MỤC LỤC
***
Dân gian Việt Nam có câu “Vỏ quýt dày móng tay nhọn” hay “Núi cao còn có núi cao hơn”.
Hai câu này đều hàm ý lời răn dạy của người xưa, phàm ở đời hãy dưỡng đức khiêm hạ, nếu mình giỏi thì có người khác giỏi hơn nên đừng vì thấy mình giỏi mà tự cao, ngạo mạn với người. Người xưa khuyên chúng ta sống ở đời nên tu dưỡng đức khiêm hạ vì đó là nền tảng giúp ta sống bình yên giữa cuộc đời.
3goc.vn mời bạn cùng đọc bài viết để hiểu rõ hơn về đức tính này thông qua những câu chuyện tinh hoa đã được đúc kết, cùng phương pháp để rèn luyện đức tính khiêm hạ nhé!
Bài viết nằm trong chuỗi 64 thẻ "Rèn trí sáng suốt", giúp bạn Chánh Kiến những vấn đề đang diễn ra trong cuộc sống hằng ngày dưới góc nhìn 3 Gốc.
Khiêm hạ là gì?
Cho con biết khiêm hạ
Biết tôn trọng mọi người
Tự thấy mình nhỏ thôi
Việc tu còn kém cỏi...
-Trích 98 lời khấn nguyện
Khiêm hạ là một đức tính căn bản, tốt đẹp của con người. Khiêm hạ là khiêm tốn và cúi đầu. Khiêm tốn, cúi đầu không phải khuyến khích người ta chỉ biết cúi xuống cam chịu mà là để nhắc nhở cho người ta biết cách ứng xử cần thiết để trưởng thành hơn.
Cúi xuống không đồng nghĩa với sự nhẫn nhục, luồn cúi thấp hèn. Cúi xuống chính là sự cúi đầu giản dị, khiêm nhường của những người có đạo đức, văn hóa trong xã hội. Cúi xuống cũng chính là để hiểu rõ mình hơn, nhận ra giá trị, vị thế của mình.
Vì sao phải có tâm khiêm hạ?
Bản chất của con người là luôn hướng tới cái "tôi". Vì vậy, ta thường đánh giá ta cao và cao hơn rất nhiều so với những cái ta có. Khi ta có một số thành công nhất định, cái tôi của ta lại càng cao.
Vì nghĩ mình giỏi, hơn người nên có tâm lý coi thường người khác. Đó là khởi đầu cho tâm kiêu mạn xuất hiện. Trong cuộc sống thì kiêu mạn và khiêm hạ thường chỉ cách nhau một sợi dây rất mong manh, sợi dây của cái tôi.
Tâm kiêu mạn là một loại tình cảm thích thú, hả hê, sung sướng khi thấy mình hơn người khác. Ở đời, chuyện hơn thua nhau là bình thường. Có khi ta hơn người, có khi người hơn ta.
Khi ta hơn, ta vẫn biết là ta hơn; khi người hơn, người vẫn biết là người hơn. Đó là chuyện bình thường không có gì là sai. Điều tai hại là khi ai đó thấy mình hơn người khác thì luôn có cảm giác thích tình trạng ấy và nhầm tưởng rằng đó là hạnh phúc.
Và hầu hết những người ấy đều muốn cảm giác hạnh phúc ấy kéo dài mãi mãi. Họ quên rằng mọi thứ trên đời này không có gì tồn tại vĩnh viễn. Ta hơn người mặt này thì người hơn ta mặt khác.
Có người vì tâm kiêu mạn quá lớn, họ luôn cho rằng họ là người quan trọng nhất trong một tổ chức, một đoàn thể, một cộng đồng mà họ đang sinh hoạt chung. Để rồi, họ cho phép mình có quyền hành xử mà không cần quan tâm đến cảm giác, tình trạng của người xung quanh.
Tuy nhiên, họ quên rằng mỗi cá nhân sống trên địa cầu này luôn có mối quan hệ tương hỗ với cộng đồng và thiên nhiên xung quanh. Không ai có thể sống chỉ đơn độc một mình giữa cuộc đời, không ai có thể làm nên chuyện nếu chỉ sống một mình.
