top of page

TỰ CAO - CHỮA LÀM SAO?

Updated: Mar 18

Có 2 trạng thái khiến tâm ta không bao giờ bình an đó là cho mình thấp kém hơn người khác (Tự ti) và ảo tưởng mình cao cấp hơn người (Tự cao). Tự cao khiến chúng ta bị xa lánh, né tránh, bản thân luôn trì trệ, tụt hậu, không phát triển và thất bại đau đớn là điều không tránh khỏi.


Vậy làm thế nào để chữa tự cao, bớt đi sự so sánh và trở thành người khiêm hạ - biết soi lỗi, sửa mình?


Mời bạn cùng blog 3 gốc nhận diện, soi xét hậu quả và cùng tìm cách để chữa tận cùng tự cao, kiêu mạn trong mình nhé!





MỤC LỤC



1. Tự cao - biểu hiện thế nào?

1.1 Thế nào là tự cao?

Nếu như người tự ti luôn cho mình là nhỏ bé, thấp kém, yếu đuối để rồi cả đời đi ngưỡng mộ người khác thì người tự cao hoàn toàn ngược lại. Tự cao là tự cho mình giỏi hơn người nên sinh ra kiêu mạn, tự phụ, khinh khi những người xung quanh. Việc luôn đánh giá bản thân mình cao và hạ thấp người khác là biểu hiện rõ nét nhất của người tự cao.


Vậy đâu là đặc điểm để nhận diện những người tự cho mình cao - tự cho người khác thấp? Ta có thể thấy những “hình dáng” rất cụ thể dưới đây:


1.2 Những biểu hiện của người tự cao

Người tự cao luôn ảo tưởng rằng mình là ngôi sao!

Vì tự cao nên bản ngã của ta luôn tự suy diễn rằng bản thân mình giỏi hơn người, cái gì mình cũng biết rồi nên chỉ thích ca tụng bản thân mình mà ít chịu lắng nghe người khác. Vì vậy không ngạc nhiên khi ta làm được việc gì đó hơi thành công một chút thì luôn khoe khoang, vênh váo. Sự tự tin thái quá một cách mù quáng, phiến diện đó khiến ta rất khó để tiếp cận sự thật khách quan và có góc nhìn đa chiều về cuộc sống.


Với cái tôi lớn, mê mờ và luôn tự phong mình là trung tâm, người tự cao không mấy khi thèm học hỏi người khác. Đặc biệt ta rất dị ứng với những lời đánh giá, góp ý cho mình. Vì sao dị ứng ư? Bởi vì luôn cho mình là hơn người nên ta chỉ thích “lãnh đạo”, muốn người khác làm theo mình. Chính sự cố chấp này cũng khiến ta luôn hạ thấp, coi thường những người xung quanh, không nhìn thấy những ưu điểm của họ để học tập.



tự cao luôn thích lãnh đạo


Để khẳng định vị trí “độc tôn” trên cao của mình, người tự cao dễ rơi vào sống ảo và thường phải khoác lên mình những chiếc mặt nạ cuộc đời. Vì tô vẽ sự hào nhoáng của bản thân, ta thường xuyên cần sử dụng ngôn từ khoác lác, ba hoa (hay còn gọi bằng từ “chém gió”, “thùng rỗng kêu to”...). Cụ thể đó là ta thường phóng đại ưu điểm của bản thân và giấu nhẹm đi những mặt hạn chế của mình. Sợ người khác phủ nhận sự giỏi giang mình tự ảo tưởng nên lúc nào ta cũng ra vẻ ta đây cái gì cũng biết. Sự thật, đó chỉ là cách che giấu những thua kém, thiếu trí tuệ của chính ta mà thôi.


