Mỗi khi nghĩ tới việc tha thứ cho người khác, trái tim lại quặn thắt, những cơn sân giận cứ nổi lên mỗi khi nghĩ về những nỗi khổ niềm đau trong quá khứ.
Hình ảnh người đã đối xử tệ với bạn lại hiện lên. Bạn căm ghét, bạn muốn người đó phải bị trừng phạt, bạn không thể tha thứ.
Nhưng hãy tha thứ bạn ạ, dù cho đó là điều rất khó khăn. Bởi vì, chỉ khi tha thứ trọn vẹn, bạn mới được quyền sống cuộc đời bình yên.
Bình yên một thoáng cho tim mềm
Bình yên ta vào đêm
Bình yên để đóa hoa ra chào
Bình yên để trăng cao
-Trích bài hát “Bình yên” - Nhạc sĩ Quốc Bảo
Xin chào độc giả 3 Gốc, mình là Khánh Vi - Admin trang Blog 3 Gốc. Vi mời mọi người cùng thưởng thức bài viết dưới đây về chủ đề “Tha thứ”, hãy vừa đọc vừa cảm nhận giai điệu bên trong tâm hồn mình nhé.
Hy vọng, sau khi kết thúc bài viết, mỗi người trong chúng ta sẽ muốn đón nhận cơ hội được tha thứ cho một ai đó.
MỤC LỤC
1. Khi không thể tha thứ cho người khác?
Ai cũng có trong lòng những nỗi khổ niềm đau mà không thể quên đi, mình cũng vậy thôi. Ai trong chúng ta cũng nhiều lần muốn chối bỏ, muốn xoá đi những nỗi buồn ấy, vì nó làm mình mệt mỏi.
Khi được nhận viết về chủ đề “Tha thứ lỗi lầm”, mình đã tự hỏi bản thân nên viết gì. Viết về chuyện người, hay viết về chuyện mình. Mình cũng bối rối, lo lắng vì không thể nhận diện rõ ràng những khó khăn đang hiện hữu.
Nếu không nhìn ra được, làm sao mình có thể viết đây.
Và rồi, mình đã làm một công tác rất khó nhằn, đó là đi điều tra về nỗi khổ niềm đau của người, của xã hội để lấy làm chất liệu cho mình.
Nhưng rồi mình nhận ra, việc thấy những nỗi buồn của người khác giúp mình thấy rõ nỗi đau của bản thân. Nhưng càng đi sâu, mình lại cảm nhận dường như khó khăn của mình quá nhỏ bé so với người.
1.1 Mỗi người đều mang nỗi khổ niềm đau riêng
Câu chuyện 1:
“Ngày ấy còn bé, mẹ con bỏ con, vết thương này đã theo con gần 17 năm rồi. Từ khi con nhận thức được lúc 5 tuổi, con đã bị nhồi nhét về sự căm giận mẹ. Trong con, hình ảnh mẹ là người xấu xa, hiểm ác, là người đã nỡ bỏ rơi con mình.
Con luôn tự nói với mình là đồ vô dụng, là đồ bỏ đi nên mẹ mới không giữ mình lại.
Nhưng con mệt mỏi lắm rồi, con muốn tha thứ cho mẹ để con được sống tiếp cuộc đời bình yên, để con không oán trách mẹ, để con tự công nhận mình là người có giá trị cho cuộc đời này”.
Câu chuyện 2:
“Mình hận nó vì đã đâm sau lưng mình, mình hận vì những điều đã giúp nhưng nhận lại là sự bẽ bàng. Mình sẽ không tha thứ, vì nếu như vậy kẻ làm sai cứ mãi nhởn nhơ để tiếp tục đi làm sai với người khác hay sao.
Câu chuyện 3:
“Người đầu ấp tay gối bao nhiêu năm, từng trải qua biết bao niềm vui, nỗi buồn vậy mà giờ đây lại đang yêu thương người khác. Mình bị phản bội, bị bỏ rơi, đau lắm. Biết là phải bỏ đi, phải buông thôi để mà sống tiếp.
