top of page

ĐỪNG BỎ LỠ CÔ ĐƠN

Updated: Mar 12

Nhiều người trong chúng ta sợ cô đơn. Nhưng cũng rất nhiều người cảm thấy cô đơn là bước ngoặt để chạm vào lối sống tỉnh thức. Dù bạn đang cảm nhận thế nào, khi đọc bài viết này, chắc hẳn bạn sẽ thấy thật diệu kỳ vì khám phá ra những thế giới đầy màu sắc của cô đơn.


Mời bạn cùng Blog 3goc.vn đi đến cuối bài viết này, để thấy cô đơn cũng là một nốt nhạc sâu lắng, một trạm dừng chân thi vị để bạn có thêm những giải pháp - vững vàng trở thành một thiên tài.




MỤC LỤC

Tìm thấy tất cả nhưng không thấy bình an thì cũng bất hạnh


1. CÔ ĐƠN GHÉ THĂM TA, TA GHÉ THĂM CÔ ĐƠN LÀ HÒA

Ai trong cuộc đời cũng có đôi ít lần được "cô đơn" ghé thăm. Vị khách không mời mà đến này nhiều phen làm chủ nhà bất ngờ không kịp đón tiếp. Khiến cô ta khá buồn bực… Hôm nay là một ngày đẹp trời, mời bạn cùng 3goc.vn thử chủ động ghé thăm nhà của "cô đơn" này để lắng nghe và hiểu sâu người bạn hiền này nhé!


1. Cô đơn và lý lịch trích ngang

Họ và tên đầy đủ: Cô đơn

Giới tính: Chủ yếu là nữ

Tuổi: Lúc 18+, lúc 81-

Họ hàng: cô độc, cô quạnh, cô liêu…

Tình trạng: Luôn cảm thấy chỉ có một mình (Độc thân hoặc cả khi có gia đình, bạn bè)

Tính cách: Buồn bã, u sầu, trống rỗng...

Ước mơ/khao khát: Được ai đó lắng nghe và thấu hiểu


2. Những biểu hiện điển hình của cô đơn

Một ngày bước ra đường, hòa vào dòng người nhộn nhịp, bạn thấy mình lạc lõng, chẳng ăn nhập, chẳng thể đồng điệu cùng ai trong bất kì câu chuyện nào cả. Buổi tối trở về nhà, đón chào bạn là không gian lặng ngắt, hoặc có sự hiện diện của ai đó nhưng bạn vẫn chẳng thể mở lời chia sẻ những ấm ức suốt 1 ngày dài.


Khi buồn thật buồn, bạn lật tung danh bạ điện thoại, tìm kiếm cả list bạn bè đông đúc trên mạng xã hội nhưng vẫn không thể tìm nổi một người để san sẻ, trút bầu tâm sự, giải tỏa nỗi lòng mình. Hoặc bạn cố gắng chia sẻ đại với ai đó nhưng nhận từ đối phương sự hờ hững đến vô tình. Rồi trải qua rất nhiều bất trắc, có vẻ đang rất nhiều người bên cạnh nhưng không một ai biết bạn đã chênh vênh, chật vật, khốn khổ như thế nào.


Và thật tệ hại, không chỉ với thế giới rộng lớn ngoài kia mà ngay cả khi bên cạnh người thân ruột thịt trong gia đình, thậm chí bạn đời, đôi khi bạn cũng cảm thấy mình tách biệt, không có mối liên hệ nào.


Bạn đau khổ, trống rỗng vì không một ai trên thế gian này có thể thấu hiểu, lắng nghe và đồng cảm được với mình cả. Tất cả những cảm xúc đó được gọi là cô đơn.


  • Vậy cô đơn là gì?

Cô đơn chính là việc chúng ta cảm thấy mình hoàn toàn khác biệt với thế giới bên ngoài. Sự khác biệt đó không được đón nhận, không được thấu hiểu nên ta rơi vào thế bị cô lập, bị đẩy ra xa, bị cách ly với tất cả các mối quan hệ. Ta thấy mình không có ai tin tưởng, không có người đồng hành, không thích ứng nổi với xã hội vẫn luôn vận hành ngoài kia. Ta lẻ loi và đầy nỗi buồn giữa thế giới ồn ào, náo nhiệt và đâu đâu cũng là những đám đông với sự hân hoan, hạnh phúc.


