top of page

HIỂU ĐÚNG VỀ NHÂN TƯỚNG HỌC ĐỂ LÀM CHỦ SỐ MỆNH

Updated: May 30

Nhân tướng học không phải là bộ môn nhìn người rồi phán xét, mà là nhìn người để thấu người, để hiểu người. Nhân tướng học hình tướng bên ngoài chỉ là bề nổi chiếm 10% nghiệp lực của một con người.


Mình là Tấn Vinh - Học viên Content 3 Gốc. Mời bạn cùng đọc bài viết chủ đề “Nhân tướng học” để hiểu về bộ môn này một cách khoa học thông qua 3 góc độ: Sinh học con người, Tâm lý/Năng lượng và Nhân quả nhé.





MỤC LỤC:


-----


1. Nguồn gốc - Nền tảng - Giá trị của Nhân Tướng Học

Như Aristotle từng nói: “Thấu hiểu bản thân là khởi nguồn của mọi sự thông thái” và trên hành trình truy cầu sự hiểu biết, con người đã khám phá ra muôn vàn phương pháp nhằm thấu suốt vận mệnh, làm chủ cuộc đời.


Chỉ cần gõ trên Google cụm từ ​​”tìm hiểu bản thân”, bạn lập tức nhận lại tầm 146 triệu kết quả trong vòng chỉ 0,39 giây. Dù vậy, bấy nhiêu phương pháp hiện đại như sinh trắc vân tay, trắc nghiệm tính cách DISC, MBTI, Thần Số Học,... vẫn chưa giải đáp hết các câu hỏi về cuộc đời, nhân dạng, giá trị sống.


Để rồi khi ngược dòng lịch sử, giữa bóng đêm của những hiểu biết mập mờ, chưa rõ ngọn ngành về bản thân, nhân tướng học là ngọn đèn thắp sáng con người. Bởi vì, chính mỗi người có thể tự nhìn hình tướng, hiểu tâm tướng, sự hiểu biết xuất phát từ chính mình mới là sự thông tuệ nhất.


nhan-tuong-1

Theo tác giả Hy Trương có viết trong quyển Nhân Tướng Học, châm ngôn “tướng tùy tâm sinh, tướng tùy tâm diệt” khởi nguồn từ Trần Đồ Nam, một trong những thủy tổ của ngành nhân tướng, đã gói ghém đầy đủ nền tảng, tinh thần và giá trị đạo đức của nhân tướng học.


Nói về phương pháp, nhân tướng học áp dụng lối quan sát trực tiếp con người tức là dựa vào những dữ kiện thực tại và cụ thể chứ không căn cứ vào những hệ luận huyền bí và trừu tượng.


Những kết luận về tướng cách cá nhân được rút tỉa từ hình dáng của khuôn mặt, từ đặc điểm của cơ thể, từ màu sắc của nước da, từ đặc tính của ánh mắt, phong thái đi đứng, nằm, ngồi, cười, nói, ăn ngủ cho đến âm sắc, âm lượng của giọng nói,…


Những kết luận đó được hình thành tạo nên nền tảng của Nhân Tướng Học dựa trên cơ sở tích lũy kinh nghiệm, xác suất thống kê, là một tập toán quy nạp cỡ lớn.


nhan-tuong-2

Ngược dòng lịch sử về hàng ngàn năm trước, có một người thống kê thấy những người thành đạt, chức cao vọng trọng đều có trán phẳng, vuông vức như một hệ quả của phần não lớn và trí tuệ nhiều. Họ thống kê, tổng hợp lại, làm một cơ sở dữ liệu.


Tiếp theo lại tích lũy những đặc điểm khác theo kiểu: nhất lé, nhì lùn, tam rô, tứ rỗ...Qua hàng nghìn năm, lại được số lượng đông đảo người phía sau bổ sung, loại suy những sai lầm để rút ra hệ kinh nghiệm, hình thành nên nhóm các tướng pháp.


Từ đó, người ta tìm những nét tướng giống nhau của những người đồng cách để thiết lập những quy tắc cho những ý nghĩa của hình hài, bộ vị, tác phong.


Nói như thế, có nghĩa là khoa tướng Đông Phương đã biết sử dụng phương pháp thống kê vô cùng rộng rãi, nhằm tìm hiểu và giải nghĩa những nét tướng đã quan sát được trong nhiều trường hợp tương tự, qua nhiều thế hệ khác nhau.


Đây quả thật là một phương pháp nhân học dựa vào các trường hợp điển hình, không tách rời thực tế.


Về mặt quan niệm, tướng học Á Đông không có gì thần bí mà luôn hướng về con người và đời người làm đối tượng quan sát. Sự quan sát đó đặt nền tảng trên những nét tướng con người.


