top of page

LÀM TỚI ĐÂU THẤT BẠI TỚI ĐÓ VÌ CHƯA HIỂU 3 ĐIỀU NÀY

Updated: Mar 18

Thất bại chỉ đáng sợ khi chưa bắt đầu mà luôn nghĩ tới điều tiêu cực. Thất bại chỉ tiêu cực khi hết lần này đến lần khác chúng ta cùng phạm lỗi cho những sai lầm giống nhau.


Thất bại là mẹ của thành công”. Câu nói này không hề sai, nhưng vì chưa hiểu đúng nên nhiều lần rơi vào bẫy của thất bại. Mình là Kim Hồng - Học viên Content 3 Gốc, hãy cùng mình xem hết bài viết này để khai mở sự thật về “Thất bại” nhé.





MỤC LỤC


1. Chưa làm mà đã sợ thất bại

1.1 Ý nghĩa của thất bại

Thất bại là cảm giác không đạt được kết quả mong muốn khi bạn đã nỗ lực cho một điều gì đó. Cảm giác thất bại là sự ân hận, nuối tiếc, chỉ trích bản thân không đủ giỏi để tạo ra kết quả.


Trước khi bắt đầu, chúng ta nghĩ tới mọi trường hợp xấu sẽ xảy ra, chúng ta sợ hãi đến nỗi không dám bắt đầu.


Không một ai đạt được kết quả mà không trải qua thất bại. Cho nên nếu xem thất bại là kẻ thù, bạn cũng đang rời xa sự thành công.





1.2 Thành công và thất bại luôn song hành

Không một ai thành công mà chưa từng trải qua thất bại, tất cả đều phải đứng lên sau mỗi thất bại để đi tiếp.


Nhà văn J.K. Rowling – tác giả của bộ truyện Harry Potter từng nói “Người ta không thể sống mà không gặp bất cứ thất bại nào, trừ khi bạn sống một cách thận trọng đến mức gần như không dám sống, mà như thế thì chắc chắn bạn đã thất bại rồi”.

Té ngã là quy luật của tạo hoá.


Cuộc đời con người không ai là chưa từng vấp ngã. Khi bạn chỉ còn là đứa trẻ mới chập chững bước đi, bạn cũng đã phải trải qua nhiều lần té ngã. Sau nhiều lần nỗ lực thì mới dần có những bước đi đầu tiên vững chãi trong cuộc đời.





Làm sai đến 10.000 lần để phát minh ra bóng đèn cho nhân loại.

Edison từng nói: "Rất nhiều thất bại trong cuộc sống đều do người ta không nhận ra rằng họ đã gần với sự thành công tới chừng nào và họ chấp nhận từ bỏ công việc của mình".


Ông liên tục gặp thất bại và bị công kích là "người hoang tưởng" sau gần 9,999 lần trước khi tìm ra dây tóc bóng đèn. Nhưng ông không bao giờ gọi tên đó là thất bại, ông xem đó là cơ hội để loại bỏ một chất liệu không phù hợp.


Và đến một ngày ông tìm thấy chất liệu ngay trên chính khuy áo khoác là sợi chỉ, ông đã cho vào khuôn niken để nung trong suốt 5 giờ để nó biến thành than. Sau khi để nguội, ông dùng sợi chỉ và cho dòng điện chạy qua. Và kết quả mỹ mãn là sợi dây tóc đã phát sáng liên tục đến 45 tiếng.





Hay như bạn có những ước mơ đời sống như: muốn nuôi dạy con 3 gốc, muốn nâng cao ý thức bảo vệ môi trường tại khu phố, muốn hôn nhân hạnh phúc, muốn tìm kiếm đam mê…Tất cả bạn đều phải trả giá bằng những thất bại trước đó.


Thất bại có thể là vòng xoáy của mưu sinh cuốn bạn đi khỏi những ước mơ, những người thân cản trở bạn đi tìm cầu đạo, hay chưa có ai hưởng ứng việc bạn phân loại rác, hay nhiều ý kiến trái chiều về hôn nhân là trách nhiệm… Sẽ có những cản trở kéo bạn đi xuống, nhưng nếu cứ mãi đứng ở ngoài nhìn vào, bạn sẽ không trải nghiệm được điều gì hết.


Cho nên đơn giản là bạn phải nhảy là và quyết liệt đến cùng.