Rèn tâm khiêm hạ để kết nối với cuộc sống
Con người và cuộc sống là sợi dây kết nối bền chặt không thể tách rời. Con người là một phần rất nhỏ trong đại vũ trụ này, là một mảnh ghép trong bức tranh toàn cảnh.
Kết nối giữa con người với tự nhiên
Ngay khi cất tiếng khóc chào đời, chúng ta đã vay mượn dưỡng khí từ tự nhiên đến hết cuộc đời.
Trong hành trình sống của mình, ngoài dưỡng khí từ tự nhiên, chúng ta cần thêm thực phẩm, nước uống những thứ ấy cũng được lấy từ tự nhiên. Rõ ràng là, nếu không có tự nhiên thì không ai có thể sống được.
Thế nhưng, thay vì sống hài hòa với tự nhiên, vừa tận hưởng và bảo tồn những gì tự nhiên ban tặng một cách bền vững. Loài người đã bắt tự nhiên phục vụ cho mình vì bản tính ngạo mạn xem mình là tất cả.
Loài người đang tâm khai thác tự nhiên vô tội vạ như chặt phá rừng lấy đất cho công nghiệp, lấn sông, lấp biển, xẻ núi để phục vụ nhu cầu dân sinh, giải trí. Rồi họ lên rừng, xuống biển khai thác cạn kiệt sản vật thiên nhiên như mật rừng, tay gấu, tổ yến, vi cá, … gây ra sự mất cân bằng sinh thái, làm đứt gãy chuỗi thức ăn của tự nhiên.
Hậu quả là thiên tai, bão lũ, cháy rừng, dịch bệnh lan tràn khắp nơi gây không ít khốn khó cho con người.
Như vậy, thái độ ngạo mạn của con người với tự nhiên đã đẩy cuộc sống con người đến bờ vực diệt vong nhanh hơn con người nghĩ. Qua dẫn chứng trên, theo bạn loài người có cần phải khiêm hạ trước tự nhiên không?
Kết nối giữa người với người
Ngay từ khi tượng hình trong bụng mẹ, ai cũng cần dưỡng chất từ mẹ nuôi sống mình. Vậy là ta đã có mối liên hệ tương hỗ với mẹ. Rồi khi được sinh ra, chúng ta liên hệ tương hỗ với cha mẹ, không có cha, có mẹ ai sẽ là người chăm sóc, nuôi dạy ta lớn khôn.
Rồi khi đi học, đi làm, ta có mối liên hệ tương hỗ với thầy cô, bè bạn. Không có bạn bè, thầy cô làm sao ta có thể tiếp thu, học hỏi những điều hay?
Một nhà văn dù viết hay nhưng nếu không có độc giả thì lấy ai thưởng thức cái hay của tác phẩm. Nhà văn dù có ý tưởng, dù viết ra thành chữ thì cũng cần người biên tập, người xuất bản, người làm thương mại cho quyển sách đó.
Mà để viết ra được thì nhà văn cũng cần có giấy, giấy được lấy từ những cánh rừng của tự nhiên.
Một kỹ sư dù giỏi đến mấy thì cũng phải liên hệ với người tiêu dùng, là những người tiêu thụ sản phẩm họ làm ra. Một kỹ sư cũng phải phối hợp với các đồng nghiệp của mình để vận hành một chuỗi nhà máy trơn tru.
Một kỹ sư muốn giỏi cũng phải thụ hưởng những kiến thức từ người đi trước để lại. Chẳng phải một cá thể đơn độc thì khó mà làm chuyện lớn được.
Một bác sĩ giỏi cũng phải được hướng dẫn từ những người thầy. Đến khi họ lành nghề, trực tiếp chữa trị cho bệnh nhân, nếu không có điều dưỡng, người kê toa thuốc, người bảo vệ giữ xe ở bệnh viện, và đặc biệt là những bệnh nhân cần đến họ thì lấy đâu ra cơ hội để được làm đúng nhiệm vụ của mình. Chưa kể là phải có thuốc, mà thuốc cũng được lấy từ tự nhiên.