Tính tình và vận số khám phá được không bao giờ được suy diễn từ thần linh hay từ những ý niệm trừu tượng. Đó là quan niệm hoàn toàn nhân bản và tạo nên giá trị cho bộ môn huyền học này.


nhan-tuong-3

“Quan niệm này dựa trên định đề căn bản là: có ở bên trong ắt phải biểu lộ ra bên ngoài. Vì thấm nhuần tinh thần nhân bản, khuynh hướng tướng học Á Đông coi trọng phần nhân định: cái tâm con người quyết định tương lai con người” - Hy Trương


Thuật xem tướng chung quy thu gọn vào thuật xem tâm. Nhân tướng học là một nhân tâm học. Nguyên tắc chỉ đạo này được diễn tả qua châm ngôn căn bản sau đây: "Tướng tùy tâm sinh, tướng tùy tâm diệt". Vốn coi nội tâm là chân tướng, cho nên phần tướng của hình hài chỉ là những yếu tố bề ngoài hướng dẫn người xem đi vào bề sâu của tâm hồn.


Vậy từ những quan sát bên ngoài bao gồm:

-Về hình tướng bộ vị - còn gọi là hình tướng, liên quan đến các yếu tố bẩm sinh, di truyền…

-Về cốt cách, về thần thái, khẩu khí hay hành vi, thái độ sống


Các quan sát này đều có thể suy luận được hướng phát triển của con người trong tương lai.


nhan-tuong-4

2. Nhân tướng học, điều gì tạo nên nhân tướng một con người?

2.1. Yếu tố bẩm sinh, di truyền

Vậy hỏi rằng, điều gì làm nên nhân tướng, cốt cách, thần thái,... của một người? Trước tiên, dễ nhìn thấy và được nhiều người đồng thuận nhất là do cha sinh mẹ đẻ.


Từ khi sinh ra, mỗi người mang một hình dạng riêng với mắt hí, trán rộng, tai to, mũi tẹt,... Qua những yếu tố khác biệt về hình tướng mỗi người, nhân tướng học đưa ra cách lý giải để đánh giá tính cách cũng như sở thích, ưu việt riêng.


Cụ thể những nhận định thường gặp như trán cao thông minh bởi ẩn chứa bộ não to, mắt hí giản xảo vì hay híp lại khi toan tính cá nhân, tai to mặt lớn thì dễ làm ông này bà nọ,...


nhan-tuong-5

2.2. Trạng thái tâm lý, xu hướng tính cách của mỗi người

Sau nhiều năm quan sát, phân tích, đúc kết, các nhà nhân tướng học cho rằng hình tướng con người chỉ là bề mặt, là phần nổi của tảng băng.


Nhìn vào phần nổi, phần ít ỏi ấy, sẽ rất nguy hiểm nếu phán xét, áp đặt, quy chụp cuộc đời hàng chục năm của một con người. Thực tế, tâm sinh tướng nghĩa là tâm tướng, phần ẩn chìm bên dưới hay nói đơn giản là hành vi, thái độ sống có thể dần dần giúp con người hoàn thiện, toàn vẹn hơn.


Theo góc nhìn khoa học, đó là năng lượng tỏa ra từ tâm tướng, điều này có thể góp phần “xây đắp” nên hình tướng con người.


Trích dẫn từ tựa sách Thông Điệp Của Nước “Nước có trong máu và dịch cơ thể - là phương tiện để chất dinh dưỡng lưu thông. Nước có vai trò là người vận chuyển năng lượng trên toàn cơ thể.”


Qua quan sát thực tế của tác giả Masaru Emoto “Nước tiếp xúc với từ CẢM ƠN hình thành nên những tinh thể lục giác tuyệt đẹp, nhưng nước tiếp xúc với từ NGỚ NGẨN cho ra tinh thể giống như khi nước tiếp xúc với âm nhạc chát chúa, không cấu trúc và phân mảnh”.


Quay lại cơ thể con người với hơn 70% cơ thể là nước, chúng ta hiểu được rằng nếu hướng bản thân, rèn luyện mình về những hành vi, thái độ sống tích cực như yêu thương, biết ơn, thấu cảm, chan hòa, chính trực,... thì những tế bào, phân tử sẽ trở nên xinh đẹp, tạo nên bộ rễ tươi tốt, vững vàng.


Khi bộ rễ đã tươi tốt và chứa đựng nguồn năng lượng lành, ánh mắt trở nên hiền hòa, tự nhiên, giọng nói trầm ấm, bình ổn và cốt cách con người trở nên ngay thẳng, vững vàng. Để rồi, phần cành lá như khuôn miệng, con mắt, cặp tai,... như một nguồn khuếch đại những năng lượng an nhiên, tích cực và đầy bình an để cuốn hút mọi người đến gần mình hơn.

Có thể thấy hình ảnh của các vĩ nhân được nhiều người yêu mến như Gandhi hay Cựu Tổng Thống Obama, nếu xét theo tiêu chuẩn mỹ học thì không gọi là đẹp. Tuy nhiên, những nguồn năng lượng an bình, vui tươi và đầy thông tuệ vẫn tự nhiên lan tỏa đến mọi người.


nhan-tuong-6

2.3. Nhân quả - Nghiệp lực ẩn chìm chi phối nhân dạng.

Tâm hiện tại sinh ra tướng tương ứng, đây là nhân quả thấy ngay trong kiếp sống này. Nhưng nhân quả trùng trùng duyên khởi, dưới tảng băng sâu hơn nữa là nhân quả của nhiều kiếp sống trước. Đây là kết quả của nghiệp lực để dạy cho mỗi người những bài học cuộc đời.


