoáng bên ngoài. Họ ôm ấp những khu vườn tâm hồn đẹp đẽ, yên tĩnh nhưng cách biệt với cuộc sống.
Tôi nhận ra điều này khi đi khóa thiền đầu tiên. Đó là cách sống chọn sự yên ổn cho mình, trốn tránh thế gian hỗn loạn, trốn tránh những trách nhiệm. Họ cảm thấy thế gian đầy sự nhiễu loạn, họ muốn bỏ trốn đến một nơi nào đó để không phải đối diện với những khó khăn của cuộc sống này.
Họ cắt luôn kết nối với gia đình, mối quan hệ cộng đồng để tìm đến một nơi an toàn, nơi mà họ mong muốn mình sẽ bình an và không có bất như ý xảy đến. Thầy Minh Niệm từng chia sẻ “thử tưởng tượng những người thân yêu của mình, những người mình quen biết một ngày đều biến mất. Lúc đó ta sẽ là ai, sẽ sống thế nào. Ta còn biết sống để làm gì không?”
Chọn sống vì người khác
Cũng có những người đặt giá trị sống bản thân vào tay người khác.
Người khác đầu tiên là gia đình. Dù ít hay nhiều chúng ta đều sống vì gia đình trong những thời điểm nào đó. Có thể là khi còn nhỏ, chúng ta cố gắng học giỏi ngoan ngoãn để bố mẹ hài lòng. Có thể chúng ta cố gắng thi vào trường đại học nào đó vì bố mẹ muốn, hoặc họ đã sắp xếp sẵn một công việc trong tương lai cho con cái. Hoặc chúng ta tin là quyết định của bố mẹ là “điều tốt nhất dành cho mình”.
Có khi chúng ta thích vẽ tranh thay vì làm học sinh giỏi toán. Có thể chúng ta muốn làm ca sĩ thay vì làm giao dịch viên trong ngân hàng. Có thể chúng ta chưa sẵn sàng cho một cuộc sống gia đình nhưng phải từ bỏ ước mơ làm người tự do để đặt lên vai trách nhiệm làm vợ, làm mẹ. Nhưng như vậy thì mới đúng ý người thân, biết nghĩ cho gia đình.
Chúng ta cũng dễ đánh mất mình trong mối liên hệ tình cảm. Bỗng nhiên khi yêu ta hóa thân thành mẫu người yêu hoàn hảo trong mắt đối phương. Vì sợ mất đi, vì quá dính mắc vào tình yêu đôi lứa, ta mải miết chạy theo người kia. Bỗng nhiên ta đổi hướng thích những điều mà người yêu thích. Chỉ cần người ấy vui là mình vui.
Chúng ta có xu hướng thỏa hiệp, nhường nhịn người kia, thay đổi cả thói quen, cách ăn uống, sở thích thường ngày. Có những người giống những vệ tinh tích cực xung quanh người mình yêu, đánh mất những mối quan hệ bạn bè thân thiết. Đánh đổi luôn cả sự tự do của mình, vì luôn phải quan tâm người kia ở đâu, đang làm gì.
Trong xã hội ngày nay, chúng ta lại sống vì một chức danh, một sự công nhận trong mắt người khác. Ta mải mê tô vẽ đủ màu sắc cho chính mình để được người ngoài yêu thích. Một khi cái tôi được thỏa mãn, nó lại tiếp tục cao lớn thêm, ta càng ham thích sự trầm trồ của người đời.
Càng ngày chúng ta lại càng xa lạ với chính mình hơn, thấy mình như những con rối trong các mối quan hệ. Lúc để vui lòng người này, lúc vui lòng người kia. Nhưng chính ta có vui không, chỉ chúng ta mới biết được.
Rồi tất cả những cuộc đuổi bắt đều sẽ làm chúng ta kiệt sức. Dù đó là vì niềm vui của bố mẹ, niềm vui của gia đình, niềm vui của người yêu hay sự trầm trồ, kính trọng của người ngoài. Không sớm thì muộn sự vô vị, chán chường sẽ ụp lấy chúng ta. Chúng ta lạc mất cả bản thân mình, đánh mất đi cái bản sắc và sự chân thật vốn luôn có ngay từ lúc sinh ra.