Nhưng thấy chồng mình vô tâm, đang hạnh phúc, còn mình thì đau khổ vậy mình không can tâm, không tha thứ được”.
Câu chuyện 4:
“Con và chồng đã ly hôn, chúng con chia tay nhau vì những mâu thuẫn gia đình bên nhà chồng. Con ly hôn nhưng không ghét chồng con, con căm hận cha mẹ chồng, căm hận họ hàng bên ấy. Chỉ vì con không thể có được thiên chức làm mẹ, vậy mà con bị cho là đồ bỏ đi”.
Câu chuyện 5:
Câu chuyện của một người đàn ông chỉ vì một phút bất cẩn mà đã gây ra cái chết thương tâm cho cô bé chỉ vừa tròn 7 tuổi, cô bé đang băng qua đường trên lối dành cho người đi bộ.
Kể từ đó, mặc dù đã bồi thường thiệt hại cho gia đình bé gái, nhưng suốt 18 năm về sau, anh vẫn mãi sống trong sự ám ảnh không nguôi về cái ngày kinh hoàng hôm đó. Đối với anh, mọi thứ dường như chỉ vừa xảy ra ngày hôm qua.
…còn nhiều lắm những câu chuyện như thế này.
1.2 Tha thứ chưa bao giờ là điều dễ dàng
Trích lời thầy Minh Niệm trong các buổi pháp thoại, trong sách Hiểu về trái tim “Để tha thứ được, chúng ta cần có dung lượng trái tim thật lớn”.
Quả thật, lần đầu tiên nghe câu nói này, mình đã chối bỏ và không muốn hiểu.
Bởi vì, mình đang đau khổ cơ mà, tại sao mình lại phải đi yêu thương người đã làm lỗi với mình. Mình phải để cho người đó bị trừng phạt, họ phải trả giá thì mình mới thoả mãn được.
Nhưng mà điều đó nó mệt mỏi lắm. Không biết bạn có như vậy không?
Nuôi dưỡng cho nỗi đau càng lớn, nó sẽ như một tảng đá đè nặng trong lòng, nó trì cảm xúc của bạn xuống. Mỗi lần bạn tính ngóc đầu lên, bạn muốn vùng vẫy thoát khỏi, thì nó càng kéo bạn xuống vũng lầy.
Trong quá khứ, người làm lỗi họ chỉ xuất hiện đúng trong một khoảnh khắc nào đó, họ đem những điều tiêu cực đến với bạn chỉ một đôi lần.
Vậy mà, chính bạn đã bật cuốn phim quá khứ ấy lên, rồi bạn bấm nút tua lại hàng chục, hàng trăm lần, trong suốt nhiều năm tháng để ôn lại.
Cứ mỗi lần tua lại, nỗi đau càng dày xéo, vết thương càng rộng ra và nước mắt bạn lại tuôn chảy không ngừng.
Lúc này, bạn sẽ có hai trạng thái.
Một là, bạn sẽ trả thù, bạn sẽ tìm cách khiến cho người đó phải trả giá. Người đó có thể nhận lấy hậu quả, nhưng tâm can bạn càng mệt nhoài hơn, bạn không hề vui tí nào. Việc nghĩ ra kế hoạch trả thù, việc mong ngóng người đó lãnh nhận, càng khoét sâu hơn vết thương.
"Quay trở lại với câu chuyện về người đàn ông đã gây ra cái chết cho cô bé đã kể ở trên. Chỉ vì muốn người gây ra tai nạn phải hối hận về việc làm của mình và phải đau cùng một nỗi đau với gia đình cô bé. Ba mẹ bé đã yêu cầu với tòa không cho anh bồi thường một lần mà phải chia nhỏ khoản bồi thường vào mỗi năm.
Và cứ đến ngày bồi thường mỗi năm, cả người đàn ông ấy và gia đình cùng sống lại ký ức kinh hoàng ấy một lần nữa. Suốt nhiều năm tháng trôi qua, nhưng cả hai bên đều bị cầm tù trong nỗi đau không thể thoát ra được".