Theo tác giả Ngô Sa Thạch đã viết trong quyển Luật Tâm Thức “Mỗi chúng ta trước khi sinh ra đã chọn cho mình một bản kế hoạch cuộc đời.” Trong bản kế hoạch ấy, mỗi chúng ta là một linh hồn được trải nghiệm vô lượng kiếp để học hỏi vô vàn bài học cuộc đời, cả tốt đẹp như đạo đức, trí tuệ, nghị lực và cả đắm mình vào tham lam, sân hận, si mê để biết trái đắng mà tránh xa.


Chúng ta bị chi phối bởi quy luật nhân quả. Chỉ khi nhận lại quả bởi nhân mình đã gieo, con người mới nhận thức được bài học cho riêng mình chứ không ai học thay được. Bạn có thể thấy câu chuyện những người xung quanh bị mắc kẹt bởi những vấn đề như bi lụy tình cảm, bị lừa tiền bạc, nạn nhân cảm xúc,...


Dù rất muốn giúp và thực tâm chia sẻ để bạn bè, người thân mình vượt qua nhưng chẳng được. Đơn giản vì họ vẫn chưa nhận ra hoặc chưa nếm đủ vị đắng của quả độc mà tránh xa.


Vì vậy, bản kế hoạch cuộc đời có ý nghĩa thiết lập nên một nền tảng cuộc đời giúp mỗi người có thể hoàn tất những bài học của riêng mình, trong kiếp sống này. Bạn tự ti vì mình xấu hơn bè bạn nên chẳng có nhiều cơ hội. Nhưng có thể, đó chính là điều bạn đã lựa chọn để hiểu sâu hơn bài học của trí tuệ và nghị lực.

Hay bạn đã rất nỗ lực, làm mọi thứ, tích góp đủ điều để dựng nên một cơ ngơi hoành tráng, một cuộc sống như mơ theo chuẩn mực xã hội mà chẳng được hạnh phúc. Thì bởi lẽ, bạn chưa học được bài học của sự cho đi.


Hoặc có những người mà bạn thấy họ thật xấu xa thì lừa đảo, lợi dụng lòng tin để làm khổ hàng trăm, hàng ngàn con người nhưng đến một lúc, nhân quả sẽ mang đến những bài học tương ứng để họ học được bài học về lòng tham, để nhận ra giá trị của sự biết đủ.


Nền tảng gia đình, sự kiện cuộc đời, hay cả hình hài cơ thể đều do chính linh hồn, phần ẩn sâu bên trong của mỗi người lựa chọn để học, để tiến hóa tâm thức và hướng về nguồn sáng. Bởi vậy, không phải tự nhiên mà bạn cao to, ốm nhom, mũi cao, má hóp, mắt lệch,... đâu.


Đó có thể là nghiệp quá khứ khắc họa nên chính bạn hiện tại để học, để hoàn thiện chính mình trong chính cuộc đời này. Và cũng chính những hành động, lựa chọn, quyết định trong cuộc sống hiện tại sẽ góp phần kiến tạo nên một cuộc đời khác của bạn ở vô lượng kiếp về sau.


nhan-tuong-7

3. Cách xem tướng cơ bản từ xa đến gần

3.1. Lưu ý quan trọng khi xem tướng

Trước tiên, phải nói rõ Nhân Tướng không dễ nắm bắt. Mỗi người thầy hay vài cuốn sách chỉ cho bạn nền tảng để quan sát, còn dùng được như thế nào phải dựa trên quá trình quan sát và đúc kết để tại nên “chiêu thức” của riêng mình.


Theo Thầy Trần Việt Quân, người đã có rất nhiều năm nghiên cứu Đông Phương Học trong đó có Nhân Tướng và vận dụng thực tế, đối chiếu nhiều phương pháp thì cần nắm 2 ý chính.

Ý đầu là phải luôn nhớ, tâm tướng quan trọng hơn hình tướng. Nghĩa là hành vi, thái độ sống, cốt cách, thần khí quan trọng hình tướng rạng ngời, áo quần bảnh bao hay mặt hoa da phấn. Khi đã nắm được phần đầu tiên, kế đến mỗi người có thể nhìn nhanh qua các bộ vị, bộ phận trên khuôn mặt để có những nhận định ban đầu, nhưng cần dành thời gian quan sát đa chiều và đúc kết để tạo nên một cái nhìn toàn vẹn nhất.


nhan-tuong-8

3.2. Dáng người và tướng đi

Nếu quan sát từ xa đến gần, từ tổng quát đến chi tiết một con người, đầu tiên và trước nhất, chúng ta sẽ để ý đến DÁNG NGƯỜI và ĐI ĐỨNG.

