top of page

ĐÔI ĐŨA LỆCH - 4 CÁCH KÊ CHO HẾT CHỆCH

Updated: Mar 18

“Chồng thấp vợ cao, như đôi đũa lệch so sao cho bằng”

"Yêu nhau vạn sự chẳng nề, một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng"

Hai câu trên thể hiện sự đối nghịch trong việc ứng xử với tình huống chênh lệch giữa các cặp đôi. Một đằng phó mặc cho số phận, một bên thì cho rằng cho dù chênh lệch thế nào cũng chẳng nề hà vì chỉ cần tình yêu là đủ.


Theo bạn, chỉ có tình yêu thì có cân bằng được sự khác biệt của đối phương với mình khi mà tiến tới hôn nhân, câu chuyện không còn của riêng hai người mà của của rất nhiều người?


Mời bạn cùng blog 3 gốc suy ngẫm về hiện tượng ĐÔI ĐŨA LỆCH trong tình yêu - hôn nhân. Chắn hẳn bạn sẽ có thêm những góc nhìn - giải pháp cân bằng chính mình và đưa ra những lời khuyên sáng suốt cho người thân, bạn bè trong mối quan hệ cực kì quan trọng này.



MỤC LỤC

***

1. Đôi đũa như thế nào là lệch?


Đức Phật đã từng nói “Vạn pháp duy tâm đạo” nghĩa là tất cả những gì chúng ta nhìn về thế giới bên ngoài là do sự phản chiếu của tâm thức chúng ta tại thời điểm đó. Chuyện đôi đũa lệch cũng vậy, mỗi người ở tâm thế khác nhau sẽ nhìn thấy hình dáng sự lệch theo cách riêng của mình. Vậy dưới cái nhìn của những người độc thân và những người bước vào hôn nhân, hình dáng đôi đũa lệch sẽ trông như thế nào?


1.1. Cái thấy từ những kẻ độc thân


Những người chưa bước vào mối quan hệ hôn nhân quan sát thấy những điều lệch có thể gây ra vấn đề cho các cặp đôi thường là chênh lệch quá lớn về tuổi tác, ngoại hình, trình độ học vấn, địa vị xã hội, gia cảnh hai bên.

Lệch về tuổi tác: Có những quan điểm trái chiều xung quanh cái lệch này. Những người luôn vững tin vào rung động chân thành từ trái tim khẳng định “Tuổi tác không quan trọng”. Người thì cho rằng tuổi tác đẹp nhất để kết đôi và hợp với lẽ thường là “gái hơn hai, trai hơn một”

Thật ra quan niệm lệch tuổi tác hoàn toàn có cơ sở. Bởi đó không chỉ là khoảng cách về tuổi mà còn là khoảng cách về tâm lý, nhận thức, trải nghiệm. Người lớn tuổi thường chững chạc, đôi khi bám chấp, ngại thay đổi, thường không thích ồn ào. Người trẻ tuổi thường bồng bột, ưa thích sự nhộn nhịp và náo nhiệt.

Lệch về ngoại hình: Với rất nhiều người, ngoại hình là lợi thế để chọn bạn đời. Nhan sắc có thể không phải yếu tố giữ tình yêu nhưng lại tạo màn khởi đầu đầy ấn tượng và thu hút.




Đàn ông tài giỏi xứng đáng có được cô vợ đẹp, phụ nữ xinh xứng đáng có người chồng giàu có. Đó là quan niệm “trai tài gái sắc” mà chúng ta thường thấy trong xã hội. Chính vì vậy thật không ngạc nhiên thì trào lưu chân dài - đại gia, sugar baby xuất hiện nhiều, dù hệ lụy nó mang lại không phải là ít.

Một người độc thân có thể sẽ “phán xét” khi nhìn thấy một bà mẹ bỉm sữa không được chỉn chu về ngoại hình đi cạnh một người chồng ngày càng phong độ. Thậm chí chính người mẹ đó cũng cảm thấy tự ti vì sự xuống sắc của bản thân mình. Điều đó chính là biểu hiện cho việc lệch về ngoại hình.

