top of page

BÍ QUYẾT VƯỢT QUA NỖI SỢ CHẠM LẤY ƯỚC MƠ

Updated: Mar 18

Dường như nỗi sợ là một điều gì đó rất vô hình nhưng dai dẳng. Nó như những bóng đen lập lờ xung quanh mỗi khi chúng ta nghĩ tới điều gì, hay chuẩn bị làm điều gì. Nỗi sợ là tiếng nói, là cảm giác, hay là sự run rẩy.


Nỗi sợ không chừa một ai, từ những đứa trẻ đến vị thành niên, từ những người trưởng thành đến những người cao tuổi. Chúng ta không thể thoát khỏi nỗi sợ, nó biến chuyển vào mỗi thời kỳ của cuộc sống.


Quỳnh Tiên - Học viên Content 3 Gốc xin mời độc giả Blog 3 Gốc cùng mình đào sâu hơn vào nỗi sợ nhé! Bài viết không hy vọng bạn hết sợ, hy vọng gieo hạt giống nhỏ tươi mới hơn của nỗi sợ.





MỤC LỤC


1. Nỗi sợ là như thế nào?

Nếu tìm hiểu về nỗi sợ, bạn sẽ thấy có rất nhiều định nghĩa cho cụm từ này từ góc nhìn tâm lý, sinh lý và cả bệnh lý. Tuy nhiên, trong giới hạn bài này, mình muốn đề cập đến nỗi sợ ở góc nhìn gần gũi hơn, sát với những trải nghiệm của bạn.


Nỗi sợ trước hết là một cảm xúc rất bình thường, luôn hiện diện song hành với các cảm xúc khác như hạnh phúc, tức giận, buồn bã, ngạc nhiên…Mỗi cảm xúc mang đến cho bạn nhiều loại cảm giác khác nhau trên cơ thể, và nỗi sợ cũng vậy.


Nỗi sợ là một điều gì đó vô hình không rõ ràng khi bạn bắt gặp một sự việc trong cuộc sống hoặc đang suy nghĩ tới điều gì…

Ví dụ như bạn cảm thấy căng thẳng tinh thần, gồng cứng trên đôi vai; hoặc cảm thấy bồn chồn, lo lắng ở phần bụng; hoặc ánh mắt bạn không dám đối diện với một điều gì, nó khiến bạn rụt rè, toát mồ hôi, nóng người, lạnh người khi một sự việc gì đó diễn ra; hoặc vừa suy nghĩ, dự định một kế hoạch bạn cảm thấy không an toàn.

Đó có thể là hình dáng của nỗi sợ.


Thông thường nỗi sợ bị xếp vào cảm xúc tiêu cực, mà đã là không tốt bạn thường chống đối hoặc lẩn tránh. Góc nhìn này có phải là tổng thể của nỗi sợ không, chúng ta cùng đào sâu hơn nhé.





2. Bản chất của nỗi sợ

Để hiểu về nguồn gốc của nỗi sợ, chúng ta sẽ cùng phân tích dựa trên 2 quan điểm, nhờ vậy bạn sẽ thấy được góc nhìn đa chiều hơn.

2.1 Dưới góc nhìn cơ chế não bộ

Sợ hãi là một cơ chế tự vệ bắt nguồn từ “não bò sát” bên trong mỗi người. Não bò sát có chức năng điều khiển hệ thống bên trong cơ thể mà không cần chỉ thị của cảm xúc hay tư duy.


Nó là cơ chế phản xạ không điều kiện, có nghĩa là cảm giác sợ sẽ xuất hiện mà không cần phải xin phép. Nếu con người cảm thấy nguy hiểm hay bị đe doạ, nỗi sợ sẽ xuất hiện.


Đó là lý do vì sao bạn luôn có cảm giác sợ hãi khi ở một mình, khi bước ra đường hoặc đang ngồi với một đám đông. Cơ chế tự vệ này sẽ nảy sinh ra hai hành động một là chiến đấu, hai là chạy trốn. Có thể bạn không hành động ngay tức thì, nhưng trong suy nghĩ bạn luôn có 2 trạng thái đó.





2.2 Dưới góc nhìn tâm thức

Bạn sẽ luôn cảm thấy lo lắng, sợ hãi khi mình không hiểu rõ một điều gì đó, hoặc bạn không làm chủ được một việc nào đó.