Dáng người tựa như dáng đứng của một cái cây. Dáng đứng của một người thể hiện cốt cách, xu hướng phản ứng trước những lập trường, mưa gió, tác động từ bên ngoài. Đối với dáng người gầy, lộ xương nhiều thì giống như một cái thân khẳng khiu chống đỡ cả một cái cây.


Cái thân mảnh mai ấy phải rất kiên cường, thu mọi nguồn lực và đầy chí khí để trụ vững trước bão giông cũng như tính cách có phần kiên quyết, bảo thủ và hướng vào bên trong của những người có thân hình ốm.


Và ngược lại là thân hình đầy đặn, mập mạp sẽ thoải mái về “dưỡng chất” để phát tiết, tích cực thể hiện bản thân và dung hòa với môi trường sống bên ngoài hơn.


Kế đến là tướng đi, người có dáng đứng thẳng kết hợp với dáng đi nhanh gọn, thanh thoát thể hiện một nội lực mạnh, không ngại thử thách, bình thản đối diện với các vấn đề khó khăn trong cuộc sống, dần dần là thu phục được lòng tin của mọi người.


Còn ngược lại là một dáng người xiêu vẹo, lưng cong hay dáng đi uể oải, quá chậm hoặc hấp tấp, quá nhanh phản ánh phần nội tâm ít nhiều xáo động của chính chủ. Không chỉ là tâm thức, tướng đi, dáng đứng của phản ánh rất nhiều tình trạng sức khỏe, sự vững vàng về thân của một người.


Dù vậy, tướng đi và dáng đứng là một trong những yếu tố dễ tác động nhất trên hành trình phát triển của mỗi người. “Tâm sinh tướng” hay “tướng đổ đủ rồi ắt chuyển tâm”, phần đi đứng, cốt cách của một con người có thể chuyển đổi rõ rệt sau một thời gian chú tâm đào luyện.


nhan-tuong-9

3.3. Mắt - Ánh Mắt (Thần Khí) - Lông Mày

Khi đã đến gần và tiếp xúc nhiều hơn, phần được chú ý và tác động nhiều nhất đánh giá con người là MẮT.


Trong Ngũ Quan, mắt là là cơ quan quan sát người và người quan sát mình. Về mặt này Đông và Tây phương rất gần nhau.

Nếu Tây phương có câu "Mắt là cửa sổ của tâm hồn", thì sách cổ Phương Đông cũng viết "Nhãn vi tâm chi ngoại hộ. Quan trì vật ngoại nhi tri kỳ nội (Mắt là cửa ngoài của tâm hồn. Nhìn bên ngoài mà biết rõ bên trong của người ta)”.


Bàn về mắt, Mạnh Tử đã nói "Lòng ngay thẳng thì mắt sáng sủa. Lòng tà gian thì mắt không che được thiện ác của tâm hồn”.

  • ÁNH MẮT (THẦN): Trong đời, hẳn mọi người đều có dịp quan sát ánh mắt có khi kiến mình phải khiếp sợ, có khi đầy vui tươi khiến bản thân quyến luyến. Những loại ánh mắt đó gọi là có thần. Ngược lại, cũng có nhiều đôi mắt ảo não, xa xăm, lờ đờ, thiếu sinh lực, hoặc không gây một cảm giác nào cho người quan sát.

Thần được biểu lộ không những ở đôi mắt mà còn trên toàn thể khuôn mặt, trong phong thái, giọng nói, nụ cười, cả khi vận động và đứng yên nữa. Thần được phát lộ rõ rệt nhất khi mỗi người mang một cảm xúc như vui, buồn, thích thú, sợ hãi, ham muốn, vị tha,....

Ánh mắt hay thần thái là tấm gương phản ánh rõ nhất chiều sâu tâm hồn, thúc đẩy bởi đạo đức, trí tuệ, nghị lực hay bị dẫn dắt bởi tham lam, sân hận, mê mờ.

Chúng ta hay thấy những cảnh tượng nhìn thẳng vào mắt nhau để xác thực mức độ chân thành của một lời nói, một hành động. Bởi lẽ, mỗi người có thể diễn về nét mặt, biểu cảm nhưng khó mà được lừa dối tâm hồn, lương tâm, ý nghĩ bên trong của chính mình.

Và như niềm tin cốt lõi của nhân tướng học, cái gì ở bên trong rồi cũng sẽ hiển lộ ra bên ngoài. Chỉ khác nhau là đó là nhành hoa đầy thiện ý để trao đi hương thơm hay cây kim sắc nhọn mang đầy ác ý làm rỉ máu đối phương.

  • Ngay ở trên mắt là LÔNG MÀY. Theo nghiên cứu từ xa xưa và đúc kết của thầy Trần Việt Quân, lông mày thể hiện cá tính của một người. Người có lông mày đậm là lập trường rõ ràng, vững chắc, có niềm tin vào lựa chọn và quyết định của bản thân. Còn lông mày nhạt thì chính kiến không có, dễ bị tác động, không vững lập trường, có xu hướng hy sinh bản thân để hướng đến ôn hòa trong tập thể.