Lệch về gia cảnh: Ông bà ta thường quan niệm phải "Môn đăng hộ đối" thì hôn nhân mới bền vững. Suy nghĩ đó ăn sâu đến mức vẫn có những người cảm thấy việc một người giàu kết hôn với một người nghèo là điều ngược lẽ thường, là “đũa mốc dám chòi mâm son”. Sự tương xứng về gia cảnh khiến con người dễ thông cảm, hành xử với nhau hơn.

Lệch về trình độ học vấn: Trình độ học vấn thường được đánh đồng với trình độ nhận thức, thái độ ứng xử. Nếu bạn ứng xử kém người ta thường cho rằng đó là “kẻ vô học”, hoặc nếu người ta biết bạn học hành cũng nhiều mà ứng xử kém người ta sẽ nói rằng “có học mà cũng như không”.

Ngoài những cái lệch về hình tướng mà người đời thường hay quan tâm như trên thì trong đời sống hôn nhân cũng còn muôn vàn cái lệch khác, đó là thách thức rất lớn cho các cặp đôi khi chung sống với nhau.

Những người trẻ độc thân nên quan sát đời sống hôn nhân của ông bà, bố mẹ, anh chị, bạn bè mình làm bài học kinh nghiệm để tránh hoặc làm mẫu hình để đi theo. Tuy nhiên, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Có những cặp đôi lệch rất nhiều lại sống rất hạnh phúc, có những cặp đôi nhìn rất “xứng đôi vừa lứa” thế mà bất ngờ đường ai nấy đi. Điều này gây hoang mang, khó hiểu cho người ngoài cuộc, không biết mình nên như thế nào và tự hỏi hôn nhân có phải như một canh bạc?

1.2 Cái thấy của người bước vào hôn nhân


Phần nhiều chúng ta khi bước vào yêu với tâm thế như thi sĩ Xuân Diệu đã từng thốt lên “Tôi khờ khạo lắm, ngu ngơ quá. Chỉ biết yêu thôi, chẳng hiểu gì”. Để rồi chợt một ngày tự hỏi ngày xưa khi yêu thì cái gì cũng hợp, nhưng sao kết hôn xong thì cái gì cũng lệch?”.

Thực tế cặp đôi nào khi kết hôn cũng sẽ xuất hiện những mâu thuẫn. Nhưng theo thói quen, nhìn thấy sự hòa hợp đến từ hàng xóm hay bạn bè, ta lại nảy sinh một sự so sánh ngầm: Thấy mình sao chẳng được như họ. Nhớ lại trước thềm hôn nhân, tình yêu của mình đậm sâu - đến giờ lại có phần nhạt nhòa hơn trước. Bản thân ta thấy mình sống vì nghĩa vụ, trách nhiệm nhiều hơn là tình cảm nam nữ.




Có nhiều định nghĩa khá bi quan về hôn nhân “hôn nhân là nấm mồ chôn tình yêu” hay hôn nhân giống như nhà vệ sinh, người bên ngoài muốn vào, kẻ bên trong thì khao khát thoát ra. Quả đúng thế, khi đối diện với muôn vàn những vấn đề, cuộc sống hôn nhân không còn màu hồng như trong tưởng tượng.