Khi bạn không hiểu rõ một điều gì, bạn thường có xu hướng suy diễn, vọng tưởng ra những điều không có thật. Những điều không có thật ấy làm bạn lo lắng bởi vì bạn muốn đạt được nhưng không biết cách, hoặc bạn cảm thấy điều suy diễn đi ngược lại với mình, bạn muốn đẩy nó đi.


Còn khi bạn không làm chủ được một điều gì, tâm bên trong muốn điều khiển sự việc này phải đi theo ý mình muốn, hoặc nếu sự việc đó quá sức khiến bạn không thể cố gắng hơn nữa, bạn sẽ thể hiện tâm chối bỏ, muốn vứt nó sang một bên. Nhưng đâu có dễ dàng như vậy, muốn điều khiển hay muốn chối bỏ vẫn không thuộc quyền kiểm soát của bạn, tức giận về điều đó cũng làm bạn lo lắng.


Dù diễn ra dưới hình thức nào thì ẩn chìm bên dưới là yếu tố 3 độc (tham - sân - si). Đó là muốn nắm kéo về những thứ mình yêu thích, muốn đẩy đi những điều làm mình không vui, và bởi vì thiếu hiểu biết rõ nên mình cứ dùng dằng 2 trạng thái trên.


Yếu tố 3 độc ai sinh ra cũng đều có, nó không chừa một ai và chúng ta là người bình thường cũng chỉ chuyển hoá được phần nào. Cho nên nỗi sợ là một điều hiển nhiên mà không thể chối bỏ.





Từ hai góc nhìn trên, chúng ta cũng rút ra được đúc kết như sau:

-Nỗi sợ là cơ chế có sẵn nằm trong bộ não bò sát của con người

-Nỗi sợ là kết quả của việc vận hành tâm 3 độc tham-sân-si


Hiểu về bản chất nỗi sợ, dám đối diện với nó ta sẽ thấy nỗi sợ đang len lỏi bên trong mỗi người dưới rất nhiều hình tướng, thuộc nhiều độ tuổi.


3. Nỗi sợ đem lại ảnh hưởng xấu hay tốt?

Có thể nói nếu bối cảnh chúng ta đang ở thời nguyên thuỷ, khi mà sự sống còn của con người mỗi giây phút đều bị đe dọa bởi thú dữ, thiên tai, nguồn lương thực khan hiếm, nguồn nước…thì sợ hãi là một điều tốt.


Nó là một cơ chế cảm biến nhanh nhạy giúp con người đưa ra quyết định chiến đấu hay chạy trốn trước khi nguy hiểm gần kề trước mặt. Tuy nhiên, trong thời hiện đại khi mà những nhu cầu căn bản như ăn uống, nghỉ ngơi, hay cuộc sống không rình rập nhiều nguy hiểm như thời xưa, thì sợ hãi thái quá sẽ mang đến nhiều điều không tốt.


Ngoài não bò sát, chúng ta đã phát triển thêm não thú - thiên về cảm xúc, và não người - thiên về tưởng tượng, tư duy. Nếu cả 3 chức năng não này không được phát triển đồng đều. Chúng ta khó mà sống sót được trong xã hội hiện nay.


Nếu chỉ toàn sợ hãi của não bò sát, chúng ta không thể kết nối với người khác, và cũng không thể định hướng cho cuộc sống của chính mình.


Hiểu được sự cân bằng này, chúng ta cũng cần hiểu thêm một điều nữa. Đó là nền giáo dục hiện nay đang tập trung vào việc kích thích sự phát triển của não bò sát, thay vì não thú, và não người. Nói cách khác, những đứa trẻ hiện nay đang vô thức được thụ hưởng môi trường tham - sân - si rất nhiều.


Những đứa trẻ này sẽ lớn lên mang theo nỗi sợ đến lúc chúng trưởng thành trở thành sinh viên, trở thành người đi làm, trở thành cha mẹ. Và rồi chúng lại truyền bản năng sợ hãi cho con của chúng.


Một vòng luẩn quẩn như thế, giáo dục chúng ta thụ hưởng từ ngày xưa đầy sự răn đe, đưa ra nhiều nỗi sợ trong tưởng tượng của người lớn. Những đứa trẻ hồn nhiên vô thức học theo rất nhiều nỗi sợ mà người lớn mang đến.





4. Nỗi sợ và những ước mơ

4.1 Đứa trẻ và những nỗi sợ

Bạn có thể quan sát những đứa trẻ bên cạnh mình từ lúc còn nhỏ đến khi chúng 6 tuổi.

Đó là thời điểm chúng dường như rất ít nỗi sợ. Những đứa trẻ tò mò, lao vào khám phá mọi thứ với niềm hân hoan.

