top of page

TỰ TIN CỞI TRÓI "TỰ TI"

Updated: Mar 18

Có khi nào đứng trước những tình huống cần BIỂU HIỆN bản thân, bạn ngập ngừng vì N nỗi sợ: Sợ bản thân yếu kém, không đủ năng lực; Sợ sai và bị chê cười; Sợ không thể vững vàng đi đến tương lai.


Mỗi lần tụ họp, bạn muốn nói lên ý kiến của mình vô cùng nhưng lại rụt rè vì lo lắng ai đó phán xét, chê bai; tự suy diễn rằng mọi người sẽ nghĩ mình hời hợt, nông cạn, tầm thường. Cảm nhận của bạn luôn là ai ai cũng TỰ TIN và siêu giỏi, còn mình thì quá đỗi kém cỏi trong cái lạt tự buộc mình là TỰ TI.


Nếu bạn muốn thoát khỏi cảm xúc mặc cảm khiến cuộc đời cứ mãi chùng chình, khao khát muốn CỞI TRÓI LINH HỒN, tin vào bản thân thay vì CẢ ĐỜI NGƯỠNG MỘ và so sánh với người khác thì blog 3 gốc xin dành riêng tặng bạn bài viết này!



MỤC LỤC



1. TỰ TI VÀ TỰ TIN - CÂU CHUYỆN VỀ CHỮ N


Cuộc sống luôn luôn tồn tại ở 2 mặt tích cực và tiêu cực. Nếu như tự tin là một yếu tố được mọi người coi là tích cực thì tự ti lại khiến cho người ta hướng đến những điều tiêu cực nhiều hơn. Chỉ khác nhau một chữ cái, thế nhưng giá trị tạo ra lại cách biệt rất lớn.


1.1 Tự ti là gì?


Tự là tự mình.

Ti là thấp kém, nhỏ bé.

Tự ti chính là bản thân tự cho mình là kém cỏi, không bằng người khác trên mọi phương diện (ngoại hình, năng lực, tư duy, sự hiểu biết…). Chính vì vậy dù không bị bên ngoài tác động thì bản thân ta cũng không dám thể hiện, bộc lộ, luôn tự thu mình lại, thậm chí tự trói buộc mình trong cái vỏ bọc rụt rè, nhút nhát hoặc cố gắng che đậy con người chân thật bằng những chiếc mặt nạ cuộc đời.


Đó thật sự là một cảm giác không hề dễ chịu khi đối diện trước đám đông. Và khi chỉ còn một mình, nhớ lại những người đầy tự tin xung quanh, mỗi ngày một xinh đẹp, mỗi ngày một thành công, mỗi ngày đều vui vẻ, ta lại tự trách mình sao mà vô dụng và nhàm chán, tẻ nhạt đến vậy? Dù khoảng cách của sự khác biệt giữa bạn và những người đó trên phương diện ngôn từ chỉ hơn nhau 1 chữ N.


Tự ti chính là bản thân tự cho mình kém cỏi, không bằng người khác trên mọi phương diện
Tự ti chính là bản thân tự cho mình kém cỏi, không bằng người khác trên mọi phương diện

1.2 Bức tranh cuộc sống u buồn của người tự ti


Tự ti không có nghĩa là ta không có năng lực.

Tự ti là khi ta tự phủ nhận điểm mạnh, chăm chăm thổi phồng điểm yếu và đồng nhất mình với nó mà thôi.

Vậy nên khác với thế giới đầy sắc màu, tươi vui và sống động của người tự tin, bức tranh cuộc sống của người tự ti có vẻ trầm lắng nhưng đầy u buồn và đôi khi mỏi mệt.


Không dám thể hiện bản thân


Là người tự ti, thường khi bước đi ta hay cúi thấp; trong giao tiếp ta rất rụt rè; trong đám đông ta tìm cách để được im lặng. Ta không muốn trở thành tiêu điểm, thậm chí hay tránh né để được ở một mình. Khi trình bày quan điểm cá nhân, ta luôn giống như đang nhường người khác tỏa sáng nhưng sự thật là ta không dám thể hiện bản thân.