Lúc này không chỉ còn tình yêu, mà còn là gia đình, nội ngoại, con cái, bếp núc, tài chính…Quá nhiều vấn đề khiến bản thân mỗi chúng ta cảm thấy quá tải, chưa kịp thích nghi nên dễ xảy ra những bất đồng. Bởi những va chạm không nên có, ta nảy sinh suy nghĩ “không hiểu tại sao mình chọn đối phương”. Tệ hơn, kẻ thấy đối phương không còn xứng với mình, người thì sinh ra mặc cảm vì người bạn đời nổi trội hơn mình nhiều quá

Có nhiều người vì mệt mỏi mà tặc lưỡi chấp nhận, có người không chịu đựng nổi thì buông tay, có người ý thức mình cần học cách để xử lý êm đẹp, lấy lại không khí êm đẹp như thuở ban đầu. Đúng là yêu đương thì dễ, gắn bó với nhau lâu dài mới khó. Lúc này cái lệch không chỉ là ngoại hình, gia cảnh, tuổi tác mà quan trọng đó là nhận thức, suy nghĩ, lời nói, hành vi của hai bên.


2. Tại sao đôi đũa bị lệch?


Bỏ qua những “phán xét” của đối tượng bên ngoài, chúng ta sẽ cùng đi tìm hiểu tại sao có hiện tượng đôi đũa lệch thông qua 5 ngôn ngữ tình yêu và 6 giai đoạn hôn nhân của những người trong cuộc nhé!


2.1 Năm ngôn ngữ tình yêu


Theo Gary Chapman thì có 5 loại ngôn ngôn ngữ của tình yêu, hay gọi là 5 cách cảm nhận tình yêu khác nhau. Thường trong giai đoạn yêu đương, các cặp đôi thường có gần như đủ 5 ngôn ngữ này.

5 ngôn ngữ trong tình yêu bao gồm:

  • Ngôn ngữ thứ nhất - Lời nói yêu thương: Người thương của ta quan trọng lời nói, họ muốn đón nhận những lời nói yêu thương chân thành. Nếu yêu mà không nói thì họ sẽ nghĩ rằng chẳng hề yêu.

  • Ngôn ngữ thứ hai - Thời gian chất lượng: Người ấy cần nửa kia có mặt trọn vẹn khi bên nhau, nhận biết được sự hiện diện của nhau. Nếu thân xác bên cạnh mà tâm hồn thì nơi khác thì không phải là yêu.

  • Ngôn ngữ thứ ba - Quà tặng: quà tặng là thông điệp nói lên tình yêu.

  • Ngôn ngữ thứ tư - Hành động chăm sóc: Cùng làm việc nhà, chăm sóc gia đình thì mới đích thị là yêu. Nếu người kia mải miết kiếm tiền và về nhà như cái bóng thì tiền nhiều cũng vô ích.

  • Ngôn ngữ thứ năm - Cử chỉ âu yếm: Những cái ôm chân thành, ấm áp là nơi sạc pin cho người ấy.




Khi có đủ hoặc chỉ cần trọn vẹn 1 vài yếu tố thôi thì tình yêu cũng thăng hoa rồi. Nhưng khi bước vào hôn nhân, với rất nhiều mối bận tâm, ngôn ngữ tình yêu dần bị xao nhãng để những chỗ cho nhiều vấn đề phức tạp khác, được thể hiện cụ thể trong 6 giai đoạn trong hôn nhân.


2.2. Sáu giai đoạn trong hôn nhân


Theo Andrew G. Marshall tác giả sách “I love you, but i’m not in love with you” thì các cặp đôi thường trải qua 6 giai đoạn:

  • Giai đoạn 1 - Phải lòng: Cả hai hòa làm một, cảm xúc dâng trào, họ tin rằng cảm xúc tuyệt vời ban đầu sẽ vĩnh viễn không bao giờ thay đổi, do đó họ sẵn sàng chấp nhận những điểm khác biệt của nhau. Giai đoạn này kéo dài khoảng 2 năm.

  • Giai đoạn 2 - Làm tổ: Cả hai cùng nhau xây dựng tổ ấm. Tuy có một mục tiêu chung nhưng họ phớt lờ những khác biệt của nhau. Giai đoạn này thường khoảng từ năm thứ 3 đến năm thứ 4 của mối quan hệ.