Sống vì mình hay vì người?
Sau những loay hoay và rối rắm để chọn lựa đâu là cách sống phù hợp, để trả lời cho câu hỏi “sống vì ai” mới là đúng. Cuối cùng tôi đã tìm được câu trả lời với thầy trụ trì tại Tu Viện Chơn Như.
Hỏi:
-Kính bạch thầy. Làm sao con biết đâu là vị thầy giỏi để mà theo học làm người ạ? Nếu con nghe giảng mà sống được bình an thì có phải con đã tìm đúng người không ạ?
Trả lời:
-Sống sao để không làm khổ mình, không làm khổ người, không làm khổ chúng sinh nghĩa là đúng. Con nghe được ai chỉ dạy mà sống được vậy là đúng.
Chúng ta cứ mãi đắn đo loại trừ, nghiêng về vế nào thì đúng. Đây không phải là lựa chọn hay phép loại trừ mà là phép cộng vào.
Đầu tiên là vì mình. Chỉ có khi nhận thức rõ mình sống vì mình thì mình mới không oán trách không đổ lỗi, không than thân trách phận.
Thứ hai là vì người. Sống vì người bởi vì ta biết ta không sống một mình cô lập trên cõi đời, sống chỉ cho riêng mình thì thật phí phạm một cuộc đời, thật vô nghĩa. Chúng ta không thể nào tự sinh ra rồi tự mất đi mà không có một mối liên hệ nào trên cuộc đời. Như vậy thì không khác gì cục đá hay cục đất cả.
Thứ ba là vì chúng sinh. Trong vô vàn những kiếp sống trước đây ta không thể nào biết hết cha mẹ, anh chị em, hay những người thân thiết hiện tại từng là những ai, những chúng sinh nào. Tình yêu thương rộng lớn mà chúng ta vun bồi mỗi ngày là một tình yêu thương không phân biệt. Khi biết đau rồi, biết khổ rồi ta hiểu rằng tất cả chúng sinh đều có thể đau khổ, đều đáng được yêu thương, đều đáng được trân trọng.
Cuộc đời ngắn ngủi vẫn là cuộc đời, cuộc đời tầm thường cũng là cuộc đời. Chúng ta không có bất kỳ một quyền nào tước đi sự sống của một chúng sinh hữu tình khác ta. Điều đó là độc ác. Chuyện ăn chay, ăn mặn không thể bắt ép bất cứ ai phải theo. Nhưng một khi tình thương lớn đã trỗi dậy bên trong, bỗng nhiên ta như cảm nhận được nỗi đau của muôn vàn loài đau khổ. Ta tự nhiên lựa chọn rằng không cố tình giết hại bất cứ sinh linh nào nữa.
Tóm lại sống vì mình hay vì người chỉ là tiền đề cho một cuộc đời bình an. Để hoàn thiện, chúng ta cần khôn ngoan lựa chọn cả hai cách sống. Thử nghĩ xem, chúng ta có thể luôn tự do làm điều mình muốn trong sự lo lắng của người thân được không? Hay chúng ta có thể nào cứ mãi sống trong ước mơ của người khác được không? Nếu chúng ta sống vì những lý tưởng của bản thân mình nhưng vẫn được người thân ủng hộ thì điều đó chẳng phải là phước lành lớn nhất sao?
Đừng hỏi nên sống vì mình hay vì người. Vì đó không phải là phép loại trừ, mà là một phép cộng. Vì mình nhưng không làm người bất an, vì người nhưng không bỏ rơi bản thân mình. Và thêm một điều nữa không làm hại chúng sinh khác. Làm được vậy nghĩa là cuộc đời ta đủ đẹp đẽ, đủ ý nghĩa, mới đáng là một cuộc đời không hoài phí.
Bạn ơi, bài chia sẻ của mình có mang đến giá trị cho bạn không. Nếu có, cho mình biết nhé!
***
Nội dung: Uyên - Học viên Content 3 Gốc K6
Biên tập: Khánh Vi
Hình ảnh: Nguyễn Hùng - Học viên Content 3 gốc
Comments