Giữa cả biển người, đôi khi vẫn cảm thấy chỉ có một mình


2. QUÊ HƯƠNG CỦA CÔ ĐƠN - TỪ XA HAY TỪ TA?

Nếu bạn vốn là người rụt rè, ngại chia sẻ, hướng nội thì việc bạn lầm lũi giữa thế giới sôi động ngoài kia có lẽ không khó hiểu. Nhưng ngay cả khi bạn ưa hướng ngoại, giữa chốn đông đúc, bạn vẫn cảm thấy mình lẻ loi một cách đáng sợ. Thậm chí bạn là người luôn mang đến tiếng cười cho người khác, là tâm điểm gây chú ý của mọi cuộc vui thì đằng sau chiếc mặt nạ cuộc đời đó vẫn có thể là sự trống rỗng đến vô tận vì bạn không biết mình là ai, không thể đồng điệu với ai.


Thật nghịch lý, khi chúng ta càng ở những chốn đông đúc, phồn hoa, nhộn nhịp thì con người dường như càng trở nên xa lạ. Và chúng ta cho rằng mình cô đơn là do không được người khác quan tâm, không được ai đó thấu hiểu, không tìm được người đồng hành. Nhưng cô đơn rốt cuộc đến thế giới vô tình hay là đến từ chính mình?


1. Cô đơn đến từ thế giới bên ngoài

Không thể phủ nhận môi trường sống có ảnh hưởng rất lớn đến tính cách, suy nghĩ, quan điểm và thái độ sống của con người. Nếu sinh ra và lớn lên trong một gia đình có bố mẹ nóng tính, bạo lực, không có sự yêu thương gắn kết thì ta dễ sống nội tâm, khép kín, tự ti và ít chia sẻ với những người xung quanh. Những tổn thương đó khiến ta luôn sợ mình không được quan tâm, sợ bị bỏ rơi. Ta dễ rơi vào sự chênh vênh, trống rỗng khi bản ngã luôn ghi nhận thế giới ngoài kia ai ai cũng được yêu thương, hạnh phúc hơn mình.

Gia đình tác động lớn đến cảm xúc cô đơn


Cuộc sống với những lo toan về mưu sinh; hành trình kiến tạo hạnh phúc với thước đo là danh vọng, địa vị ăn sâu vào lối sống và suy nghĩ của những người hiện đại. Chúng ta không còn quây quần, thảnh thơi trong mái ấm gia đình mà mải miết tìm kiếm cơ hội bằng việc đi học xa, chen chúc nơi phồn hoa đô hội để có được địa vị. Một ngày 24h vật lộn như thế, mải miết trong những cuộc hẹn với đối tác, hội họp; đắm mình trong bản thảo và kế hoạch; suy nghĩ làm sao kiếm được nhiều tiền, xây được nhà to và đẹp, chúng ta dành bao nhiêu thời gian kết nối với người thân và chính mình?


Xã hội càng phát triển thì con người càng cô đơn. Cuộc sống tiện nghi với sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ khiến con người càng ít kết nối. Tất nhiên chúng ta không phủ nhận những mặt tích cực của mạng xã hội. Nhưng nếu lạm dụng việc chúng ta đứng trước bờ vực của sự rời rạc trong các mối quan hệ là điều rõ ràng.


Chúng ta nhìn thấy nhau hàng ngày nhưng lại chỉ thích tương tác bằng những comment, lượt like trên mạng xã hội qua những bức hình sống ảo. Chúng ta vẫn ngồi bên nhau hàng ngày nhưng thật kì quặc khi chẳng nói với nhau 1 lời vì còn bận chơi game, đắm mình trong các đoạn video hay hóng những drama muôn hình vạn trạng. Buổi tối, chúng ta vẫn có thể dùng cơm cùng nhau, nhưng sau đó mỗi người lặng lẽ về phòng, đóng chặt cánh cửa phòng như cái cách chúng ta cài then tâm hồn mình vậy. Các mối quan hệ càng trở nên rời rạc, chúng ta càng ngại ngần chia sẻ.


