top of page

Dạy con bản lĩnh như đại bàng - cha mẹ đã biết chưa?

Updated: Mar 8

Cha mẹ nào cũng ước mơ con có cuộc sống tốt đẹp nên luôn lựa chọn phương pháp tốt nhất để dạy con và thường nghĩ rằng cách mình đang thực hiện là tốt nhất. Để rồi khi nhận kết quả, nhiều cha mẹ lại băn khoăn về hành trình nuôi và dạy con của mình.


Bởi thực tế không phải cách nuôi dạy nào cũng mang lại kết quả tốt đẹp. Muốn con trưởng thành và tự lập, ngay từ nhỏ cha mẹ cần dạy con bản lĩnh như đại bàng.


Vậy dạy con bản lĩnh như đại bàng như thế nào? Mời bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây nhé!


Mục lục

Dạy con hay chỉ nuôi và nuông chiều con quá mức?

Dạy con đúng cách là bài toán khó

Dạy con thế nào để bản lĩnh như đại bàng?

Lời kết


Dạy con tự lập 1

Dạy con hay chỉ nuôi và nuông chiều con quá mức?

Bên cạnh những vùng khó khăn như miền núi hải đảo, trẻ em còn thiếu thốn vật chất, thì đại bộ phận người dân Việt Nam đã được gọi là có cuộc sống ấm no. 


Nhiều gia đình ở thành thị, thậm chí nông thôn mặc dù mức thu nhập trung bình nhưng những đứa trẻ vẫn được bố mẹ dành cho những thứ tốt nhất, với mong muốn “dù con sinh ra không ngậm thìa vàng, thìa bạc, thì hãy dùng nó để sống” (trích từ sách Vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương).


Vì được bố mẹ thương yêu bảo bọc quá mức, trẻ em chỉ việc ăn, chơi, và học, những việc khác đã có bố mẹ lo. Có đứa trẻ 5, 6 tuổi vẫn được bố mẹ xúc cơm cho ăn, thay quần áo, tắm rửa, đánh răng rửa mặt, mang cặp lên tận lớp, con chỉ việc đi người không.


Có những đứa trẻ học cấp 3 vẫn chưa bao giờ biết cắm cơm, rửa bát, lau dọn nhà cửa… ngoài việc ngồi vào bàn học. Nên đến khi con vào đại học, lên thành phố tự lập trở nên lóng ngóng, thậm chí dễ sa ngã trước cuộc sống mới mẻ nhưng cũng đầy phức tạp.


Trẻ con dù ở gia đình giàu có hay bình dân, ít nhiều đều đang sống như hoàng tử công chúa. Chúng ta không phủ nhận việc cho con cuộc sống tốt đẹp nhưng khi trẻ quen sống trong môi trường an toàn, ít được rèn luyện, chúng sẽ dần trở nên thụ động, thậm chí ích kỷ chỉ biết mong cầu và đòi hỏi vô điều kiện.



Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng nuông chiều quá mức, có khi cố gắng dạy con tự lập nhưng lại vấp phải sự mâu thuẫn giữa các thế hệ. Chẳng hạn bố mẹ muốn con tự làm nhưng ông bà sợ cháu khổ nên làm hộ hoặc ngược lại. Không chỉ làm hết phần con cháu mà còn quyết định cả việc con học môn gì, trường gì, sau này làm gì…sự bao bọc đó dần biến đứa trẻ thành một chú gà công nghiệp, gặp nhiều khó khăn giai đoạn về sau.


Dạy con đúng cách là bài toán khó giải

Tại sao lại nói dạy con đúng cách là bài toán khó giải?

Bởi mỗi đứa trẻ là một phiên bản đặc biệt, mỗi giai đoạn phát triển lại không hề giống nhau, trong khi cha mẹ thời hiện đại lại quá bận rộn với công việc, việc thấu hiểu con là điều không hề dễ dàng.


Đành rằng cha mẹ rất tích cực tìm hiểu các phương pháp dạy con: Người thì học cách dạy con của người Nhật, người thích phương pháp Montessori, người vận dụng cách dạy con thông minh như người Do Thái, hay rèn sự kỷ luật như người Mỹ hoặc rèn luyện sự tự tin cho con theo phương pháp Waldorf Steiner…nhưng để áp dụng hiệu quả lại là câu chuyện khác. 


Vậy thì phương pháp nào sẽ là tối ưu?

Dạy con là câu chuyện của cha mẹ, vậy có nên chăng trước khi rèn con, cha mẹ phải bắt đầu rèn từ chính mình?


Dạy con thế nào để bản lĩnh như đại bàng?

Cuộc sống của con như một cái cây, để con trở nên bản lĩnh như đại bàng thì đó là quả, ba mẹ phải học cách gieo nhân từ trong gốc rễ để con được trưởng thành đầy đủ. Vậy người cần gieo nhân đầu tiên chính là cha mẹ, người cần trưởng thành và bản lĩnh đầu tiên không ai khác chính là cha mẹ.



Cha mẹ thân giáo - làm gương

Trẻ em luôn nhìn theo cách hành xử của người lớn để bắt chước vì thế ông bà cha mẹ hãy làm gương cho con cháu. 


Muốn con không xem tivi, không dán mắt vào điện thoại khi ăn cơm, cả nhà hãy cùng tắt tivi, cất điện thoại để bữa cơm diễn ra trong sự kết nối vui vẻ và sự hiện diện trọn vẹn.


Muốn con đọc sách thì bố mẹ cũng phải cầm sách đọc, nếu được có thể tạo ra một giờ đọc hạnh phúc mỗi ngày cho cả gia đình, tạo ra không gian vui vẻ ấm cúng và mỗi người đọc một cuốn sách mình yêu thích, cùng thảo luận, đóng kịch với con về cuốn sách con đọc. 


