top of page

Giải pháp để phụ nữ trung niên tránh mê tín khi tiếp cận Đạo học

Updated: Mar 18

Ngày nay, ranh giới giữa đạo học tâm linh và mê tín dị đoan rất mong manh. Nhiều tổ chức núp bóng đạo Phật để truyền bá tà đạo rất tinh vi. Đặc biệt, phụ nữ tuổi trung niên rất dễ rơi vào nhóm tín ngưỡng tà kiến này.


Vậy làm sao để nhận diện chánh-tà? Làm sao để nâng cao trí tuệ thay vì càng học càng mê mờ? Mời bạn đọc xem cùng blog 3 gốc suy ngẫm về chia sẻ dưới đây nhé!





Mục lục

Mê tín dị đoan là gì?


Mê tín là tin tưởng một cách mê mờ.

Dị đoan là sự tin tưởng khác lạ, lòng tin không chính đáng.

Từ đó ta có thể hiểu mê tín dị đoan là sự tin tưởng một cách mù quáng vào những điều không chính đáng, không có cơ sở mang lại ảnh hưởng tiêu cực cho cá nhân, gia đình và công động.


Mê tín dị đoan bao gồm những hành vi như ông đồng, bà cốt, tin xin xăm bói quẻ, tin số mệnh sang hèn, tin cúng sao, cúng hạn, cúng kem, tin thầy bùa thầy chú, tin cầu cúng tai qua nạn khỏi… Thực hiện những nghi lễ này, về lâu dài sẽ mang những hệ lụy đến sức khỏe, thời gian, tài sản và tính mạng.





Nhiều người lầm tưởng những nghi thức này có nguồn gốc từ Đạo Phật do vậy khi mới bắt đầu tiếp cận Đạo thường dễ bị “lôi kéo” vào những tín ngưỡng này. Vì vậy chúng ta cần có sự hiểu đúng, hiểu sâu để không rơi vào tình trạng: tin mình đã đúng đường nhưng hóa ra mình đã ngược đường.


Tại sao phụ nữ trung niên dễ mê tín dị đoan?


Mê tín dị đoan xảy ra ở nhiều nhóm người khác nhau, gắn với nhiều nền văn hóa và xuyên suốt toàn bộ các giai đoạn lịch sử. Ngày nay, dù xã hội được coi là văn minh tiên tiến nhưng cũng không thoát khỏi tình trạng này. Đặc biệt là phụ nữ trung niên khi bắt đầu nương nhờ vào tư tưởng của Đạo Phật với mong cầu tâm được bình an, cuộc sống được an bình bị tác động lớn. Tại sao vậy?

Thiếu nền tảng tri thức đúng đắn

Phụ nữ ở độ tuổi hầu hết là đều có gia đình, công việc ổn định. Để có được những thành tựu hiện tại họ mất nhiều thời gian và đa số trải qua nhiều sóng gió, thăng trầm. Vì vậy khi con cái đã lớn, khi sức khỏe có phần giảm sút so với tuổi đôi mươi, họ chợt thấy mình cần rất nhiều đến giá trị tinh thần, cụ thể đó là sự an toàn, sự nương tựa, bình an đến từ Phật pháp.





Nhưng hồi trẻ, vì vật lộn với mưu sinh, với gia đình, với những gánh nặng gắn với phụ nữ nên họ không có thời gian để tìm hiểu cặn kẽ. Họ thường chỉ “biết đến” qua người này người kia hoặc có tự tìm hiểu thì cũng khó để có cái nhìn sâu sắc trong giai đoạn đầu. Bên cạnh đó tâm phụ nữ thường dễ xao động, khó kiểm soát cảm xúc và hay bất an nên dễ bị cuốn theo những câu chuyện thần thánh, huyễn hoặc, trái khoa học và không có thật. Vì vậy thật khó để họ biết đâu là nền tảng tri thức đúng đắn của Đạo Phật.

Mong cầu bình an đến từ bên ngoài

Đa số con người đến thắp hương cửa Phật với mục đích cuộc sống bình an. Bình an với họ có nghĩa là được bề trên che chở (che chở cho bản thân, cho gia đình), tạo sự thuận lợi về công danh sự nghiệp. Nghĩa là chúng ta đến với Đạo Phật với trong tâm thế đầy tham sân si, trong khi đó giáo lý của Đức Phật hướng con người đến buông xả và giải thoát.


