top of page

Làm người “bình thường” liệu có khó?

Updated: Mar 18

Ai trong chúng ta cũng từng muốn mình trở nên khác biệt, nổi bật và có riêng những dấu ấn trong đời.


Thế nhưng, khi trải nghiệm đủ sâu, trưởng thành đủ lớn, dường như ta lại muốn sống một cuộc đời bình thường.


Liệu mong muốn đó có phải bất thường và khó thực hiện?


Mời bạn cùng Trang học tập 3 gốc suy ngẫm về câu chuyện làm người bình thường và cách để sống bình thường mà không khác thường, bạn nhé!


Mục lục

1. Làm người bình thường có phải là mong muốn bất thường?

2. Khi quá mệt vì phải khác biệt, ta cần làm gì để bình thường?

3. Lời kết


người bình thường 1

Làm người bình thường có phải là mong muốn bất thường?

Ít ai trong chúng ta thực sự muốn nói rằng "cuộc sống của tôi bình thường", “tôi mong một cuộc sống bình thường”. Bởi lẽ, làn sóng văn hóa đề cao cái tôi cá nhân, mời gọi thể hiện cá tính, xây dựng bản sắc độc nhất đã "tiêu chuẩn hóa" cuộc đời mỗi người phải có điểm nhấn, được công nhận và để lại vết son cho đời.


Điều này cũng chẳng sai khi cho người ta động lực để phấn đấu, mục tiêu để chinh phục. Thế nhưng, khi ai cũng mong muốn mình thật khác biệt thì "bình thường" có trở thành "bất thường" hay không?


Rốt cuộc, mục tiêu trở nên "khác biệt" vô tình khiến chúng ta ngày càng áp lực. Bởi vì, giữa hàng chục, hàng trăm con người, chúng ta cho rằng "khác biệt" là phải hơn người khác, có điều gì nổi trội và được công nhận bởi số đông. Càng ngày con người càng quay cuồng theo những tiêu chuẩn bên ngoài, những con số đo lường, những thành tích hào nhoáng để bản thân không bị "mờ nhạt", "nhàm chán", và "bình thường".


người bình thường 2

Nhưng chính vì miệt mài tìm cách để bản thân "khác biệt" theo vòng xoáy mưu sinh, con người không còn "thuận tự nhiên" nữa. Chúng ta xem bệnh tật, căng thẳng, mất kết nối là cái giá phải trả cho những cái "mác" gắn lên người. Để rồi, dần trở nên bế tắc và khổ đau. Để rồi, phải kéo nhau đi "chữa lành".


Nhưng, dù đạt nhiều thành quả hay được công nhận đến mấy, chúng ta cũng đâu thay đổi được bản chất của mình:


  • Dù có trăm tỷ hay vài chục triệu, cơm cũng ăn ngày 3 bữa.

  • Dù làm giám đốc hay bán hàng rong, vẫn mong ngon giấc mỗi đêm.

  • Dù được muôn người ca tụng hay chẳng có tiếng tăm, chỉ mong có một tổ ấm để quay về.

  • Dù làm ngôi sao hay người dọn vệ sinh, chỉ cần một công việc đóng góp giá trị cho đời.


Khi bạn có thêm trách nhiệm và nhiều thứ phải lo toan, khi bản thân lớn hơn một chút để cảm thấu nhiều điều, bạn sẽ nhận thấy thấy cơm ăn đủ, giấc ngủ đầy, việc làm tốt, gia đình ấm êm thực sự là một niềm hạnh phúc rất lớn. Những điều đơn giản và bình thường lại nuôi sống thân thể, vun bồi trí tuệ và chăm sóc cho tâm hồn. Nói đơn giản là làm nên hạnh phúc của một ngày, một năm hay cả một đời người.


Khi quá mệt vì phải khác biệt, ta cần làm gì để bình thường? 

Có ba thứ sẽ giúp bạn sống bình thường giữa đời thường, đó là: Trải nghiệm, lắng nghe và bản lĩnh


Trải nghiệm để làm gì? 


người bình thường 3

Để thấm thía cái giá phải trả khi chạy theo những giá trị bên ngoài. Để cảm nhận điều mang lại bình an và hạnh phúc thực sự thay vì chỉ nghe theo những lời hô hào từ bên ngoài rồi làm theo một cách vô hồn. 


Chỉ khi  nằm trên giường bệnh, bạn mới thấm thía hai chữ sức khỏe.

Chỉ khi cô đơn trên mọi hành trình, có người mới thật sự trân trọng hai chữ tình thân.

Chỉ khi đối diện với cửa tử, nhiều người trong chúng ta mới biết sự sống đáng giá biết chừng nào!