2. 03 điều khiến bạn liên tục thất bại?

2.1 Phạm lỗi giống nhau đến 2 lần

Có phải thất bại nào cũng là mẹ thành công? Câu tục ngữ này tưởng chừng là đúng, nhưng nếu nhìn sâu hơn chúng ta sẽ thấy có một sự sai lệch.


Khi bước vào làm một công việc, một dự án nào đó, nếu cứ mãi thất bại liên tục cho cùng một lỗi sai, khi ấy thất bại không phải là mẹ thành công. Thất bại ấy càng làm mất niềm tin vào bản thân khiến bạn dễ dàng bỏ cuộc.


Thất bại nhưng có đúc kết để cải tiến cho lần sau mới là bài học để dẫn đến thành công. Chính vì hiểu chưa đúng ở điểm này nên chúng ta cứ lao đầu vào làm một cách mù quáng mà không dừng lại để tư duy, quan sát.


Tình huống trong cuộc sống muôn hình vạn trạng, nếu không dừng lại quan sát đôi khi hình tướng khác nhau, nhưng nguyên nhân dẫn đến thất bại lại giống nhau.


Ví dụ bạn đang được giao quản lý nhân sự cho một dự án. Đội nhóm đang xảy ra mâu thuẫn vì phân chia công việc chưa hợp lý. Họ muốn được thuyên chuyển qua vị trí khác. Nếu bạn không dừng lại để đánh giá khách quan năng lực mà chuyển đổi theo mong muốn cá nhân từng người, thì mâu thuẫn vẫn sẽ tiếp tục diễn ra. Bạn phải đúc kết được điểm mạnh, điểm yếu của mỗi cá nhân, và bạn là người ở giữa để kết nối từng thành viên.





2.2 Không nhìn ra được quy luật cung cầu

Vậy làm sao bạn có thể đúc kết để cải tiến dễ dàng hơn mỗi khi làm mà không có kết quả? Bạn phải nhìn ra quy luật cung cầu đang diễn ra trong cuộc sống.

Thất bại là khi bạn nỗ lực làm nhưng không nhận lại được kết quả tương xứng bên trong và bên ngoài: thỏa mãn mong muốn cá nhân, được trả tiền, được công nhận…


Thành công là khi bạn làm mà mang lại được kết quả, nó tạo niềm hứng khởi cho bản thân. Bạn được thị trường trả tiền, đánh giá cao công sức đã bỏ ra, giá trị mang lại giúp đỡ được cho người khác.


Bạn có thấy nó nằm dưới quy luật cung cầu phải không? Đó là khi nỗ lực của bạn làm ra - nguồn cung đáp ứng được mong đợi của chính bạn, của thị trường - nhu cầu. Hai điểm này phải gặp nhau ở giao điểm thì bạn mới thấy được kết quả.


Quan điểm này được mình rút gọn nhờ vào đúc kết từ mô hình Ikigai.





Do đó, trước khi bắt tay vào làm bạn nên tư duy trước về giá trị mình cho đi mọi người có đang cần hay không. Trong khi làm khi gặp thất bại, bạn cũng nên đúc kết để cải tiến dần những nỗ lực của mình.


Chỉ cần bạn chạm đúng nhu cầu của chính mình, của thị trường bạn sẽ cảm thấy kết quả rất rõ rệt. Lúc đó bạn không còn ở trong trạng thái lúc nào cũng làm mà toàn làm sai.


Và một bí kíp nữa là muốn chạm được thành công nhanh hơn, giảm bớt thất bại, bạn nên tư duy để nhìn ra và đáp ứng được đúng 4 điểm: làm đúng việc, làm đúng cách, cung đúng người và đúng thời điểm.


Quả thực, nỗ lực và kiên trì luôn là những điều cần tiên quyết để làm nên sự nghiệp. Nhưng nếu chỉ biết cố gắng một cách mù quáng mà thiếu thông minh thì chẳng khác nào đâm đầu vào tường. Quan niệm "thất bại là mẹ thành công" không hẳn là sai, nhưng nếu chúng ta chỉ nhìn nhận nó theo một chiều thì trở nên rập khuôn, thiếu sự linh hoạt. Nó sẽ khiến ta ngộ nhận và ảo tưởng hoài về sự thất bại.