Nói như vậy để thấy mỗi cá nhân luôn có những mối liên hệ đan xen, tương hỗ chằng chịt với tự nhiên và cộng đồng xung quanh. Vậy mà có những người được xem là có thành tựu về tài sản, danh xưng đã xem mình là giỏi nhất, hay nhất. Chỉ một mình tôi làm nên việc đó hoặc không có tôi thì việc đó không thành.
Đây là những câu nói thể hiện việc không trân trọng sự giúp đỡ của người khác hay những nhân duyên bên ngoài đã hỗ trợ mình. Khi tâm kiêu mạn xuất hiện thì những tính xấu như hám danh, lòng đố kỵ, thói ích kỷ, ngủ quên trên chiến thắng cũng sẽ lần lượt xuất hiện.
Những tính ấy khiến kẻ kiêu mạn có thể sụp đổ thành tựu mà họ đã cất công xây bồi. Khi tâm kiêu mạn quá lớn, người ta sẵn sàng bỏ qua cơ hội học hỏi xung quanh. Điều này làm đánh mất cơ hội quý giá để tăng trưởng viên ngọc quý bên trong mình.
Những câu chuyện về đức tính khiêm hạ
Khoảng 20 năm về trước, nếu ai dùng điện thoại di động đều biết nhãn hiệu Nokia. Thời ấy, dòng điện thoại này chiếm 40% thị phần di động toàn cầu.
Thế rồi, Samsung và Apple xuất hiện với dòng điện thoại thông minh với những tính năng vượt trội như nghe, gọi video, nghe nhạc, thu âm, ghi hình, chụp ảnh với độ phân giải cao - đặc biệt là chỉ có một nút bấm.
Vì ngủ quên trên chiến thắng nên Nokia không cải tiến đi theo thị trường, vì xem thường đối thủ không chịu học hỏi mà khi dòng điện thoại thông minh này xuất hiện, thì cũng là lúc Nokia biến mất khỏi thị phần điện thoại di động nhanh chóng.
Hay như trong tác phẩm Tam Quốc Diễn Nghĩa có nhân vật Quan Công - một trong năm ngũ hổ tướng của nhà Thục Hán. Quan Công được mô tả như một vị tướng tài đầy kiêu hùng với chức Tiền tướng quân - chức danh cao nhất trong quân đội Thục Hán.
Sau nhiều cuộc đấu tranh sinh tử ông đã lập không ít chiến công hiển hách, góp phần không nhỏ cho sự hình thành nhà nước Thục Hán của Lưu Bị. Cho nên ông được đánh giá cao và hưởng nhiều đãi ngộ. Nhưng cũng chính vì thế mà cái tôi cùng với lòng kiêu ngạo của Quan Công ngày càng lớn mạnh.
Thay vì đưa ra những lời thức tỉnh, thì ông được vuốt ve cái tôi bởi Gia Cát Lượng và Lưu bị, khi mà họ luôn cho rằng những vị tướng khác như Mã Siêu, Hoàng Trung đều không bằng ông. Chính ông bị mắc bẫy trong cái danh hiệu do mình đặt ra.
Việc này đã dẫn đến hậu quả là ông đã đánh mất Kinh Châu bởi thói kiêu căng của mình. Khi Tôn Quyền - vị chủ soái của Đông Ngô vì muốn thắt chặt tình giao hảo với Lưu Bị đã viết thư đề nghị Quan Công về mối hôn ước giữa con trai Tôn Quyền và con gái Quan Công.
Nghe tin ông đã phẫn nộ thốt ra rằng: “Con gái ta như loài hổ lại thèm gả cho loài chó à”. Chính điều ấy đã làm Tôn Quyền nổi giận dấy binh đánh chiếm Kinh Châu, bắt sống được Quan Công và giết ông. Như vậy, chỉ vì thiếu sự khiêm tốn, nhún nhường mà Quan Công không những tự hại mình mà còn hại cả đất nước, mất đi thành trì Kinh Châu chủ chốt.
