Yếu đuối không bao giờ có thể tha thứ
Vị tha là phẩm chất của kẻ mạnh
-Mahatma Gandhi-
Mình luôn ghi nhớ câu này của Gandhi - nhà chính trị và lãnh đạo tinh thần người Ấn Độ - về lòng vị tha.
Xin chào các bạn mình là Tấn Vinh - Học viên khoá Content 3 Gốc K3!
Mình luôn trăn trở “Làm sao để mình có thể yêu thương mọi người hơn, mà không cần thay đổi bản thân?” Vì dường như mình luôn sẵn sàng “xù lông nhím” với bất cứ lời nói, hành động nào mình nghĩ là “công kích” bản thân.
Nên khi đọc vế thứ 2 trong câu nói của Gandhi, hai từ “kẻ mạnh, vị tha” làm mình liên tưởng đến “hiểu mình hiểu người”. Có lẽ nó chính là câu trả lời. Nếu bạn tò mò về điều này, Vinh xin mời độc giả của Blog 3 Gốc đi qua những phân tích bên dưới nhé.
1. 3 sai lầm “tai hại” khiến bạn khó vị tha
Từ xa xưa, bản năng con người là phải sống theo bầy đàn, trong một tập thể thì mới có thể sinh tồn. Chúng ta vẫn giữ sợi dây kết nối cho đến ngày nay. Có nhiều mâu thuẫn đã có từ xa xưa, nhưng mãi đến ngày nay chúng ta mới thấy rõ được sự khác biệt tạo nên bởi: lăng kính “đúng” - “sai”, sự cố chấp của cái tôi và biệt tài xây dựng câu chuyện của bộ não
Lăng kính “đúng”, “sai”
“Soạt!”
Đang cặm cụi dọn sân, mình nghe tiếng đứa em xé vỏ bánh, và tiện tay vứt vào sọt. Ngoái lại, một cảm giác khó chịu trỗi dậy “20 tuổi đầu rồi mà vứt miếng rác cũng nửa trong nửa ngoài, việc nhỏ vậy mà cũng làm không xong!”.
Mình tạm nén lại, để dành sẽ nói “ra ngô ra khoai” vào một thời điểm thích hợp. Bước đến gần, định cầm điện thoại chụp để lấy bằng chứng thì bất giác mình nghĩ:
“Cơ mà, có đáng không? Chỉ cần mình đẩy nhẹ vào là xong, chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không? Mình có đang áp đặt không nhỉ?”.
Mấy hôm sau, câu chuyện về miếng vỏ bánh vẫn quẩn quanh trong suy nghĩ:
“Nếu nói ra thì đứa em có thể gọn gàng hơn, mình sẽ đỡ khó chịu vì mấy chuyện cỏn con, mà mặt nặng mày nhẹ rồi bất hoà thì sao. Còn không nói thì đâu lại vào đó, sẽ còn lặp lại. Cơ mà sao chuyện nhỏ như vậy lại khiến mình khó chịu đến thế?”
Trong dòng suy nghĩ miên man của bản thân, mình nhận ra có thể mình không sai nhưng đang áp đặt bản thân là “đúng” và hành động vứt rác của người em là “sai”.
Phải chăng chúng ta cũng vậy, tích lũy kinh nghiệm, kiến thức, cảm xúc mỗi ngày rồi tạo nên góc nhìn, lăng kính của riêng mỗi người. Những lăng kính khác nhau tạo nên định nghĩa “đúng” - “sai” khác biệt không ai giống ai nhưng lại cứ tin của mình là chân lý.
Lăng kính chủ quan
Cái tôi sứt mẻ
Kế đến, ít ai dám hoặc muốn thừa nhận mình “sai”. Bởi lẽ, khi mình “sai” là “cái tôi” bị sứt mẻ, là mất đi “trọng lượng” trong lời nói và hình ảnh. Dính mắc vào góc nhìn ấy, không ít lần chúng ta nảy sinh mâu thuẫn với góc nhìn “bạn sai, tôi đúng” hoặc biết rõ mình “không đúng” mà lỡ lố rồi nên tới luôn, phải không? “Cái tôi” không cho phép bản thân nhận lỗi.