  • Chúng thích bước đi thật nhanh dù rằng sẽ bị té

  • Chúng thích đưa mọi thứ vào miệng miễn là trong tầm tay

  • Chúng sẵn sàng cho ngón tay vào ổ cắm điện để xem đó là gì

  • Chúng thích bò lăn lê dưới đất để hơi mát của đất trên da

  • Chúng thích hỏi 1000 câu hỏi Vì sao khi bắt gặp một hiện tượng thú vị

Nhưng càng lớn dần, chúng càng sợ nhiều thứ hơn.

Bởi vì bố mẹ, ông bà và thầy cô sẽ nói:

  • Phải cẩn thận không được làm vỡ bát đĩa, không được vẽ bậy lên tường nghe chưa, nếu không không sẽ bị phạt.

  • Con mà còn gào khóc không chịu ăn cơm nữa là ông ba bị sẽ bắt con đi

  • Sao em không học thuộc bài, dễ thế mà không nhớ hả, sao em vô dụng vậy

  • Em nhìn xem bạn A, bạn B nè thấy bạn làm bài dễ không, bạn ngoan ngoãn chứ có phá phách như em đâu.

  • ...

Từ những đứa trẻ ít nỗi sợ, chúng được người lớn tự nguyện tạo ra một thư viện nỗi sợ. Với một cái đầu non nớt như thế, việc não bò sát bị kích thích liên tục làm nỗi sợ phát triển nhanh hơn.


Những nỗi sợ của người lớn tưởng chừng khác nhau nhưng đều vận hành trên tham-sân-si. Người lớn vì không hiểu rõ cơ chế này nên cho rằng mình cảnh báo, đe dọa đứa trẻ sẽ là một điều tốt. Bởi vì như thế chúng sẽ ngoan ngoãn và an toàn.





4.2 Tuổi trẻ và những ước mơ chưa kịp hình thành

Những đứa trẻ dần lớn lên thành trẻ vị thành niên nhưng bên trong nó vẫn là những tiếng vọng vô thức.


Nỗi sợ càng lớn, sự căm giận bố mẹ càng tăng. Chúng sẽ muốn mình lớn thật nhanh để thoát khỏi vòng tay bố mẹ. Chúng sẽ ghét cái đứa mang tên “con nhà người ta” vì chính nó mà mình bị la. Và hiển nhiên chúng sẽ tự hỏi lí do gì mình phải bắt chước cái đứa mình ghét. Hình mẫu con ngoan trò giỏi biến mất.


Chúng sẽ bị mù mờ, dẫn dụ bởi những người lạ mặt nói rằng “Mình hiểu bạn mà, bạn không hề cảm thấy thoải mái với gia đình đúng không, game này vui lắm chơi đi, điếu thuốc này thơm lắm hút thử đi…”


Bố mẹ chúng cũng sợ, bởi vì họ cũng được ông bà dạy dỗ trên nỗi sợ. Một sự sao chép y chang mà không ai nhận ra. Cho nên nếu nói ra ước mơ, bố mẹ thay vì cỗ vũ, lắng nghe họ sẽ đưa cho chúng hàng tá nỗi sợ, mà những lo lắng này không phải của chúng, mà là của bố mẹ chúng.


Dần dần, niềm vui thích, sự trong trẻo, vui tươi, tò mò thời thơi ấu bị che lấp, mất dần đi.





4.3 Giá trị bản thân ở đâu khi đầy nỗi sợ

Dần lớn lên, bạn đã trở thành người lớn và không ngừng tự hỏi “Mình tồn tại trên đời này có giá trị, ý nghĩa gì?”.


Nếu ngay lúc này mình hỏi bạn rằng “Bạn đang suy nghĩ gì?”, chắc hẳn bạn sẽ trả lời ngay lập tức “Mình lo lắng việc này, sợ hãi việc kia, mình không tin mình làm được…” thay vì nói “Mình cảm thấy hứng thú với điều này, mình say mê với việc kia…”.


“Một cái đầu đầy nỗi sợ hãi sẽ không còn chỗ trống cho những ước mơ”. Nó là hệ quả của một hành trình lớn lên như các bạn đã đọc ở trên.


Vào thời điểm bạn là sinh viên, là lúc bạn có quyền quyết định cho cuộc đời mình. Bạn lúc này sợ hãi và thiếu tự tin, bạn chối bỏ sự tồn tại của bản thân, bạn không biết giá trị của mình ở đâu.


