top of page

4 SAI LẦM CỦA NGƯỜI HỌC - HÀNH THIỀN

Updated: Nov 16, 2023

Xã hội ngày càng văn minh, con người càng hướng ra bên ngoài nhiều bao nhiêu thì lại càng cảm thấy chông chênh bấy nhiêu. Do đó việc quay vào bên trong để tâm trí được bình an, tĩnh lặng là điều cần thiết. Trong đó, hành thiền là phương pháp hiệu quả cho bất kỳ ai muốn quay vào bên trong, để phát triển tâm thức mỗi người.


Mặc dù, có một số người đã hành thiền lâu năm, nhưng vẫn thường xuyên mắc phải một số sai lầm khiến cho việc thực hành thiền vào đời sống gặp nhiều trở ngại.


Sau đây, mời bạn cùng đọc bài viết để hiểu rõ hơn tâm thái đúng của người hành thiền là như thế nào thông qua lời giảng của Thiền Sư Ajahn Chah.



#1. ĐỪNG CỐ GẮNG ĐẠT ĐƯỢC MỘT ĐIỀU GÌ

Đừng muốn trở nên khai ngộ. Đừng đem những định kiến hay ước muốn vào sự tu hành của bạn. Nếu bạn ngồi thiền với ý nghĩ rằng thiền phải như thế này, như thế kia thì đừng thiền làm gì nữa? Bởi chính điều đó sẽ cản trở việc thực hành thiền của bạn.


Có rất nhiều phương pháp thiền nhưng tất cả cũng chỉ có một cốt lõi. Đó là hãy để cho mọi việc vận hành một cách tự nhiên và chỉ nhẹ nhàng quan sát chúng.


Trong cuộc sống chính mong muốn Hạnh Phúc, lại làm cho bạn thêm Phiền Não. Chính mong cầu được An Lạc, lại làm cho bạn thêm Đau Khổ.


Chẳng hạn, khi bạn hẹn hò với người yêu của mình nhưng mong muốn có một ngày "nắng ấm", thì ngay khi "trời mưa" bạn sẽ cảm thấy rất đau khổ. Ai quy định rằng một cuộc hẹn lúc trời mưa là nhàm chán & không lãng mạn cơ chứ? Tại sao lại gò ép chữ Hạnh Phúc chỉ còn gói gọn trong khuôn khổ của trời nắng?





Cuộc sống rất hoàn hảo và đầy thú vị bất ngờ phía trước, vì vậy đừng gắn nhãn mác và mong cầu cả vũ trụ phải theo mong muốn của mình.


#2. ĐỪNG CỐ BIẾN MÌNH THÀNH MỘT NGƯỜI NÀO

Đừng muốn trở thành một thiền sinh. Đừng cố gắng bắt chước giống y chang người Thầy của mình. Điều này sẽ vô tình khiến bạn trở thành bản sao, hình chụp hay rập khuôn theo cả dáng đi khập khiễng của Thầy.


Hãy lấy trí tuệ nội tại của bạn làm hình mẫu và chỉ dẫn. Hãy lấy sự thấu hiểu bên trong mình làm người Thầy.


Trong đời sống thầy ở đây không chỉ là Thầy cô giáo đang dạy ta, mà có thể là người mà ta đang thần tượng, đang thầm thương trộm nhớ, hoặc là một phiên bản lý tưởng nào đó mà ta đang cố gắng theo đuổi để làm vừa lòng những mong đợi của xã hội.


Có rất nhiều người cứ mãi chạy theo hình mẫu của các vị Thầy mà đánh mất cả bản thể của chính mình. Thậm chí là họ bắt chước luôn cả dáng đi khập khiễng, giọng nói vấp váp và chế độ ăn uống cố hữu của người Thầy.





Hãy học có chọn lọc và không ngừng quay vào bên trong để lắng nghe tiếng nói của chính mình.


#3. ĐỪNG CHỈ BIẾT NGHIÊN CỨU KINH ĐIỂN

Chỉ nghe Pháp học thôi thì chưa đủ. Bạn cần quay vào bên trong, để nhận biết được những sự thật.