Trong cuộc sống, ta sẽ luôn bắt gặp những trường hợp như thế này: có những người chỉ tự ti ở một lĩnh vực nhất định, khi họ chưa hiểu rõ và quen thuộc. Nhưng sẽ có những người tự ti ở mọi việc, thậm chí có tìm hiểu kỹ cũng vẫn thấy mình chưa đủ giỏi. Mọi thứ đối với họ đều quá tầm với và họ sẽ chỉ cảm thấy an toàn với chiếc vỏ ốc tự ti do chính mình tạo ra.


Một cô gái có giọng hát trời ban, yêu âm nhạc đến cuồng nhiệt thế nhưng với thân hình mập mạp cô ấy chưa từng dám cất giọng hát trước mặt mọi người, cũng như chưa từng dám ước mơ trở thành một ca sĩ. Một cậu bé thông minh học giỏi Toán nhưng người lớn suốt ngày chê bai khả năng học Văn “chẳng ra làm sao” khiến cậu hoài nghi và thấy mình kém cỏi. Một người luôn hãnh diện về ngoại hình và tràn đầy sức sống nhưng vì hỏa hoạn khiến mặt cô có vết sẹo lớn, từ đó không ai thấy cô cười hay ra ngoài với mọi người nữa. Vậy là những ước mơ của họ vô tình bị dừng lại một cách oan ức. Chỉ bởi tự tô đậm, thổi phồng khuyết điểm nên cũng như ta, họ chẳng còn dám thể hiện bản thân, chẳng dám để những giấc mơ được cất cánh nữa.


Tóm lại, nếu phải trình bày, thể hiện, chứng tỏ cái gì đó thì người tự ti là ta sẽ thường lựa chọn chạy trốn. Nếu áp suất làm cái gì đó trước đám đông thì 100% tim ta như muốn bay ra khỏi lồng ngực, chấp nhận thua vô điều kiện.


Luôn so sánh và thấy mình kém cỏi hơn người khác


Dù ưa sự nhạt nhòa, thích hòa vào đám đông để không bị chú ý, nhưng với xu hướng mặc cảm về bản thân mình, ta lại thường đi so sánh và nhận thấy ai cũng hơn mình về mọi thứ:

  • Ra ngoài thấy ai ai cũng ăn mặc chỉn chu, model, ngoại hình đẹp hơn mình.

  • Khi làm việc thấy ai cũng tư duy giỏi hơn mình, làm việc xuất sắc hơn mình, thành công hơn mình, giàu có hơn mình.

  • Giao tiếp thấy ai cũng linh hoạt, tự tin, lưu loát, năng động, giỏi xoay sở hơn mình.

Tóm lại trong vế so sánh này, ta luôn luôn thấy cán cân nghiêng về phía đối phương. Tức là ta tự thấy mình kém cỏi hơn, nhỏ bé hơn, yếu đuối hơn người khác. Chưa bước đi ta đã tự hù dọa mình bằng vô vàn nỗi sợ. Chưa chiến đấu ta đã tự nhận thua vô điều kiện rồi.


Bởi đội lên đầu suy nghĩ bản thân kém cỏi nên ta rất tin tưởng vào ý kiến, quan điểm và sự trình bày của người khác. Ta sẽ rất dễ bị thao túng tâm lý bởi thấy ai nói cũng đúng và trở nên mong manh trước những sự phản đối. Dần dần phép so sánh ấy khiến ta chỉ biết chạy đi ngưỡng mộ người khác, than thân trách phận mình. Ta cũng chẳng biết đã đánh mất bản thân từ lúc nào khi chỉ chăm chăm muốn trở thành phiên bản của một ai đó.


Luôn muốn có một phép màu diễn ra để được bay cao, bay xa với những ước mơ cháy bỏng nhưng thầm kín, vậy nhưng thật tiếc khi ta lại chọn nhầm phép có tên là phép so sánh, để rồi vô tình tự vùi dập mình.