Cái tôi sứt mẻ
Nhà biên kịch mang tên “bộ não”
Cậu bạn đăng status buồn, lập tức mình nghĩ “Rồi, chia tay người yêu chứ gì? Đã nói rồi mà không nghe”.
Thấy ai hay đăng mấy bài viết "so deep", ngay lập tức bùng lên suy nghĩ “Suốt ngày đăng mấy bài đạo lý, chắc là cuộc sống không ra gì nên đăng bài tự an ủi bản thân. Chắc chồng thế này, con thế kia, hàng xóm thế nọ,...”.
Đây là nguyên nhân thứ 3, là bộ não có khả năng xây dựng câu chuyện rất tài tình. Chỉ cần vài tình tiết, hình ảnh nhập vào "phần mềm" chỉnh sửa siêu việt, não bộ đã trình làng một tuyệt phẩm đầy đủ các tình tiết hấp dẫn như phim bom tấn.
Bộ não là thiên tài tưởng tượng
Để dễ hiểu hơn, mình lấy bộ phim nổi tiếng “12 Người Đàn Ông Giận Dữ (12 Angry Men)” để minh hoạ. Xuyên suốt hơn 90 phút căng thẳng, biên kịch đã xoáy sâu vào những tranh luận của một hội đồng được lập ra để bỏ phiếu xử tử một cậu bé vì tội danh giết hại cha ruột.
Dẫu ban đầu, ý kiến số đông là đồng thuận. Nhưng qua quá trình phân tích, đào sâu và phản bác căng thẳng, tất cả nhận ra mọi tình tiết chỉ là suy diễn, là kịch bản hoàn hảo được dựng nên bởi quan điểm, mong muốn của mỗi người. Không ai thực sự chứng kiến cậu bé phạm tội.
Bộ phim "12 Angry Man"
Từ 3 “tính năng” vi tế lăng kính “đúng” - “sai”, sự cố chấp của cái tôi và bộ não là nhà biên kịch tài tình đã làm chúng ta thường xuyên trải qua cảm giác căng thẳng khi gặp chuyện bất như ý. Dần dà, sự gai góc, bực tức trở thành động lực chèo lái hành vi khiến bản thân trở nên quy chụp, độc đoán. Cũng vì thế mà ta cô độc trong các mối quan hệ. Buồn nhỉ!?
2. Hiểu mình hiểu người là bản chất của vị tha
Bạn đã hiểu rõ cơ chế vận hành giữa mình với ta chưa? Trên hành trình tìm hiểu, mình nhận ra chúng ta đang xoay quanh 4 phần bên dưới trong việc hiểu mình và hiểu người
Nó bao gồm: Vì mình, Hiểu mình, Hiểu người và Vì người. Và 4 yếu tố này phải ở trong một vòng tròn, xoay chuyển liên tục và không ngừng. Nếu thiếu đi một yếu tố thì dẫn đến những hậu quả khác nhau.
Hiểu mình, hiểu người vị tha hơn
Đầy đủ cả 4 yếu tố
Cái gốc của 4 phần này đến từ việc VÌ MÌNH. Trong cuộc sống, chúng ta nỗ lực mỗi ngày để bản thân có cuộc sống tốt hơn, tài chính thoải mái hơn, tâm thức phát triển hơn. Và hiển nhiên là ai cũng mong cầu được công nhận, lắng nghe, tôn trọng. Nhưng muốn được như vậy, chúng ta phải HIỂU MÌNH trước đã. Mình là ai, mạnh - yếu gì và khao khát chi, để rồi từ đó phát huy bản thân, và tìm mảnh ghép phù hợp cho tâm hồn, nhận thức của mình.
Ví dụ: Bạn khuyết hình tròn (sự mềm mại, ý nhị, khoan thai) nên cần người bạn đời nhẹ nhàng, ý tứ và khéo léo nhưng cứ kiếm tìm hình vuông (sự vững chãi, thô ráp, góc cạnh) ngụ ý một người cương trực, thâm trầm và nguyên tắc thì không tài nào hòa hợp được.