Thức ăn dành cho tâm, nhiều thứ không lành mạnh; thức ăn dành cho thân cũng chẳng khá khẩm hơn nhiều. Khi con người bất chấp lợi nhuận cũng là lúc chúng ta phải nuôi dưỡng cơ thể bằng những thực phẩm đầy độc tố. Thử hỏi, sao chúng ta có thể an vui khi ngày ngày nạp vào mình những đồ ăn như vậy?


Mỗi ngày đều trôi qua như thế, rồi khi thân mệt mỏi - tâm bất an, rồi khi đối diện với nghịch cảnh, ta hụt hẫng nhận ra mình không biết tìm sự tương tác với ai, lúc nào, ở đâu nữa.


2. Cô đơn bắt nguồn từ lựa chọn thái độ sống

Mình là nhân, mọi thứ đến với mình là quả

Có rất nhiều người vẫn chịu sự tác động của môi trường sống như ta nhưng họ lại không cảm thấy chơi vơi, lạc lõng. Vì vậy sẽ thật thiếu sót nếu ta chỉ thấy nguyên nhân của sự cô đơn đến từ bên ngoài rồi “đổ lỗi” cho hoàn cảnh mà quên đi rằng mọi thứ đều đến từ mình, từ tâm trí mình”.


Cô đơn đến từ lựa chọn thái độ sống của mỗi người


Khi ta luôn coi ý nghĩa cuộc đời của mình là vật chất và danh vọng, ta mang trên mình đủ lớp mặt nạ với đầy những vai diễn cũng là là lúc ta mất đi sự thân mật, ta luôn phòng thủ với mọi người xung quanh. Ta không dám chia sẻ những phút mình yếu đuối, không dám hiện diện với con người chân thật đầy những điều chưa hoàn hảo. Nhưng ta lại đầy kỳ vọng rằng mọi người sẽ thấu cảm được tâm trạng tồi tệ của mình.


Thật không bất ngờ khi càng đứng ở vị trí cao ta lại càng cảm thấy cô đơn, càng thấy mình không có điểm chung với mọi người. Ta tắt cửa cài then vì cảm thấy không có người nào thấu hiểu. Tự ta đã không cho người khác có cơ hội được hiểu mình thì làm sao ta lại không cô đơn?


Không những mất kết nối với mọi người mà nghiêm trọng hơn là ta mất kết nối với chính mình. Ta không thừa nhận những gì mình đang có. Nội tâm ta chỉ lao ra thế giới bên ngoài với sự mất kiểm soát cùng cực của tâm tạo tác. Ta chán mình, từ chối hiểu mình, không thật sự có mặt với chính mình. Giữa phút giây chông chênh vì cảm thấy “cả thế giới chống lại tôi”, “tất cả mọi người ghét tôi”, ta quên mất rằng mình còn có một điểm tựa cực kì vững chãi, đó là CON NGƯỜI CHÂN THẬT vẫn ngự trị ở trong ta.


3. HAI MÓN QUÀ ĐẾN TỪ CÔ ĐƠN

1. Một cuộc đời bi thương

Chúng ta đang sống ở một thời đại mà con người ưa vội vã, sống nhanh, sống gấp, đến mức ta không có đủ thời gian để quay lại quan sát chính mình và chăm sóc các mối quan hệ. Vì vậy cô đơn giờ đây không chỉ là vấn đề cá nhân mà đang là một hội chứng bao phủ toàn xã hội.

“Theo The Economist and Kaiser Family Foundation (KFF), một tổ chức phi lợi nhuận về sức khỏe của Mỹ đã khảo sát các mẫu đại diện của ba quốc gia giàu có trên thế giới bao gồm Mỹ, Nhật và Anh thì có đến gần 20% số người được khảo sát luôn hoặc thường cảm thấy cô đơn, thiếu bạn đồng hành, hoặc cảm thấy bị bỏ rơi hoặc bị cô lập giữa cuộc sống của họ. Và chúng ta luôn sợ hãi, luôn muốn đẩy lùi, luôn muốn xóa tan cô đơn”

