top of page

Hiểu sao cho đúng về sống phụng sự?

Updated: Mar 18

Có phải cứ làm từ thiện, đi tình nguyện mới là phụng sự?

Phụng sự không mang lại tiền tài - vật chất - địa vị vậy bao con người ngày đêm miệt mài làm với mục đích gì?

Nếu phụng sự lợi lạc nhưng mình vẫn đang tất bận với công việc - cuộc sống hàng ngày, mình có thể làm gì để phụng sự?


Mời bạn cùng Trang học tập 3 gốc tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây, bạn nhé!


Mục lục





Có phải cứ đi tình nguyện mới là phụng sự?

Có một chú sâu mỗi ngày đều làm đều đặn một công việc: ăn và vân vê những hạt đất và lại thải ra những hạt đất mới trong một khu rừng bạt ngàn cỏ cây, chim chóc... Cứ cặm cụi như vậy cho đến 1 ngày, có người bạn hỏi sâu “Cậu làm điều đó để làm gì vậy?”. Chú bất chợt tự hỏi “Ồ! Mình làm thế này để làm gì nhỉ?”


Vì băn khoăn nên chú rời bỏ mảnh đất để đi tìm câu trả lời. Đi mãi, đi mãi, chú đi rất xa và rất lâu, hỏi hết người này người kia nhưng không giải đáp được sự trăn trở. Cuối cùng, chú trở về quê hương và sững sờ khi thấy “nơi chốn” của mình chỉ còn là mảnh đất khô cằn, không có loài cây nào mọc, không còn bông hoa nào tươi, những loài vật khác cũng rời đi cả…


Trong sự buồn bã, chú nhận ra mình không phải là chú sâu nhỏ bé vô dụng với công việc vô nghĩa. Chính hành động của mình mỗi ngày đã giúp mảnh đất màu mỡ, loài vật khác có chỗ dung thân. Và chú tiếp tục công việc của mình trong vui vẻ và hạnh phúc để một ngày mảnh đất hồi sinh trở lại.


Chúng ta thường nghĩ rằng phụng sự là khi mình đi từ thiện ở những vùng đất nghèo, khó khăn; khi mình tình nguyện giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh; là khi mình đến những ngôi chùa, đăng ký hỗ trợ một khóa tu nào đó…Nhưng không phải ai cũng đủ duyên để làm những điều đó. Nếu vậy, phải chăng cả cuộc đời, họ không thể phụng sự dù rất muốn?





Cốt lõi của phụng sự là khi chúng ta làm việc gì đó cũng hết lòng vì lợi ích, hạnh phúc của người khác mà không đặt ra bất kỳ điều kiện nào; lợi ích đó không chỉ bao hàm giá trị vật chất mà còn là sự sẻ chia, đồng cảm với tất cả mọi người về mặt tinh thần. Hiểu như vậy thì không phải cứ đi tình nguyện là phụng sự vô điều kiện, không phải phụng sự là phải đi làm từ thiện.


Tại sao lại nói vậy?

Khi chúng ta đi giúp người nhưng lại mong cầu được trả lại, làm với mục đích đổi chác điều gì đó (đánh bóng tên tuổi, làm để được công nhận…) thì đó không phải là phụng sự vô điều kiện (Dù so với những người không làm gì vẫn tốt hơn bội phần).


Ngược lại, có thể ta chưa đủ điều kiện đi nhiều nơi, trao tặng những món quà lớn cho nhiều người nhưng nếu luôn sẵn sàng nâng đỡ, mang lại giá trị, kiến tạo hạnh phúc cho người khác thì đó cũng là phụng sự.


Phụng sự là sự cho đi vô điều kiện, là giúp đỡ trong âm thầm, lặng lẽ, không tính toán, không kể công. Người hiểu thì trân trọng, biết ơn; người chưa hiểu thì cảm thấy là lo chuyện bao đồng!


Nếu là chuyện bao đồng, tại sao nhiều người hạnh phúc với việc giúp đỡ tất cả mọi người, không có chút phân biệt? Tại sao khi phần lớn xã hội có thói quen vun vén, thu về cho mình thì vẫn có những người âm thầm lặng lẽ cho đi? Nếu ko mang lại tiền tài - địa vị - vật chất thì họ làm với mục đích gì?