Và khi đã tìm ra mảnh ghép phù hợp, cần phải HIỂU NGƯỜI để biết cách phản hồi phù hợp (ứng xử, giao tiếp) thì mới lâu bền được. Dẫu là hình tròn thì chất liệu, độ cứng khác nhau đòi hỏi ngôn ngữ yêu thương cũng khác biệt. Hiểu rồi thì mới thương, thương thì mới hành xử VÌ NGƯỜI KHÁC (vị tha). Dần dà, chúng ta sẽ nhận được nhiều hơn, đủ đầy hơn rất nhiều từ việc mình cho đi.
Nếu như đi hết vòng xoay hiểu mình, hiểu người rồi thấu hiểu lòng người mới tới vì mình, liệu rằng chúng ta có thiệt thòi không? Thực ra,“hiểu mình” và “hiểu người" không phải là câu chuyện sớm nở, tối tàn mà là hành trình dài đòi hỏi sự kiên định, tiến từng bước nhỏ tựa như leo ngọn núi cao.
Hà Anh Tuấn cũng là một câu chuyện hiểu mình, chấp nhận “tiếng gọi bên trong”, để theo đuổi nghiệp hát. Khi đã hiểu mình, Hà Anh Tuấn trăn trở để hiểu người, để phục vụ đúng đối tượng khán giả, xây dựng hình ảnh người nghệ sĩ tử tế.
Và trong sự nghiệp ca hát, Hà Anh Tuấn đã làm từ thiện, trồng rừng xuyên suốt nhiều năm. Xôn xao dư luận gần đây là câu chuyện Hà Anh Tuấn ủng hộ 500 triệu đồng cho chương trình “Như Chưa Hề Có Cuộc Chia Ly” ngay tại concert Chân Trời Rực Rỡ (vì người) và cùng người thân, bạn bè thông báo hỗ trợ hàng tỷ đồng để chương trình được duy trì.
Chính trên nền tảng hiểu mình, hiểu người để đem lại giá trị, cống hiến cho cộng đồng, Hà Anh Tuấn có được chỗ đứng vững chắc trong lòng công chúng, có cuộc sống sung túc và hiện thân hình mẫu của sự tử tế.
Hà Anh Tuấn ủng hộ cho chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly"
Chỉ tập trung “Vì mình”
Cơ mà, liệu chúng ta chỉ Vì Mình thôi thì sao?
Khi hành xử theo suy diễn và cái tôi cá nhân, chúng ta biện cớ vì người nhưng thực chất lại là Vì Mình. Mọi lời nói, chia sẻ, yêu cầu, áp đặt, ... được hiện ra bởi chúng ta muốn thỏa mãn khao khát khẳng định, chứng minh bản thân là đúng. Nhìn vào sơ đồ trên, khi chỉ vì mình, mối liên kết giữa các khối trở nên phai mờ rồi dần biến mất. Chúng ta mất kết nối nên không hiểu được suy nghĩ của mọi người xung quanh, thậm chí là chính mình.
Khi đó, chúng ta tự xoa dịu để quẩn quanh trong thung lũng xám xịt, trong sự trống rỗng.
Gần đây, bộ phim “Nhà Bà Nữ” đã tái hiện rõ yếu tố Vì Mình xoay quanh các nhân vật, điển hình là Nhi và John. Khi đôi trẻ về chung nhà nhưng chưa biết cách nhận trách nhiệm mà lúc nào cũng coi mình là nạn nhân “vì anh như vậy nên tôi phải như thế, tại em làm điều đó nên anh phải làm điều này”. Cả hai không còn làm chủ hành vi mà trở thành nô lệ của cảm xúc. Nhi trách John không thông cảm cho cô đang mang bầu. Ngược lại, John trách Nhi mơ ước cuộc sống xa hoa, êm đẹp còn đổ hết trách nhiệm kiếm tiền cho anh.
Hay nhân vật chủ đề là bà Nữ cũng nhân danh muốn tốt cho con nhưng thực chất muốn áp đặt con sống theo ước mơ, ý muốn của mình. Hoàn cảnh các nhân vật thật đúng với câu thoại của Nhuận (Trấn Thành) khi thốt lên đầy nỗi uất ức và dồn nén “ai cũng có lỗi hết nhưng ai cũng nghĩ mình là… nạn nhân”.