  • Giai đoạn 3 - Khẳng định bản thân: Mỗi người sẽ đi tìm lại chính mình trong mối quan hệ, những sở thích, mong muốn cá nhân của chính mình. Lúc này vì những khác biệt của mỗi cá nhân mà sinh ra mâu thuẫn. Nếu trải qua được giai đoạn này thì cả hai sẽ bước tiếp đến giai đoạn 4.

  • Giai đoạn 4 - Hợp tác: Cả hai tin tưởng và hỗ trợ nhau. Giai đoạn này khoảng từ năm thứ 5 - 14.

  • Giai đoạn 5 - Thích nghi: Cả hai phải đối diện với nhiều áp lực cuộc sống vì thế cũng dễ dẫn đến ly hôn. Giai đoạn này khoảng từ năm thứ 15 - 25.

  • Giai đoạn 6 - Thắp cháy tình yêu: Cả hai như yêu lại từ đầu, gắn bó yêu thương nhau sau những thăng trầm cùng nhau.

Bạn thấy đó, chúng ta thường nói đến vô thường đồng nghĩa với việc không có gì tồn tại mãi. Tình yêu cũng vậy, giai đoạn đến với nhau mọi thứ đều hợp vậy mà qua năm tháng thì mọi thứ đều lệch.

Theo các nhà tâm lý học thì mỗi cá nhân khi bước vào mối quan hệ đã đem tới 80% sự khác biệt từ quá khứ của mình như tuổi thơ, hoàn cảnh và môi trường sống khác nhau. Qua năm tháng sống với nhau những khác biệt này dần lộ rõ nên chênh lệch giữa các cặp đôi xảy ra cũng là lẽ tất yếu.

Phải thừa nhận rằng khác biệt luôn tồn tại từ trước khi mỗi người bước vào mối quan hệ. Ban đầu ta chấp nhận bởi chỉ có một mối bận tâm duy nhất là tình yêu đôi lứa, sau đó khó chấp nhận vì cuộc sống hôn nhân còn hội tụ cả nghĩa vụ, trách nhiệm. Quá nhiều mối bận tâm khiến ta không còn giữ được tâm thái như ban đầu. Đơn giản như việc khi yêu thì tình yêu gắn liền với việc nói những lời yêu thương, tặng những món quà lãng mạn nhưng khi kết hôn thì tình yêu lại thể hiện ở việc cùng nhau làm việc nhà, chăm sóc con cái, đối nội - đối ngoại…

Thực tế cho thấy trong một số mối quan hệ dù một người cố gắng yêu thương, hy sinh rất nhiều nhưng nửa còn lại không hề cảm nhận được sẽ sinh ra hờn trách nhau, dần dà mất kết nối. Rồi họ cho rằng tình yêu như là canh bạc, mình đã không may mắn có được người bạn đời thấu hiểu.

Qua 6 giai đoạn của một cuộc hôn nhân và 5 ngôn ngữ tình yêu nói trên bây giờ chắc bạn hiểu tại sao khi yêu nhau mọi thứ đều hợp, nhưng khi về ở với nhau rồi thì mọi thứ đều lệch rồi phải không?

2.3 Bản chất của hôn nhân


Hôn nhân chẳng qua là một cuộc trao đổi, mỗi bên đều tìm kiếm thứ mình cần. Nếu người ta không lấy được thứ mình cần, trạng thái cân bằng bị phá vỡ, dễ dẫn đến hôn nhân tan vỡ.


Có thể bạn cho rằng câu trên khá bi quan phải không? Còn đâu sự thiêng liêng, cao đẹp của tình yêu! Hãy chậm lại một chút để ngẫm nhé: Khi bạn yêu ai đó chân thành, sẵn sàng hy sinh, trao cho họ mọi thứ, lúc đó bạn đang mong đợi gì thế? Nếu họ không tốt như bạn mong, không trao lại thứ bạn đợi thì bạn cảm thấy thế nào?