Vì không hiểu giáo lý tốt đẹp này mà đa số phụ nữ bị lôi kéo vào tà đạo. Nghĩ rằng việc dâng sao giải hạn sẽ giúp mình thoát khỏi sự đen đủi, nghĩ rằng xem bói biết trước tương lai sẽ giúp mình đón được vận may, nghĩ rằng càng nhiều đồ lễ đồ cúng thì cầu càng được nhiều thứ… nhiều bà đồng, thầy cốt nắm được tâm lý này nên không ngần ngại giúp họ thực hiện lễ nghi để thay đổi số mệnh.





Hiện tượng này phổ biến đến mức khiến nhiều phụ nữ trung niên tiếp cận Đạo Phật theo đám đông mà không hề hiểu cốt lõi.

Học một thời gian - thấy mình khác người

Nhà vua Ba Tư Nặc nói về hành trình tu tập của ông:

“Trước khi tu, Trẫm thấy núi sông là núi sông.

Sau khi tu một thời gian, Trẫm thấy núi sông không phải là núi sông.

Bây giờ, Trẫm thấy núi sông là núi sông”


Với ba câu ngắn gọn lại diễn giải đầy đủ quá trình tu học, từ một người với tâm phàm phu khi tiếp xúc nguyên lý Phật giáo một thời gian, bắt đầu hiểu biết thì tâm thường hay chấp.


Giới nữ trung niên hay có xu hướng đi chùa chiền theo hội nhóm. Khi tâm họ bắt đầu chấp niệm, với một chút kiến thức tu học, họ thấy mình tốt hơn mọi người. Vì vậy sẽ khởi sinh sự căn ke, muốn giáo chỉnh người khác. Họ không nhận ra bản ngã đang trỗi dậy.


Giai đoạn thường nội lực còn yếu. Do đó nếu không cẩn thận, ham muốn đạt được nhanh thành tựu trong tu học thì rất dễ bị lôi kéo vào những câu chuyện hoang đường, dùng phép trở thành thánh nhân. Những tín ngưỡng tà kiến núp bóng ngoài kia luôn sẵn giăng lưới chờ chực.

Sự trao truyền từ nhiều đời

Tập tục, tập quán lâu đời là những nét văn hoá mà thế hệ con cháu đời sau có trách nhiệm gìn giữ. Tuy nhiên có những tập tục ăn sâu vào lối tư duy của cả xã hội, ảnh hưởng nặng nề nhất là đến những người phụ nữ vì chính họ là những người thường được trao truyền lại các tập quán đó.


Thời đại khoa học phát triển, tri thức và sự tiếp cận đạo Phật mở rộng không có rào cản nào ngăn cách, vậy nhưng vẫn không ít giới tri thức hiểu biết vẫn không loại bỏ những tập tính mê tín dị đoan vô căn cứ này. Thí dụ như chấm số tử coi sớm vận mệnh, cầu cúng tai qua nạn khỏi, lên chùa lạy Phật xin xỏ đủ điều…những điều tà kiến không phải chủ trương nhà Phật.


Hậu quả khôn lường của mê tín dị đoan


Khi tin vào mê tín dị đoan tức là đang xa rời Phật đi vào con đường tà kiến, tâm trí đã bị u minh che mờ. Trí tuệ không khởi sinh thì không thể hiểu biết, phân biệt được thiện-ác, tốt-xấu. Tâm lúc này chỉ lo mong cầu và toán tính những điều lợi cho mình. Tâm càng tham muốn thì càng dễ sanh nóng giận, từ đó mất đi sự bình an trở nên sợ hãi, buồn rầu, lo lắng.





Càng tin vào mê tín dị đoan càng bị lún sâu và phụ thuộc vào thầy cúng. Gặp chuyện gì cũng kêu thầy cúng bái cầu xin trời Phật cho đạt ước nguyện. Ví như có bệnh trong người không đi khám chữa mà nhờ thầy “soi bệnh bắt ma”, buôn bán ế ẩm nhờ thầy đặt lại phong thuỷ cửa hàng. Bệnh không khỏi, kinh doanh vẫn ế ẩm mà mất biết bao nhiêu thời gian và tiền bạc.