Thiếu đi yếu tố “Vì người”
Còn trong trường hợp, khi đủ trí tuệ để HIỂU MÌNH, đủ sâu sắc để HIỂU NGƯỜI nhưng lại thiếu đạo đức để VÌ NGƯỜI thì sao? Có lẽ, điều ngày càng nguy hại hơn nữa cho chính mình-xã hội-thiên nhiên. Hiểu mình, hiểu người, nhưng lại vì mình thì chúng ta sẽ “lợi dụng niềm tin”, “đánh vào lòng tham” để vơ vét tiền của, khiến không biết bao nhiêu gia đình đổ vỡ, sinh mạng mất đi vì trí tuệ đặt không đúng chỗ.
Gần đây, câu chuyện ông Trịnh Văn Quyết đã dùng danh tiếng và nhân lực để chi phối giá cổ phiếu, đến khi sự việc bị phanh phui thì không chỉ ông vào tù ra tội mà hàng chục ngàn con người bị ảnh hưởng, cả nền kinh tế bị lung lay.
Thiếu yếu tố vì người, lòng vị tha của chúng ta dựa trục lợi cho mình nhiều hơn
Hay câu chuyện của Nguyễn Thái Luyện thông qua công ty Alibaba và kiến thức pháp luật sâu rộng của mình để buôn bán bất động sản trái quy định pháp luật, chiếm đoạt hơn 2400 tỷ đồng. Không chỉ Luyện mà những người trẻ 20 - 30 tuổi bị lôi kéo vào đường dây đang phải đối diện với nguy cơ tù tội, đánh mất cuộc đời. Và rộng lớn hơn là không biết bao nhiêu con người mất tiền, mất nhà, mất gia đình và thậm chí là kết thúc mạng sống.
Hiểu mình, hiểu người nhưng chỉ vì mình. Có lẽ đó là cách tạo nghiệp quả xấu nhanh nhất.
Với rất nhiều thông tin đã được đưa ra dẫn chứng, mình xin quay lại với câu chuyện của bản thân và đứa em ở đầu bài viết.
Thay vì dùng lời lẽ cộc cằn hay áp đặt vai vế để thỏa mãn sự bực tức, khẳng định quan điểm cá nhân nhưng đứt gãy mối quan hệ. Mình tạm kiềm chế hành động để lắng nghe những cảm xúc bên trong (hiểu mình), quan sát đa chiều (hiểu người), rồi nghĩ đến giải pháp nào khác để góp ý cho người em gọn gàng một cách khéo léo hơn (vì người). Dần dà, mình cũng nhận lại được sự lắng nghe, tôn trọng và tăng thêm sự ảnh hưởng đến người thân (vì mình).
Cách tiếp cận theo vòng tròn xoắn ốc cứ tăng tiến, mở rộng và hướng lên trên - hướng thượng.
3. Áp dụng việc hiểu mình, hiểu người vào đời sống
Tạm tin mô hình mà mình vừa chia sẻ, bạn vẫn có thể hỏi, “vậy làm sao để hiểu mình? hiểu người?”.
Hiểu mình
Trước tiên là hiểu mình. Mình từng xem bộ phim SOUL và nhớ một ý rất hay rằng mỗi chúng ta là một linh hồn được khắc ghi những đặc điểm riêng như vui tính, đa nghi, trầm tĩnh,... từ trước khi xuất hiện trên cõi đời. Hãy tin vào sự độc bản của bản thân để tìm lời giải cho câu hỏi “mình là ai? mình giỏi gì và khác biệt chi?”
Poster phim "Soul"
Nếu được, bạn có thể thử một số phương pháp trắc nghiệm tính cách như DISC, MBTI, Thần Số Học, Sinh Trắc Vân Tay như mình đã dùng để “gọi tên” chính mình. Câu trả lời ở sâu bên trong nhưng bị phủ mờ bởi định kiến, quy chuẩn, đánh giá. Và cần chú ý hơn, những phương pháp này cho bạn lý thuyết để viết nên “hồ sơ nhân dạng” của riêng mình. Và từ những dữ liệu phong phú có được, bạn cần thử nghiệm, tận dụng, va chạm và đúc kết để biến ưu điểm trở thành năng lực, lợi thế cạnh tranh của riêng mình.
