Tiền bạc vốn là vật ngoài thân, thế nhưng từ xưa đến nay những người vì tiền mà dấn thân chỗ nguy hiểm lại nhiều không đếm xuể.
Những người hi sinh tất cả cuộc sống chỉ để chạy theo tiền bạc, bỏ lỡ tất cả những yếu tố xung quanh đến khi nhìn lại thì đã quá trễ. Vậy TIỀN BẠC đến từ đâu, bản chất của TIỀN BẠC là gì?
Mình là Phương Lê - Học viên Content 3 Gốc. Bài viết này mình muốn chia sẻ góc nhìn cụ thể hơn về TIỀN BẠC, không có đúng sai, chỉ là khi mà con người hiểu rõ về tiền bạc thì sẽ không làm nô lệ cho nó. Mời mọi người cùng đọc nhé!
MỤC LỤC:
1. Định nghĩa về tiền bạc?
Bạn hiểu thế nào về câu nói này?
Tiền bạc có phải là nguồn gốc của tội lỗi hay không? Không, tiền bạc là công cụ, là thước đo giá trị của mỗi con người (trả cho giá trị mà họ nhận được).
Khi bạn có năng lực, có giá trị và hiểu rõ giá trị của mình thì bạn sẽ tìm được đúng môi trường để trao gửi. Và bạn sẽ không mù quáng chạy theo đồng tiền vì bạn đã biết mình cần dùng tiền để mua thứ gì làm mình hạnh phúc.
2. Cách tạo ra tiền bạc đúng
Tiền bạc ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của chúng ta. Nó là điều kiện cần để học tập, ăn uống, mặc quần áo, ở đâu đó, di chuyển... Mỗi hoạt động này đều cần chi phí. Hằng ngày, chúng ta phải trao đổi tiền để duy trì sự sống.
Vậy tiền đâu có xấu, tiền chính là phương tiện để hỗ trợ mỗi cá nhân thoả mãn nhu cầu và thực hiện mục đích sống của mình.
Tiền không mua được hạnh phúc nhưng nó là điều kiện cần để đi đến hạnh phúc. Vậy nên, chúng ta cần học cách kiếm tiền chính đáng và thoát khỏi sự ràng buộc của tiền.
2.1 Tập trung phát triển bản thân
Điều quan trọng là dành thời gian để phát triển sự bình yên trong tâm hồn mình. Thay vì lãng phí tiền vào thực phẩm không tốt cho sức khoẻ hay các hoạt động giải trí mà thành tích chỉ đạt được trong thời gian ngắn, bạn nên tập trung đầu tư vào bản thân và chăm sóc bộ não của mình.
Tập trung vào đời sống tinh thần thay vì vật chất giúp gia tăng khả năng sáng tạo vượt bậc, giúp cho con người đạt được nhiều thành tựu khoa học kỹ thuật và sống hạnh phúc hơn.
2.2 Đừng so sánh mình với người khác
Thật dễ dàng để so sánh bản thân với người khác. Song người duy nhất mà bạn nên so sánh là con người của mình trong quá khứ. Nếu có thể làm điều này, bạn sẽ thấy bản thân tiến bộ hơn trước rất nhiều trong cuộc hành trình chinh phục những đích đến.
Thay vì lo lắng về những gì người khác đang làm hoặc đạt được hãy tập trung vào việc chăm sóc bản thân và đảm bảo rằng bản thân không ngừng cải thiện vì bất kỳ lý do gì.
2.3 Biết ơn tất cả những gì bạn đang có
Có thể không mua được hạnh phúc nhưng bạn có thể sống một cuộc đời hạnh phúc bằng cách biết ơn những gì mình đang có.
Cho dù có bao nhiêu tiền trên thế giới, bạn vẫn sẽ luôn lo lắng và bất hạnh nếu không tìm thấy hạnh phúc từ bên trong chính mình. Đây là lý do tại sao tất cả chúng ta nên giữ thái độ biết ơn để có thể tận hưởng cuộc sống trọng trọn vẹn hơn.
Biết ơn những gì đang có sẽ mang đến cho bạn cảm giác hạnh phúc hơn bất kỳ số tiền nào có thể sở hữu. Để sống cuộc đời trọn vẹn, hãy cố gắng thực hành lòng biết ơn trong suy nghĩ và hành động của bạn mỗi ngày.