Người tự ti luôn so sánh và cảm thấy bản thân kém cỏi hơn so với người khác
Người tự ti luôn so sánh và cảm thấy bản thân kém cỏi hơn so với người khác

Luôn bị trói buộc và bủa vây bởi nỗi sợ hãi


Những người tự ti thường hay sống trong vòng an toàn, tuân thủ gần như tuyệt đối những quy định và hầu như không dám phá cách để trở nên mới mẻ và độc đáo. Vì sao vậy?


Bởi vì ta có những nỗi sợ khủng khiếp thường trực:

  • Sợ mất lòng của người khác: Vì lúc nào cũng cho rằng người khác giỏi hơn nên lúc nào ta cũng để ý xem người khác nghĩ gì về mình, bàn tán như thế nào về mình. Nếu phát hiện ra người khác có những bàn luận không tốt thì ta sẽ rất phiền muộn, lo lắng, bất an đến tội nghiệp.


  • Sợ bị phán xét: Nỗi sợ này khiến cho ta luôn phải nhìn sắc mặt của người khác để sống. Ta không dám thể hiện bởi sợ ý kiến của mình sẽ bị chê bai, bị cho rằng đã sai, rằng quá nông cạn, vụng về.


  • Sợ thất bại: Dù rất ngưỡng mộ những người tự tin nhưng người tự ti là ta luôn cho rằng mình sẽ không thể làm được như vậy. Dù ta cũng khao khát được thay đổi, được thành công, đạt được thành tựu nhưng ta luôn cho rằng với khả năng hiện tại, điều đó là bất khả thi.


Đội lên đầu n nỗi sợ và suy nghĩ bản thân luôn kém cỏi hơn người khác, ta trở nên nhạt nhòa trước đám đông luôn chủ động và đầy cá tính. Mỗi ngày trôi qua, ta lại cóp nhặt thêm nỗi sợ, gặt thêm sự mặc cảm rằng mình là kẻ thất bại trong cuộc đời này. Và chẳng cần trưng bày, ta cũng nhận rõ được cuộc sống của mình ngột ngạt, chật chội đến chừng nào!


Khi thời gian cứ lặng lẽ trôi...

Ta lần lượt thấy những người bạn xưa cũ của mình lột xác bởi những thành công ồ ạt. Thậm chí cả những người năng lực thấp hơn ta trước đó nhưng với sự tự tin tuyệt vời cũng đã đón lấy vô vàn ánh nắng rực rỡ của mặt trời đầu hạ. Chỉ còn ta, vẫn một mình chôn chân tại chỗ cũ, lạc lõng giữa thời cuộc, bí bách vì chiếc xiềng xích siết chặt tâm hồn mình như kẻ tội đồ. Ta lại càng thấy mình bé nhỏ giữa thế gian vội vã không ngừng đổi mới, chảy trôi…


Chẳng lẽ cả đời mình chỉ để đi ngưỡng mộ người khác thôi ư? Biết rằng mình chẳng thể trốn chạy nỗi sợ mãi mãi, ta cố hòa mình vào đám đông nhưng càng đi về phía ấy ta càng thấy mình lạc lõng. Càng cố gắng thể hiện bản thân thì lại càng nhận ra mình thật vụng về, khờ dại. Càng hướng ra bên ngoài ta càng thấy bất an hoài.


Quẩn quanh trong suy nghĩ rối bời không lối thoát, ta tự tạo cho mình bức tường kiên cố, ngăn cách bản thân chạm đến những thành công cũng như những giá trị lớn lao mà nếu không tự ti ta có thể tạo ra dễ dàng.


1.3 Tự ti và tự tin - sự khác nhau của một chữ N


Nếu tự tin là chiếc chìa khóa đưa ta đến mọi thành công thì tự ti chính là hòn đá cản đường khiến ta thụt lùi và thất bại.

Nếu tự tin mang đến cho chúng ta sức sống tươi mới thì tự ti đẩy ta vào thế giới của những nỗi sợ, bất an và một hình hài luôn ủ rũ, dễ tan vỡ.

Tự tin chính là tin vào những gì đang hiện diện của bản thân còn tự ti là phủ nhận, chối bỏ chính mình.