Mô hình biến Kiến Thức thành Lợi Thế Cạnh Tranh
Sau khi đã hiểu được về đặc thù cá nhân, bạn cần phải nhận diện và làm chủ cảm xúc cũng như cách bạn phản hồi trước mọi tác động từ cuộc sống.
Theo thói Quen Số 1 trong quyển 7 Thói Quen Hiệu Quả (7 Habits of Highly Effective People) của Stephen Covey, chúng ta có xu hướng hành xử, phản ứng bằng cách phản xạ lại tác động bên ngoài theo bản năng tham - sân - si (3 độc).
Ví dụ như anh la thì tôi chửi, bạn đánh thì mình phản đòn, chị phàn nàn thì đừng trách em lớn tiếng, bạn làm không đúng ý tôi là “đừng trách vì sao nước biển lại mặn”,...
Khi phản ứng lại theo thói quen như vậy, cuộc đời cứ trôi dạt vì cảm xúc lên xuống như con thuyền gặp bão. Vậy nên, từ khi thức giấc đến khi đi ngủ phải luôn ở trong trạng thái phòng thủ, chực chờ phản đòn như kẻ yếu thế giữa cuộc chiến hỗn loạn.
Sau quá trình nghiên cứu, tìm hiểu những chân lý cuộc sống, giáo sư Stephen Covey đúc kết lại là luôn có một khoảng trống giữa tác nhân và phản ứng, được gọi là quyền tự do lựa chọn. Nghĩa là dù bị chửi bới, lăng mạ, đánh đập, bạn vẫn có quyền lựa chọn lớn tiếng phản bác để năm hơn năm thua hoặc là im lặng, lắng nghe quan điểm rồi đưa ra lý do để phản hồi một cách rõ ràng, đa chiều và đầy lý trí.
Quyền tự do lựa chọn
Nhận thức được quyền tự do lựa chọn đã tồn tại từ sâu bên trong, ở nơi cốt lõi tâm hồn và từ thời điểm sinh ra, mình dành thời gian tập luyện thói quen ghi chép hoạt động, ghi chép lại cảm xúc qua ứng dụng Daylio. Từ từ, mình quan sát được nhiều hơn, tĩnh lặng hơn và dần thoát vai nạn nhân, dần buông xả cảm xúc để hành động tỉnh thức và nắm quyền làm chủ chính mình.
Khi hiểu sự cầu toàn cũng như quyền tự do lựa chọn của bản thân, mình nhận ra “Dẫu người em hành động không như mình mong đợi, mình vẫn có thể chọn cách phản ứng khéo léo hơn để vừa gọn gàng, vừa vui vẻ trong nhà”.
Dù đã biết được vẫn có cách giải quyết tốt hơn thì mình vẫn lấn cấn vì không hiểu được tại sao chuyện nhỏ như vậy mà người em mình cũng làm không xong. Mà đã không cùng góc nhìn thì “ngọt ngào đến mấy cũng tan thành mây”.
Hiểu người
May mắn thay, mình tìm được lời giải qua quyển sách Dám Bị Ghét, xoay quanh quan điểm của nhà tâm lý học Alfred W. Adler. Theo Adler, người ta thường chọn làm điều “thiện-agathon” trong tiếng Hy Lạp cổ nghĩa là có lợi cho mình và tránh điều “ác-kakon” nghĩa là không có lợi cho mình. Dễ hiểu là, người em mình vứt rác không gọn chẳng có nghĩa cố tình bừa bộn mà đó là điều “thiện”, điều có lợi cho tính cách thoải mái, không đặt nặng chi tiết của bạn, vậy là đủ gọn gàng.
Bìa sách "Dám bị ghét"
Còn về phần một người kỹ tính hơi quá mức như mình, rác vào thùng phải gọn gàng, đầy quá thì phải nhấn xuống mới là ổn, là “thiện”. Chứ bỏ nửa vời, bỏ phần mình mà không nghĩ đến người sau là không tốt, là “không có lợi”, là “ác”.
Vậy là điều thiện của mình và đứa em được đặt trên hai góc nhìn, hai tư duy khác nhau.