Những biểu hiện cụ thể đó thật dễ dàng để nhìn thấy ngoài cuộc sống nhưng tự ta lại rất khó để soi thấu chính mình. Để rồi một ngày ta giật mình khi nhận ra việc tự khen mình, tự nhủ mình hay khi hoàn thành một công việc nào đó cũng là biểu hiện rất vi tế của sự ngã mạn, tự cao. Những hiện tượng nhỏ nhoi như vậy chính là đốm lửa âm ỉ thổi bùng lên cái tôi nhìn khắp nơi chẳng thấy ai giỏi bằng mình - một cái tôi mê mờ không nhận thức được rằng bản ngã đang âm thầm “bóp cổ” dẫn mình đến hậu họa của sự diệt vong.


2. Tự đại, tự cao - cuộc đời sẽ ra sao?


Nhà bác học vĩ đại Albert Einstein từng nói rằng “Cái tôi và sự hiểu biết tỷ lệ nghịch với nhau. Hiểu biết càng nhiều cái tôi càng bé. Hiểu biết càng ít, cái tôi càng to”. Khi người tự cao ôm ấp cái tôi lớn, trang bị sự hiểu biết sơ sài và ít ỏi thì điều gì sẽ đến?


2.1 Người xa lánh, kẻ né tránh

Nếu sự khiêm tốn giúp ta chiếm lấy cảm tình, sự yêu quý thật lòng của người khác thì tự cao khiến ta rạn nứt gần như tất cả các mối quan hệ.


Có nhiều người trình độ hiểu biết có hạn chế, nhưng vẫn nghĩ rằng mình hơn người khác về mọi mặt. Khi sự ngạo mạn đó khiến ta chỉ chăm chăm biết mình, không bao giờ đặt mình vào vị trí người khác để lắng nghe, cảm thông, chia sẻ; ta cũng không đủ khiêm nhường để chấp nhận thành quả của người khác, ta dẫn trở nên ích kỷ, cá nhân, ta sẽ chẳng thể tránh khỏi việc bị người khác ghét bỏ, xa lánh, dị nghị, cảm thấy phản cảm.

Chẳng ai muốn gần gũi một người thích thể hiện, nhất là lại luôn khinh thường người khác. Khi ta trao đi hạt giống của sự hạ thấp đối phương thì quả ta nhận về cũng chính là sự khinh bỉ, coi thường của mọi người. Thật khó để có sự gắn kết, tín nhiệm, đạt được hiệu quả cao trong công việc cũng như chất lượng cuộc sống nếu ta chỉ chăm chăm tự đắc mình giỏi hơn người. Không những vậy, lâu dần ta cũng trở nên cô lập và không nhận được sự giúp đỡ của người khác bởi bản thân tạo ra bao phiền muộn, khổ đau cho nhiều người.





Thế nhưng đó chưa phải là vấn đề nghiêm trọng nhất. Sự tệ hại của việc tự đại, tự cao chính là những hệ quả ập xuống thân ta: Khi ta càng tự cao thì sẽ phải đối diện với những cú sốc cực kì đau.


2.2 Càng tự cao - càng ngã đau

Ở đời, thất bại lớn nhất là tự cao, tự đại. Mà ngu nhất trong đời cũng là tự cao tự đại. Bởi không ý thức được “núi cao còn có núi cao hơn” nên khi ta càng tự ảo tưởng mình giỏi hơn người thì thực tế sẽ càng phũ phàng hơn với đời.


Một trong những hậu quả của việc tự cao, ngã mạn có thể nhắc đến như sau:


Tổn phước

Thầy Thích Chân Quang từng chia sẻ rằng: Tự cao - dù chỉ là một ý niệm nhưng sẽ khiến mình tổn phước, tự khen chính mình là một tai họa. Khi ta thường xuyên khoe mẽ điều gì đó thường ta sẽ dễ dàng mất đi thứ đó.


Một người tự cao khó chấp nhận sự thật mình kém hơn người khác. Khi ta vì muốn duy trì sự tự mãn, tự cao của mình mà tìm cách dìm người khác xuống, nghĩ mọi mưu kế để thỏa mãn cái “ngã” của riêng mình thì ta tự đánh mất mình lúc nào không hay. Sự hiếu thắng, bất chấp và mệt mài theo đuổi những giá trị phù phiếm bên ngoài của danh và lợi khiến ta bị phụ thuộc, bám víu, mỏi mệt. Khi ấy thật khó để tìm được sự bình an trong tâm, hạnh phúc trọn vẹn lâu dài.