Còn trạng thái thứ hai khi nỗi đau quá lớn, bạn không thể chịu nổi, bạn quyết triệt tiêu nỗi đau này. Bạn nói với mình sẽ bỏ đi, sẽ tha thứ. Bạn còn tới gặp người kia để nói lời tha thứ trực tiếp. Nhưng sao trong lòng bạn vẫn không phục, ngọn lửa sân giận vẫn nổi lên, nhưng bạn cố kìm nén nó xuống.
Có thể một thời gian bạn quên thật, nhưng nếu có một sự kiện nào đó liên quan. Cơn giận dữ lại thổi phừng thêm lần nữa, lần này ngọn lửa cao hơn, dữ dội hơn và bạn bị mất kiểm soát.
Cứ mỗi lần như thế, tự bạn đốt lên ngọn lửa thiêu cháy ngôi nhà tâm hồn. Cứ thế tâm hồn bạn kiệt quệ, khô cứng.
Vậy phải làm sao, buông không được mà giữ cũng không xong?
2. Khi không thể tha thứ cho người khác?
2.1 Tha thứ là gì?
Trong Kinh Thánh, từ gốc Hy Lạp tha thứ có nghĩa đen là “buông ra”.
Tha thứ cụ thể là khả năng buông bỏ, giải phóng những đau khổ, nỗi buồn, gánh nặng và sự phản bội xảy ra trong quá khứ. Thay vào đó là lựa chọn theo đuổi những điều kì diệu của tình yêu. Biết tha thứ sẽ thay đổi chúng ta từ một cái "tôi" tách biệt sang một cái "tôi" biết thay đổi, biết buông bỏ và sống trong tình yêu thương thực sự.
-Nhà lãnh đạo Tôn giáo Jack Kornfield
Mình hiểu theo một nghĩa đơn giản hơn, tha thứ chính là bạn buông hình ảnh lầm lỗi mà người đó đã gây ra, ra khỏi tâm trí của bạn.
Khi nghĩ về nỗi đau trong quá khứ, cảm xúc tiêu cực của bạn không trỗi dậy, đó là những cảm giác ham muốn chiếm hữu, hay sân giận, hay sợ hãi.
Mọi thứ rõ ràng, mạch lạc trong suy nghĩ của bạn.
Và tha thứ trọn vẹn bắt buộc phải diễn ra trong khuôn khổ tâm trí bạn, nó không đòi hỏi sự công nhận, sự van nài xin tha lỗi hay sự bù đắp từ đối tượng khác.
Tha thứ hoàn toàn chính là như vậy, là sự chuyển hóa tâm thức sau những tháng ngày ngụp lặn trong vùng đen tối, trong nhà tù của sự kìm kẹp.
Từ chính nỗ lực tự thân, bạn chuyển hoá, bạn phát sáng, bạn được nâng dậy tâm hồn. Bạn tươi mới, bạn được sống lại với một bản thể nâng cao.
2.2 Người gây ra lỗi lầm họ cũng đau khổ lắm!
Ngay chính lúc bạn chấp nhận, việc chuyển hóa nỗi đau này là trách nhiệm của riêng bạn, bạn sẽ không còn đổ lỗi nữa, bạn sẽ không đặt mình ở vị thế nạn nhân. Bạn nhìn ra được nhiều thứ hơn.
Người gây ra lỗi với bạn họ thực chất cũng là một con người đáng thương. Họ cũng có nhiều nỗi đau, nhiều khoảng trống trong lòng. Biết đâu họ cũng vô tình làm bạn đau mà họ còn không biết.
Bạn biết đấy, chúng ta đang sống trong nền văn minh của vật chất, mọi thứ có được dường như quá dễ dàng. Việc hưởng thụ nhiều hơn làm mất dần đi khả năng nghị lực, việc phải chạy đua kiếm tiền làm chúng ta bận rộn hơn, ít khả năng kết nối với nhau.
Chúng ta giờ đây ít có thời gian nghỉ ngơi, ít có thời gian ngồi lại để soi rọi tâm mình, để thấy những điều tiêu cực xảy ra trong tâm.