Có người cô đơn, thất tình, đang trôi dạt giữa dòng đời muôn sự khó khi gặp được khúc gỗ cứu mạng, hay là bác sĩ cho trái tim thì sẽ cố bám víu vào. Mong rằng khi kết hôn mọi vấn đề của mình sẽ hóa giải.


Khi sống với nhau bằng tâm tham vi tế đó, những mặt nạ đều được gỡ ra, người ta mới “hỡi ôi hôn nhân không phải màu hồng như các bộ phim lãng mạn”. Mỗi người bước vào hôn nhân mang theo muôn ngàn vấn đề, cả hai cộng lại được nhân đôi nhân ba, mà năng lực xử lý thì có hạn. Nên người ta dễ rơi vào một mớ bòng bong, chuyện mình chưa giải quyết xong mà phải gánh thêm rất nhiều mối tơ vò nên mất cân bằng là điều dễ hiểu.


Trạng thái cân bằng lý tưởng nhất cần đạt được trong hôn nhân tương đồng về ngoại hình, học vấn, tài chính, địa vị xã hội, gia cảnh và quan điểm sống. Trong các yếu tố này thì yếu tố về quan điểm sống là yếu tố then chốt, tạo nên sức mạnh cho đôi lứa “đồng vợ đồng chồng tát biển đông cũng cạn”


Quan điểm sống hay còn được gọi là giá trị đạo đức được hình thành từ nhiều yếu tố như môi trường sống, giáo dục, hướng thiện. Nếu có sự đồng điệu thì mối quan hệ dễ thuận hòa. Ngược lại vợ chồng sẽ gặp khó khăn rất lớn, sẽ dễ sinh ra nhiều mâu thuẫn, xung đột. Trong hôn nhân, nếu ly hôn một lần có thể không phải lỗi của bạn nhưng nếu ly hôn đến năm bảy lần thì chắc chắn do bản thân mình rồi. Vì vậy để hôn nhân có hạnh phúc, ta không chỉ chạy theo mong cầu của bản thân mà còn phải quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng của đối phương nữa.


3. 4 chiêu so lại đôi đũa lệch


So lại đôi đũa sao cho gần bằng!

Bên trong chúng ta luôn tồn tại những điều bất ổn. Bất ổn này đôi khi nó là những điểm yếu, mặc cảm, nỗi sợ, vết thương lòng. Nó thể hiện ra rất nhiều hình dạng, mức độ khác nhau, có thể qua việc không chấp nhận chính bản thân mình dẫn đến việc không chấp nhận người khác. Vì vậy, quá trình so cho bằng cái lệch với người bạn đời cũng gắn liền với quá trình chữa lành hay gọi là san cho êm chính những gồ ghề bên trong ta. Một mũi tên sẽ trúng hai đích nếu chúng ta dám chấp nhận mổ xẻ tâm mình, chấp nhận yêu thương mình trước, rồi sau đó thấu hiểu bạn đời của mình. Để rồi chính mình và đối phương cũng được cứu chữa, tránh trường hợp chúng ta đánh mất chính mình và đánh mất luôn cả cuộc hôn nhân.

Dưới đây là 5 cách để ta hiểu và thương, vượt qua sự khác biệt để đồng điệu với nhau về tâm hồn:

3.1 Dung hòa sự khác biệt


Mỗi chúng ta là những cá nhân riêng biệt. Khi đến với nhau mỗi người đem tới 80% sự khác biệt này vào đời sống chung, do vậy điều dễ hiểu là hai người sẽ có những bất đồng, mâu thuẫn.


Vì thiếu sự thấu hiểu, không chấp nhận được sự khác biệt mà luôn mong muốn người kia phải giống mình, đáp ứng những mong cầu của mình. Cái tôi lớn luôn cho mình đúng nên ta sinh ra tâm lý so sánh người ấy với những người xung quanh, phán xét quan điểm sống khác mình. Sự ngã mạn cản trở ta chia sẻ, mâu thuẫn thêm sâu dày theo ngày tháng dẫn đến mất kết nối trong mối quan hệ.