Phụng sự - "giúp người cũng là giúp chính mình"

Đa số chúng ta đều nghĩ rằng thiện nguyện là cho đi, là giúp đỡ người khác, là mang lại cuộc sống an vui cho nhiều người. Điều đó không sai nhưng hãy còn thiếu sót.





Trước tiên, để thấy được sự thiếu sót, ta cùng quan sát mục đích phụng sự của mỗi người:

  • Có người phụng sự để trải nghiệm, thấy cuộc sống vui hơn, kết nối với nhiều người (thường gặp ở những bạn trẻ), tâm an yên và thấy cuộc sống ý nghĩa (thường ở người trung niên, khi không còn quá đặt nặng hành trình mưu sinh).

  • Có người phụng sự để tri ân cuộc sống: Có những lúc gian khó được người khác giúp đỡ nên khi đã vững chãi họ muốn tri ân lại cuộc đời. Ví dụ người không may mắc bệnh nặng khi được chữa khỏi (bệnh về thân); người đang trong bế tắc và khủng hoảng được khai sáng và thay đổi cuộc đời (bệnh về tâm). Khi cuộc sống trở nên cân bằng, được chữa lành, họ mong muốn được giúp đỡ người khác, nguyện thực hiện “người đi trước thắp đuốc cho người đi sau”.

Cả 2 trường hợp trên là phụng sự với mục đích là giúp người, giúp đời.

  • Nhưng cũng có người phụng sự là để đào luyện chính mình: Đây là mục đích quan trọng nhất khi làm phụng sự. Khi trưởng thành bạn sẽ nhận ra: “chúng ta sinh ra có 2 bàn tay, 1 bàn tay để giúp người và 1 bàn tay để giúp mình”. Phụng sự với tâm thái cho đi vô điều kiện là ta vừa giúp người nhưng cũng là vừa giúp chính mình.

Vì sao lại như vậy?


Nếu bạn tặng hoa cho người khác, mình chính là người thụ hưởng hương thơm trước. Ta giúp người, chưa biết người đủ duyên chuyển hóa hay không nhưng ta được hạnh phúc, đón nhận tầng năng lượng cao hơn, được rèn tâm, được chữa lành, được thuần hóa cái tôi. Khi “bị tổn thương là lúc bản ngã đang vận hành” (Thức tỉnh mục đích sống - Eckhart Tolle) nên thuần hóa được cái tôi thì ta đâu còn khổ đau và tổn thương nữa. Điều đó lí giải tại sao, có rất nhiều người, ban đầu đau khổ nhưng khi phụng sự bỗng thấy cuộc đời tràn ngập niềm vui, hạnh phúc và ý nghĩa.





Vậy phải chăng ta nên ưu tiên phụng sự người thân của mình thay vì giúp người dưng xa lạ? Như thế cũng không mang tiếng “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”? Tại sao lại không làm như vậy?


Bởi vì với người thân, ta luôn kèm theo nghĩa vụ, trách nhiệm nên khó có thể “phụng sự vô điều kiện”, khó có thể buông xả tâm dính mắc, mong cầu. Giúp người nhà là trách nhiệm nhưng giúp người dưng không phải trách nhiệm. Nếu có thể giúp người một cách tự nhiên, ta sẽ giảm bớt sự bám chấp vào cái tôi - cái của tôi, giảm đi sự bám chấp vào kết quả. Nhờ đó không những người chuyển hóa mà bản thân ta cũng có cơ hội thanh lọc 3 độc - tăng trưởng 3 gốc, sống an yên và hạnh phúc hơn.


Nếu không tham gia tình nguyện thì phụng sự bằng cách nào?