Nếu bố mẹ cầm điện thoại lướt web mà bảo con đọc sách đi thì con sẽ không làm theo. Hoặc ở trường con được học về luật giao thông, nhưng bố mẹ chở con đi học lại vượt đèn đỏ thì con sẽ không tin vào những điều được học. 


Nếu không muốn con cái mình trở nên nhút nhát hay cáu bẳn, bất cần, dễ gây hấn với người khác, cha mẹ dù kỷ luật nhưng cũng hãy kiên trì và điềm tĩnh. Đừng dùng sự nóng giận không kiểm soát để đối diện với những sai sót của trẻ. Tuyệt đối không nên cãi nhau hay dùng từ ngữ gây sát thương trước mặt chúng nếu không muốn nghe những lời đó từ chính miệng con mình.


Yêu thương và nuông chiều là hai khái niệm rất dễ nhầm lẫn. Hãy yêu thương nhưng kiên định với kỷ luật đề ra để rèn ra những đứa trẻ sống trách nhiệm.




Cha mẹ biết làm gương cho con, biết quan tâm và thấu hiểu sẽ tạo nên những đứa trẻ biết lắng nghe, trưởng thành và đầy tích cực.


Cho con cơ hội trưởng thành

Biên cạnh việc dạy con biết yêu thương, dạy con sống trí tuệ, cha mẹ hãy dũng cảm cho con được phép sai, được tự trải nghiệm để trưởng thành.


Khó khăn không hẳn sinh đại bàng, thuận lợi cũng không hẳn sẽ sinh ra gà công nghiệp, đại bàng hay công nghiệp là do cách ta gieo nhân rèn luyện cho mỗi đứa trẻ.


Dù gia đình bạn bình thường hay khá giả, cũng hãy để con tự xúc cơm ăn và được ăn theo khẩu phần con muốn. Khi mầm non, hãy để con tự mang cặp sách, kiên nhẫn dạy con cách di chuyển an toàn trên đường đến trường.


Khoảng 4-5 tuổi, trẻ rất thích giúp đỡ bố mẹ những việc vặt, muốn được tự tay rửa bát cốc của mình hoặc thích thử làm sữa chua, làm bánh, rán bánh… đừng từ chối vì sợ con làm hỏng, làm vỡ, sợ bếp gas không an toàn, sợ điện giật. Bởi chính những trải nghiệm khi làm việc đó sẽ giúp trẻ quan sát, sửa chữa sai lầm và làm tốt những lần sau đó. Việc cấm đoán có thể khiến cha mẹ cảm thấy an toàn thời điểm hiện tại, nhưng về sau đứa trẻ sẽ ỷ lại hoặc chẳng dám làm gì cả vì sợ thất bại.


Đừng mãi giữ con trong vòng tay dù vòng tay đó ấm êm và an toàn, hãy để chúng được hòa mình vào thiên nhiên, được vấp ngã và tự đứng dậy. Đôi khi đơn giản chỉ là cho con thỏa thích tắm mưa, nghịch bùn đất, phơi nắng…




Mỗi cuối tuần, thay vì để con ở nhà với điện thoại, tivi, hãy cho con đến những nơi thiên nhiên hoa lá, cho con leo núi, nhặt rác, cho con trồng cây, tưới hoa, câu cá, lội suối, lội sông. Hãy cho con biết và tiếp xúc với các con vật nuôi như trâu, bò, lợn, gà, chim muông, muông thú. Cho con ngắm nhìn những cánh diều no gió và nếu được bố mẹ hãy cùng con đi thả diều, đó sẽ là trải nghiệm tuyệt vời của tuổi thơ con. 


Đây là cách mình rèn 3 gốc cho con rất hiệu quả. Mình đã đặt ra KPI mỗi tuần sẽ cho con tiếp xúc với thiên nhiên vào cuối tuần, nếu bận rộn thì cho con ra công viên, nếu thư thả thì cho con về quê, đi dã ngoại, leo núi, cắm trại. 


Việc cho con chạy nhảy, leo trèo, tiếp xúc với thiên nhiên chẳng những giúp con rèn thể lực, tăng sức đề kháng mà còn giúp con tránh xa những cám dỗ của tivi điện thoại. Mình nhận ra đây là cách cai thiết bị điện tử rất hữu hiệu cho mọi bạn nhỏ. Bây giờ chỉ cần nói: nếu con không xem điện thoại thì cuối tuần bố mẹ sẽ cho con về quê câu cá thì bạn nhỏ nhà mình sẽ bỏ ngay điện thoại. Thật là kỳ diệu!


Lời kết

Để dạy con bản lĩnh như đại bàng hãy giúp con có thật nhiều cơ hội rèn giũa 3 gốc rễ, trưởng thành trong tự tin và tự lập. Trao cho con cơ hội trưởng thành, để con tự do bay cao bay xa bằng chính đôi cánh vững chãi của mình, đó là cha mẹ đã trao cho con tình thương đầy trí tuệ.


Nội dung: Phú - Học viên Content 3 gốc K5

Biên tập: Nhàn Lý 

Hình ảnh: 


52 views0 comments
Untitled-1.jpg

Cùng chung lý tưởng
“Giáo dục chuyển hoá 3 Gốc”

Trang thư viện 3 Gốc mong nhận được phản hồi, động viên hoặc “ủng hộ” tuỳ hỷ đến từ độc giả. Bởi đây là thông điệp ngầm nhắn gửi “Những gì chúng tôi làm mang giá trị thiết thực đến cho mọi người”, giúp 3GOC.VN sẽ ra mắt nhiều nội dung giá trị hơn trong thời gian tới. 

bottom of page