Lắng nghe cái chi? 

Lắng nghe chính mình để HIỂU MÌNH, biết điều gì thực sự quan trọng với RIÊNG MÌNH. 


Chữ RIÊNG MÌNH phải viết in hoa, vì chúng ta hay bị che mờ bởi mong muốn, ý kiến, quan điểm từ người khác. Nếu điều này thực sự làm bạn thỏa mãn, chẳng sao cả. Nhưng nếu sự thỏa mãn đổi bằng hy sinh của chính mình sẽ chẳng lâu bền. Cũng giống như bạn chọn ngành học, công việc hay bạn đời theo tiêu chí xã hội thay vì xuất phát từ chính khao khát bên trong thì niềm hạnh phúc chỉ là "vay mượn" rồi lại lao vào vòng xoáy "khác biệt" để lấp đầy sự trống rỗng bên trong.


Chỉ khi đủ LẮNG để NGHE thì chúng ta mới đủ HIỂU để THƯƠNG chính mình đúng cách.


người bình thường 4

Bản lĩnh để "bình thường" 

Với những trách nhiệm, mong cầu và tư duy đã ăn sâu vào tâm trí, chúng ta cần bản lĩnh để đi "thuận tự nhiên" mà "ngược số đông". Nghe câu nói "đừng chạy theo đám đông" hay vậy thôi, chứ tham - sân - si vẫn là động lực chi phối con người rất nhiều.


  • Kinh doanh tại nhà để có thời gian chăm sóc cho con nhỏ, bạn có chắc mình không cay sống mũi khi đứa bạn khoe được thăng chức?

  • Sống ở nơi có thiên nhiên dù hơi chậm phát triển, bạn có chắc không chạnh lòng khi đứa bạn bám trụ lại thành phố có thu nhập gấp đôi mình dù xuất phát điểm như nhau?

  • Chuyển sang làm tự do trong lĩnh vực yêu thích sau 7 - 8 năm làm công sở, nhưng liệu bạn tủi thân khi đồng nghiệp cũ làm ngày 8 tiếng, cuối tuần Café, lâu lâu du lịch. Trong khi bản thân phải "cày" 14 - 16 tiếng/ngày, một mình một cõi và cả năm chẳng khi nào ra khỏi thành phố?

Phải hiểu rằng, mọi lựa chọn đều có cái giá của nó, dù là "bình thường" hay "khác biệt". Giữa những thời điểm nỗ lực để bản thân được "thuận tự nhiên", chúng ta đâu tránh khỏi những giây phút yếu lòng và bị "mời gọi" bởi sức hút to lớn của đám đông, của việc chẳng nghĩ suy mà cứ bước đi vô định trên một con đường đã định sẵn.



người bình thường 5

Vậy nên, muốn bình thường, cần trải nghiệm, lắng nghe và bản lĩnh để tìm ra con đường, giữ vững lập trường, tiến bước dù cô độc. Không chỉ vậy, trên cuộc hành trình đã chọn, chúng ta còn cần phải không ngừng đập vỡ những tư duy cũ kỹ mà chuyển hóa mình mạnh mẽ hơn .


Lời kết

"Đi quãng đường thật xa khiến mình nhận ra điều giản đơn trong chúng ta. Cứ sống bình thường thôi, bước chầm chậm sẽ đến nơi" (Vũ Cát Tường)


Rốt cuộc, "khác biệt" hay "bình thường" đều là những trạng thái của một đời người. Xen lẫn giữa cuộc sống thường nhật, chúng ta vẫn luôn "khác biệt" khi đem lại niềm vui cho người, đóng góp giá trị cho xã hội và lan tỏa sự tử tế đến một ai đó đang cần.


Chúc bạn, trên mọi nẻo đường mỗi khi nghĩ về những điều bản thân đã và có thể cho đi, luôn vui vì “tôi đã sống hết mình cho cuộc đời của một người bình thường mang nhiều giá trị và ý nghĩa”



Nội dung: Tấn Vinh - Mentor lớp Content 3 gốc 

Biên tập: Nhàn Lý

Hình ảnh: Trúc Phương


31 views0 comments
Untitled-1.jpg

Cùng chung lý tưởng
“Giáo dục chuyển hoá 3 Gốc”

Trang thư viện 3 Gốc mong nhận được phản hồi, động viên hoặc “ủng hộ” tuỳ hỷ đến từ độc giả. Bởi đây là thông điệp ngầm nhắn gửi “Những gì chúng tôi làm mang giá trị thiết thực đến cho mọi người”, giúp 3GOC.VN sẽ ra mắt nhiều nội dung giá trị hơn trong thời gian tới. 

bottom of page