Có khi nào bạn rơi vào cảm giác chối bỏ bản thân? Tĩnh lặng quan sát và thấy mình cũng từng có những hành xử chưa đúng (Mọi người vẫn hay gọi là “hãm”). Mình đòi hỏi đối phương yêu thương cả những sai sót của mình nhưng mình lại chưa thể chấp nhận sự khác biệt của họ. Điều đó khiến họ cảm thấy không được trân trọng.



Ta không thể đánh giá khả năng leo cây của con cá cũng như đánh giá khả năng bơi lội của con khỉ. Con người cũng vậy, mỗi cá nhân chúng ta có những nét tính cách, sở trường và sở đoản khác nhau. Nếu ta dùng tài năng, quan điểm của mình làm chuẩn để đòi hỏi bạn đời cũng vậy thì đó là một sự áp đặt sai lầm.


Theo thuyết Đa Trí Tuệ của Gardner cho rằng con người có tám loại trí thông minh: thông minh không gian, thông minh thể chất, thông minh âm nhạc, thông minh ngôn ngữ, thông minh logic-toán học, thông minh xã hội, thông minh thấu hiểu nội tâm, thông minh tự nhiên. Khi hiểu được rằng con người chúng ta là các cá thể khác biệt, và những điều khác biệt này cần được thấu hiểu và tôn trọng, thì vấn đề khác biệt giữa các cặp đôi không còn là vấn đề lớn, mà nó trở thành cơ hội để chúng ta phát mở rộng sự cảm thông, thấu hiểu của lòng mình.

Để dung hòa sự khác biệt, ta có thể thực hiện các bước sau:

  1. Cho nhau khoảng không gian riêng để người kia có thể phát huy những sở thích cá nhân, làm điều mình thích. Khi được là chính mình thì họ sẽ được nạp thật nhiều năng lượng yêu thương để có thể trao đi cho người thương.

  2. Mỗi người có ngôn ngữ tình yêu khác nhau, vậy nên cần quan sát để thấu hiểu ngôn ngữ tình yêu của đối phương, sử dụng ngôn ngữ ấy khi giao tiếp với nhau để cả hai được cảm thấy mình được yêu.

  3. Cùng trao đổi về điểm khác biệt không đi cùng với thái độ chỉ trích, phán xét để cả hai cùng thấu hiểu nhau nhiều hơn.

  4. Cùng đặt ra mục tiêu thường xuyên làm mới tình yêu, biểu đạt tình yêu cho đối phương biết.

  5. Cân bằng tình yêu và cái tôi của bản thân.


3.2 Thay đổi mình trước khi đổi thay người


Thế giới chúng ta nhìn thấy như một tấm gương, ta mỉm cười hay cau có thì trong gương đều phản chiếu lại chân thực. Mối quan hệ lứa đôi cũng vậy, ta đối xử với người thế nào thì người cũng đối xử với ta như thế. Khi trong ta tồn tại sự không hài lòng, khó chấp nhận, dù không nói ra thì người kia cũng sẽ cảm nhận được.


“Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, điều đó có nghĩa là ta thường thu hút những đối tượng gần giống ta. Khi ta nhìn thấy những điểm hạn chế của họ thì những điểm xấu tương ứng cũng có trong ta. Nhưng ta lại thường thấy lỗi của đối phương và muốn họ thay đổi theo ý mình. Điều này thật khó vì đây là cái muốn của ta, không phải cái muốn của người kia. Nếu ta muốn người trong gương cười với mình thì ta phải mỉm cười trước. Khi ta thay đổi ắt hẳn người kia sẽ thay đổi.