Người tự tin sẽ toát ra năng lượng tích cực, thu hút và hấp dẫn những người xung quanh. Họ dám nói ra những gì mình đang nghĩ, tự tìm niềm vui cho mình. Họ không ngần ngại khó khăn và cũng không trốn tránh những điểm hạn chế của bản thân. Với người tự tin, thử thách là cơ hội để hoàn thiện mỗi ngày.


Ngược lại, người tự ti thường không có sự tin tưởng vào bản thân, luôn đánh giá thấp năng lực, ngoại hình và những khía cạnh khác của chính mình. Vì luôn suy nghĩ bản thân “bất tài vô dụng”, luôn lo sợ người khác nghĩ gì về mình nên rất thụ động trong mọi vấn đề. Lâu dài, việc cố gắng hay mong muốn thể hiện bản thân ngày càng mất đi. Điều này chính là sự cản trở lớn nhất trong hành trình đi tới thành công cũng như khẳng định năng lực của bản thân.


Dù chỉ khác nhau 1 chữ N, nhưng biểu hiện và thành tựu của tự ti và tự tin là cả một thế giới khác biệt. Bởi chữ N đó là Nội lực, là Niềm tin, là Năng lượng và là cả những Nỗ lực không ngừng nghỉ. Tóm lại, sự khác biệt đó là sự khác biệt về 3 gốc - 3 độc bên trong của mỗi con người.


Chỉ khác nhau 1 chữ N, nhưng biểu hiện và thành tựu của tự ti và tự tin là cả một thế giới khác biệt
Chỉ khác nhau 1 chữ N, nhưng biểu hiện và thành tựu của tự ti và tự tin là cả một thế giới khác biệt

2. THẾ LỰC VÔ HÌNH “BẢO KÊ” TỰ TI


Rõ ràng, ta nhận diện có một nỗi sợ hãi, một sự chùn bước, một sự ngập ngừng trong từng hơi thở. Và sẽ bế tắc hơn nếu ta không biết cảm xúc cản đường đó từ đâu đến. Rốt cuộc là do sếp yêu cầu cao, do đồng nghiệp giỏi, do mọi người xung quanh xuất sắc hay do chính ta, do thế lực nào đó đã kiểm soát ta?


2.1 Sự phán xét, so sánh từ bên ngoài


Có những kí ức luôn nuôi dưỡng và kích hoạt sự tự ti trong ta. Đó là những dấu ấn về một tuổi thơ không bình yên, những mất mát hay những ám ảnh cứ day dứt đeo đuổi. Đi học hay bị bắt nạt, giáo viên trách phạt nặng nề, rồi những lời chì chiết của ba mẹ khi ta vô tình mắc lỗi, những lời nói của người lớn so sánh ta với đứa trẻ hàng xóm, chứng kiến gia đình người khác hạnh phúc hơn mình, được yêu thương hơn mình…Tất cả trở thành những ký ức thật khó phai phôi. Sống trong môi trường hay bị phán xét, hạ thấp bản thân khiến ta dễ cảm thấy mình thật nhỏ bé, kém cỏi và ghim vào đầu những câu từ tiêu cực. Môi trường mang đầy những tổn thương về tâm lý như sợi dây buộc chặt, khiến ta thật khó tung cánh bay cao.


Không chỉ vậy, hiện tại với đầy rẫy những sự phán xét cũng khiến ta hoài nghi về chính mình. Chẳng hạn ta rất đam mê thời trang nhưng ai đó lại nói “ăn mặc quê mùa vậy thì thiết kế cái gì?”. Ta ao ước trở thành tiếp viên hàng không nhưng nhiều người thốt lên rằng “bạn thật viển vông”; Ta nỗ lực hoàn thành công việc nhưng sếp chưa hài lòng lại còn so sánh “cô nhìn những người bằng tuổi cô kìa, họ thành đạt cả rồi, có ai chậm chạp như cô không?”. Chính những điều này đã khiến ta tổn thương và ta bắt đầu chú ý đến vẻ ngoài và năng lực của mình. Dần dà ta nảy sinh cảm giác ghét cái thân hình không cân đối và gương mặt xấu xí, tự cho mình kém cỏi. Những ước mơ, những đam mê của ta cũng lụi tàn dần sau đó vì những lời bàn tán của mọi người.


