Kỹ năng tự học giúp mỗi chúng ta sống trong tâm thế chủ động mà không sợ hãi cuộc sống. Kỹ năng tự học chỉ có ở những người Độc lập, chỉ những người Độc lập mới có được Tự do, và chỉ có Tự do mới mang lại Hạnh phúc. Đây cũng là tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam (Độc lập - Tự do - Hạnh phúc).
Mình là Nhàn Tuệ Tĩnh- Học viên Content 3 Gốc. Xin mời độc giả Blog 3 Gốc cùng đi qua chủ đề “Kỹ năng tự học” để có được hạnh phúc như thế nào nhé. Hy vọng sau khi đọc xong, mọi người sẽ sẵn sàng cho mình tâm thế tự học.
MỤC LỤC
1. Kỹ năng tự học là gì?
Kỹ năng tự học là khả năng bạn có thể tự tìm hiểu, tư duy, nghiên cứu các kiến thức liên quan đến một chủ đề, một lĩnh vực nào đó bạn đang quan tâm. Tự học có nghĩa là bạn tự thu thập các kiến thức mà không cần sự chỉ dẫn, giúp đỡ của người khác. Hoặc bạn có thể nhờ người khác hướng dẫn một vài bước căn bản ban đầu, nhưng sau đó bạn lại là người tự tìm hiểu.
Đây là một khái niệm chung thường được chia sẻ khi các bạn mới bắt đầu tìm hiểu về kỹ năng tự học.
Tuy nhiên, khi trải qua một quá trình tự nghiền ngẫm, đúc kết kiến thức, mình đã có một khái niệm về tự học mang tính chủ quan hơn. Theo mình, tự học là bạn học hỏi một cách tự nguyện mà không bị ai khác thúc ép. Tự học là tâm thái của người chủ động, người biết nắm bắt mọi cơ hội để mở rộng kiến thức của mình.
Người tự học giúp họ được độc lập, chỉ có người độc lập mới có thể tự do làm được nhiều thứ. Những điều đó mang đến cho họ niềm hạnh phúc. Vậy có thể nói người có kỹ năng tự học là người tự tạo ra hạnh phúc cho riêng bản thân mình.
Đây cũng là lời Bác Hồ đã dạy trong tuyên ngôn độc lập (Độc lập - Tự do - Hạnh phúc).
2. Tại sao phải có kỹ năng tự học?
Khi đã hiểu được định nghĩa ở trên, phần nào cũng giúp bạn có động lực để bắt tay vào tự học. Dưới đây xin chia sẻ với bạn 3 lợi ích mang lại nếu có kỹ năng tự học.
2.1 Kỹ năng tự học giúp học được mọi kỹ năng khác
Bạn đang là một sinh viên, bạn sẽ phải học kỹ năng giao tiếp, kỹ năng lập kế hoạch, kỹ năng thiết kế bài thuyết trình… Bạn đang là người đi làm, bạn sẽ phải học kỹ năng xin việc, kỹ năng đàm phán, kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng quản lý thời gian…Hay bạn làm mẹ, bạn cũng phải học đủ mọi kỹ năng để nuôi con. Hay bạn muốn bỏ phố về vườn, bạn cũng phải học kỹ năng về cây trồng, xem thời tiết, cải tạo đất…
Trong từng khía cạnh cuộc sống, bạn phải học kỹ năng để làm tốt được việc đó. Nếu liệt kê danh sách các kỹ năng cần học chắc phải lên con số hàng chục, hàng trăm. Bạn vừa học hết kỹ năng này, thì lại nảy sinh học tiếp kỹ năng khác. Điều đó làm bạn ngộp thở, bội thực lý thuyết mà chưa ứng dụng được bao nhiêu.
Vậy thì kỹ năng tự học sẽ giúp bạn giải quyết được nỗi đau này. Có kỹ năng tự học bạn sẽ biết cách tự tìm tòi, học hỏi các kỹ năng khác.
Một bí mật mình muốn chia sẻ ở đây là quy luật của các kỹ năng thường khá giống nhau, chúng sẽ bắt đầu bằng một số cách như sau:
Tự học bằng cách hỏi Why (Tại sao phải học?), What (Mục tiêu muốn học?), How (Cách để học?)
Áp dụng kỹ năng như giao tiếp:Tại sao phải học giao tiếp? / Mục tiêu muốn học giao tiếp là gì? / Cách nào để học giao tiếp hiệu quả và nhanh nhất?