Cũng giống như việc cho đi, nếu bạn muốn tặng ai đó một món quà, đầu tiên bạn phải có món quà ấy trước. Nếu bạn muốn trao tặng tình yêu thương cho người thương của mình, bạn phải đủ đầy tình yêu thương trong trái tim mình trước.


Duyên số do trời định, nhưng hạnh phúc là do người tạo. Con người luôn được trao cơ hội để khám phá, phát huy năng lực của bản thân. Vậy mong bạn hãy giữ được bản thể đẹp nhất của chính mình trong tình yêu.





3.3 Rối ở đâu, gỡ ngay ở đó


Đường ta đi hàng ngày, chúng luôn cần bảo dưỡng, sửa chữa những đoạn xuống cấp, hư hỏng để giao thông thuận tiện. Mối quan hệ giữa các cặp đôi cũng luôn cần gỡ rối những đoạn tắc, những khúc mắc để hôn nhân hiện diện đúng như vai trò của nó là giúp cả hai cùng tiến về phía ánh sáng.


Nếu những khúc mắc nhỏ không được giải quyết, nó sẽ dồn nén thành những khúc mắc lớn, “tức nước vỡ bờ”. Vậy nên có rất nhiều cặp đôi chia tay vì những chuyện vặt vãnh, nhỏ nhặt. Những dồn nén để quá lâu, đến mức vượt mức chịu đựng của cả hai, chia tay là điều tất yếu.


Trước những bất như ý, cả hai thường đổ lỗi cho đối phương mà ít nhận lỗi về mình. Có phải chúng ta đã quá tự cao tự đại, không khách quan khi nhìn nhận sự việc? Cũng có lúc chúng ta chỉ nhìn thấy bề nổi của sự việc mà chưa chậm lại để nhìn sâu hơn một lớp nữa. Hầu hết chúng ta lại giống nhau ở điểm này.


Theo Daniel Kahneman - tác giả sách “Tư duy nhanh và chậm” cho rằng con người chúng ta rất lười tư duy nên thường sử dụng những quan điểm, định kiến để nhìn nhận vấn đề, ông gọi đây là hệ thống 1. Ông khuyên chúng ta nên sử dụng hệ thống 2 của não bộ là chúng khi chúng ta chậm lại thì hệ thống 2 sẽ được kích hoạt. Để tạo cơ hội xây đắp cuộc đời bình an, ta nên chậm lại khi nhìn nhận vấn đề, tránh buộc tội đối phương một cách vô lý, nhìn thật sâu để thấy điểm tốt của nhau để công nhận và học hỏi.


3 bước dưới đây sẽ giúp ta giải quyết xung đột khi đối diện với cảm giác không đồng điệu và bất như ý:

  • Bước 1: Thừa nhận, đối diện, không trốn tránh những bức xúc, cảm giác không hài lòng. Ông bà ta thường nói “Cơm sôi nhỏ lửa”

  • Bước 2: Hoán đổi vị trí của ta và người để thấu hiểu cảm thông, lắng nghe. Cùng trao đổi những mong muốn, ước mơ của đối phương, khuyến khích đối phương thực hiện ước mơ của họ, để họ được là chính mình.

  • Bước 3: Cân bằng cái mình muốn và cái người thương mình muốn. Bớt mong cầu sẽ bớt khổ đau.

Trong tình yêu cảm xúc có lúc thăng lúc trầm, nên mối dây chắc chắn nhất để kết dính các cặp đôi lại với nhau đó là sự tôn trọng. Ông bà ta thường dạy “Tương kính như tân”, tôn trọng người kia cũng chính là tôn trọng mình, vì tôn trọng người kia và được tôn trọng lại nên con người ta không dễ dàng gì rời bỏ mối quan hệ. Nếu có chia tay thì hình ảnh trong mắt nhau vẫn đẹp đẽ, vẫn có thể là bạn chứ không biến thành kẻ thù.