Chúng ta đều biết rằng không một ai có thể đạt được sự hoàn hảo tuyệt đối. Bản thân chúng ta và cả những người khác đều có thể trở thành nguyên nhân của sự tự ti ở chính mình và người khác. Đừng để cho sự đánh giá và nhìn nhận của người khác trở thành thế lực vô hình nhưng hùng mạnh khiến cho chúng ta mặc cảm và ngày càng thụt lùi.


Sống trong môi trường mang đầy những tổn thương về tâm lý như sợi dây buộc chặt, khiến bạn thật khó tung cánh bay cao.
Sống trong môi trường mang đầy những tổn thương về tâm lý như sợi dây buộc chặt, khiến bạn thật khó tung cánh bay cao.

2.1 Sự chối bỏ bản thân từ chính mình


Khi bản thân ta tự ti vì mình còn yếu kém thì đúng là mình còn nhược điểm thật sự. Nhược điểm nằm ở ngay chỗ mình cứ đi soi lỗi mà chưa quyết tâm sửa mình. Chính mình tự sinh ra nỗi sợ, tự mình chối bỏ bản thân. Bản thân mình không đủ năng lực tự chủ, không thể điều chỉnh cảm xúc khi tiếp cận với thế giới sôi động, mới mẻ và đầy phán xét ngoài kia. Vì tâm sợ quá lớn nên ta chỉ thích nằm yên trong cái kén, mặc kệ ngoài kia là ánh nắng, là gió, là muôn vàn những đóa hoa…


Có thể tự ti đến từ việc ta chưa đủ năng lực và tri thức. Thường con người vẫn cảm thấy hơi thiếu tự tin khi mình bắt đầu với một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ, chưa có kinh nghiệm. Nhưng nếu ở một nơi quá quen thuộc, ta vẫn giữ nếp nghĩ đó thì do chính mình rồi. Bởi vì có rất nhiều người cũng từng bị phán xét, bị so sánh, bị chối bỏ…nhưng với họ những nghịch cảnh đó như tiếp thêm sức mạnh để họ lấp đầy những khiếm khuyết nơi mình mà thôi.


Vẫn nên khắc sâu một lần nữa rằng:

Tự ti không phải là bản thân mình không có năng lực.

Mà tự ti là do ta mê mờ không nhận ra năng lực của mình. Hoặc có nhận ra nhưng vì mong cầu lớn nhưng không đạt được nên sinh ra tự "dằn mặt" bản thân, dành nhiều tâm tư đi ngưỡng mộ những người thật xuất sắc và đôi lúc cũng có chút sân si với những giỏi vừa vừa. Biết tâm trí mình rối bời trong mớ bòng bong nhưng ta lại không đủ dũng khí đập tan nỗi sợ, bước khỏi vùng an toàn, vươn mình lên tầm cao mới.


3. CÔNG THỨC: TỰ TI + N = TỰ TIN

“Chúng ta có được sức mạnh, sự can đảm và sự tự tin qua từng trải nghiệm mà chúng ta thực sự dừng lại để nhìn vào nỗi sợ hãi… Chúng ta phải làm điều mà chúng ta nghĩ rằng chúng ta không thể”

- Eleanor Roosevelt -


Bạn biết đấy, khoảng cách giữa tự ti và tự tin chỉ khác nhau một chữ N. Tuy có vẻ mong manh nhưng rất nhiều người vẫn chưa thể chiến thắng trên hành trình ghép chữ này.

Mỗi khi bạn tràn đầy nỗi sợ hãi và mặc cảm, hãy nhớ đến công thức này:

TỰ TI + N = TỰ TIN

Trong đó:

Tự ti: Tự cho mình kém cỏi, nhỏ bé

N: Niềm tin, nỗ lực, năng lượng tích cực, nội lực mạnh mẽ…

Tự tin: Tự tin tưởng bản thân để phát huy điểm mạnh và hoàn thiện điểm yếu


Và bạn có thể tham khảo thêm một vài giải pháp cụ thể dưới đây để chiến thắng bản thân, cởi trói tâm hồn đạt đến trạng thái tự do - tự tại - tự tin nhé:

3.1 Ngừng phán xét bản thân và đừng so sánh với người khác


Khi ta tập trung vào đâu, điểm đó sẽ lớn lên và rõ nét.