Năng lượng lúc nào cũng trong trạng thái cạn kiệt, nên con người hiện đại giờ đây rất khó kiểm soát lời nói, suy nghĩ của mình. Và thế là, khi gặp khó khăn, khả năng kiểm soát kém, khả năng chịu đựng thấp, ai cũng dễ buông ra những lời nói, hành xử làm tổn thương người khác.
Và người nhận cũng dễ bị tổn thương cũng chỉ vì đôi lời nói không được nhận thức đúng từ người kia.
Cứ thế, người với người cứ làm tổn thương nhau hết lần này đến lần khác.
Còn bạn, bạn cũng luôn xem mình là nạn nhân, nhưng có bao giờ nhìn lại, bạn cũng đã từng gây ra rất nhiều lỗi lầm cho người khác. Bạn cũng từng tổn thương đến người, nhưng khi làm lỗi xong bạn lại quên đi rất nhanh.
Ai cũng dễ đổ lỗi cho người khác, nhưng lại rất khó nhận lỗi chính mình.
Cả bạn và cả người đều có những nỗi khổ niềm đau riêng. Nếu thấu được chính bạn và cả người, mình nghĩ bạn sẽ bắt đầu nhẹ lòng hơn và chấp nhận việc tha thứ cho người khác.
Chỉ cần trong ý niệm, bạn khởi lên một hạt giống thiện rằng “Hãy tha thứ vì ai cũng lầm lỗi, tha thứ cho người khác và cả cho chính mình”. Chỉ như vậy thôi, tiến trình tha thứ bắt đầu sẽ hoạt động, tiến trình chuyển hoá bắt đầu được mở công tắc.
2.3 Bạn sẽ như thế nào nếu tha thứ trọn vẹn?
Mình cứ nghe đi nghe lại bài Pháp Thoại của Thầy Minh Niệm nói về sự tha thứ, mình nghe thầy giảng nhiều lần thấy thấm, nhưng trong tâm vẫn còn mơ hồ lắm.
Vậy mà đến một đoạn, thầy giải nghĩa bài hát Bình Yên - Sáng tác nhạc sĩ Quốc Bảo đã làm mình chợt muốn tha thứ tất cả. Từng câu từ, từng lời hát như thấm vào từng tế bào, từng thớ thịt.
Mình chẳng còn nhớ nỗi đau đang diễn ra, mình không buồn gặm nhấm vết thương ấy nữa. Đổi lại, mình chỉ muốn được như hình ảnh của lời bài hát Bình Yên.
Nếu bạn cũng cảm nhận những câu hát dưới đây giống mình, có lẽ hành trình tha thứ của bạn đã bắt đầu, với đích đến cuối cùng của sự tha thứ trọn vẹn là như thế này.
-Bình yên một thoáng cho tim mềm: trái tim trước kia lúc nào cũng đập nhanh, cũng khô cứng, cũng bấn loạn khi nghĩ về quá khứ, vậy mà giờ đây nó mềm đi, nó dịu đi. Trái tim đập nhẹ nhàng trở lại, từng cảm giác ấm áp đang tan toả trong từng da thịt.
-Bình yên để đóa hoa ra chào: đã lâu lắm rồi bạn không còn cảm nhận được vẻ đẹp của bông hoa. Bạn đi dạo công viên, cắm một bình hoa nhưng lòng thì ngổn ngang, suy tư về một điều gì đó. Vậy mà tha thứ được, bạn thấy nơi đâu cũng đẹp. Hoa hồng cũng đẹp, cỏ dại cũng đẹp… mọi thứ là nhiệm màu.
-Bình yên để trăng cao: ôi mọi thứ lúc này dường như sáng rõ, bên trong bạn đang là một vùng sáng. Ánh trăng 16 tròn to trên cao như soi rọi cho bạn biết mình sẽ làm gì, mình sẽ sống tiếp như thế nào cho thật ý nghĩa.
-Như từ bao la ta ra đời một kiếp nữa: tha thứ được trọn vẹn bạn như được tái sinh thêm lần nữa, từ một con người đầy đau khổ bạn như được sống lại, tươi mới hơn, đẹp đẽ hơn.