2.3 Một loại thành công được xem là thất bại

Có một câu chuyện về nhà khoa học lớn từng đoạt giải Nobel Hòa Bình.


Khi được hỏi “Ông có vẻ không vui khi nhận giải thưởng này. Điều gì đã xảy ra”.

Ông đáp “Tôi luôn ao ước trở thành một vũ công. Tôi chưa bao giờ muốn trở thành bác sĩ phẫu thuật cả. Giờ thì tôi đã là bác sĩ phẫu thuật, mà còn là bác sĩ phẫu thuật rất thành công nữa chứ, điều đó trở thành gánh nặng đối với tôi.


Tôi từng muốn trở thành vũ công, và giờ thì tôi chỉ có thể là một vũ công tồi - điều đó khiến tôi đau đớn, dằn vặt. Mỗi khi nhìn thấy ai đó khiêu vũ, tôi lại cảm thấy khổ sở, tựa như phải sống trong địa ngục. Tôi làm gì với giải Nobel này bây giờ? Nó không thể hoá thành vũ điệu, nó không thể đem đến cho tôi vũ điệu nào cả”.

-Trích Thân Mật Osho


Đây là loại thành công được xem là thất bại, bởi vì nó không xuất phát từ niềm vui thích, say sưa bên trong mỗi chúng ta.


Bạn có thể thấy tình huống này ngay trong chính đời sống của mình. Có những người kiếm được rất nhiều tiền nhưng lúc nào họ cũng đau khổ. Có những người đã đạt được một vị trí cấp cao trong tổ chức, nhưng ước mơ của họ là làm một người bình thường. Có những người phụ nữ họ chỉ ước mơ được làm mẹ, nhưng dòng đời xô đẩy họ phải vai dài sức rộng để gánh vác những việc lớn.


Thành công càng lớn mà đi sai với bản thể của mỗi người thì đau khổ càng nhiều hơn.





3. Giải pháp để thất bại là mẹ thành công

Khi có tư duy đúng tự khắc mỗi người sẽ có cho mình những giải pháp đúng phù hợp với tình huống. Cho nên sẽ không có một công thức chung dành cho tất cả mọi người.

Do vậy dưới đây mình chỉ xin gợi ý một số giải pháp, bạn có thể chọn cho mình một trong số giải pháp này để áp dụng nếu thấy phù hợp.


3.1 Hiểu mình

Đây là việc cần ưu tiên trước khi bạn bắt đầu nhảy vào một việc làm, một dự án, hay cuộc chơi nào đó. Bạn phải hiểu mình cần gì trước khi ra quyết định. Bởi vì cuộc sống có rất nhiều cơ hội để bạn lựa chọn, bạn nên chọn lựa những gì phù hợp, quan trọng với chính mình thay vì để những yếu tố bên ngoài dẫn dắt.


Việc hiểu mình giúp bạn có động lực hơn khi bắt đầu làm. Khi bắt đầu làm từ niềm vui của bản thân, bạn sẽ có cho mình tâm thái luôn chủ động nhìn tổng quan mọi việc trước khi bắt đầu, trong khi làm nếu có khó khăn đến bạn cũng trong trạng thái sẵn sàng để học hỏi, linh hoạt thay đổi hơn là bị ngụp lặn trong cảm xúc.




3.2 Hiểu luật chơi trước khi bắt đầu

Khi quyết định việc cần làm, bạn nên tìm hiểu luật chơi hay còn gọi là quy tắc của việc đó trước khi bắt đầu. Khi nắm được thị trường cần gì, mọi người đang có nhu cầu gì, bạn sẽ quay về để chọn lựa việc mình cần phải làm để đáp ứng đúng quy luật cung cầu.


Bạn sẽ hiểu lộ trình cần đi theo từng bước nhỏ, cần làm gì để đạt được mục tiêu. Lúc này thay vì mong chờ đạt được kết quả lớn, chúng ta sẽ chia nhỏ từng bước để đạt những thành công nhỏ. Nhờ vậy chúng ta có thêm niềm tin về chính mình.


Có được bức tranh tổng quan cũng như lộ trình cần đi, chúng ta bớt các lỗi sai không đáng có.





3.3 Đặt mục tiêu rõ ràng

Đặt mục tiêu rõ ràng sẽ giúp bạn có định hướng trước khi bắt đầu. Mục tiêu cần đơn giản, rõ ràng và khả thi để thực hiện. Bức tranh về kết quả cuối cùng càng thực tế bao nhiêu, thì thành công đến với bạn sẽ càng sớm bấy nhiêu.


