top of page

Làm sao để "tu tập" mà không bị người thân ngăn cản?

Updated: May 24

Đời là bể khổ. Để giải thoát khỏi phiền não, khổ đau, thì con đường bền vững nhất chính là tu tập. Vạn sự khởi đầu nan. Đường tu không dễ đi, không phải do ngăn sông cách núi, mà do nhiều cản trở từ chính tâm ta, cũng như đến từ những người thân yêu nhất. Cách nào để vượt qua cửa ải gian nan này?


Mời bạn cùng Trang học tập 3 Gốc, và chị Mơ Hiền Hoà đi qua câu chuyện của chính gia đình chị nhé.


MỤC LỤC:

1. Tu tập mà bị người thân ngăn cản

2. Tu tập bị ngăn cản không phải là không có lý do

3. Vậy làm thế nào để việc tu tập không bị ngăn cản?


***

1. Tu tập mà bị người thân ngăn cản

Trong cuộc sống, chúng ta thường gặp những chuyện như bị người thân ngăn cản, hoặc ngăn cản người thân tu tập. Bản thân mình, cũng có những thời điểm cảm thấy rất khó chịu với việc tu tập của chồng. Điều này dẫn đến vợ chồng mất kết nối, hạnh phúc gia đình có nguy cơ tan vỡ.

 

Khi thấy chồng mình ăn chay, tụng kinh niệm Phật thì cả họ ra sức ngăn cản. Khi không cản được lại quay ra tấn công tinh thần mình, mà không hề nhận ra, mình mới là người trực tiếp chịu đựng anh ấy.

 

Chồng mình đùng đùng cạo đầu trọc lốc, mặc dù trước đó thường xuyên bỏ ra rất nhiều thời gian và tiền bạc để tạo kiểu tóc; vì anh cho là đầu không được tròn. Tiếp theo anh chuyển hẳn sang ăn chay trường. Ăn chay thì bữa ăn phải đủ 5 màu, 5 vị, mới đúng phong thủy, ngũ hành. 


Mọi thứ phải riêng hết, từ gia vị nêm nếm, xoong nồi, chén bát... Bản thân anh ăn chay cầu kì như vậy, nhưng lại vô cùng gia trưởng, không bao giờ mó tay vào chuyện bếp núc.

 

Rồi anh liên tục dè bỉu, gay gắt chuyện ăn mặn. Chính những điều này khiến mình hết sức bực mình. Một mình với 3 đứa con nhỏ đã đủ bận rộn, lại thêm những phiền phức từ ông chồng, thật sự khó mà giữ bình tĩnh.

 

Vì thế, mình đã bỏ thời gian, công sức để tìm hiểu về tu tập.

 

Theo lời của các vị minh sư thì: “Tu nghĩa là sửa. Tu thật sự là tự mình sửa những cái sai bên trong mình. Đó là quá trình trau dồi sự tăng trưởng duyên nghiệp tốt, tăng cường gieo nhân tốt và gặt quả tốt; trau dồi sự xa lánh nghiệp xấu, không trồng nhân xấu, tránh gặt quả xấu. 


Hiểu một cách đơn giản hơn, tu tập cũng chính là làm thế nào để chuyển hóa tâm mình, cách nghĩ của mình trong cuộc sống hàng ngày, trong công việc”.

 

Như vậy, việc tu tập là cần thiết, và hiện tại mình cũng cần tu tập để thoát khỏi những khổ đau đang hiện hữu xung quanh.



2. Tu tập bị ngăn cản không phải là không có lý do

Mình biết là do chồng đang phải chịu nhiều áp lực từ gia đình, họ hàng, nên muốn dấn thân vào tu tập, để giải thoát khỏi phiền não. 


Nguyên nhân khiến mình khó chịu với việc tu tập của chồng, là do anh vẫn luôn giữ thói quen vừa học vừa làm nhiều việc khác một lúc, dẫn đến bị sao nhãng, không hiểu đúng bản chất của việc tu tập. 


Những việc như cạo đầu, tụng Kinh, niệm Phật, ăn chay chỉ là hình tướng, chỉ là phần ngọn của tu hành. Đấy chỉ là tu bên ngoài thôi. 

Cốt lõi của học Phật là thực hành những điều ta học được trong quá trình tu tập.

 

Ngoài ra, khi tìm đọc các tài liệu, mình cũng phát hiện, nhiều người ngăn cản hoạt động tu tập của người thân, vì họ bị dính mắc, sợ người thân tu tập sẽ xuất gia, họ mất đi chỗ dựa cả về vật chất lẫn tinh thần.


Ví dụ như bố mẹ chồng mình, tự nhiên thấy con ăn chay, tu tập thì liên tục ngăn cản. Lý do đầu tiên mà ông bà đưa ra là ăn chay thì không đủ chất, không đủ sức làm việc, rồi sinh bệnh tật. Trước giờ cha ông bao đời đều ăn mặn, giờ tự nhiên ăn chay, cúng chay là bất hiếu.