Chưa kể thầy “hù dọa” đủ điều về gia tiên, con cái…thí chủ cứ thế đốt tiền nuôi thầy mà chẳng hay. Thân tâm ta cứ rời rạc hao gầy. Dần dần ta mất đi khả năng soi sáng, nhìn nhận gốc rễ căn nguyên: bệnh là do đâu, kinh doanh sa sút là do đâu… Tiền mất, tật mang khiến tâm lý ta tổn thương, lo âu thường trực. Chất lượng cuộc sống đi xuống nhưng không biết do bản thân mình lầm đường.


Làm gì để tránh rơi vào mê tín dị đoan?


Thiếu sự kiên định trong việc tu học có thể dẫn đến điều đáng tiếc khi mới bước đầu tu học. Tuy vậy, chỉ cần học thật, tu thật, nỗ lực nghiên cứu và thực hành giáo Pháp nhà Phật sẽ có đủ trí tuệ để phân định rạch ròi giữa chánh đạo và tà kiến.

Nương tựa các vị thầy hiền trí

Đặt niềm tin trọn vẹn vào Phật, Pháp, Tăng. Niềm tin vào giáo lý Đức Phật là rất quan trọng trong con đường tu học. Khi chọn nương tựa Phật tức ta đã có con đường để đi tới, thế nên lúc này hãy cứ mạnh dạn đi thôi, đừng hoài nghi suy tính. Giáo lý Đức Phật dùng từ ngữ biểu đạt dễ hiểu, ai cũng có thể học. Nhưng để có lợi lạc đem về thì phải kiên trì hành trì. Những thực chứng đạt được trong quá trình thực tập là hoa trái ngọt lành mà người tu học nào cũng có khả năng đạt đến.


Thường xuyên nghe các bài pháp thoại của các bậc chân tu như nhà sư Thầy Nhất Hạnh, Minh Niệm để có nhiều kiến thức ứng dụng việc tu học, đồng thời giải đáp những trăn trở, nỗi khổ niềm đau vấn đề xảy đến với ta trong cuộc sống. Hay tham gia những khóa học về đạo và đời của Thầy Trần Việt Quân để có một nền tảng tư duy đúng đắn giúp ta thấu hiểu mục tiêu và ý nghĩa cuộc đời mình để kiến tạo phát triển bản thân theo chiều sâu chạm đến những điều giá trị nhất.





Tạo cho ta cơ hội kết giao với những thiện tri thức. Đó là những người bạn đồng tu chính đạo, có đức hạnh cùng nâng đỡ nhau trong quá trình tu học, phát triển bản thân. Cộng đồng ta có thể tạo ra từ gia đình to, nhỏ của ta, từ đội nhóm công ty ta đang làm việc hay từ một cộng đồng cùng chung hệ giá trị học và hành, sống và lan tỏa điều tử tế như GNH Talk. Những bước đi đầu tiên luôn cần nhiều nỗ lực, hãy cứ bước tới.


Sống tùy duyên, thuận nhân quả

Khổ đau và hạnh phúc luôn hiện diện song hành với nhau. Những khổ đau ta gánh chịu hôm nay là tập hợp những duyên nghiệp xấu ta đã gây ra trong trùng điệp kiếp trước. Nhân xấu thì quả trổ xấu. Sự nhận thức đó khiến ta không còn trốn tránh và tìm cách cải nghiệp bằng các phương pháp mê tín dị đoan


Tỉnh thức giúp ta nhận diện quy luật vĩnh hằng của cuộc sống, đó là luật nhân quả. Khi ta hiểu “gieo nhân nào thì gặt quả đó”, ta không còn oán trách điều bất như ý xảy ra nữa, ta bình thản đón nhận được -mất mà không còn sợ hãi, sầu bi.


Tin sâu vào nhân quả sẽ giúp ta càng kiên định hành trì giáo pháp, sống tốt đời đẹp đạo, yêu thương mình, thương người, thương muôn loài. Làm việc lành để tạo nhân tốt lành, hoá giải nghiệp xấu kiếp này và kiến tạo quả tốt đẹp mai sau. Biết sống tùy duyên giúp ta vượt qua được nỗi đau chia cắt, phân ly, nhìn nhận được không có gì diệt không có gì sinh để không còn sợ hãi nữa.