  • Bạn mơ làm giáo viên vùng cao, tiếng nói trong bạn nói rằng ở đó rất khổ lại không có tương lai. Giấc mơ đem kiến thức đến cho các em nhỏ chưa kịp nở đã tàn.

  • Bạn mơ làm nhà khoa học để giải quyết vấn đề rác thải. Tiếng vọng bên trong nói với bạn rằng một mình bạn không đủ sức để giải quyết vấn đề xã hội, nên làm gì đó để kiếm tiền thì tốt hơn.

  • Bạn mơ mình sẽ là một người vợ, người mẹ nuôi dạy con tốt, xây dựng tổ ấm gia đình. Nhưng tiếng vọng lại nói phụ nữ là phải “nữ quyền” phải kiếm được tiền để không phụ thuộc. Và bạn cho rằng ước mơ của mình không giá trị


Rất nhiều giấc mơ đã lên tiếng nhưng rồi nó nhanh chóng bị đè bẹp bởi định kiến. Niềm tin về bản thân cũng vì thế mà mất dần đi. Một khi bạn không còn tin mình làm được, nghĩa là việc đó chính xác sẽ không thành hiện thực.


Cứ thế bạn già đi, đến khi bạn không còn đủ sức lao động, bạn sẽ cho rằng mình vô dụng vì chẳng có gì để cho đi cả. Bởi vì quá hoảng sợ: sợ phán xét, sợ mình không đủ giỏi, sợ nghèo, sợ xấu, sợ mình khổ…mà bạn bỏ lỡ cả một cuộc đời tươi trẻ.





5. Vượt qua nỗi sợ như thế nào?

Muốn vượt qua nỗi sợ, chúng ta không thể xóa nó đi, chúng ta chỉ có thể làm bạn với nó. Bắt nỗi sợ luôn song hành với mình để mình luôn nhìn thấy nó rõ ràng.


Muốn làm được như thế chúng ta cần có Trí Tuệ. Mà để vun bồi Trí Tuệ chúng ta cần 2 trợ thủ đắc lực là Đạo Đức và Nghị Lực.


Dưới đây mình gợi ý một số giải pháp để vượt qua nỗi sợ, bạn có thể chọn cho mình cách phù hợp để ứng dụng nhé.


5.1 Lắng nghe và chấp nhận con người mình trọn vẹn

Con người chúng ta là một giống loài bất toàn, không hoàn hảo. Điều hoàn hảo là chúng ta phải hiểu rõ được bản thân là tổng hòa của nhiều yếu tố, và chấp nhận nó hoàn toàn.


Làm được điều này chúng ta cần có Đạo đức, đó chính là tình yêu thương. Không phải yêu thương ai khác mà chính là bản thân mình trước. Tình yêu thương chính mình chính là luôn ưu tiên lắng nghe từng suy nghĩ, thổn thức, nỗi sợ, lo lắng, tự ti, điểm sáng… của mình.


Lắng nghe thật kỹ và để cho bản thân mình được diễn ra như vốn có. Tự mỗi người sẽ phát triển theo cách riêng nếu chúng ta lắng nghe và chấp nhận nó từng giây, từng phút… Điều này đòi hỏi một sự điềm tĩnh, kiên nhẫn với chính bản thân.





5.2 Xuyên qua nỗi sợ

Khi đã lắng nghe và chấp nhận con người của mình. Bạn lúc ấy sẽ thấy rõ nỗi sợ của mình nhiều hơn. Nó đến từ những hình thức nào.


Lúc này thay vì né tránh bạn hãy học cách đối diện để đi xuyên qua nỗi sợ. Đã từng có rất nhiều người áp dụng và chia sẻ rằng “Khi họ dám thử một lần chấp nhận vượt qua nỗi sợ ấy, dường như lần 2 cảm giác lo lắng không còn nữa”.


Ví dụ bạn là người sợ nói trước đám đông, bạn hãy thử giơ tay một lần phát biểu trong một nhóm nhỏ tầm 2-3 người trước. Sau đó bạn tăng dần số lượng người lên 5-10 người. Mỗi lần vượt qua thử thách như vậy, bạn lại tăng cho mình cảm giác tự tin hơn khi nói.


Một ví dụ nữa là bạn sợ bị người khác chê mình xấu. Vậy hãy thử một ngày ra đường bạn không trang điểm, mặc quần áo đơn giản, gọn gàng. Ngày hôm đó bạn thử cười nhiều hơn và quan sát xem cách mọi người giao tiếp với bạn như thế nào, bạn sẽ thấy điều kì diệu.