Khi tự cao ta rất ngại lắng nghe, học hỏi người khác vì vậy càng ngày sự thông minh, tài trí của ta bị thu hẹp dần. Thiếu sự sáng suốt của trí tuệ là mất đi thiện nghiệp lớn nhất của kiếp người. Chưa kể, việc tự cho mình hơn người còn khiến ta mất đi rất nhiều mối quan hệ chất lượng, cần thiết trong công việc và cuộc sống.


Bản thân không phát triển

Ta càng kiêu ngạo thì càng ít học hỏi, càng ít học hỏi thì kiến thức càng hạn chế. Thực tế là thiếu hiểu biết mà ta lại lầm tưởng mình hơn người - đó là một sai lầm tệ hại. Bông lúa lép thì vểnh lên, bông lúa chín thì cúi đầu. Ta lúc này chẳng khác gì bông lúa lép, vô dụng mà lại cứ tưởng mình hay, ngạo nghễ với cả đất trời.


Để phát triển bản thân, có được những thành tựu và sự chuyển hóa sâu sắc thì cốt lõi là học tập nhưng khi tự cho mình “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” thì tự ta đã chặt đứt con đường tiến thân của mình. Bên cạnh đó việc khăng khăng cho rằng mình đúng sẽ khiến bản thân ta không có cơ hội tự soi lỗi. Vì không nhìn ra những điểm yếu nên sinh ra bảo thủ, trì trệ, không chịu đổi mới, không muốn đổi mới.


Tri thức ngày càng phát triển nhanh, đặc biệt trong thời đại 4.0. Một người có cơ hội học cao, có một sự hiểu biết nhất định nếu tự mãn sẽ không có cơ hội tiếp nhận những kiến thức mới, về lâu về dài chính họ cũng sẽ trở nên lạc hậu trong khối kiến thức họ nghĩ là “to đùng” của chính mình. Bởi trong thực tế, xã hội biến đổi không ngừng, tri thức nhân loại bao la, cái con người luôn luôn không đủ đó chính là tri thức. Nếu vì tự mãn mà “khóa” tư duy mình vào một khối kiến thức nhất thời thì sớm hay muộn chúng ta sẽ tụt lại phía sau.


Khi bản thân trì trệ, ta càng ảo tưởng mình cao thì thực tế ta càng rơi xuống thấp; càng nghĩ mình hay thì thực tế trong mắt mọi người ta càng phản cảm, tệ hại chừng đó.


Thất bại liên tiếp ập đến

Bản thân trì trệ thì thất bại là điều tất yếu. Nhưng ngay cả khi ta xuất sắc thì việc gặp rủi ro do tự cao cùng luôn trong tầm ngắm. Bởi tự cao nên ta dễ chủ quan, vì chủ quan nên dễ thân bại danh liệt. Giống như Hạng Vũ - một dũng tướng từng đánh đông dẹp bắc, nhưng kết cục gặp khốn ở thành Cai Hạ, kết thúc cuộc đời binh nghiệp ở tuổi 33. Sự thất bại của Hạng Vũ là bởi ông coi thường Lưu Bang. Ngạo khí lớn khiến ông mất thiên hạ chỉ trong một đêm - kết cục cực kì bi thảm cho một dũng tướng từng bách chiến bách thắng.





Dù thời đại có đổi thay, biến chuyển nhưng bài học của Hạng Vũ vẫn đầy giá trị để ta khắc cốt ghi tâm: đừng bao giờ tự cho mình hơn người, chăm chăm rằng mình đúng. Điều đó chỉ khiến ta dễ phá sản những kế hoạch, dự định, mục tiêu của mình mà thôi. Bởi vì khi sự kiêu ngạo đi trước thì bại hoại sẽ theo sau, khi tính tự cao đi trước thì sự sa ngã thì đồng hành đến cùng.