Dẫu biết rằng mỗi nhà mỗi cảnh, ai cũng có điểm yếu, mối quan hệ nào thì cũng có những góc khuất. Nhưng nếu sai sót được để tâm sửa liền thì mọi chuyện sẽ được giải quyết, đưa khoảng cách lệch gần lại nhau hơn. Bằng không khoảng cách lệch càng xa thì sẽ càng khó điều chỉnh.

3.4 Tìm về cùng tam bảo


Đời sống đôi lứa giống như việc chạy marathon, nếu một phía chạy nhanh hơn hơn thì khoảng cách giữa hai người sẽ ngày càng cách xa nhau. Do vậy, để thành bạn đồng hành, ta cần nâng đỡ, hỗ trợ nhau trên suốt hành trình.





Nơi để ta nâng đỡ nhau tốt nhất đó là môi trường tam bảo - nơi ta có cùng người thầy hiền trí, đọc những quyển sách tinh hoa và sinh hoạt cùng những người bạn tốt. Ba báu vật đó sẽ giúp ta nhìn thấy lỗi mình, tôn trọng sự khác biệt của mọi người và cùng nhau đi về phía ánh sáng. Có thể đời sống vật chất, con đường sự nghiệp không giống nhau, nhưng con đường tâm linh thì nên đi cùng nhau để cùng đưa nhau cùng trở về điểm chung nhận thức, niềm tin, chuẩn mực đạo đức.


Ta không thể hạnh phúc nếu chỉ sống cho riêng mình. Khi sở hữu một trái tim rộng mở với mọi người, hạnh phúc của ta sẽ ngập tràn. Cùng nhau cho đi, trao những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng cũng là cách giúp tình yêu của ta ngày càng trở nên đẹp đẽ và bền chặt.

***

Yêu nhau thì dễ, bên nhau mới khó. Không ai dạy bạn sống, cũng chẳng ai dạy bạn yêu. Tất cả những lý thuyết đều dựa trên trải nghiệm của người khác, không hoàn toàn giống với tình huống của bạn….


“Mình với ta tuy hai mà một

Ta với mình tuy một mà hai”


Dù các cặp đôi gắn bó, nên một với nhau nhưng vẫn cần cho nhau khoảng trời riêng để tự do trong những sở thích phù hợp với tính cách cá nhân riêng biệt của mỗi người. Được tự do trong những không gian riêng cũng giúp họ có năng lượng, cân bằng lại chính mình để nạp năng lượng bồi đắp cho tổ ấm chung.


4. Kết luận


Thật ra với những người trong cuộc, có lẽ “đôi đũa” bản thân chưa từng bị lệch. Sở dĩ đôi đũa lệch bởi vì chúng ta đã đặt nó ở một vị trí chênh vênh nên mới không cảm nhận được sự đồng điệu của người bạn đời.


Nhưng thôi, bỏ qua độ “lệch” bởi mỗi chúng ta đến với thế giới này là một cá thể duy nhất kèm với đó là sự khác biệt với tất cả mọi người. Điều quan trọng là ta thấu hiểu, tôn trọng điều đó và tìm cách dung hòa, nâng đỡ để hôn nhân luôn hạnh phúc, để đối phương luôn cảm thấy tự do ngay trong ràng buộc!


Nội dung: Thu Thủy - Học viên Content 3 gốc

Biên tập: Nhàn Lý

Hình ảnh: Hạnh Dung





252 views0 comments

Recent Posts

See All
Untitled-1.jpg

Cùng chung lý tưởng
“Giáo dục chuyển hoá 3 Gốc”

Trang thư viện 3 Gốc mong nhận được phản hồi, động viên hoặc “ủng hộ” tuỳ hỷ đến từ độc giả. Bởi đây là thông điệp ngầm nhắn gửi “Những gì chúng tôi làm mang giá trị thiết thực đến cho mọi người”, giúp 3GOC.VN sẽ ra mắt nhiều nội dung giá trị hơn trong thời gian tới. 

bottom of page