Bên cạnh đó, lông mày mọc ngay hàng thẳng lối thể hiện sự nhất quán trong suy nghĩ, quan điểm. Đối nghịch là lông mày mọc nhiều hướng, lộn xộn là tính cách có phần bộc phát, lúc thế này, khi khác lại thế nọ.


Hướng mọc của lông mày cũng phần nào thể hiện xu hướng thể hiện của mỗi người trong tập thể là lấn lướt khi lông mày xếch lên, dung hòa khi nằm ngang hoặc có phần nhu nhược khi chân mày xuôi xuống.


nhan-tuong-10

3.4. Trán (Trí Tuệ) & Mũi (Nghị Lực)

Khi nhìn rộng hơn vào khuôn mặt của một người, chúng ta sẽ để ý đến TRÁN & MŨI.

Khuôn mặt một người được chia thành Tam Đình & Ngũ Nhạc. Trong đó, Tam đình gồm có: Thượng đình - Trung đình - Hạ đình tương ứng với 3 giai đoạn của cuộc đời con người.


Thượng Đình cho biết thiên hướng trí tuệ bẩm sinh của con người về nghệ thuật, cảm xúc, tinh thần… Nếu trán cao, rộng hiểu là ẩn chứa bộ não lớn, đi kèm với khả năng quan sát, đúc kết, sáng tạo, suy tưởng tốt. Nếu trán hẹp, lệch, hãm nghĩa là trí tuệ có phần hạn chế và ít nhiều thua thiệt về khả năng tư duy trong cuộc sống.


Ngay dưới thượng đình là trung đình với bộ vị quan trọng là Mũi, tượng trưng cho nghị lực của con người. Theo tác giả Tô Lãng Thiên, khu vực Mũi và Lưỡng Quyền, ngoài ý nghĩa tiền của, vật chất còn cho ta biết tài năng tháo vát của con người trong cuộc vật lộn để mưu sinh.


Nếu Trung Đình đầy đặn, cân xứng, mũi thẳng, chóp mũi tròn, 2 cánh mũi có thế thì dù trí tuệ bẩm sinh có hạn chế nhưng nhờ nỗ lực cá nhân mà cuối cùng trung vận có thể phấn chấn lên được.

Hoặc ngược là mũi thấp thể hiện phần khiếm khuyết về nghị lực, ngại việc khó. Tóm lại, khu vực Trung Đình phát triển tốt đẹp có thể bổ túc cho khiếm khuyết trí tuệ bẩm sinh. Nhờ sự quan sát khu vực Trung Đình, ta đoán được thiên hướng phát triển của một con người.


nhan-tuong-11

3.5. Gò Má (Đòi hỏi) & Quai Hàm (Cạnh Tranh)

GÒ MÁ & QUAI HÀM: “Gò má thể hiện ham muốn nắm giữ quyền lực của con người”. Người ta thường dùng xương gò má để phán đoán về tính độc lập hoặc ý chí chiến đấu của mỗi cá nhân.


Gò má nhô cao thể hiện tâm đòi hỏi, mong cầu, muốn có được nhiều thứ cho bản thân mình. Ngược là thì gò má thấp có xu hướng cởi mở, dễ lắng nghe và nhường nhịn hơn trong các mối quan hệ cuộc sống.


Ngay dưới gò má là quai hàm. Người có quai hàm bành, xương lộ rõ ý chỉ ngang ngạnh, có phần gai góc, thích làm theo ý mình và không ngại va chạm. Còn người có quai hàm nhỏ, đầy đặn sẽ ứng xử nhu hòa và biết cách hòa hợp hơn.


nhan-tuong-12

3.6. Đầu Mũi & Khuôn Mặt

KHUÔN MẶT thể hiện qua lục phủ ý chỉ 3 cặp xương ở bìa ngoài ôm lấy hai bên mặt. Mà phủ trong nhân tướng học được hiểu là về kho chứa của cải, tiền tài, vật chất trên gương mặt. Quan sát các bộ phận này có thể hiểu được hậu vận, dự báo sự dồi dào về phước, đức cũng như “chiều sâu” tâm thức bên trong mỗi người.

Lục phủ được phân định chi tiết như sau: - Thiên thương thượng phủ (1) là 2 xương ở 2 bên gò trán, tính từ vị trí chân tóc tới dưới đuôi chân mày, kéo dài tới phần trên của tai, thuộc thiên đình. Ý chỉ được hưởng tiền của, tài sản do gia đình, cha mẹ để lại thời niên thiếu, tuổi trẻ. - Quyền cốt trung phủ (2) là 2 xương tạo thành 2 gò má kéo dài sang tai, thuộc khu Trung Đình biểu lộ sự hanh thông hay tắc nghẽn trên con đường công danh, sự nghiệp. - Tai cốt hạ phủ (3) là 2 xương tiếp giáp với 2 gò má, tạo hình phía dưới, thuộc khu Hạ đình dự báo thiên hướng tuổi già viên mãn hay khó khăn.