Sau khi tâm sự nhiều, thì bố mẹ mới thổ lộ: “Con không ngăn cản nó, nếu nó xuất gia, thì con tự nhiên thành đàn bà không chồng, bọn nhỏ thành con không cha, rồi thì lấy ai chăm sóc phụng dưỡng hai cái thân già này, sao số tôi bất hạnh thế này?”.

 

Một số khác thì vì ghen tuông, cho rằng vợ, chồng lấy cớ tu tập, đi chùa, làm công quả, tham gia các hoạt động thiện nguyện để ra ngoài gặp gỡ, gian díu với người khác, bỏ bê gia đình, con cái.


Nhưng phần đông là vì không hiểu rõ về tu tập, chưa biết về Phật pháp, nên lo lắng rằng người thân của mình bị dụ dỗ lôi kéo, bị tẩy não để tham gia những tổ chức hoạt động vi phạm pháp luật, làm ra những chuyện vi phạm đạo đức, trái với đạo lý.


Những lo lắng trên không hẳn là vô căn cứ. Vì hiện nay vẫn có nhiều tổ chức mạo danh tôn giáo, tín ngưỡng để lừa đảo, mưu cầu lợi riêng.



3. Vậy làm thế nào để việc tu tập không bị ngăn cản?

Trước hết cần hiểu, nếu mình tu tập mà bị người thân cản trở, thì có thể là do phước đức mình chưa đủ, mình tu chưa đúng, hoặc do nhân duyên tiền kiếp mình đã từng ngăn cản người khác tu tập, nên giờ gặp nghịch duyên. Do đó cần cố gắng tìm đúng Chánh pháp, vượt lên hoàn cảnh mà tu tập cho tinh tấn.


Việc tu tập cần đi vào thực chất. Đó là thực hành rốt ráo những lời Phật dạy trong đời sống hàng ngày. Trong quá trình tu tập, sự giác ngộ hoàn hảo của Đức Phật chính là hình mẫu cho chúng ta dựa vào. Chúng ta sử dụng ba nghiệp của thân, khẩu, ý để làm theo tất cả mọi điều giống như Đức Phật đã làm. 


Khi thực hành giống Phật, chúng ta có thể trở thành một vị Phật, khi đó chúng ta thoát khỏi nghiệp, và không còn bị ảnh hưởng bởi nhân quả nữa.

 

Tu tập cần thực hành kiên trì, đầy đủ theo đúng thứ tự của chánh Pháp, và phải được hướng dẫn bởi những vị thầy đáng kính.

 

  • Đầu tiên là cần ý thức về vô thường, nghĩa là mọi thứ luôn thay đổi, chẳng có gì là ổn định, là mãi mãi cả, chúng ta phải hiểu và chấp nhận điều đó.

  • Thứ hai là tâm xác tín, nghĩa là cần có một đức tin tuyệt đối vào Phật Pháp, vào sự toàn giác của đức Phật có thể giúp ta thoát khổ, và quyết tâm tu tập.

  • Thứ ba là tâm từ bỏ, tức là tâm quyết định rời khỏi vòng luân hồi, thoát khỏi nhân quả, phiền não, khổ đau.

  • Thứ tư là tâm với những lời nguyện đúng đắn. Nguyện làm những điều thiện lành, không chỉ cho mình mà cho tất cả chúng sinh. Không bao giờ làm điều tổn hại đến mình và mọi chúng sinh.

  • Thứ năm là tâm tinh tấn. Nghĩa là mình nhận biết đúng căn cơ của mình để có phương pháp tu tập phù hợp, thực hành tinh tấn mỗi ngày.

  • Thứ sáu là giới luật, nghĩa là tuân thủ, trì giới các giới luật một cách nghiêm ngặt.

  • Thứ bảy là thiền định, nghĩa là thực hành thiền, sống trong chánh niệm, tỉnh thức để phát triển từ bi và trí tuệ.

  • Thứ tám là bồ đề tâm, tức là tâm từ bi, yêu thương rộng lớn tới tất cả mọi loài chúng sinh như một vị Phật, vị Bồ Tát.

 

Khi thực hành theo đúng Chánh pháp, nghĩa là trong gia đình, trước hết cần thể hiện hiếu thảo đối với cha mẹ.


Đó là thường xuyên thăm hỏi, tặng quà, âm thầm đảm bảo những nhu cầu hàng ngày của cha mẹ. Đồng thời luôn bao dung, yêu thương người thân, những người gần gũi ta nhất. Và điều quan trọng hơn là khiến họ luôn yên tâm, không còn lo lắng, hay sợ hãi việc sẽ bị mất đi chỗ dựa.