2.4 Học cách quản lý tiền trước khi kiếm được tiền
Mọi thứ vẫn chỉ là con số 0 nếu sở hữu một khối tài sản lớn song bạn lại sử dụng không đúng cách. Trước khi muốn gia tăng tài sản, bạn cần học cách quản lý tiền. Nhiều người thường nói rằng muốn khởi nghiệp không bị lỗ vốn, thứ đầu tiên cần học là phân chia tiền bạc sao cho hợp lý.
Nếu có 10 đồng, đừng tham lam lấy cả 10 đồng, vì làm như vậy khó có thể gắn bó lâu dài. Khi có 10 đồng, bạn chỉ nên lấy 7-8 đồng là hợp lý. Khi đối tác của bạn thu được lợi nhuận cao hơn các mối làm ăn khác, nhất định lần sau họ sẽ quay trở lại với bạn. Thậm chí nhiều nhà đầu tư khác cũng mong muốn được hợp tác với bạn. Vì thế chỉ cần học được cách chia tiền, bạn nhất định sẽ gia tăng được thu nhập.
Nếu một vị chuyên gia nào đó hướng dẫn bạn kiếm được số tiền lớn. Đừng ngần ngại tặng họ nửa số tiền kiếm được. Vì hành động này sẽ giúp bạn kiếm được nhiều hơn số tiền bạn cho đi.
2.5 Tiết kiệm cũng là một cách kiếm tiền
Tiết kiệm là một trong những phương pháp làm giàu chính đáng.
Ghi lại tất cả các hoạt động tài chính của bản thân một cách có tổ chức sẽ giúp ý thức được rõ ràng những thói quen chi tiêu. Dần dần, trong quá trình ghi chép họ sẽ dần hiểu được mình đang chi tiêu như thế nào: Có đang tiêu quá nhiều tiền cho ăn uống, hay chưa dành đủ tài chính cho những hoạt động văn hóa.
Nhận biết được những khoản chi tiêu lãng phí, thiếu hợp lý giúp điều chỉnh hiệu quả cách chi tiêu, từ đó bạn nhanh chóng hoàn thành được mục tiêu tiết kiệm đã đề ra.
Giống như người Nhật, họ không chi quá tay vào việc ăn uống, giải trí hay mua sắm. Ngôi nhà của người Nhật cũng không trang hoàng quá lộng lẫy. Mọi thứ trong cuộc sống của người Nhật rất tối giản nhưng đều đảm bảo chức năng.
Họ tiết kiệm và làm giàu cho đất nước bằng việc ưu tiên sử dụng hàng nội địa. Lý do vì sản phẩm của người Nhật luôn đảm bảo chất lượng và nó được thiết kế bởi người Nhật nên sẽ có những công năng phù hợp nhất với người Nhật.
Đúng như truyền thống văn hóa tiết kiệm của người Nhật, để đảm bảo sản phẩm có thể sử dụng được lâu và bền nhất, người Nhật đã nghiên cứu và tạo ra những sản phẩm tốt nhất có thể.
Tiết kiệm là một cách làm giàu phổ biến của người Nhật. Nguồn vốn tiết kiệm của người dân cũng trở thành một trong những nguồn vốn kinh doanh của đất nước. Tiết kiệm đúng cách và khoa học sẽ mang lại hiệu quả kinh tế không ngờ.
Đầu tư sinh lời giúp gia tăng tài sản
Khi tích lũy vừa đủ thì bạn nên dùng tiền đầu tư vào những hạng mục an toàn như: mua bất động sản cho thuê, học về marketing và mở một cửa hàng buôn bán nhỏ, hay là tìm ra một lĩnh vực gì mình đam mê và cống hiến cho nó…
Điều đó vừa giúp bạn an tâm vì kiếm ra tiền mà vẫn có thời gian dành cho gia đình, bạn bè.
Nhưng điều kiện cần là bạn phải có tri thức đủ để không bị cuốn vào vòng xoáy của tiền bạc và đánh mất đi hạnh phúc hiện tại.
3. Cách sử dụng tiền bạc đúng
Tiền bạc sẽ có giá trị cao nhất khi chúng ta biết trân trọng và sử dụng nó một cách chính đáng
Thật vậy, đó là khi chúng ta có nhận thức đúng đắn về tiền. Tiền có thể giúp chúng ta có được một cuộc sống no đủ.