Áp dụng với kỹ năng xin việc: Tại sao mình lại muốn xin vị trí này? / Mục tiêu được vị trí này?/ Cách phỏng vấn để đậu hoặc cần chuẩn bị gì để vượt qua ứng tuyển?
Tự học bằng cách tìm hiểu 3 khía cạnh sau: Tư duy, phương pháp, công cụ
Áp dụng với kỹ năng làm vườn: Tư duy bỏ phố về vườn để giải trí hay làm vườn để làm kinh tế? Bạn cần phương pháp nào để đáp ứng tư duy trên?/ Công cụ nào hỗ trợ bạn làm vườn tốt nhất?
Áp dụng với kỹ năng làm mẹ: Tư duy làm mẹ thông thái hay làm bạn với con? / Phương pháp nào để đạt được điều đó? Bạn cần công cụ nào hỗ trợ để làm mẹ tốt nhất?
Bạn có thể tìm hiểu cho mình nhiều cách tự học khác nhau, nhưng một điểm chung là nếu bạn tự học được một kỹ năng tốt thì các kỹ năng khác bạn sẽ cảm thấy đơn giản hơn rất nhiều.
2.2 Kỹ năng tự học giúp hệ thống kiến thức
Khi bước vào tiến trình tự học, bạn sẽ phải nghiên cứu rất nhiều thông tin từ nhiều nguồn, sau đó bạn sẽ đúc kết lại những kiến thức ấy để áp dụng.
Ban đầu kiến thức thu nạp được sẽ khá rời rạc, bạn sẽ có cảm giác mình hiểu chưa sâu và tự đặt ra cho mình nhiều câu hỏi khác nhau. Khi thắc mắc bạn lại tiếp tục tìm kiếm thông tin để trả lời cho mình, lúc này bạn lại tiếp nhận thêm kiến thức mới.
Khi tự học với thái độ chủ động, bạn sẽ cảm thấy thích thú với việc nạp một lượng lớn thông tin. Sau đó bạn phân tích thông tin ấy để xem mục nào cần bỏ, mục nào cần giữ lại, đoạn nào kết nối với nhau. Cuối cùng bạn đúc kết lại thành một sơ đồ đơn giản, rõ ràng hơn. Lúc này việc áp dụng vào cuộc sống mới hiệu quả được.
Quá trình này có thể gọi là Quan sát - Phân tích - Đúc kết.
Nếu bạn học với tâm thế bị động, có nghĩa là thu nạp kiến thức do bắt buộc, hay từ người khác chia sẻ mà không có sự tư duy. Lúc này kiến thức vào bên trong bạn sẽ ở dạng thô mà không được chuyển hoá sang cốt lõi hơn. Chính vì thế lúc nào bạn cũng cảm thấy rối rắm thông tin, đầu óc trở nên lộn xộn. Đây là hiện tượng càng học nhiều càng trở nên mù mờ hơn là vì thế.
Tấm hình dưới đây sẽ giúp bạn thấy rõ hơn việc tự học đã giúp bạn trở thành người khôn ngoan như thế nào nào nhờ việc hệ thống lại thông tin.
2.3 Kỹ năng tự học giúp sống mà không sợ hãi
Thật vậy, chúng ta thường hay sợ hãi cuộc sống bởi vì chúng ta không hiểu hết về nó. Kỹ năng tự học giúp bạn có tâm thái khiêm hạ để luôn học hỏi mọi điều đang xảy ra trong cuộc sống xung quanh.
Bạn sợ hãi vì luôn nghĩ đến những bất trắc sẽ xảy đến với mình, khi những khó khăn đến bạn luôn ở trong trạng thái bị động, không linh hoạt để xoay chuyển tình thế. Tuy nhiên, người đã có thói quen tự học, họ lại có khả năng làm việc đó rất tốt.
Ví dụ bạn có thói quen tự hỏi “Mình nên tư duy như thế nào trong vấn đề này”, thì khi khó khăn đến bạn sẽ không hỏi “Sao tôi lại gặp bất hạnh này?”, thay vào đó bạn sẽ suy nghĩ “Khó khăn này đến vậy mình có góc nhìn nào khác tích cực hơn không?”.
Khi bạn luôn có tâm thế học chủ động, bạn sẽ không còn vô thức sợ hãi những điều khác lạ xảy đến nữa. Bởi vì lúc này, bạn đã có tâm thế khám phá điều mới mẻ ấy, từ việc sợ hãi bạn chuyển sang tò mò, thích thú. Nếu rèn luyện được kỹ năng tự học, bạn sẽ cảm thấy cuộc sống đang diễn ra là một phép màu.