Nếu bạn đủ duyên đi từ thiện, đăng ký tình nguyện hoặc làm những công việc liên quan đến trao giá trị cộng đồng thì phần nào đã thực hiện được tâm nguyện phụng sự. Nhưng nếu không có cơ hội làm trực tiếp thì sao? Làm sao vẫn có thể phụng sự hàng ngày trong công việc và cuộc sống đời thường? Một người chỉ đơn thuần bán hàng, kinh doanh, làm công chức, nhân viên văn phòng hay nội trợ…thì phụng sự như thế nào cho phù hợp?


Chú sâu trong câu chuyện ở trên không đi tình nguyện, không làm việc với mục đích từ thiện nhưng trước và sau chú vẫn đang phụng sự cuộc đời. Chú khiến cho mảnh đất màu mỡ, cỏ cây tươi tốt, những sinh vật khác nán lại vì có chỗ ở và thức ăn… Chúng ta cũng vậy, nếu có thể xách ba lô lên và đi giúp người là điều đáng quý nhưng nếu chưa thể làm được điều đó, ta có thể phụng sự - trao giá trị bằng cách làm tốt nhất có thể việc mình đang làm.





Điều đó có nghĩa là gì?


Chúng ta không cần thiết phải thay đổi công việc và môi trường sống để tìm ý nghĩa cuộc đời mà hãy làm công việc hiện tại một cách ý nghĩa, sống cuộc đời hiện tại một cách trọn vẹn, có giá trị cho mình và mọi người, đó là đã phụng sự.


Nếu bạn đang là công chức, hãy làm trong tâm thế một người phục vụ cần mẫn vì nhân dân, vì đất nước chứ không phải là sự đòi hỏi, mong cầu cá nhân.


Nếu bạn làm kinh doanh, hãy tạo ra sản phẩm chất lượng và trao giá trị tử tế cho người tiêu dùng thay vì chỉ hướng đến lợi nhuận một cách bất chấp.


Còn nếu bạn là người tự do, chẳng bị ràng buộc bởi trách nhiệm hoặc vai trò nào, hãy là một cánh én nhỏ cùng báo hiệu mùa xuân xinh đẹp về.


Ai cũng muốn làm việc lớn nhưng không mấy ai để tâm làm việc nhỏ với 1 tình yêu lớn. Nếu ta có thể làm tất cả những việc tưởng vụn vặt như: nở một nụ cười, trao đi một ánh mắt, gửi đi một chiếc vẫy tay…bằng tất cả tấm lòng và sự trọn vẹn, cũng chính là đang trao giá trị cho người và giúp mình ngày càng hoàn thiện hơn.





Lời kết

Con người sinh ra, có người nỗ lực tạo ra giá trị rồi tích lũy, có người tạo ra giá trị để tích lũy rồi cho đi, cũng có người tạo ra và cho đi ngay lập tức. Theo bạn, trong 3 người này, ai sẽ là người sống một cuộc đời bình an và hạnh phúc?


Chắc hẳn bạn sẽ tìm thấy câu trả lời trong câu thơ của những người trẻ vẫn đang tâm niệm “Khi phụng sự: Hết lòng/ Khi vô sự: Tâm không” (Thầy Viên Minh) dưới đây:


“Có bao nghề, tôi chọn nghề phụng sự

Sống hòa mình, bớt dần chút riêng tư

Họ hàng lo, tôi chỉ biết cười trừ

Tuổi thanh xuân có bao điều chưa thử”


Chúc bạn dù ở đâu, làm gì cũng hãy hết lòng tạo ra giá trị và đủ nhân duyên trao đi những giá trị đó, bạn nhé!


Nội dung: Nhàn Lý - Học viên Content 3 gốc K1

Biên tập: Khánh Vi

Hình ảnh: Ý nhi


194 views1 comment
Untitled-1.jpg

Cùng chung lý tưởng
“Giáo dục chuyển hoá 3 Gốc”

Trang thư viện 3 Gốc mong nhận được phản hồi, động viên hoặc “ủng hộ” tuỳ hỷ đến từ độc giả. Bởi đây là thông điệp ngầm nhắn gửi “Những gì chúng tôi làm mang giá trị thiết thực đến cho mọi người”, giúp 3GOC.VN sẽ ra mắt nhiều nội dung giá trị hơn trong thời gian tới. 

bottom of page