 

Khi bố mẹ chồng liên tục phàn nàn về việc ăn chay sẽ thiếu chất, thì mình nhanh chóng giải thích rằng, so với tiêu chuẩn y tế thế giới, thì anh hoàn toàn khỏe mạnh. Cơ thể cân đối là nhờ ăn uống đủ chất và tập luyện điều độ


Quả thật mình cũng mất khá nhiều thời gian, để thay đổi quan niệm sai lầm của bố mẹ rằng “khỏe là phải mập mạp, có bụng bia như người ta”. Sau đó mình giúp ông bà thôi lo lắng bằng cách khẳng định rằng chồng mình sẽ không xuất gia đâu (ít nhất là trong vòng 5 năm tới), và anh ấy vẫn làm tốt công việc hiện tại, vì thế bố mẹ không cần lo lắng.

 

Trong công việc, hiểu được nhân duyên quả, để gieo trồng những nhân duyên tốt, làm những việc thiện lành. Luôn đoàn kết, hiểu thương, nâng đỡ đồng đội để công việc có kết quả tốt nhất. Quán chiếu từng hành động, từng suy nghĩ, lời nói, xem đã đúng với tâm thế của người tu tập hay chưa?


Nếu như mình vẫn còn thô tháo, hấp tấp, vội vàng thì cần chỉnh sửa thế nào? Chỉ cần gieo liên tục những ý nghĩ thiện lành, thì một ngày kia, những ý niệm ấy sẽ biến thành hành động, và thành thói quen, tức là mình đã chuyển được nghiệp.

 

Tu tập đúng Chánh pháp là quá trình thanh lọc thân tâm, nỗ lực trau dồi Giới - Định - Tuệ, để từng bước đoạn trừ các uế nhiễm trong tâm mình. Mọi nỗ lực trang nghiêm cho hình thức bên ngoài là cần thiết, nhưng đó chỉ là phương tiện. Cái cốt lõi vẫn là chuyển hóa được cấu uế, dơ bẩn trong tâm mình, hướng về những điều thiện lành, phát triển từ bi, trí tuệ.


 

Mình là người tu tập, mình chuyển hóa, trở nên dễ thương, kiên nhẫn hơn trước. Nhờ có tu, mình biết về từ bi, trí tuệ, mình bao dung người thân. 


Khi tình thương của mình đủ lớn, thì người thân chắc chắn không còn ngăn cản, mà còn hỗ trợ hết mình, thậm chí tự nguyện thực hành theo. Còn nếu chỉ chăm chăm vào hình thức, thì mãi vẫn cứ lẩn quẩn trong vòng đau khổ, không chỉ cho mình mà cho cả người thân, thậm chí còn cản trở người thân đến với con đường tu tập Chánh pháp.


Tóm lại, tu là sửa mình, chứ không phải là sửa người. Chỉ cần kiên trì tu tập theo đúng chánh pháp, thực hành lối sống tỉnh thức, trọn vẹn với hiện tại, chắc chắn sẽ chuyển hóa chính mình và người thân, không còn lo bị cản trở.


Cảm ơn vì bạn đã đọc bài chia sẻ. Nếu bạn cũng đang gặp phải những rắc rối giống gia đình mình, hãy bình luận bên dưới để chia sẻ câu chuyện nhé!


***

 

Nội dung: Mơ Hiền Hoà - Học viên Content C3G K6

Biên tập: Khánh Vi

Hình ảnh: Minh Yến


Nguồn tham khảo:

-Làm sao để toàn tâm tu tập mà không bị vướng mắc điều gì? phatgiao.org.vn

-Quy luật chuyển hoá. WIT

-Thế nào là tu tập. ô-hay.vn

-Những câu nói, lời dạy của thầy trong suốt về tu hành. ô-hay.vn 


>>>Tìm hiểu thêm: Đi tu có phải là thất bại?



71 views0 comments

Comments

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating
Untitled-1.jpg

Cùng chung lý tưởng
“Giáo dục chuyển hoá 3 Gốc”

Trang thư viện 3 Gốc mong nhận được phản hồi, động viên hoặc “ủng hộ” tuỳ hỷ đến từ độc giả. Bởi đây là thông điệp ngầm nhắn gửi “Những gì chúng tôi làm mang giá trị thiết thực đến cho mọi người”, giúp 3GOC.VN sẽ ra mắt nhiều nội dung giá trị hơn trong thời gian tới. 

Trí nhân

Đóng góp tài năng viết lách của mình cho trang

01

Tài vật

Đóng góp bằng tài chính

02

Nội dung chuyển khoản:

3goc.vn_Tên_Điều nhắn gửi

Số Tài Khoản: 215962349

Ngân hàng: ACB - PGD Vạn Hạnh

Tên tài khoản: Bùi Thị Thanh

z5270840594423_a3c1e7ba81d7effac77193110559e12d.jpg
bottom of page