Liên tục bám sát mục tiêu và cũng luôn quan sát tâm của bạn khi làm, để xem bạn có thật sự yêu thích việc đang làm hay không. Từ đó bạn linh hoạt thay đổi để phù hợp.





3.4 Rèn 3 gốc

Đặt niềm tin vào bản thân khi bắt đầu làm. Niềm tin chính là nội lực, là tình thương để giúp các bạn thực hiện hoá ước mơ một cách dễ dàng hơn. Nếu như bạn làm mà luôn sợ sệt, lo lắng mình không làm được thì chắc chắn bạn sẽ không dám hành động, hoặc hành động nhưng không quyết liệt.


Trong khi làm chắc chắn bạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nên khi bắt đầu gặp chút khó khăn mà nản chí, không quyết tâm thì bạn rất dễ bỏ cuộc. Cho nên cứ thả lỏng bản thân để mình kiên nhẫn, bình tĩnh và dũng cảm sửa sai khi có sai lầm.


Đặt bản thân trong tâm thế mình cần phải học hỏi liên tục, những lỗi sai là do mình thiếu hiểu biết. Đừng đổ lỗi ra bên ngoài khi gặp khó khăn. Luôn khiêm tốn học hỏi, trau dồi từ Tam bảo, điều đó sẽ giúp bạn tiến xa hơn rất nhiều.





4. Tâm thái khi đối diện với thất bại

Thật ra thất bại hay thành công đó chỉ là một hiện tượng. Quan trọng là sau mỗi hiện tượng bạn rút ra được bài học gì. Bạn biết lý do vì sao mình thất bại không? Bạn biết nguyên nhân chính nào giúp bạn thành công? Bạn cần tìm hiểu kỹ khi những hiện tượng này xảy ra.


Khi thất bại đến, bạn cứ bình tĩnh đón nhận. Đón nhận không có nghĩa là bạn chấp nhận mình sẽ mắc sai lầm ở những lần kế tiếp, mà bình tĩnh để bạn có đủ không gian, thời gian để bạn đúc kết ra bài học.


Tuỳ vào khả năng mỗi người, có người học nhanh họ sẽ nhìn ra bài học nhanh. Chỉ cần phạm lỗi một lần, họ sẽ cải tiến rất nhanh cho lần kế tiếp. Nhưng có những người khả năng của họ học chậm hơn, họ sẽ cần nhiều lần vấp ngã để nhìn ra và rút kinh nghiệm.


Nếu một lúc nào đó, bạn đã cố gắng để nhìn ra bài học nhưng không được. Bạn cứ mãi ngụp lặn trong những cảm xúc tiêu cực. Thì lúc này tốt nhất bạn nên dừng lại. Hãy biết dừng lại đúng lúc để quay về ôm ấp và chữa lành chính mình.


Nuôi dưỡng bên trong để một ngày nào đó bạn đủ sức quay lại với cuộc đua của mình.





Để kết thúc cho bài viết này, mình xin đúc kết một điều. Thất bại không phải là tiêu cực nếu chúng ta cởi mở để thay đổi góc nhìn khác hơn. Mọi thứ tốt đẹp, xấu xí đều do từ tâm mà cảm nhận ra hết. Chỉ có quay về bản thân mỗi người thay đổi, tự khắc những kết quả bên ngoài sẽ thay đổi theo.


Bạn đọc bài viết này nhận được giá trị nào, hãy bình luận bên dưới cho mình biết nhé.


Nội dung: Kim Hồng - Học viên Content 3 Gốc

Biên tập: Khánh Vi





193 views0 comments

Recent Posts

See All
Untitled-1.jpg

Cùng chung lý tưởng
“Giáo dục chuyển hoá 3 Gốc”

Trang thư viện 3 Gốc mong nhận được phản hồi, động viên hoặc “ủng hộ” tuỳ hỷ đến từ độc giả. Bởi đây là thông điệp ngầm nhắn gửi “Những gì chúng tôi làm mang giá trị thiết thực đến cho mọi người”, giúp 3GOC.VN sẽ ra mắt nhiều nội dung giá trị hơn trong thời gian tới. 

bottom of page