Người tự ti thường tập trung vào những yếu kém nên những khuyết điểm luôn được phóng to và họ liệt kê rất nhanh điều đó nhưng lại rất hạn chế việc chỉ ra những mặt mạnh của mình. Vì vậy nếu chưa giải quyết vấn đề đúng như mong đợi của bản thân thì ta cũng đừng chăm chăm tự dằn vặt "mình thật kém cỏi, mình thật vô dụng…”, điều đó chỉ khiến ta thêm mặc cảm mà thôi. Nếu thất bại thì sao chứ? Ai mà chẳng từng bị điểm kém, chẳng từng sai sót, chẳng từng vấp ngã và chẳng từng bị cười nhạo. Dù sao thì ta cũng chẳng thay đổi được những gì đã qua, hãy biết ơn bản thân vì đã nỗ lực hết mình.


Ta cũng cần ghi nhớ rằng mọi điều so sánh đều khập khiễng vì trên đời không ai hoàn hảo cả. Nhận ra điểm yếu của mình là cần thiết để không kiêu ngạo, tự mãn. Nhưng tuyệt đối đừng chỉ tập trung và thổi phồng khiến nó trở thành gã khổng lồ xấu xí ngáng đường. Nếu đồng đội của ta giỏi giao tiếp thì ta giỏi lắng nghe; nếu đồng đội của ta luôn xuất sắc thể hiện bản thân thì điểm tốt của ta là biết khiêm hạ, nhún nhường. Vì vậy hãy ngừng so sánh bản thân với bất kì một ai đó. Cũng đừng khao khao khát trở thành bản sao dù người đó có tuyệt vời thế nào đi nữa. Mỗi người là một đóa hoa và ta hoàn toàn có cách để tỏa hương riêng.


Nếu vẫn còn chông chênh và chưa hoàn toàn tin vào những suy nghĩ trên, hãy nương tựa một chút vào những người bạn sẵn sàng động viên, nâng đỡ mình; tìm đọc những câu chuyện truyền cảm hứng mạnh mẽ. Điều đó sẽ mang lại cho ta thêm những chất xúc tác để chuyển hóa, thay đổi nhận thức.


Đừng trở thành bản sao của một ai đó, bạn hoàn toàn có thể tỏa sáng theo cách riêng của mình
Đừng trở thành bản sao của một ai đó, bạn hoàn toàn có thể tỏa sáng theo cách riêng của mình

3.2 Niềm tin dựa trên năng lực đầy đủ


Muốn tự tin trước hết phải có niềm tin vững chắc. Muốn có niềm tin vững chắc, ta phải hoàn thiện bản thân mình, đặc biệt là năng lực, trí tuệ. Vì khi chúng ta tin tưởng vào chính mình, tin vào năng lực của bản thân chúng ta mới có thể đập tan được nhiều loại cảm xúc tiêu cực như sự lo lắng, bất an thường xuyên, sự phân vân, cảm giác xấu hổ hoặc sợ hãi. Chẳng phải hầu như chúng ta đều không bị tự ti trước vấn đề mà mình thấy đó là điểm mạnh, sở trường hay sao?


Chậm lại một chút để xem điều gì khiến mình mất tự ti và có giải pháp cải thiện từ những điều nhỏ nhất:

  • Nếu tự ti vì ngoại hình, hãy cải thiện bằng cách luyện tập và chế độ dinh dưỡng, thay đổi kiểu tóc hay chỉ đơn giản là lựa chọn trang phục phù hợp.


  • Nếu tự ti vì kiến thức hãy chăm chỉ tự học và trau dồi. Không có ai sinh ra đã có thể hiểu biết về thế giới nếu người đó chưa từng mày mò tìm hiểu.