Ừ thì buồn một chút cũng đâu có gì ghê gớm. Ai chẳng vậy. Nhưng nếu cảm giác trống rỗng, nặng nề, u uất đó trượt dài ngày này qua tháng khác sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống. Nhiều chuyên gia cho rằng cô đơn nguy hiểm hơn cả việc hút thuốc lá, đáng sợ hơn cả việc béo phì. Mấy ai đang trải qua cô đơn lòng vẫn an yên và ngủ ngon giấc. Sự trĩu nặng và cảm giác bất lực vì không thể chia sẻ khiến sức khỏe của ta sa sút, suy giảm miễn dịch, nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Và về tinh thần, ta trở nên cực đoan, trầm cảm, stress, hoài nghi chính bản thân.


Đỉnh điểm của sự khó chịu kéo dài dằng dặc đã trở thành vết thương rỉ máu là việc chối bỏ chính mình, kết liễu cuộc đời một cách bi thương hoặc sống mà tâm như chết lặng.


Có những người không sợ trời, không sợ đất, không sợ nghịch cảnh nhưng bỗng một ngày gục ngã vì những phiền não nhỏ nhặt đã tích tụ, âm ỉ, ăn mòn thân tâm của họ. Khi ở bên cạnh những người có tâm trạng tiêu cực như vậy, ta cũng thật dễ bị ảnh hưởng bởi năng lượng nhiều u uất, đen tối đó.


2. Một cuộc đời tỉnh thức

Cô đơn là lúc ta tập trung toàn bộ sức lực và tâm trí vào chính bản thân mình. Vì vậy hãy tận dụng sự tập trung đó để hiểu mình, hiểu những điều mình thích. Dành thời gian biến đam mê, sáng tạo trở thành tuyệt chiêu giúp ích cho đời. Và biết đâu cuộc đời sẽ bước sang một trang mới?


Chúng ta sợ cô đơn vì cô đơn khiến ta tiêu cực, đôi khi mất kiểm soát cảm xúc và trí tuệ sa sút nhưng cô đơn cũng là cơ hội để ta mở ra một cánh cửa khác.


Bởi vì:

“Nếu không có khổ đau

Biết đâu là hạnh phúc

Nhờ mộng mị hôm nào

Ta tìm về tỉnh thức”


Khi một mối quan hệ rạn vỡ hoặc khi bạn quá chán ngán điều gì đó nhưng vẫn chưa thể dứt bỏ, bạn sẽ làm thế nào để buông?

Cách dễ dàng nhất đó là khi mọi thứ vượt quá sức chịu đựng. Ta không thể vác mãi 1 bao tải nặng khi sức cùng lực kiệt. Ta cũng chẳng thể đứng lâu trên đống lửa khi đôi chân của mình đã bỏng rát vì sức nóng của than hồng. Nỗi cô đơn cũng vậy. Ta dễ dàng buông sự chán ngán khi cảm xúc lên đến đỉnh điểm để đi tìm những khoảng trời khác, dễ thương và dịu dàng.


Bạn còn nhớ đại dịch Covid?

Khi con người đang quen hòa mình vào đám đông, lao vào vòng xoáy của bạc tiền đến quên đi cả chính mình thì 1 loạt sự kiện dồn chúng ta rơi vào sự bất an, cô độc khi phải quanh quẩn trong nhà mấy tháng trời. Chúng ta bắt buộc phải dừng chân, sống chậm lại. Dù thời gian đầu đầy bất an và hoảng loạn thì sau đó, rất nhiều người vẫn kịp nhìn lại chính mình, chăm sóc tốt cho bản thân và trân quý những mối quan hệ thân thiết.


Chính khoảng lặng đó khiến ta suy nghĩ lại về ý nghĩa cuộc đời, xác định điều gì mới là quan trọng. Với rất nhiều người, Covid khiến họ thấy cô đơn nhưng lại chính là một bước ngoặt thay đổi cuộc sống, tìm về tỉnh thức.


Nếu như ở giữa đám đông với rất nhiều mối quan hệ, ta luôn phải mang trên mình những chiếc mặt nạ nhập vào những vai diễn, thì khi ở một mình, ta đích thị được sống là chính mình. Trong lúc không ai làm phiền, ta sẽ có cơ hội thấu hiểu bản thân.