Khi hành thiền, hãy quan sát chính mình, rồi dần dần trí tuệ sẽ tự tìm đến ta. Một khi bạn dứt bỏ được đầu óc suy nghĩ, lý luận khi thực hành Thiền, bạn sẽ nhận được những tín hiệu chỉ dẫn chân chính. Có thể hai, ba năm đầu bạn chưa thể tin vào tâm mình, nhưng cứ yên tâm, sau nhiều năm kinh nghiệm thực hành thiền, bạn sẽ bắt đầu tin tâm mình.


Đừng chỉ nghiên cứu kinh điển, hãy nghiên cứu thêm Tâm của mình. Hãy bỏ hết ngôn từ sách vở. Hãy xếp vào kho mọi quan niệm và kiến thức. Hãy tự mình nhận thức và tự mình quan sát chính tâm mình.


Trong việc học và phát triển bản thân, đừng biến mình thành một con mọt sách, chỉ học từ sách vở, chỉ nghiên cứu từ lời người khác nói. Bởi đó mãi mãi là trí tuệ của người khác mà thôi.





Vì vậy, song song với việc học và nghiên cứu sách vở. Hãy quan sát và nghiên cứu những gì diễn ra trên cơ thể và tâm hồn của mình. Hãy dành thời gian chiêm nghiệm và đúc kết những trải nghiệm của mình. Đó mới thật sự là trí tuệ của bạn.


#4. ĐỪNG DÍNH MẮC VÀO SỰ YÊU GHÉT

Đức Phật dạy chúng ta hãy xa lìa những cực đoan và đi trên con đường trung đạo. Nghĩa là buông bỏ sự khoái lạc ở bên trái, đồng thời xa lìa sự sợ hãi, ghen ghét ở bên phải.


Một người hành thiền mà còn dính mắc vào quan niệm sướng khổ, tốt xấu thì mãi mãi sẽ bị những sợi dây vô hình trói buộc, không thể nào giải thoát và tự do được. Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói: "Gắn bó với quan điểm là trở ngại lớn nhất đối với con đường tâm linh".


Đạo rất giản dị. Hãy tùy duyên thuận pháp theo con đường Trung Đạo, không phiền não mà cũng không quá phấn chấn. Có như vậy tâm của ta sẽ tĩnh lặng và an vui.


Trong cuộc sống, nếu bạn đang làm điều tốt nhưng trong trạng thái tức giận, sợ hãi, bất mãn thì đó cũng chưa hẳn là điều tốt.





Có nhiều người vì nghĩ Ăn chay là tốt, mà họ áp đặt gia đình phải ăn theo họ, họ làm phiền người nấu bếp phải làm cái này, cái kia. Họ khó chịu với những người ăn mặn và nổi nóng với những ai không đọc sách và nghe theo lời họ.


Hãy nhớ, dù những điều bạn đang làm là đúng, là tốt nhưng thật ra trạng thái tâm bình thản và buông xả vẫn quan trọng hơn dính mắc vào điều tốt, và chối bỏ điều xấu.


#5. Kết luận

Hãy trở về với thiên nhiên, hãy lắng nghe những quy luật tự nhiên bên trong tâm mình. Hy vọng rằng, 4 lời khuyên sâu sắc và chân thành trên đây đã phần nào giúp bạn có được cái nhìn chân thật hơn về chân dung của pháp hành thiền.


Nguyện cầu chúc cho bạn vận dụng những giá trị quý báu đó làm cho cuộc sống mình trở nên tươi đẹp hơn, hạnh phúc hơn, và điều quan trọng nhất là đừng quên tìm cho mình con đường trung đạo, giản dị phù hợp với xuất phát điểm hiện tại của mình, bạn nhé!


Bạn có muốn để lại cảm nhận sau khi đọc bài viết này hay không? Hãy cho chúng tôi biết bạn đã nhận được giá trị gì từ bài viết này nhé!


Nội dung: Liên Thanh

Biên tập: Khánh Vi

Hình ảnh: Tuệ Tâm





41 views0 comments
Untitled-1.jpg

Cùng chung lý tưởng
“Giáo dục chuyển hoá 3 Gốc”

Trang thư viện 3 Gốc mong nhận được phản hồi, động viên hoặc “ủng hộ” tuỳ hỷ đến từ độc giả. Bởi đây là thông điệp ngầm nhắn gửi “Những gì chúng tôi làm mang giá trị thiết thực đến cho mọi người”, giúp 3GOC.VN sẽ ra mắt nhiều nội dung giá trị hơn trong thời gian tới. 

bottom of page