3. Tấm gương tự học của Bác Hồ
Từ 3 lợi ích trên, mình xin kể câu chuyện của Bác Hồ vào những ngày bác còn là cậu thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Bạn hãy đọc và đúc kết xem Bác Hồ đã có cho mình 3 điều trên không nhé.
“Ngay từ những ngày đầu tiên ra đi tìm đường cứu nước, chàng trai Nguyễn Tất Thành hiểu rằng anh phải biết tiếng Pháp thì công cuộc tìm đường cứu nước, cứu dân mới có cơ hội thực hiện.
Ngay trên chuyến tàu sang Pháp, mỗi lúc xong việc anh lại nhờ hai người lính trẻ dạy đọc và viết tiếng Pháp. Khi không hiểu hoặc muốn biết rõ cái gì hay đồ vật anh liền hỏi, đến tối sau khi xong việc anh ghi từ mới vào vở và tập ghép lại thành câu. Lúc đầu là một vài từ, thành đoạn rồi thành bài dài.
Ngay khi đặt chân lên đất Pháp, anh đã tìm đến tòa soạn để xin viết đăng báo. Anh tìm đủ cách để được người trong tòa soạn sửa lỗi sai cho mình. Mỗi lần thế, anh đều xem lại từng câu, từng chữ để rút kinh nghiệm cho bài sau.
Sau mỗi giờ làm việc dù bận đến đâu, anh cũng cố gắng đọc sách và rèn cho mình thói quen viết từ 5 đến 6 giờ sáng mỗi ngày. Năm 1922, anh trở thành chủ bút của tờ báo “Người cùng khổ” viết bằng 3 thứ tiếng Pháp, Ả Rập và chữ Hán. Đây là tờ báo có sức ảnh hưởng lớn trong việc kêu gọi đoàn kết các dân tộc thuộc địa và phong trào bảo vệ quyền con người”.
Bạn thấy đấy chính khả năng tự học ăn sâu vào tiềm thức của Bác Hồ, cho nên Bác đã ra đi tìm đường cứu nước không chút sợ hãi. Bác tự tin mình có tinh thần học hỏi nên dù khó khăn đến mấy Bác cũng sẽ tìm tòi, khám phá và cầu tiến. Mỗi lần học được gì hay, Bác đều ghi chép lại, suy ngẫm và ứng dụng, Bác đã đúc kết cho mình một hệ thống kiến thức rất vững chắc.
Nguồn: 2 ảnh Bác Hồ và Thơ sưu tầm
4. Ai có thể bắt đầu tự học
Quả thật, kỹ năng tự học vô cùng đơn giản mà phù hợp với tất cả mọi người. Bạn không cần chuẩn bị gì để có thể tự học ngoài việc tìm ra cho mình lý do vì sao phải tự học từ chính động lực bên trong của bạn.
Bạn đang có một mục tiêu, bạn có một ước mơ hay lý tưởng nào đó trong cuộc sống. Bạn đang thắc mắc một điều gì mà chưa có lời giải đáp. Bạn đang gặp khó khăn cần đến sự giúp đỡ.
Nếu bạn đang ở trong một số trường hợp như trên, hãy bắt tay luyện tập cho mình kỹ năng tự học ngay lúc này. Sau khi đọc bài viết này xong, nếu vẫn còn nhiều thắc mắc về kỹ năng tự học này, bạn hãy chủ động tự học chủ đề này bằng cách tìm hiểu thông tin trên mạng, mua sách về đọc hoặc hỏi người thân, bạn bè, đồng nghiệp.
Hãy làm ngay đừng chần chừ.
Vì giống như Bác Hồ đã nói, chỉ có người Độc lập mới có quyền Tự do và chỉ có người Tự do mới có quyền Hạnh phúc. Bạn chắc hẳn rất muốn có được hạnh phúc đúng không. Vậy hãy bắt đầu tự học ngay hôm nay nhé.
Nhân ngày 19.5 sinh nhật của chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Blog 3 Gốc xin gửi tới độc giả bài viết về sự tự học, xin lấy tấm gương tự học của Bác Hồ để chia sẻ. Điều này giúp truyền cảm hứng đến các bạn trẻ với niềm hy vọng 10 năm nữa, 20 năm nữa thế hệ trẻ Việt Nam sẽ là lớp kế tiếp sống cống hiến và đầy tử tế.
Nội dung: Nhàn Tuệ Tĩnh - Học viên Content 3 Gốc
Biên tập: Khánh Vi
Hình: Trung
Commenti