  • Nếu tự ti vì mình chưa khéo léo, chưa có kỹ năng tốt hãy quan sát xem những người xuất sắc họ làm như thế nào. Chọn ra những điều phù hợp với mình và thực tập mỗi ngày với lòng chân thành nhất rồi chúng ta sẽ gặt quả ngọt thôi.


  • Nếu tự ti vì ám ảnh những phán xét, chê bai hãy tập cho mình lối sống có chánh kiến, lắng nghe có chọn lọc, khen không mê mà chê cũng không nản. Đó cũng là một bài học để trưởng thành mà vũ trụ đã gửi đến cho bạn.


Điều quan trọng nhất là hãy kiên trì vun bồi nội lực ngày một vững vàng và tạo cho mình tâm thái tích cực. Nội lực trong mỗi người chưa từng mất đi, chỉ là ta để nó ngủ yên và chưa từng có ý nghĩ sẽ khai phá. Muốn khai phá sức mạnh tiềm ẩn bên trong, ta phải “tưới tắm” tâm hồn bằng những suy nghĩ tích cực, trau dồi kiến thức và tri thức (vì hiểu biết chính là con đường dẫn chúng ta thoát khỏi sự vô minh). Cuộc sống của một người vững vàng 3 GỐC với tâm sáng (đạo đức) - trí minh (trí tuệ) - lòng kiên định (nghị lực) sẽ luôn ngập tràn nắng. Đừng quên chia sẻ và kết nối với những người xung quanh thường xuyên vì đó cũng là cách để ta tự tin hơn mỗi ngày.


Người tự ti thường rất ham học hỏi vì chúng ta luôn thấy mình thiếu sót. Vì vậy hãy tận dụng ưu điểm này, mỗi ngày một chút thôi, dành thời gian để lấp đầy những khoảng trống, những thiếu hụt đã khiến mình sợ hãi, mất tự tin nhé!


3.3 Dám vượt ra khỏi vùng an toàn, đập tan nỗi sợ


Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Hồ Chí Minh


Sự tự tin có thể dần được cải thiện nếu ta quyết tâm và kiên trì luyện tập. Thay vì luôn lo lắng rằng mình không làm được hãy luôn tự nhủ rằng mình có thể làm được, mình sẽ làm được.



Thay vì luôn lo lắng rằng mình không làm được hãy luôn tự nhủ rằng mình có thể làm được, mình sẽ làm được.
Thay vì luôn lo lắng rằng mình không làm được hãy luôn tự nhủ rằng mình có thể làm được, mình sẽ làm được.


Có một phương pháp để đạt được điều mình mong muốn của một thuyết gia, đó là hãy luôn nói “ I can” thay vì “ I can’t”. Bởi vì khi nghị lực của ta bật ra bằng tiếng, não bộ sẽ tiết ra một chất làm kích thích dây thần kinh khiến ta phấn khích và có nhiều động lực để làm điều đó hơn. Tương tự như vậy, khi ta nói rằng “I believe”, sự tự tin cũng sẽ được khơi dậy và khỏa lấp đi những nỗi lo lắng trong lòng. Niềm tin từ bản thân chính là điểm tựa vững chắc nhất để chúng ta luôn hoàn thành được mọi mục tiêu trong cuộc sống.


Không ai có thể giúp ta nếu bản thân ta không tự chủ động thay đổi mình. Mỗi ngày hãy đứng trước gương và nói với mình rằng “tôi làm được”. Nếu cảm thấy quá hồi hộp hãy tập cách hít thở sâu để lấy lại sự bình tĩnh. Qua vài lần như vậy, kỹ năng giao tiếp, phát biểu của ta cũng dần được cải thiện, đồng nghĩa với việc sự tự tin đã được gia tăng hơn rồi.


Băng qua vùng an toàn bằng cách ném mình vào những thử thách là cơ hội để ta đập tan mọi nỗi sợ. Hãy thử làm những điều mà ta luôn cho rằng mình không thể. Nói với ba mẹ về những ước mơ mình chưa từng dám thổ lộ thay vì cứ mãi để bị áp đặt. Tự nhận nhiệm vụ mới trong khả năng của mình thay vì cứ để cấp trên nhắc nhở. Suy nghĩ, băn khoăn ít hơn và thay bằng hành động.