Như cách giải nghĩa của Nhân Tướng, phủ là kho chứa tiền tài. Khi quan sát lục phủ, cần cân nhắc xương làm trụ cột, xương phải nở đúng cách, tạo hình nên hình thể hài hòa, cân xứng, không mập hay ốm quá. Lục phủ được đánh giá hoàn mỹ khi mà xương hai bên đồng nhất, không lệch, xương và thịt cân xứng. vừa phải, da dẻ tươi sáng, có sức sống.


Bên cạnh đó, phần đầu mũi hay được gọi là chuẩn đầu trong Nhân Tướng Học ý chỉ sự phát triển trí tuệ của một con người. Đầu mũi được xem là là tốt khi có dáng tròn, đầy, nhẵn nhụi thường có ở sống chân thành, nhân từ đôn hậu, thích làm điều thiện, hiểu lý lẽ.


Đầu mũi thiên về trí lực nên cần được nhìn nhận chung với sống mũi để đoán định nghị lực, tinh thần không ngại việc khó cùng với độ nảy nở cánh mũi thể hiện sự xông xáo, khả năng hành động và kiên trì với mục tiêu.


nhan-tuong-13

3.7. Lời Nói & Ngôn Từ

Sau khi quan sát hình tướng, chúng ta lắng nghe lời nói, khí lực phát ra chủ động biểu lộ cho nội lực, sức khỏe, hoài bão ẩn chứa bên trong mỗi người.


Nghe tiếng nói của một cá nhân, ta nhận biết được làn hơi của người đó mạnh hay yếu, có người nói tiếng rổn rảng mạnh mẽ, có người rì rào như tiếng dế kêu hay thều thào như mới đau bệnh dậy.


Khí trong con người có thể ví như loại nhựa cây vô hình chu lưu chuyển khắp cơ thể, mang dưỡng chất đến từng bộ phận và toả ra một cách mạnh mẽ hay yếu ớt, thanh lịch hay thô thiển tùy theo từng thời kì từng cá nhân.

Khí trong nhân tướng học Á Đông là một ý niệm đặc thù dùng để chỉ cái vô hình không thể quan sát bằng mắt mà có thể cảm nhận thông qua sự cứng cáp hay lệch lạc của xương cốt, sự mạnh yếu của âm thanh hay nguồn năng lượng tỏa ra khi tiếp xúc là bình an hay bất ổn.


Lời nói của một người bên cạnh thể hiện rõ khí lực còn là bộc lộ rõ nhất của khả năng tư duy, chất lượng suy nghĩ và chiều sâu tâm thức của người đó.

Trong quá trình giao tiếp, đàm phán hay thuyết trình, lời nói có lực, câu từ được sắp xếp logic giúp một quan điểm sâu sắc, có lợi cho mình, cho mọi người được truyền tải tốt hơn, chạm đến được nhiều người hơn.


nhan-tuong-14

3.8. Khẩu khí & Phản ứng (Chiều sâu tâm thức, suy nghĩ, tư duy)

Ẩn chìm sâu xa nhất trong nhân tướng con người là tâm tướng được bộc lộ qua khẩu khí và phản ứng trước mọi sự việc, hiện tượng đời sống.

Nhìn hình tướng mà bỏ sót tâm tướng là chưa hiểu rõ một con người. Bởi lẽ, hình tướng mới là cành lá, còn hành vi, thái độ sống bộc lộ qua khẩu khí, ứng xử mới là gốc rễ có ảnh hưởng lớn nhất đến cuộc sống của một con người.

Quan sát một người trong cuộc sống, chúng ta sẽ để ý họ hay cất tiếng nói để lợi mình hay lợi người?


Cũng hiểu rằng, ai cũng có phần ích kỷ để mưu cầu lợi ích cho bản thân nhưng trong quá trình đó, người đó có nghĩ đến người khác hay không? Khi xung đột, bất đồng hay đứng trước quyền lợi, sự tham lam, sợ hãi, tức giận hay tấm lòng cảm thông, biết thấu cảm và sẵn sàng hy sinh lợi ích sẽ chi phối họ?

Chú tâm quan sát và nhìn vào sâu bên trong, chúng ta sẽ thấu hiểu được động lực ngầm chi phối chính mình và mọi người xung quanh, thấy cái gốc rễ đang vươn mình thành cả cuộc đời.

Khi đã quan sát đủ sâu và thấu hiểu đủ nhiều, mỗi người mới từng bước điều chỉnh hành vi, thái độ chưa tốt để hướng về đạo đức, trí tuệ, nghị lực mà dần chuyển hóa chính mình.


nhan-tuong-15

4. Vận dụng nhân tướng học vào đời sống

Đến đây, bạn đã phần nào biết về nguồn gốc và cách nhìn nhận cơ bản về nhân tướng con người. Có thể nói, nhân tướng học là một công cụ rất thâm sâu đòi hỏi quá trình học hỏi, thực hành liên tục để thực sự tạo ra giá trị cho bản thân và thấu suốt mọi người.