- Tiền mang lại cho bạn sự tự do: khi bạn có đủ tiền, bạn có thể sống ở nơi bạn muốn, chăm sóc những nhu cầu của bạn và thỏa mãn sở thích của bạn. Nếu bạn có thể trở nên độc lập về tài chính và có đủ nguồn tài chính cần thiết để sống mà không cần làm việc, bạn sẽ tận hưởng sự tự do hơn nữa vì bạn sẽ có thể làm những gì bạn muốn với thời gian của mình.
-Tiền mang lại cho bạn sức mạnh để theo đuổi ước mơ của mình: có tiền giúp bạn có thể bắt đầu kinh doanh, xây dựng một ngôi nhà mơ ước, trả các chi phí liên quan đến việc có một gia đình, hoặc hoàn thành các mục tiêu khác mà bạn tin rằng sẽ giúp bạn có cuộc sống tốt hơn.
-Tiền mang lại cho bạn sự an toàn: khi bạn có đủ tiền trong ngân hàng, bạn sẽ không bao giờ phải lo lắng về việc đầu bù tóc rối hay về việc có đủ ăn hay về việc có thể gặp bác sĩ khi bị ốm.
Điều này không có nghĩa là bạn sẽ có đủ khả năng chi trả mọi thứ mình muốn, nhưng bạn sẽ có thể tận hưởng một cuộc sống ổn định của tầng lớp trung lưu.
4. Cân bằng giữa tiền bạc và cuộc sống chính là hạnh phúc
Mặc dù tiền không thể mua được hạnh phúc, nhưng tự do, an toàn và sức mạnh để theo đuổi ước mơ của bạn có thể giúp bạn hạnh phúc một chặng đường dài. Đó là lý do tại sao việc làm việc chăm chỉ, kiếm tiền và học cách tiết kiệm cũng như đầu tư là rất quan trọng.
Mặc dù tiền rất quan trọng nhưng nó chỉ là một phần trong cuộc sống của chúng ta. Vậy thì còn thứ gì mà chúng ta nên ưu tiên hơn tiền bạc? Đôi khi vì mải mê kiếm tiền khiến bạn quên đi những ưu tiên trong cuộc đời mình như: thời gian, sức khỏe, gia đình, bạn bè và đam mê. Cho đến khi nhìn lại thì mọi thứ đều xa cách.
Vậy nên, học cách cân bằng giữa tiền bạc và những thứ cần ưu tiên chính là hạnh phúc.
-Thời gian: Bạn nên có những khoảng thời gian một mình chất lượng. Có thể là để suy nghĩ, lên kế hoạch phát triển bản thân, đọc một cuốn sách yêu thích, hay tìm kiếm một môi trường thiện lành để phát triển bản thân hướng đến 3 gốc.
-Sức khỏe: Ngủ đủ giấc, ăn uống khoa học, và siêng năng tập luyện thể thao, hay là thực hành thiền định cũng chính là cách giúp bạn nuôi dưỡng sức khỏe cả về thân và tâm.
-Gia đình, bạn bè: Dành thời gian để quan tâm bố mẹ, anh chị em bằng những chuyến viếng thăm định kỳ, hay là những chuyến đi chơi ngắn ngày để gắn kết tình thân.
Thỉnh thoảng, kết nối hỏi thăm những người bạn ở xa hay là những người bạn có cùng chung sở thích, mục đích sống với mình để thiết lập mối quan hệ và mối thâm giao.
-Có thời gian để học hỏi và tìm cho mình một môi trường khiến bản thân yêu thích và sống cống hiến hết mình không phải vì tiền. Đó có thể là một sở thích cá nhân như: bơi lội, cầu lông, đánh đàn, hay là chỉ là đam mê viết…
Đã từ rất lâu, đồng tiền thâm nhập vào thế giới con người, giúp đỡ con người nhưng cũng điều khiển con người.
Giăng-van-giăng bị bỏ tù chỉ vì ăn trộm một chiếc bánh mì cho cháu. Chị Dậu bán con, bán chó lấy mấy đồng cắc về chuộc chồng… Tất cả chẳng phải đều vì đồng tiền, đồng tiền không sai khiến họ, đồng tiền sai khiến kẻ khác dồn ép họ, buộc họ vào bước đường cùng.
Đồng tiền là con dao hai lưỡi, mua hạnh phúc và cũng giết chết hạnh phúc. Liệu có hạnh phúc được khi dạ dày lép kẹp, tâm trí chỉ nghĩ đến miếng ăn, và khi nghĩ đến miếng ăn, miếng ăn choán toàn bộ suy nghĩ, không còn chỗ cho điều gọi là hạnh phúc.