Hãy coi cuộc đời là một game để dạo chơi, không có gì là nghiêm trọng. Thắng thì ta tiếp tục level cao hơn, còn thua ta cũng hãy tự tin bắt đầu lại từ đầu trên nền tảng những bài học sâu sắc.


Và một điều rất rất quan trọng nữa...

Cả một hành trình dài kiên trì "nâng đỡ" bản thân để rũ bỏ tự ti - hướng tới tự tin nhưng hãy thận trọng để ta không tiếp tục mê mờ, lạc lối. Hãy tỉnh thức! Đừng để bản thân ngay trong lúc thoát khỏi hố sâu của hạ thấp bản thân thì lại tiếp tục rơi vào vùng nguy hiểm của việc nâng cao cái tôi quá đà. Ảo tưởng sức mạnh, tự cao, ngã mạn, khinh người vì cho mình giỏi giang hơn người không phải là cốt lõi của tự tin.


Tự tin đúng cách là biết mình biết ta, là sự hòa hợp của khiêm hạ và dũng cảm, là trân trọng mình và tôn trọng người, là nhuần nhuyễn về đạo đức - trí tuệ - nghị lực.


Tự tin đúng cách là TỰ mình nhìn ra điểm mạnh - yếu, hiểu rõ nguồn lực của bản thân dựa trên nền tảng 3 gốc và TIN rằng mình sẽ nỗ lực mỗi ngày một tốt hơn, tử tế hơn, hướng thiện hơn, hạnh phúc hơn.


4. KẾT LUẬN


Có một câu nói trong lớp Content 3 gốc tạo động lực cho rất nhiều những người đam mê viết nhưng còn rụt rè vì ngôn từ chưa chau chuốt và sáng tỏ, đó là:

VIẾT ĐI, ĐỪNG SỢ

Dù trong bối cảnh nào, mỗi chúng ta cũng đừng sợ bị phán xét, đừng sợ sai, đừng sợ bị chối bỏ. Điều đáng sợ hơn cả thất bại đó là ta chưa từng dám thử sức, chưa từng dám dấn thân, chưa từng dám bắt đầu.


Chẳng quá sớm, cũng chẳng quá muộn, hãy vun bồi NỘI LỰC để cởi trói TỰ TI vẫn cố chấp cản đường mình. Không có nghĩa là đánh giá mình cao hơn người khác, không có nghĩa là tự cho mình thấp hơn mọi người, ngay cả khi biết bản thân có vô vàn điểm yếu chúng ta cũng hãy TỰ TIN đúng cách với nét riêng của mình nhé!



Nội dung: Ngọc My - Học viên Content 3 gốc

Biên tập: Nhàn Lý

Hình ảnh: Ngọc My






2,214 views0 comments

Comentarios

Obtuvo 0 de 5 estrellas.
Aún no hay calificaciones

Agrega una calificación
Untitled-1.jpg

Cùng chung lý tưởng
“Giáo dục chuyển hoá 3 Gốc”

Trang thư viện 3 Gốc mong nhận được phản hồi, động viên hoặc “ủng hộ” tuỳ hỷ đến từ độc giả. Bởi đây là thông điệp ngầm nhắn gửi “Những gì chúng tôi làm mang giá trị thiết thực đến cho mọi người”, giúp 3GOC.VN sẽ ra mắt nhiều nội dung giá trị hơn trong thời gian tới. 

Trí nhân

Đóng góp tài năng viết lách của mình cho trang

01

Tài vật

Đóng góp bằng tài chính

02

Nội dung chuyển khoản:

3goc.vn_Tên_Điều nhắn gửi

Số Tài Khoản: 215962349

Ngân hàng: ACB - PGD Vạn Hạnh

Tên tài khoản: Bùi Thị Thanh

z5270840594423_a3c1e7ba81d7effac77193110559e12d.jpg
bottom of page