Thay đổi một tí, ta lấy hình huống trong công việc. Bạn đang ngồi trong một căn phòng, tham gia một buổi họp team với không khí khá căng thẳng. Khi cả phòng đang yên lặng suy nghĩ, bạn bỗng nảy ra một sáng kiến và tự tin trình bày với team. Ý tưởng đưa ra gần như được tán đồng và công nhận.
Ngay lúc lâng lâng sung sướng như người hùng giành được chiến lợi phẩm. Bỗng nhiên, cậu em rất thân trong team đưa ra ý kiến phản bác và khiến mọi người như vỡ òa. Tự dưng, bạn trỗi dậy cảm giác gay gắt, khó chịu và thầm nghĩ cậu đồng nghiệp muốn “chơi” mình. Kết thúc buổi họp, bạn mang thái độ bực dọc, phớt lờ lời mời đi cà phê của đồng nghiệp. Bạn ra về, nhưng lòng vẩn vơ: “Phải chăng cậu ấy làm vậy đơn thuần là thấy đúng, “có lợi” cho team, là điều “thiện” với cậu ấy. Chẳng may, điều “thiện” đó dẫm phải cái tôi của bạn đang phồng lên lại hóa điều “ác”, không có lợi cho bạn”.
Biết về góc nhìn thú vị này, mình cảm thấy tỏ tường hơn khi đối diện với nhiều quan điểm mới vì hiểu rằng, ai cũng muốn làm điều tốt đẹp cả, chỉ đơn giản là họ chọn điều có lợi “thiện” và tránh điều bất lợi “ác” theo quan điểm của mỗi người.
Khi dùng lăng kính này soi chiếu cuộc sống, mình dần hạ cái tôi để nhẫn nại thấu hiểu tính cách của mọi người xung quanh, thành tâm tin tưởng thay vì phán xét để hướng đến giải pháp giá trị cho tập thể. Một cách tự nhiên, mình cảm thấy hạnh phúc và đủ đầy hơn. Như câu chuyện san sẻ miếng rau, lon gạo trong thời dịch bệnh hay khi mua tờ vé số giúp cụ già, em nhỏ cũng khiến bạn ấm lòng, phải không?
4. Hiểu mình hiểu người trong từ “kẻ mạnh”, “vị tha”
Bài viết của mình phân tích khá dài, hy vọng là bạn không quên thông điệp ngay lúc đầu khi mình bắt gặp câu nói của Gandhi. Từ kẻ mạnh khi mới thoáng nghe mình tưởng đó là người có sức mạnh về cơ thể, có quyền lực, có trí thông minh… vân vân mây mây. Nhưng khi đào sâu hơn mình mới hiểu, chỉ cần hiểu rõ bản thân thì mới giúp vun bồi nguồn sức mạnh to lớn nhất, sức mạnh đến từ nội tại. Đó mới là kẻ mạnh chân chính.
Đến hiện tại, mình chấp nhận quan điểm, mỗi người là một người thầy, mỗi sự kiện là một bài học, một cơ hội để "hiểu mình, hiểu người" từ đó vun bồi cho mình phong cách sống bao dung, vị tha "vì mình, vì người" đến mọi người xung quanh
Hình: Càng hiểu mình bao nhiêu, càng hiểu người bấy nhiêu, vị tha khởi sinh
5. Lời chúc dành cho bạn, người đã đi đến tận cùng
Bình an giữa bão tố cuộc đời luôn là điều chúng ta cầu mong giữa những năm tháng xoay vần cùng cơm, áo, gạo tiền. Hy vọng, câu chuyện nhỏ và hành trình trăn trở của mình giúp mọi người có thêm góc nhìn để nắm quyền kiểm soát hành vi, cảm xúc, không bị tác động bởi ngoại cảnh khi gặp điều bất như ý. Đã là con người, ai mà chẳng chấp niệm vào góc nhìn của bản thân. Hiểu vậy, hãy cứ chậm lại một nhịp để thấu “thiện”, hiểu “ác” của mỗi người mà an nhiên đón nhận. Mình tin, sống như vậy thì hẳn tâm sẽ an giữa dòng đời biến động, rồi sẽ “hiểu thấu mình” để “vị tha với người”.
Nội dung: Tấn Vinh - Học viên Content 3 Gốc
Biên tập: Khánh Vi
Hình ảnh: Ngọc My
Comments