top of page

Để giảm bớt 3 độc, đôi khi phải biết buông xả 3 gốc

Updated: Mar 25

Trong hành trình phát triển bản thân, khi học được điều hay, tiếp cận đạo lý sống tử tế, ta thường có xu hướng muốn nhanh chóng sở hữu và trở thành điều mình đã học. Thậm chí ta muốn người thân biết đến chánh kiến, người xung quanh cũng nên có sự thức tỉnh như mình.


Loay hoay với tiến trình đó, ta sinh ra khó chịu khi mọi thứ không vận hành như ý. Ta tưởng rằng mình đã “ngon” hơn, thực tế ta lại lạc vào một sự luân hồi mới, chỉ khác giai đoạn này ở cấp độ tinh vi hơn, khó nhận diện hơn.


Làm sao để ta nhận diện và không lạc lối trên hành trình thanh lọc 3 độc - tăng trưởng 3 gốc. Mời bạn cùng lắng nghe chia sẻ từ bài viết dưới đây, bạn nhé!




Mục lục


Khi bóng tối dần tan


Khi ta thường xuyên khẩu nghiệp, gây ra những xích mích, hiểu lầm không đáng có; khi ta mất phương hướng trong cuộc sống rồi cảm thấy chán đời, chán việc; ta mâu thuẫn với chính bản thân, bất hòa trong mối quan hệ gia đình…là khi ta rơi vào trạng thái đau khổ, bế tắc.


Những ngày ngụp lặn trong nước mắt, ta loay hoay biết bao nẻo đường, ta gõ không biết bao nhiêu cánh cửa. Cuối cùng thì cũng có một cách cửa mở ra: Cánh cửa chánh kiến hướng ta quay vào bên trong, chữa lành thân tâm, chuyển hóa theo chiều sâu tâm thức.


Tiếp cận chánh kiến, ta như “bừng nắng hạ”, thấy “mặt trời chân lý chói qua tim”, thấy suy nghĩ ngày hôm qua thật sai lầm, nhìn ra nguyên nhân vì sao mình khổ.


Như một đứa trẻ tìm được kho báu, ta lâng lâng cảm nhận sự giàu có, hạnh phúc. Bao nhiêu năm tháng qua, đào bới đến kiệt sức nhưng ta chẳng thể chạm được đến điều tốt đẹp ấy. Những bài học mới về nội lực vững vàng, về trưởng thành từ 3 gốc, về hành trình tâm linh…khiến ta vỡ òa “đây mới là cuộc sống ta tìm kiếm bấy lâu”, “đây mới là cuộc đời ta muốn sống”...Ta thấy cuộc đời mình đã thoát khỏi tăm tối để đi tới ánh sáng.


Ý nghĩa cuộc đời được đánh thức, lý tưởng sống tử tế được mở ra, ta hăm hở với hành trình mới. Ta ngưỡng mộ hình ảnh con người với ĐẠO ĐỨC - TRÍ TUỆ - NGHỊ LỰC. Ta choáng ngợp với tư duy, lối sống biết đủ và thong dong của bậc hiền trí. Ta hừng hực khí thế học hỏi, rèn mình với khao khát mãnh liệt: Trở thành con người 3 gốc - sống phụng sự và lan tỏa điều tử tế. Hình ảnh thầy Trần Việt Quân, thầy Minh Niệm, thầy Thích Nhất Hạnh… trở thành điểm tựa để ta thay đổi bản thân mình, sống một cuộc đời đáng sống.




Ngay lúc này ta thấy mình thật “ngon”, thật sáng suốt, thật đúng đắn. Ta không còn giống những con người ngoài kia đang lạc lối, đang say sưa trong sự mê mờ, ta đã có sự “thức tỉnh”. Lúc này, ta ao ước mình có thể mang đạo vào đời, có thể giúp người khác đổi thay, có thể truyền cảm hứng để ai ai cũng biết chữa lành, thoát khỏi khổ đau sâu nặng. Lý tưởng này tốt đẹp biết chừng nào!


Thế nhưng…

Quay trở lại cuộc sống, ta nói chẳng ai nghe, thậm chí có người còn hỏi ta “bị làm sao à?”. Ta nhìn cuộc sống với con mắt phán xét rằng hành động này quá 3 độc, thái độ này nhiều tham sân si, cuộc đời này thật lầm lỗi.