-Như từ trong nhau lớn lên khôn lên cùng nhau: khi tha thứ được là bạn đã vượt qua một kì thi của cuộc đời, bạn nâng cấp bản thân, vun bồi thêm nội lực cho chính mình. Bạn và cả người làm lỗi từ hận thù giờ đây có thể mỉm cười khi nhìn thấy nhau. Bạn biết ơn vì may quá mình đã có nỗi khổ và đã vượt qua.
Và tặng nhau nhé tiếng nghe hồn nhiên: không còn những cảm xúc quá mạnh khi nghĩ về quá khứ. Bạn không quên, bạn vẫn nhớ rất rõ. Nhưng khi nghĩ về kỉ niệm ấy, nó chỉ là một vệt quá khứ đã qua đi. Nó không màu, không mùi, không chất xúc tác. Quá khứ chỉ đơn thuần là quá khứ như vốn dĩ là.
3. Làm sao để tha thứ cho người khác trọn vẹn?
Cảm ơn bạn nếu đã đủ nghị lực đọc đến đây. Mình biết lúc này trong tim bạn đã có một chút xíu nào đó muốn tha thứ.
Không sao cả, chỉ cần bạn khởi lên một tí nào đó cũng là đã quá tuyệt vời cho bài chia sẻ này. Đừng tự hành hạ mình bằng câu nói “Tuyệt đối tôi sẽ không tha thứ”. Nếu có câu đó, hãy xua đuổi nó ra khỏi tâm trí bạn.
Dưới đây mình xin chia sẻ một số bước để bắt đầu hành trình tha thứ, đây chỉ là gợi ý từ quan điểm cá nhân, bạn chỉ nên xem nó là tham khảo thôi nhé.
Bước 1: Xác định mình có muốn tha thứ hay không?
Rất quan trọng ở bước 1, nếu phần chia sẻ trên của mình đã chạm vào được trái tim của bạn, lúc này trong tiềm thức bạn muốn tha thứ thật sự.
Bạn muốn được quyền chủ động sống tiếp cuộc đời một cách đẹp hơn, bạn muốn tự mình là người thay đổi.
Bạn không muốn những chuỗi ngày tiếp theo cứ liên tục đốt lửa ngôi nhà tâm trí của mình nữa, bạn muốn sống bình yên.
Vậy là bạn đã thật sự muốn tha thứ rồi.
Bước 2: Chữa lành vết thương
Một con hổ dù mạnh đến mấy, khi bị thương nó sẽ không chiến đấu thêm nữa. Nó sẽ quay về hang để liếm láp, để cho vết thương lành lại.
Còn bạn, bạn có thật sự mạnh mẽ như vậy không? Bạn nên hiểu rằng mình đang là một cá thể yếu ớt. Vì bạn yếu ớt nên đã cho người khác cơ hội làm tổn thương, trái tim bạn đầy vết thương nên chỉ cần một chút tác động bên ngoài, bạn đã đau đớn.
Hiểu như vậy để bạn không chiến đấu nữa, để bạn quay về một chốn riêng và cho trái tim mình được chữa lành.
Cơ thể, tâm trí sẽ tự chữa lành được nếu như bạn để cho nó được trở về cơ chế cân bằng. Để làm được như thế, bạn phải có sự yên tĩnh.
Chữa lành vết thương là bạn đủ điềm tĩnh để nhìn rõ vết thương của mình đang như thế nào, để bạn nhìn xuyên thấu, bóc tách từng cảm xúc, thay vì trốn chạy nó.
Đây là hành trình bạn bắt đầu quan sát bản thân ở góc nhìn toàn diện để chấp nhận chính mình. Hiểu rõ mình trong từng cung bậc cảm xúc, tự nhiên khi nghĩ đến nỗi đau, bạn không còn giận dữ để mất kiểm soát.
Bước 3: Vun bồi nội lực
Khi trái tim đã tạm an ổn, bạn đã hiểu rõ nỗi đau của mình, hãy bắt đầu vun bồi cho mình sức mạnh.