Ta tìm ra lẽ sống mà ngày thường bị vùi lấp khi bị cuốn vào vòng xoáy xô bồ của thế giới bên ngoài. Ta nhận ra trong cuộc đời có những việc ta chỉ có thể tự mình làm, có đoạn đường chỉ có thể tự mình đi và có những khó khăn chỉ có thể tự mình xoay sở. Hiểu vậy, sự cô đơn đâu còn gì ghê gớm. Ta dần dần trở thành người biết sống một mình: tìm thấy an vui ngay trong cô đơn, trung thực là chính mình khi đứng giữa biển người.


Tìm thấy an vui ngay khi một mình


Vì vậy, đừng sợ khi cô đơn, cũng đừng chạy trốn cô đơn.


Rốt cuộc, giữa vô vàn mối quan hệ phức tạp thì ta vẫn luôn cần những khoảng không gian chỉ có một mình. Đó là lúc ta dừng lại, quay vào bên trong, tự tại và an yên hoặc chỉ đơn giản là quan sát nỗi cô đơn - như nó đang là.


4. HAI CÁCH TIẾP ĐÓN KHI CÔ ĐƠN GHÉ THĂM

Khi khách đến nhà, bạn sẽ thường làm gì? Né tránh hay đón tiếp nồng nhiệt?


1. Né tránh

Né tránh có vẻ là cách hơi thiếu lịch sự. Nhưng không khó để thấy những chàng trai khi lòng quạnh hiu thường tìm đến bia, rượu, quán bar để giải sầu, để quên đi thực tại. Thật dễ thấy những cô gái khi muốn trốn chạy cú sốc nào đó thường đi “quẩy”, đi spa, shopping vô tội vạ, hẹn hò tám chuyện cùng bạn bè…mong muốn khỏa lấp đi sự trống vắng, hụt hẫng thẳm sâu trong tâm mình.


Ngoài ra, chúng ta còn có một số cách đón tiếp khách vip này một cách thất lễ hơn như:

  • Ngồi một mình, lắng nghe bản nhạc buồn, lặng lẽ rơi nước mắt

  • Cuốc bộ đến một nơi vắng vẻ rồi hét thật to chỉ để nghe âm thanh của chính mình vang vọng từ không trung bao la đáp trả lại

  • Lướt facebook, zalo, tiktok mong thiêu chết sự chán đời này

  • Chạy vô phố xá, hòa mình vào đám đông nhộn nhịp đầy lo toan và bận rộn

  • Hay lao đầu vào công việc đến quên cả đất trời?

Nhưng rồi bạn có hết cảm giác lạc lõng, trống rỗng đến đáng sợ ấy không?


Vậy đấy, càng chạy trốn cô đơn ta lại càng cô đơn.

Ta cố gắng né tránh, lấp đầy sự trống vắng bằng những thú vui, chú tâm vào những đối tượng khác, gán ghép mình với thế giới bên ngoài nhưng thế giới ngoài kia chỉ có thể giúp ta né tránh khỏi sự lẻ loi trong phút chốc ngắn ngủi. Bởi cô đơn sẽ quyết tâm ở lại chờ ta với những cảm xúc dâng trào hơn gấp bội.


2. Đón tiếp nồng nhiệt

Cô Đơn thường ghé thăm ta khi THÂN TÂM TRÍ cô ấy ốm yếu, suy nhược và mệt mỏi. Vì vậy, mời cô ấy ăn những món ăn giúp phát triển Thân Tâm Trí là cách cần thiết để biến mối quan hệ từ đối nghịch thành bạn hiền


2.1 Chăm sóc THÂN qua dinh dưỡng lành mạnh và luyện tập

Nguồn gốc thức ăn hàng ngày ta nạp vào để nuôi sống cơ thể có ảnh hưởng lớn đến tâm trạng. Thay vì dùng nhiều thức ăn có nguồn gốc động vật, qua nhiều khâu chế biến và sử dụng nhiều chất bảo quản thì lựa chọn những thức ăn từ thực vật được trồng sạch sẽ giúp cơ thể trở nên nhẹ nhõm, mang lại cảm xúc tích cực.