Quay trở lại đời thường, tâm ta vẫn phóng dật, hết soi mói người này không tốt lại chê bai người kia không đúng. Ta chán nản và thất vọng vì thế gian sống vội vã, không chỉ lo toan mà còn đầy mưu mô…


Quay trở lại chính mình, ta thấy sao học đạo rồi mình vẫn khổ, chẳng thấy bình an cũng chẳng thấy đủ đầy như thầy đã dạy…


Đứng trước ngoại cảnh 3 độc, ta lại khởi sinh bất như ý: Nghịch cảnh như vậy sao ta có thể yên tâm rèn luyện phát triển? Ngoài kia ồn ào như vậy sao ta tĩnh tâm để ngồi thiền?


Không chỉ đổ lỗi hoàn cảnh, ta quay ra trách móc bản thân đi chậm, ta hoài nghi hay mình đã lầm đường lạc lối. Điều đó khiến ta lại tiếp tục sân si, tiếp tục mong cầu, tiếp tục tâm phản ứng.




Mong cầu học Đạo để thoát khổ nhưng càng học càng nhận ra bất như ý chỉ chuyển từ đối tượng này sang đối tượng khác. Trong khi người khác chẳng học gì mà vẫn vui vẻ sống, vẫn gặt quả lành. Còn ta, chẳng những khó chịu với bản thân mà còn cảm thấy người thân càng xa cách. Tự hỏi lòng: mình đã NGON hơn mà sao cuộc đời vẫn DỞ, mình đã NGỌT hơn mà sao vị đời vẫn ĐẮNG?


Lạc lối trong ánh sáng


Bạn có từng trải qua cảm giác như trên?

Bản chất là ta sắm bình mới nhưng bên trong vẫn là rượu cũ. Giống cách ta khoác lên mình một chiếc áo mới nhưng nội tâm bên trong vẫn là những tính cách cố hữu từ lâu.


Lúc này thay vì lạc lối trong bóng tối, ta lại lạc lối trong ánh sáng của 3 gốc là những tư tưởng hướng thiện và hành động sống tử tế.


Tại sao lại nói là “lạc lối”? Chẳng lẽ tiếp cận 3 gốc là sai hay sao? Thực tế 3 gốc là điều cần hướng đến, sự lạc lối ở đây là trong nhận thức của ta.




Quay trở lại với việc thanh lọc 3 độc - tăng trưởng 3 gốc, mục đích là để ta bớt dần THAM - SÂN - SI trong cuộc sống. Ban đầu tiếp cận Đạo, ta biết giảm đi những điều bất thiện như: tham danh vọng, tham địa vị, tham hơn thua với người khác… Nhưng hiện giờ ta lại rơi vào một đối tượng “tham” khác, đó là tham sở hữu những điều tốt đẹp, tham thay đổi mình và thay đổi người khác.


Sẽ không có vấn đề gì xảy ra nếu ta chỉ có mong cầu ĐẠO ĐỨC - TRÍ TUỆ - NGHỊ LỰC và sự kỳ vọng lan tỏa điều tử tế. Vấn đề ở đây là vì mong cầu lớn quá, chưa đủ nguồn lực thực hiện nên sinh ra sân si với đời và với người. Không thấy mình hạnh phúc hơn nên ta nghi ngờ giáo lý mình được học. Thấy người thân không tiếp thu và thay đổi theo hướng mình mong cầu nên ta khó chịu. Trước đây, khi còn trong bóng tối, ta cũng mong cầu người khác theo ý mình. Bước ra ánh sáng một chút, ta lại tiếp tục áp dụng biện pháp “thô bạo” đó.


Nhìn sâu, bản ngã và tham - sân - si vẫn đang chi phối ta. Chỉ khác đối tượng sân si lúc này không giống với giai đoạn trước. Tại sao lại vậy? Đạo học nói với ta rằng “không phán xét, không chối bỏ”, nhưng chính ta trong từng suy nghĩ - hành vi vẫn đầy mong cầu, vẫn đầy rẫy sự so sánh phán xét, vẫn mang trong mình rất nhiều sự kỳ vọng và chối bỏ.


Biết buông xả mới là 3 gốc


Buông xả là tâm quan trọng nhất trong tứ vô lượng tâm. Khi có được tâm này chúng ta sẽ buông những dính mắc, bất như ý trên hành trình phát triển tâm thức nói riêng và trong cuộc sống nói chung.


Nhưng làm sao có thể buông xả khi ta bị lớp mây mờ giăng khắp chốn? Lúc này cần có một vị thầy chỉ đường dẫn lối, cho ta hiểu khi tâm khởi sinh một ham muốn thì cũng hãy chấp nhận chứ đừng chối bỏ. Người thầy giúp ta biết dù khoác lên chiếc áo mới thì cũng đừng phán xét người mặc áo cũ.