Sức mạnh để chuẩn bị cho một hành trình mới kế tiếp. Bởi vì trong cuộc sống này hạnh phúc và khổ đau luôn song hành. Bạn phải hiểu được rằng, khổ đau trong tương lai sẽ đến, bạn không thể tránh nó.
Bạn chỉ có thể vun bồi nội lực, để mình mạnh mẽ hơn, để những cơn đau kế tiếp nó không nhấn chìm bạn nữa.
Lúc này bạn đừng một mình, hãy tìm cho mình sự trợ giúp.
Mình biết, bạn đang rất mệt mỏi và không muốn kết nối với ai lúc này. Nhưng hãy cố lên, bạn đang rất yếu ớt, mâu thuẫn nội tâm sẽ liên tục xuất hiện và nó sẽ nhấn chìm bạn.
Cho nên hãy nhờ sự giúp đỡ từ những người bạn tin cậy.
Đó có thể là người bạn có nội lực mạnh, đó có thể là một người có chuyên môn cao đáng tin cậy. Họ sẽ giúp bạn từng bước xây dựng, hướng dẫn bạn khoá lại những lổ hổng bên trong tâm hồn.
Thầy Trần Việt Quân trong các lớp học “Ý nghĩa cuộc đời”, “Chánh Kiến 3H”... đã có hướng dẫn rất nhiều phương pháp. Trong đó mình thấy mô hình 4 vòng tròn đào tạo là cách giúp chúng ta vun bồi nội lực rất tốt.
Bước đầu bạn hãy tập trung đi theo 2 vòng tròn lõi: Hiểu bản thân và 3 Gốc. Có được 2 bước này nhờ sự trợ giúp của người có chuyên môn, sau đó bạn sẽ biết cách tự vực dậy.
Ngoài ra, hãy quan sát tam bảo của mình nằm ở đâu, hãy tham gia vào môi trường ấy, để nguồn năng lượng tích cực chảy tràn vào bạn. Một thời gian bạn sẽ thấy tâm trạng mình rất khác, những sự kết nối sẽ mở ra cho bạn nhiều cơ hội hơn.
Bước 4: Học cách yêu thương người đã gây ra lầm lỗi
Thật ra bước 4 này là phần mình gợi ý thêm, nhưng mình nghĩ các bạn đừng nên áp dụng vội.
Bởi vì, để yêu thương được như vậy đòi hỏi dung lượng trái tim mình phải đủ lớn. Có nghĩa là mình đã được chữa lành, nội lực mình đã mạnh mẽ. Làm được như vậy, việc yêu thương là kết quả sẽ phải diễn ra.
Bước này mình muốn đưa ra để các bạn hiểu rằng, nếu tha thứ được trọn vẹn, tình yêu thương của bạn sẽ mở rộng hơn. Lúc này bạn thầm cảm ơn người đã gây ra lầm lỗi, bạn muốn nâng đỡ họ đứng dậy.
Lúc này, bạn không còn là cá thể yếu ớt nữa, sự tha thứ trong bạn là tổng hòa của: Từ bi, Khôn ngoan và Dũng cảm. Bạn đã trở thành một phiên bản đẹp đẽ, tinh khôi và tươi mới hơn.
Hãy lưu giữ hình ảnh này để làm động lực cho bạn nhé.
Cuối cùng, cả bài chia sẻ của mình cho chủ đề tha thứ này là một bản nhạc gồm nhiều nốt: trầm buồn, nhẹ nhàng và vui tươi. Mình hy vọng khi đọc những dòng chia sẻ trên đây, bạn phần nào cũng cảm nhận được giai điệu trong lòng mình như thế.
Nỗi đau và hạnh phúc là hai mặt của một đồng xu, chắc chắn phải là như vậy. Bạn hãy để tâm hồn mình cảm nhận sâu sắc cả hai điều đó, để từng ngày, từng ngày mình lớn lên. Biết ơn vì hạnh phúc đến, lớn lên khi đau khổ đi qua.
Chắc chắn phải tha thứ được bạn nhé, vì chỉ có như thế bạn mới có quyền được sống bình yên.
Comentarios