Như thầy Trần Việt Quân từng chia sẻ tri thiên mệnh, tận nhân lực nghĩa là “Biết số mệnh trong kiếp sống này để tận lực mà đào luyện”.

4.1. Biết Nhân Tướng để Hiểu Mình rồi Sửa Mình

Trước tiên là biết nhân tướng nhưng quan trọng là dùng với tâm thế cầu thị, truy cầu kiến thức về chính mình, có cái nhìn đa chiều mà quay vào bên trong, tận dụng ưu thế, cải thiện cuộc đời.


Với chiếc mũi hơi thấp, có lẽ bài học của bạn là về nghị lực. Bạn thấy mình làm nhiều thứ nhưng lại hay nản. Bản thấy mình đọc đủ thứ, học đủ thứ nhưng chẳng mấy cải thiện. Những điều trên dự báo cho bạn biết là mình nỗ lực chưa đủ, cần phải cố gắng hơn nữa.


Hay bạn thường bị bạn bè trêu chọc vì lời nói lắp bắp, không rõ ý. Một phần bạn nên nhìn lại về sức khỏe của mình cùng với đó là dành thời gian để bồi dưỡng kiến thức, không ngại dấn thân vào nhiều môi trường để rèn giũa, nâng cao nội lực.

Dần dà, lời nói của bạn sẽ tự nhiên, khoáng đạt và đầy sức hút khi được nâng đỡ bởi nền tảng tư duy vững vàng cùng niềm tin vào bản thân.


Cũng có nhiều hoàn cảnh, gò má bạn cao, lông mày bạn rậm và xếch lên khiến mọi người e dè khi tiếp xúc, giao tiếp hay hợp tác làm việc.

Theo góc nhìn của Nhân Tướng, đó là bài học mà bạn đã lựa chọn để rèn luyện cho mình tâm thái cho đi, biết lắng nghe và dung hòa lợi ích trong các mối quan hệ.


Có lẽ, hình tướng của bạn không thay đổi nhưng nguồn năng lượng của một người biết nghĩ cho người khác là sự êm dịu, an lành để mọi người thoải mái đến gần bên.


Khi hiểu biết phần nào về xem tướng số, không ít người trở nên cao ngạo, tự cho mình tâm thế phán xét, đánh giá và trở nên độc đoán trong tư duy, suy nghĩ.


Không ít câu chuyện trong cuộc sống gia đình lục đục, mâu thuẫn tình cảm, cuộc đời long đong,... vì trót trao thân gửi phận vào các thầy nhìn nhận cuộc đời con người như một con đường độc đạo bất di bất dịch.


Khi ấy, kiến thức, sự thông tuệ thay vì đem lại lợi lại cho đời, tích nghiệp lành lại trở thành công cụ để mưu cầu hư vinh, vật chất, gieo rắc nghiệp xấu cho mình, cho đời.


nhan-tuong-16

4.2. Hiểu nhân tướng để gieo nhân lành

Khi đã nhận thức được phần nào về bản thân qua hình tướng, tâm tướng và có lời giải cho những sự việc xảy ra trong cuộc sống, thì hành trình rèn luyện, chuyển mệnh, tiến hóa tâm thức của mỗi người sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.


Ngày trước, bạn cảm thấy bản thân luôn cô độc khi không tìm được tiếng nói chung trong công việc, bất hòa trong gia đình,... Mò mẫm mãi và loay hoay suốt, bạn chẳng biết phải làm sao.


Có lần đi xem tướng thì vị thầy nói là gò má con cao quá, đòi hỏi nhiều mà còn nóng tính nữa nên chẳng dung hòa được với ai. Nghe vậy, bạn buồn bã, ủ rũ và coi như cuộc đời mình hết hy vọng.

Bạn mặc định với suy nghĩ mình là người nóng nảy, cộc cằn, ích kỷ và chẳng ai muốn làm thân. Bạn dần thu mình, an phận với những lời phán của thầy, bế tắc trong mọi mối quan hệ và không ngừng trách móc, đổ lỗi cuộc đời, mọi người xung quanh.


Nhưng cuộc đời bạn có thể sẽ khác đi khi thấu suốt bản chất của nhân tướng là “tướng tùy tâm sinh, tướng tùy tâm diệt” và gốc rễ chẳng phải là khuôn mặt mà chính là hành vi, thái độ sống của chính mình.


Biết vậy, bạn “gieo nhân” lắng nghe, tôn trọng sự khác biệt của mỗi người và tập cách nói chuyện nhẹ nhàng với chồng, với con, với đồng nghiệp thay vì cứ gắt gỏng như trước đây.