Một cách xuyên qua nỗi sợ thường được mọi người áp dụng đó là rèn cho mình tính nghị lực. Bằng cách tham gia các thử thách, tham gia các trò chơi vượt giới hạn, đặt mục tiêu ra khỏi vòng an toàn. Để rèn nghị lực nhanh nhất bạn có thể tham gia đi trekking, học võ, các khoá huấn luyện quân đội ngắn ngày…





5.3 Vun bồi sự hiểu biết

Những nỗi sợ bản năng khi chúng ta cảm giác mình gặp nguy hiểm, hay những nỗi sợ vu vơ diễn ra liên tục khi mình lo lắng cho tương lai, hay khi mình không kiểm soát được một điều gì đó. Đó đều xuất phát từ việc chúng ta không có sự hiểu biết đúng.


Sự hiểu biết đúng chính là Chánh Kiến. Đó là nhìn thấy sự việc, tình huống ở chiều tổng quan, sau đó đào sâu để hiểu cặn kẽ, tường tận. Cách để làm được điều đó chính là quy trình Quan sát đa chiều - Phân tích - Đúc kết lõi.


Quy trình này tưởng chừng đơn giản nhưng thật ra cần rất nhiều nỗ lực. Vì mỗi nỗi sợ xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân và hình tướng của nó cũng muôn vàn kiểu. Để bạn nhận diện ra được nỗi sợ rõ ràng cũng đã là một sự luyện tập khả năng định tĩnh. Để bạn có thể đủ kiên nhẫn phân tích và đúc kết cũng đòi hỏi bạn một khả năng tư duy, chiêm nghiệm liên tục.


Đúc kết xong bạn phải dành ra rất nhiều năm tháng để ứng dụng nó thì lúc ấy nỗi sợ mới dần vơi đi. Bạn đã đủ hiểu biết để đứng trên vấn đề nhìn xuống. Bời vì thật ra nỗi sợ là do bạn không hiểu rõ về nó hoặc bạn không kiểm soát được. Chỉ có trí tuệ mới chuyển hoá được nỗi sợ.


Ngoài ra để có hiểu biết đúng, không thể thiếu môi trường Tam Bảo - thầy, sách, bạn. Môi trường đó bạn có thể tùy chọn theo ý muốn, không nhất thiết ai cũng phải giống ai. Nơi đó bạn được là chính mình, được tôn trọng và thấu hiểu. Có như thế trí tuệ của bạn mới nhanh được khởi sinh.





6. Kết luận

Sợ hãi không phải là bạn và nó không có thật. Con người chỉ sợ những gì bản thân chưa biết, nên nếu biết rồi sẽ không còn sợ quán nhiều thứ nữa. Hãy để cho tâm trí luôn được nuôi dưỡng với những ước mơ cùng nỗi sợ.


Ước mơ để bạn tiến lên, và nỗi sợ là một người canh cửa giúp bạn không bị ảo tưởng trong những giấc mơ quá lớn. Lúc ấy cuộc sống là một sự cân bằng.


Sau cùng, bạn nhận được giá trị nào từ bài viết này hãy bình luận bên dưới cho Blog 3 Gốc biết nhé.


Nội dung: Quỳnh Tiên - Học viên Content 3 Gốc

Biên tập: Khánh Vi

Hình ảnh:




256 views0 comments

Commentaires

Noté 0 étoile sur 5.
Pas encore de note

Ajouter une note
Untitled-1.jpg

Cùng chung lý tưởng
“Giáo dục chuyển hoá 3 Gốc”

Trang thư viện 3 Gốc mong nhận được phản hồi, động viên hoặc “ủng hộ” tuỳ hỷ đến từ độc giả. Bởi đây là thông điệp ngầm nhắn gửi “Những gì chúng tôi làm mang giá trị thiết thực đến cho mọi người”, giúp 3GOC.VN sẽ ra mắt nhiều nội dung giá trị hơn trong thời gian tới. 

Trí nhân

Đóng góp tài năng viết lách của mình cho trang

01

Tài vật

Đóng góp bằng tài chính

02

Nội dung chuyển khoản:

3goc.vn_Tên_Điều nhắn gửi

Số Tài Khoản: 215962349

Ngân hàng: ACB - PGD Vạn Hạnh

Tên tài khoản: Bùi Thị Thanh

z5270840594423_a3c1e7ba81d7effac77193110559e12d.jpg
bottom of page