3. Chữa làm sao cho hết tự cao?


Hậu quả của tự cao thật nghiêm trọng (tổn thương mọi người và bại lụi bản thân mình), vậy làm sao để chữa?

Cổ nhân đã dạy "Mình không biết mà bảo rằng mình không biết. Như vậy coi như là đã biết rồi vậy". Lãnh tụ Hồ Chí Minh cũng nhắc nhở “Cái gì biết thì nói biết, không biết thì nói không biết, kiêu ngạo, tự phụ, tự mãn là kẻ thù số một của học tập”.


Nguyên nhân cốt lõi của tự cao, ngã mạn do ta thiếu trí tuệ, chấp ngã mà ra. Để chữa được tự cao, trước hết ta cần tăng trưởng sự hiểu biết, vun bồi trí sáng suốt nói riêng và 3 gốc nói chung.


3.1 Sáng suốt học hỏi - Vun bồi trí tuệ

Học nhiều vào, học sâu vào, tự dưng sẽ thấy mình bé nhỏ đến lạ!

Tăng sự hiểu biết về chính mình và thế giới một cách khách quan, ta sẽ bớt vỗ ngực tự khen mình, khi đó tự khắc sẽ bớt tự đại, tự cao, không quá coi trọng bản thân và không đánh giá thấp người khác.


Vậy làm thế nào để “nâng tầm” trí tuệ?


Nhận thức sự vận hành của bản ngã

Mỗi khi ta đạt được một thành tựu nào đó, ta tự nhủ trong lòng rằng mình thật giỏi, thật hay - khi ấy bản ngã đang vận hành. Để có trí sáng suốt, điều đầu tiên ta cần nhận thức và thấy rõ sự chi phối, dẫn dắt của cái tôi kiêu mạn trong mình. Đó là sự quán chiếu để ta thấy rõ được bản chất cuộc sống, tiếp nhận ánh sáng trí tuệ, nhất là đối với những người trẻ, chưa trải sự đời.


Học hạnh lắng nghe

Đức Phật có dạy “Hạnh lắng nghe là một phương pháp thực tập quan trọng, có khả năng trị liệu và chuyển hóa. Nếu một người biết lắng nghe thì người ấy có thể hiểu và mang lại hạnh phúc cho chính mình cùng mọi người còn ngược lại chỉ khiến bạn bè và xã hội xa lánh”. Lắng nghe những người xung quanh để hiểu thương, để nhận ra điểm yếu - mạnh và học hỏi những điểm tốt của họ chứ không nên chỉ chăm chăm tự mãn ở ốc đảo tự thân của mình.


Tự soi sáng qua bậc minh triết và sách tinh hoa

Sách tinh hoa đúc kết cho ta những bài học sâu sắc, giá trị. Càng đọc sách trí tuệ càng mở mang, 3 gốc càng tăng trưởng.





Bậc minh triết là những người vững vàng phẩm chất đạo đức - trí tuệ - nghị lực, dù thông tuệ hơn người nhưng vô cùng khiêm hạ. Tiếp cận những đối tượng sẵn giá trị vững bền, được kiểm chứng qua thời gian sẽ giúp ta phát triển bản thân, thấu hiểu bản thân và tự soi sáng chính mình.



3.2 Khiêm hạ với người - Tôn trọng chính mình

“Sông sâu tĩnh lặng, lúa chín cúi đầu”

Càng trưởng thành, nhất là đi qua thất bại vấp váp, ta càng hiểu rằng “sống trong đời sống cần có một tấm lòng” và tấm lòng không thể thiếu đó chính là sự khiêm hạ. Những bậc minh triết dù thông tuệ nhưng luôn sống rất khiêm hạ và vì khiêm hạ nên càng tăng uy tín với mọi người và sự hiểu biết của chính mình.


