Nếu ba mẹ tìm hiểu về phương pháp Montessori thì sẽ thấy 2 tuổi là độ tuổi thích hợp để con làm việc nhà. Con sẽ bắt đầu làm từ những thứ đơn giản như cất bát sau khi ăn xong, lau bàn, nhặt rác... Khi con lớn hơn, bố mẹ có thể giao cho con những công việc khác khó hơn.
Nhưng vấn đề là khi con lớn, thì việc hợp tác với bố mẹ lại càng khó khăn, dù bố mẹ nhờ vả đến thế nào, con vẫn ở trong trạng thái “lười chảy thây”. Vậy có nên dùng tiền làm phần thưởng hay gọi là trả lương cho con khi làm việc nhà hay không?
Mời bạn cùng Blog 3 gốc tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây nhé!
Mục lục
Hình 1: Có nên dùng tiền làm phần thưởng để trả lương cho con làm việc nhà không?
Đầu tiên là hiểu con để có phương pháp phù hợp
Hồi nhỏ, có khi nào bạn có cảm xúc rất xấu về làm việc nhà không? Cảm giác bị ba mẹ thúc ép, quát mắng, quét nhà mà cứ hậm hực, ấm ức, chả thấy vui vẻ gì sất! Nghĩ đến đây, hẳn bạn cũng muốn dạy con khác đi để con không có cảm xúc tệ như mình ngày xưa?
Nhưng làm thế nào để con yêu thích làm việc nhà nhỉ? Nếu con còn nhỏ thì bạn có thể hướng dẫn và giải thích cho con từ việc nhỏ tới lớn. Nhưng khi con từ 7 tuổi trở lên, tới giai đoạn bắt đầu định hình lại nhân cách, hay cãi và "ngang cành bứa" nhất, mà xui cái là hồi bé mình dạy con sai hay con đang lười quá thì mình làm cách nào?
Hiểu con là bước quan trọng nhất bởi tùy từng đứa trẻ, ba mẹ sẽ có cách áp dụng phù hợp.
Nếu con hơi nhát, mình có thể ép con làm việc nhà cũng được (áp dụng kỷ luật).
Nếu con lì lợm thì ba mẹ phải dụ dỗ bằng phần thưởng, có thể là thưởng tiền, ăn uống hoặc đi chơi (áp dụng tình thương, đánh vào sự mong muốn).
Nếu con đã hiểu vấn đề thì mình chỉ cần giải thích thêm con sẽ hiểu và làm (áp dụng trí tuệ).
Hình 2: Hiểu con là bước quan trọng nhất để áp dụng phương pháp phù hợp
Có bé mình áp dụng kỷ luật (nghị lực) được, có bé áp dụng tình thương (đạo đức), có bé áp dụng trí tuệ (trí tuệ) thì hiệu quả cao hơn. Ba mẹ cần quan sát, tương tác và hiểu con mình trước đã, tùy tình huống ba mẹ sẽ có cách xử lý khác nhau.
3 chiêu của thầy Trần Việt Quân để con làm việc nhà trong vui vẻ
Theo kinh nghiệm của thầy Trần Việt Quân, áp dụng cho các bạn nhỏ nhà thầy, thì ba mẹ nên sử dụng song song cả 3 chiêu dưới đây nhé!
Giai đoạn 1: Dụ dỗ cho biết làm để tạo thói quen.
Ở giai đoạn này ba mẹ có thể sử dụng phần thưởng để đánh vào lòng tham của con với mục đích tốt.
Ví dụ trong 2 tháng đầu, tuần thì con được thưởng tiền, tuần thì dẫn con đi ăn kem hoặc ăn gì con thích, tuần thì đi picnic, đi chơi... Lưu ý nên luân phiên thay đổi để con không bị dính mắc vào phần thưởng.
Nếu chỉ thưởng tiền thì con tham tiền, nếu chỉ cho ăn kem thì con ăn kem nhiều quá rụng răng... Trong giai đoạn này ba mẹ cần giải thích cho con hiểu tại sao con cần làm việc nhà.