Đi kèm với chế độ ăn, chúng ta cũng cần có thói quen vận động phù hợp. Một cơ thể khỏe mạnh, nhiều năng lượng chắc chắn sẽ không khiến ta cảm thấy trống rỗng và ủ rũ lâu. Vận động sẽ giúp chúng ta cảm thấy máu được lưu thông tốt hơn, sức sống dẻo dai, tươi mới và tràn trề.


Thân khỏe tâm sẽ an. Nếu chưa có thói quen tốt này, hãy bắt đầu từ hôm nay nhé!


2.2 Chữa lành TÂM qua kết nối và thấu hiểu với thiên nhiên và muôn loài

Thiên nhiên luôn là người mẹ hiền từ sẵn sàng xoa dịu mọi nỗi đau, tổn thương và khiến ta cảm thấy an yên khi hòa mình vào đất trời và vạn vật. Đại thi hào Nguyễn Du từng có câu “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, nghĩa là chúng ta sẽ luôn tìm thấy ở thiên nhiên 1 sự đồng điệu. Tạo hóa luôn chứa những điều kì diệu. Và rất nhiều khi, chính việc hít thở không khí trong lành, thả hồn trước vẻ đẹp muôn màu sắc của thiên nhiên, đất trời lại vô tình lấp đầy sự cô đơn trong lòng mình.

Hòa mình vào thiên nhiên khiến ta cảm thấy bình an

  • Làm bạn với thú cưng

Không phải ngẫu nhiên rất nhiều người có sở thích nuôi thú cưng. Việc ta có niềm vui khi chăm sóc 1 chú mèo, chú chó… sẽ khiến ta sống có trách nhiệm và cảm thấy mình luôn luôn có 1 người bạn trung thành bên cạnh. Thật tuyệt khi ta có thể thủ thỉ mọi chuyện với người bạn chỉ biết lắng nghe này mà không phải lo lắng việc sẽ bị truyền đến tai của 1 người thứ 3 nào khác.


  • Thiết lập vòng tròn Tam bảo

Khi nội lực yếu, giải pháp tốt nhất là tìm kiếm sự nâng đỡ từ bên ngoài. Nhưng nếu không muốn nhận về sự hờ hững, vô tình hoặc tồi tệ hơn là nỗi buồn của mình trở thành đối tượng phán xét từ người khác, hãy tìm đến môi trường Thầy Hiền Trí - Tủ sách tinh Hoa - nhóm bạn tốt.


- Trong lúc bế tắc, có một người THẦY HIỀN TRÍ chỉ đường dẫn lối chắc chắn ta sẽ không bị lạc đường.

- Trong lúc bị chú tâm cao độ vào nỗi buồn, đọc 1 cuốn SÁCH HAY đồng điệu khiến ta cảm thấy cuộc đời an vui hơn. (hoặc có thể đọc Blog 3goc.vn và Youtube GNH talk)

- Trong lúc cô đơn, có người BẠN TỐT chia sẻ thì sự chơi vơi đâu có dám chiếm hữu dài lâu trong tâm trí.


Môi trường Thầy - Sách - Bạn sẽ dìu ta qua những ngày tháng chông chênh, mất phương hướng. Không những cảm xúc tiêu cực bị trục xuất mà nhờ kết nối, ta sẽ trở nên vững vàng hơn, an vui hơn trong cuộc đời.

  • Quay vào bên trong chính mình

Có một người bạn tri kỷ mà rất nhiều khi ta vô tình lãng quên vì mải miết hướng ra bên ngoài, đó là chính mình. Vì vậy quay vào bên trong là con đường duy nhất để ta “chuộc lỗi” và tìm về nương tựa người bạn duy nhất không bao giờ từ bỏ ta.


Viết nhật ký tâm

Nếu không thể thừa nhận nỗi cô đơn của mình với ai đó thì hãy thừa nhận với chính bản thân bằng việc tuôn chảy ra giấy. Khi ta có thể viết ra những điều khiến không thể chia sẻ với ai nghĩa là ta đã vô tình được chia sẻ rồi ^^


Bên cạnh đó việc tự kể ra những kỉ niệm vui hay viết ra những điều mình cảm thấy biết ơn cũng khiến tinh thần của ta tự hài lòng với hiện tại hơn rất nhiều. Viết nhật ký tâm chính là cách có mặt với chính mình, không còn chối bỏ bản thân, đặc biệt với người hướng nội.