Bản ngã đang vận hành mạnh mẽ hơn mà ta cứ tưởng mình đã giảm bớt 3 độc. Ta lấy tiêu chuẩn của mình áp cho người khác là điều vô cùng nguy hiểm. Đừng vì thấy mình đã ở trong vùng ánh sáng mà chê bai người trong bóng tối.




Trạng thái bất như ý sinh ra thường là do ta đặt kỳ vọng lớn hơn so với thực tế. Cũng như vậy, khi tiến trình phát triển bản thân cần bước từng bước nhỏ ta lại muốn vội vàng để nhanh về đích. Nguồn lực không đủ, đương nhiên ta ngã sấp mặt. Ngã rồi lại trách đường gồ ghề mà không nhìn ra sự thật là do bản thân mình không cẩn thận - nói theo Đạo học là thiếu chánh niệm.


Đành rằng, sự mong cầu đã đưa ta rẽ sang con đường hướng thiện (Vì ta mong bản thân tốt hơn nên mới học đạo) nhưng cũng chính sự cầu mong lại dễ đưa ta về lối mòn 3 độc. Mong người khác giống mình rồi sinh ra khó chịu, dù cốt lõi sự mong cầu đó hướng về điều tử tế nhưng đã khởi sinh sự khó chịu là ta rơi vào trạng thái sân si rồi. Vì vậy để tránh rơi vào lạc lối, ta cần hiểu hành trình tâm thức là con đường dài, hãy bước đi thong dong và có sự đồng hành cùng chánh niệm.


Chánh niệm sẽ giúp ra quan sát được tâm mình đang là cỏ dại đơn điệu hay vườn hoa đủ sắc màu. Từ đó, ta biết mình cần tiếp tục tưới tẩm hay cần dọn dẹp. Nếu chưa đủ năng lực để duy trì tâm quan sát hãy tìm về môi trường Tam bảo để được thầy chỉ đường, sách khai sáng và bạn tốt nâng đỡ.




Quan trọng nhất là ta nhận diện được sự vận hành của tâm. Bởi nếu không duy trì được điều đó, dù có thực hiện hành động tốt đi nữa ta cũng dễ phản ứng một cách bản năng. Nhận diện được “tâm tạo tác là giặc” để buông xả đi, hành trình của ta dù có bất toàn cũng không trôi về 3 độc.


Lời kết


Khi ta tự tin nói với một ai đó rằng mình đã “đắc đạo” nhưng cũng chính ta lại sân khi người đó nói rằng “bạn thật ngạo mạn” thì liệu ta đã “đắc đạo” thật hay chưa? Hay chính ta lại đang dùng cách ta phản đối để lên tiếng phản biện vấn đề?


Trên hành trình phát triển tâm thức, ta sẽ gặp phải vô vàn những chướng ngại. Nếu không chú tâm quan sát, ta rơi xuống vực sâu mà cứ ngỡ mình đang bước lên thiên đường. Rốt cuộc, chính mong cầu hạnh phúc khiến mình không hạnh phúc; chính mong cầu tâm an khiến mình bất an. Vì vậy hãy không ngừng nhắc tâm thận trọng - chú tâm - quan sát để không biến hành trình 3 gốc ngược dòng về 3 độc bạn nhé!



Nội dung: Nhàn Lý

Biên tập: Khánh Vi

Hình ảnh: Phạm Hiền - Học viên Content 3 gốc K7




187 views0 comments
Untitled-1.jpg

Cùng chung lý tưởng
“Giáo dục chuyển hoá 3 Gốc”

Trang thư viện 3 Gốc mong nhận được phản hồi, động viên hoặc “ủng hộ” tuỳ hỷ đến từ độc giả. Bởi đây là thông điệp ngầm nhắn gửi “Những gì chúng tôi làm mang giá trị thiết thực đến cho mọi người”, giúp 3GOC.VN sẽ ra mắt nhiều nội dung giá trị hơn trong thời gian tới. 

Trí nhân

Đóng góp tài năng viết lách của mình cho trang

01

Tài vật

Đóng góp bằng tài chính

02

Nội dung chuyển khoản:

3goc.vn_Tên_Điều nhắn gửi

Số Tài Khoản: 215962349

Ngân hàng: ACB - PGD Vạn Hạnh

Tên tài khoản: Bùi Thị Thanh

z5270840594423_a3c1e7ba81d7effac77193110559e12d.jpg
bottom of page