Hình 3: Giai đoạn đầu tiên, hãy tạo thói quen làm việc nhà cho trẻ bằng cách dụ dỗ, trao phần thưởng
Từ 4-5 tuổi là mình giải thích con có khả năng hiểu rất tốt rồi. Ví dụ: con cần quét nhà vì con cũng sống trong nhà, con quét thì nhà cửa sạch sẽ, con đi lại không bị bẩn chân... Sử dụng ngôn ngữ gần gũi và giải thích đơn giản con sẽ hiểu ngay thôi ba mẹ ạ.
Giai đoạn 2: Cai dần phần thưởng
Sau khoảng 2 tháng ba mẹ có thể rút dần phần thưởng của con. Có thể ba mẹ sẽ nghĩ rằng con sẽ không làm việc nhà nữa nhưng không phải như thế đâu, con vẫn sẽ làm đấy!
Cai đồ ăn là dễ nhất. Ví dụ con thích ăn kem thì ba mẹ mua hẳn 3kg kem, bắt con ăn hết, lần sau con nhìn thấy cũng chả dám ăn. Nếu con thích ăn KFC, ba mẹ mua hẳn 3 xuất, cho từ 8h tới 12h trưa phải ăn hết.
Người lớn ăn 2 xuất đã quá tải rồi mà đây con nít hẳn 3 xuất, đảm bảo lần sau đi qua KFC có rủ con cũng không dám vào nữa.
Đây gọi là rèn luyện nghị lực bằng cách đẩy tới cùng cực, khi con người ta bị dồn tới bước đường cùng thì tự khắc sẽ nhận ra vấn đề.
Hình 4: Khi con có thói quen làm việc nhà rồi, hãy rút dần phần thưởng của con
Giai đoạn 3: Tâm sự và giải thích
Ở giai đoạn này khi con đã quen làm việc nhà và hiểu vì sao con cần phải làm điều đó thì mọi chuyện trở nên khá đơn giản. Nếu con không quét nhà thì con khỏi đi lại trong nhà. Nếu con không rửa bát thì tới bữa khỏi ăn cơm. Nếu con không cọ toilet thì khỏi đi vệ sinh luôn.
Con sẽ hiểu và tự giác làm ngay, ba mẹ không cần thúc ép hay dụ dỗ nữa. Đồng thời giải thích cho con vì sao con cần gìn giữ không gian sống và đồ đạc của con cũng như đồ đạc trong nhà để sử dụng được dài lâu.
Phương pháp của bản thân, giúp con yêu thích việc nhà
Bạn Min nhà mình vừa tròn 2 tuổi, con khá thích làm việc nhà, ví dụ như lấy chổi ra quét nhà, lau nhà, lau bàn, vứt rác… Mỗi lần như thế mình đều khen ngợi và cổ vũ “lần sau con làm tiếp nhé!”. Mỗi lần như thế con đều rất vui vì được giúp đỡ ba mẹ.
Hình 5: Động viên, khích lệ con làm việc nhà thay vì phàn nàn, trách mắng con làm chưa tốt, ba mẹ nhé!
Nếu con lau vẫn còn bẩn hay quét nhà chưa hết rác thì mình chỉ con lau hoặc quét lại chứ không bao giờ mắng con là “ôi dồi bẩn thế để đấy tôi làm luôn cho” hay “bé thì chăm thế mà lớn chả biết thế nào nhỉ”... Điều tối kỵ là khi thấy con làm chưa sạch người lớn tranh làm ngay và làm trước mặt con vì như thế sẽ làm con buồn, giảm đi sự tự tin và tự lập.
Mỗi giai đoạn và tùy tính cách của trẻ, chúng ta cần có những phương pháp phù hợp để con làm việc nhà trong vui vẻ, chủ động bạn nhé!
Quay trở lại câu hỏi: Có nên trả lương cho con làm việc nhà hay không? Câu trả lời là có. Nhưng chỉ nên sử dụng trong giai đoạn đầu để dụ dỗ làm phần thưởng thôi chứ không nên kéo dài ba mẹ nha! Để tránh tình trạng có thể con sẽ đòi hỏi được trả lương mỗi khi làm việc nhà chứ không coi đó là nghĩa vụ mình cần phải làm.
Nội dung: Nguyễn Quỳnh Anh - Học viên Content 3 gốc K5
Biên tập: Khánh Vi - Nhàn Lý
Hình ảnh
Comments