Người khiêm hạ là khiêm tốn và biết cúi đầu, biết lễ nghĩa, biết kính trên nhường dưới, tôn trọng và luôn đặt mình thấp hơn so với mọi người để quan sát, học hỏi. Giống như biển thấp - sông cao nên trăm sông đều đổ về biển nhưng ai cũng nhận thấy dù ở thấp nhưng biển bao la, mênh mông hơn nhiều.





Khi hạ cái tôi của mình xuống, sẵn sàng tìm hiểu những thứ ta nghĩ mình đã có rồi, ta sẽ càng giỏi hơn nữa. Vui vẻ hạ cái tôi để lắng nghe người khác sẽ giúp ta có thêm những người bạn tốt, đồng minh chất lượng. Khi hạ cái tôi của mình xuống, ta cũng sẽ biết quan sát đa chiều, nhìn nhận khách quan trên tiến trình nhân - duyên - quả và có những quyết định sáng suốt, hạn chế những muộn phiền, khổ đau. Sự khiêm hạ đó vừa là tôn trọng người vừa trân trọng chính mình.


3.3 Kiên trì soi lỗi - Nỗ lực sửa mình

Điểm yếu của người tự cao là chăm chăm phóng đại mặt tốt nhưng phủ nhận sạch trơn những hạn chế của mình. Do sự thấy biết sai lầm nên ta sinh ra tự cao, tự đại, đề cao mình mà coi thường người. Vì vậy để “gột bỏ” tự cao, bản thân ta phải tự soi những suy nghĩ - nhận thức - lời nói - hành vi chưa đúng đắn, từ đó điều chỉnh thành những điều đúng - tốt - lợi lạc.


Muốn soi lỗi, trước tiên cần quay vào bên trong, quan sát tâm đồng thời nhờ nhóm bạn tốt nâng đỡ. Khi thành công nhìn thấy công sức tập thể, khi thất bại thì nhìn thấy trách nhiệm của mình trong đó. Khi nhìn thấy lỗi người khác thì không chỉ trích, ngược lại nên soi chiếu xem bản thân mình cần tu sửa gì.


4. Lời nhắn nhủ

Trong cuộc sống, chúng ta không nên quá tự ti nhưng cũng đừng quá tự cao. Tự cho rằng mình luôn đúng, nghĩ rằng mình là giỏi nhất chỉ khiến bản thân đã sai lầm lại càng lầm lỗi vì “núi cao còn có núi cao hơn”, mình giỏi còn có người giỏi hơn nữa.


Nhận thức điều đó để luôn mang tâm thế khiêm hạ - nỗ lực rèn trí sáng suốt - không ngừng tu sửa bản thân. Khi đó bản thân ắt tự cao trong mắt mọi người, không cần ta phóng đại khoe khoang hay tự huyễn hoặc mình nữa.


Nội dung: Nhàn Lý

Biên tập: Liên Thanh

Hình ảnh: Hạnh Dung



1,383 views0 comments

Comments

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating
Untitled-1.jpg

Cùng chung lý tưởng
“Giáo dục chuyển hoá 3 Gốc”

Trang thư viện 3 Gốc mong nhận được phản hồi, động viên hoặc “ủng hộ” tuỳ hỷ đến từ độc giả. Bởi đây là thông điệp ngầm nhắn gửi “Những gì chúng tôi làm mang giá trị thiết thực đến cho mọi người”, giúp 3GOC.VN sẽ ra mắt nhiều nội dung giá trị hơn trong thời gian tới. 

Trí nhân

Đóng góp tài năng viết lách của mình cho trang

01

Tài vật

Đóng góp bằng tài chính

02

Nội dung chuyển khoản:

3goc.vn_Tên_Điều nhắn gửi

Số Tài Khoản: 215962349

Ngân hàng: ACB - PGD Vạn Hạnh

Tên tài khoản: Bùi Thị Thanh

z5270840594423_a3c1e7ba81d7effac77193110559e12d.jpg
bottom of page