Cởi bỏ tập khí lâu đời

Tập khí (những thói quen xấu) là điều khiến lòng ta đau khổ và đầy bất an. Tập khí được trao truyền nhiều đời nhiều kiếp. Hiểu nôm na, tập khí đó ông bà trao lại cho cha mẹ và cha mẹ trao truyền lại cho ta trọn vẹn. Thế nên, những tập tính cổ hủ lâu đời đó ta cần có chánh kiến và đủ can đảm thay đổi.





Có rất nhiều những truyền thống tốt đẹp từ ngàn xưa ta cần gìn giữ nhưng ta cũng cần loại bỏ những điều không phù hợp. Đôi khi đó chính là thói quen mà ta vẫn nghiễm nhiên để nó tồn tại như một điều tất yếu. Khi có thể nhìn nhận đúng đắn và dám loại bỏ nó, không chỉ đời sống của ta mà cả đời sau cũng được lợi lạc.

Quay về nương tựa hải đảo tự thân

Mỗi người sẽ có cho mình một hải đảo, hãy quay về để nương tựa nơi chính mình, an trú nội thân mà không phải ai khác. Đây cũng chính là lời khuyên răn của Đức Phật. Phép hành trì này giúp nuôi dưỡng chánh trí và chánh niệm để chuyển hóa đam mê và lo âu. Khi sự định tĩnh phát triển, nội lực tăng, ta sẽ phân biệt bài trừ mê tín dị đoan nhờ sự thông suốt mà quá trình thực tập mang lại dù trong thời gian tu học chưa dài.


Luôn có ý thức gìn giữ thân-khẩu-ý trong sáng. Chỉ làm những điều tốt đẹp, hành động thiện ý, chỉ nói những lời ái ngữ dễ nghe tâm từ bi trong sáng ta đang tích góp những phước lành cho mình. Những thực tập nhỏ này áp dụng vào đời sống gia đình hàng ngày, công việc hàng ngày. Chỉ cần vài tuần thực tập là ta nhận diện, đọc tên được những cảm thọ trong thân tâm để điều phục thân tâm rồi trí ta sẽ sáng để nhận ra những dụ dỗ lôi kéo tín ngưỡng phi lý, tà giáo.





Như vậy, chỉ khi thực học, nghiêm túc nghiên cứu về giáo lý căn bản của Đức Phật, phụ nữ trung niên mới có thể tránh mê tín dị đoan và đi theo con đường hướng thiện đúng đắn. Khi đó chúng ta cũng không còn bám víu vào những yếu tố bên ngoài mà hoàn toàn có được bình an từ bên trong. Đó mới là con đường Đức Phật chỉ dạy cho tất cả chúng sinh.


Lời kết

Cuộc sống luôn tồn tại 2 mặt tốt và xấu, hạnh phúc và khổ đau. Điều quan trọng là chúng ta có những nhận thức đúng đắn để không bị cuốn vào vòng xoáy rồi loay hoay nửa đời không thoát ra được.


Đến với giáo lý của Đức Phật là đến với sự giác ngộ. Mong rằng tất cả chúng ta, đặc biệt là những người phụ nữ trung niên khi tìm đến Đạo học sẽ được soi sáng và không lạc đường vào mê tín dị đoan.


Nội dung: Hồng Ngọc - Học viên Content 3 gốc

Biên tập: Nhàn Lý

Hình ảnh: Ngọc Thúy




79 views0 comments
Untitled-1.jpg

Cùng chung lý tưởng
“Giáo dục chuyển hoá 3 Gốc”

Trang thư viện 3 Gốc mong nhận được phản hồi, động viên hoặc “ủng hộ” tuỳ hỷ đến từ độc giả. Bởi đây là thông điệp ngầm nhắn gửi “Những gì chúng tôi làm mang giá trị thiết thực đến cho mọi người”, giúp 3GOC.VN sẽ ra mắt nhiều nội dung giá trị hơn trong thời gian tới. 

Trí nhân

Đóng góp tài năng viết lách của mình cho trang

01

Tài vật

Đóng góp bằng tài chính

02

Nội dung chuyển khoản:

3goc.vn_Tên_Điều nhắn gửi

Số Tài Khoản: 215962349

Ngân hàng: ACB - PGD Vạn Hạnh

Tên tài khoản: Bùi Thị Thanh

z5270840594423_a3c1e7ba81d7effac77193110559e12d.jpg
bottom of page