Gia đình hạnh phúc ấm êm và không bao giờ phải lo nghĩ vấn đề tiền bạc nhưng sẽ sao nếu vấn đề cơm áo gạo tiền xuất hiện thường nhật trong những bữa ăn, cuộc trò chuyện. Sự bon chen, tính toán đời thường, tính thực dụng che đi cái hạnh phúc ngọt ngào mà mỏng manh.
Đồng tiền nối liền với khúc ruột của con người, nó cũng chính là cái căn cơ của buồn vui sướng khổ của nhân loại?
Đồng tiền là phương tiện đưa con người có được những trò tiêu khiển, giải trí, những món quà đem lại nụ cười…
Đồng tiền đem lại vật chất, những gì người ta muốn: nhà lầu, xe hơi, kim cương… hay những gì quý giá hơn nữa. Đồng tiền là công cụ cho con người làm việc: xây dựng cơ sở vật chất, giải quyết các chi phí…
Khi có tiền, bạn sẽ được ăn ngon, mặc đẹp, ở trong ngôi nhà sang trọng với đầy đủ tiện nghi, có người phục vụ và không phải chịu vất vả về mặt tay chân.
Có tiền, bạn sẽ dành cho bản thân, gia đình những gì tốt đẹp nhất, không bị áp lực kinh tế đè nặng. Có tiền, bạn sẽ đăng ký những khóa học để có thêm tri thức.
Bản thân những học sinh, để ngồi ở ghế nhà trường, tiếp thu tri thức để sau này nên người phải đóng học phí.
Bệnh nhân muốn khoẻ mạnh phải điều trị, thuốc thang, phải thanh toán viện phí. Doanh nhân muốn phát triển, mở rộng công ty phải đầu tư vốn…
Những hoạt động đó không bị đồng tiền chi phối mà sử dụng đồng tiền đúng chức năng giá trị, chuyển tiếp từ thứ này sang một thứ tốt hơn trên phương tiện tiền bạc.
Khi có tiền, bạn cũng sẽ san sẻ được nỗi thống khổ của những người có hoàn cảnh kém may mắn. Bởi vậy, vô số các nhà đầu tư, nhà tài trợ, nhà từ thiện đã từ đồng tiền biến đồng tiền thành hạnh phúc, đó là những xuất học bổng, những ca mổ không mất chi phí, những khoản tiền đầu tư… Nếu sử dụng đồng tiền đúng cách, ta sẽ mua được hạnh phúc vô giá.
Cũng chính đồng tiền đã đưa đẩy con người tới thành công hay thất bại, được thiên hạ nể vì, nhân nhượng hay khinh khi coi thường! Vì thế tiền bạc đã biến thành một thứ quyền lực vô song, có ảnh hưởng trong cuộc sống con người.
Vì vậy, con người phải bình tâm quán niệm để rũ bỏ những ý niệm bám víu, lệ thuộc hoàn toàn vào tiền bạc, tìm về với những giá trị sống khác mà từ lâu ta lãng quên mới có thể thoát khỏi sự nhấn chìm của vòng xoáy tiền bạc, vượt qua được những khổ não, bất an do tiền bạc gây ra.
Chúng ta biết Tiền là giả tạm, là gốc khổ, chúng ta hãy tự suy nghĩ để hiểu biết thêm giá trị đích thực của tiền, khiến mỗi chúng ta hiểu và sử dụng đồng tiền sao cho đúng nghĩa!.
Hãy nhớ rằng bạn đến thế gian này chỉ với hai bàn tay trắng, và rời đi cũng chỉ với hai bàn tay trắng, của cải vật chất dù có nhiều đến mấy thì khi chết cũng không mang theo được gì, và tiền tài, danh vọng không phải là thứ mang lại cho bạn tâm hồn tươi đẹp, sức khỏe và hạnh phúc thật sự!
Vậy bạn hãy tự làm chủ TIỀN BẠC để có được sự tự do đích thực.
Cảm ơn bạn đã lắng nghe chia sẻ của mình. Mong bạn sẽ để lại những ý kiến phản hồi giúp cho những bài viết sau của mình được chỉn chu hơn!
Nội dung: Phương Lê - Học viên Content 3 Gốc
Biên tập: Khánh Vi
Hình ảnh: Tuệ Tâm - Học viên Content 3 gốc
Comments