Quan sát tâm

Nếu không thích viết, quan sát tâm sẽ là giải pháp rất hữu ích. Không chỉ khi cô đơn mà bất kì lúc nào ta cũng có thể áp dụng cách này. Khi thấy tâm nổi lên những cảm xúc khó chịu, hãy dừng lại, hít thở sâu, quan sát mọi thứ như nó đang là, không phán xét, không chối bỏ, mặc kệ nó đến rồi đi.


Cô đơn cũng vô thường như vạn vật trong vũ trụ. Gặm nhấm chỉ khiến tâm mình tích tụ thêm độc tố. Dành thời gian đó để làm những việc mình chưa từng làm (nên là việc mang tính 3 gốc) sẽ khiến mình thấy cô đơn là khoảng thời gian để tận hưởng chứ không phải là thui chột. Khi ta bỗng trở nên càng dễ thương thì sẽ càng nhiều người muốn kết nối, khi đó cô đơn cũng khó lại gần.


2.3 Rèn TRÍ sáng suốt để luôn có giải pháp tốt nhất cho cuộc đời

Đừng cố đưa bóng tối ra khỏi căn phòng, hãy đưa ánh sáng vào. Ánh sáng của Trí tuệ là ngọn đuốc soi sáng tất cả. Nếu không nhờ tư duy của trí tuệ, ta sẽ không thể nào biết quan sát cô đơn và nhận ra cô đơn chính là cơ duyên giúp ta tìm về tỉnh thức. Không nhờ tư duy của trí tuệ ta cũng sẽ không hiểu nhân quả và có những giải pháp để thoát khỏi cảm giác trống rỗng, chơi vơi trong lòng mình.



Đừng cố đưa bóng tối ra khỏi căn phòng, hãy đưa ánh sáng của Trí Tuệ vào soi sáng
Đừng cố đưa bóng tối ra khỏi căn phòng, hãy đưa ánh sáng của Trí Tuệ vào soi sáng


5. KẾT LUẬN

“Cô đơn có thể là quê hương của thiên tài, nhưng cũng có thể là ngục thất của những kẻ chưa định vị được mình trong cuộc sống và luôn trông chờ vào sự nâng đỡ của cuộc sống” (Thầy Minh Niệm)

Rẽ lối nào là lựa chọn của chúng ta. Nhưng đừng quên cô đơn là cơ duyên giúp ta trở thành người biết sống một mình nên đừng bỏ lỡ cô đơn bạn nhé!


Bạn có những cách tiếp đón Cô đơn của mình như thế nào?

Hãy cùng chia sẻ với 3goc.vn bằng cách comment bên dưới bài viết bạn nha!



Nội dung: Nhàn Lý

Biên tập: Liên Thanh




1,565 views0 comments

Comentarios

Obtuvo 0 de 5 estrellas.
Aún no hay calificaciones

Agrega una calificación
Untitled-1.jpg

Cùng chung lý tưởng
“Giáo dục chuyển hoá 3 Gốc”

Trang thư viện 3 Gốc mong nhận được phản hồi, động viên hoặc “ủng hộ” tuỳ hỷ đến từ độc giả. Bởi đây là thông điệp ngầm nhắn gửi “Những gì chúng tôi làm mang giá trị thiết thực đến cho mọi người”, giúp 3GOC.VN sẽ ra mắt nhiều nội dung giá trị hơn trong thời gian tới. 

Trí nhân

Đóng góp tài năng viết lách của mình cho trang

01

Tài vật

Đóng góp bằng tài chính

02

Nội dung chuyển khoản:

3goc.vn_Tên_Điều nhắn gửi

Số Tài Khoản: 215962349

Ngân hàng: ACB - PGD Vạn Hạnh

Tên tài khoản: Bùi Thị Thanh

z5270840594423_a3c1e7ba81d7effac77193110559e12d.jpg
bottom of page