Có lẽ gò má bạn chẳng thấp đi được vì cấu tạo xương “cha sinh mẹ đẻ” đã vậy rồi nhưng năng lượng an hòa, nhân lành yêu thương và sự nỗ lực không ngừng nghỉ chắc chắn sẽ làm hoa bừng nở trên ngọn cây tưởng chừng đã héo úa.


nhan-tuong-17

4.3. Thấu Nhân Tướng để giúp Người, gieo hoa thơm cho đời

Và đích đến cuối cùng của nhân tướng là giúp đời, giúp người để không chỉ bản thân mà những người xung quanh có cơ hội thấu hiểu chính mình và xây dựng cuộc sống tốt hơn.

Thực tế, trong xã hội Việt Nam hiện nay, xem tướng và học tướng là một hiện tượng văn hóa rất phổ cập, thu hút một số tín đồ vô cùng đông đảo.


Số người hành nghề không phải ít, số người đi xem lại càng đông hơn.


Nhưng, lại có rất ít người khảo cứu thâm sâu ngành tướng pháp. Cho nên ngành này vẫn còn bị dư luận xem như một môn học huyền bí. Ngộ nhận này sở dĩ có một phần là do những người hành nghề, vì mục đích quảng cáo, đã huyền bí hóa khoa bói toán, phần khác vì các sách hiện có chưa truyền tải rõ giá trị nhân văn và nền tảng thực nghiệm của tướng học.

Nhân tướng từ một môn khoa học có nền tảng, nghiên cứu, đúc kết rõ ràng lại trở thành một phương tiện lừa đảo, chi phối người khác của những người có hiểu biết mà lại thiếu đạo đức.

Ví dụ: “Nốt ruồi của con vậy là xấu lắm, thầy cúng cho rồi sẽ hết. Tiền cúng là xxx triệu nhé. Chỗ thân tình nên thầy cũng lấy ít tiền hương quả thôi” hay “Mắt anh vậy thì không có số làm quan, làm sếp được. Muốn đổi đời, đổi vận thì phải nghe lời tôi, cúng chỗ này, làm nghi lễ này, ăn ngủ thế kia, sinh hoạt thế nọ nhé. Nhất cử nhất động phải đúng hướng dẫn, không thì toi.”


Qua những màn “phù phép” của những cao nhân, nhân tướng thay vì là chìa khóa mở xiềng xích, là ngọn đèn dầu soi sáng đường đời cho mọi người, nay lại trói chặt, che mờ và tạo nghiệp xấu ác.

Nhân tướng có rất nhiều giá trị trong cả công việc như nhận biết tính cách sắp xếp vị trí nhân viên phù hợp. Người kỹ tính hướng, hướng nội thì làm văn phòng còn nhân viên hướng ngoại mà xông xáo thì phân bổ vị trí bán hàng.

Sâu xa hơn là giúp những con người đang quờ quạng trong màn đêm tối tự thắp ngọn đèn sáng trong tâm để từng bước một rèn luyện, dần dà chuyển hóa mệnh số mà sống an nhiên, tỉnh thức và hạnh phúc hơn.


nhan-tuong-18


Kết

Trong muôn vàn phương pháp phân định tính cách, xác định số mệnh con người, nhân tướng học là một trong số ít bộ môn nhìn vào gốc rễ của sự việc, nhân sinh để nhìn ra được tư duy nhân quả ẩn chìm cho mọi vận hành trong đời.


“Tướng tùy tâm sinh, tướng tùy tâm diệt”, thông điệp cốt lõi đã làm gói ghém mọi giá trị sâu sắc nhất của một bộ môn khoa học có tuổi đời ngàn năm. Ngẫm nghĩ về câu nói ngắn gọn ấy, ta có thể hiểu hình tướng có thể lời nguyền cho một kiếp sống hay là gợi ý mở ra hành trình tu tập hướng về chân, thiện, mỹ, đều do mỗi người tự lựa chọn. Chỉ mong, bạn đọc sẽ quay về với thân tâm, để thấu hiểu và yêu thương chính mình, để hiểu rõ bài học cần hoàn tất và bình an đi tiếp chặng hành trình mà mình đã chọn lựa.

Nội dung: Tấn Vinh-Content 3 Gốc

Biên tập: Khánh Vi

Hình ảnh: Tuệ Tâm






635 views0 comments

Comments

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating
Untitled-1.jpg

Cùng chung lý tưởng
“Giáo dục chuyển hoá 3 Gốc”

Trang thư viện 3 Gốc mong nhận được phản hồi, động viên hoặc “ủng hộ” tuỳ hỷ đến từ độc giả. Bởi đây là thông điệp ngầm nhắn gửi “Những gì chúng tôi làm mang giá trị thiết thực đến cho mọi người”, giúp 3GOC.VN sẽ ra mắt nhiều nội dung giá trị hơn trong thời gian tới. 

Trí nhân

Đóng góp tài năng viết lách của mình cho trang

01

Tài vật

Đóng góp bằng tài chính

02

Nội dung chuyển khoản:

3goc.vn_Tên_Điều nhắn gửi

Số Tài Khoản: 215962349

Ngân hàng: ACB - PGD Vạn Hạnh

Tên tài khoản: Bùi Thị Thanh

z5270840594423_a3c1e7ba81d7effac77193110559e12d.jpg