Nhắc về đức tính khiêm hạ phải nói đến ngạn ngữ Nhật “Bông lúa chín là bông lúa cúi đầu”. Lúa chín cúi đầu là vì nó nặng, cái nặng của lúa chính là giá trị mà những hạt lúa chín mang đến cho đời. Hình ảnh ấy được ẩn dụ cho những người có đức khiêm hạ. Người có đức khiêm hạ hiểu rất rõ giá trị của bản thân có thể mang đến cho đời, đồng thời họ cũng thể hiện tinh thần sẵn sàng nâng đỡ người khác.
Trong Kinh, Đức Phật thường răn dạy đệ tử sống khiêm hạ như hạnh của đất.
Một lần nọ, Ngài dạy Rahula “Này Rahula, con hãy học theo hạnh của đất. Dù người ta đổ và rải lên đất những thứ tinh sạch và đẹp đẽ như hoa, nước thơm, sữa thơm, hoặc người ta đổ lên đất những thứ dơ dáy hôi hám như phân, nước tiểu và máu mủ, hoặc người ta khạc nhổ xuống đất thì đất cũng tiếp nhận tất cả những thứ ấy một cách thản nhiên, không vui vẻ mừng rỡ mà cũng không chán ghét tủi nhục.
Cũng như thế, khi những cảm thọ khoái lạc hoặc buồn khổ phát sinh, con đừng để cho chúng làm nhiễu loạn tâm con và chiếm cứ lòng con.”
Vì sao Đức Phật lại ví tâm khiêm hạ là hạnh của đất?
Bởi vì vạn vật đều chung sống với nhau trên mặt đất. Đất có đủ các dưỡng chất nuôi mầm sự sống. Đất còn là nơi nâng đỡ con người, mọi sự vật tồn tại đều nhờ đất.
Đất dung hòa, ôm ấp, bao bọc tất cả mà không hề có một sự than phiền hay oán trách. Đất mẹ cung cấp cho chúng ta không khí để thở nhờ cây xanh. Đất mẹ cung cấp cho chúng ta thức ăn, đất mẹ cũng sẵn sàng dung chứa những rác thải của muôn loài thải ra. Thật không gì vĩ đại như đất mẹ.
Người có lòng khiêm hạ luôn sẵn sàng nâng đỡ người khác nhưng cũng không ỷ lại vào sự giỏi giang của mình để hiếp đáp kẻ khác.
Trong lịch sử dân tộc Việt ta, Trần Quốc Tuấn Hưng Đạo Vương là một vị tướng tài đã góp công không nhỏ trong 3 lần kháng chiến chống quân Nguyên Mông - một đạo quân hùng mạnh thời xưa được mệnh danh “đi đến đâu cỏ không mọc được đến đấy”. Ông là con của An Sinh Vương Trần Liễu - anh trai của vua Trần Thái Tông, Trần Cảnh.
Dù là một tướng tài nhưng ông luôn để ý xung quanh để tìm kiếm người tài cùng chung sức với mình trong đó có Yết Kiêu, Dã Tượng, Phạm Ngũ Lão, …
Khi đứng trước tình hình nguy cấp giặc ngoại xâm, ông đã chủ động gạt bỏ kế hoạch trả thù cho cha đối với Trần Quang Khải - một vị thượng tướng thời đó, để cùng nhau chung lưng đấu cật vì nước. Vì những công lao to lớn của ông mà dân gian nước ta tôn xưng là Đức Thánh Trần.
Người khiêm hạ là người có đạo đức. Người càng có đạo đức thì càng biết sống nhún nhường, giản dị, không khoe khoang hình thức.
Sự giản dị, khiêm tốn ấy không làm cho họ mất đi giá trị mà chỉ càng khiến cho người xung quanh kính nể hơn. Người khiêm hạ là người biết mình, biết ta. Họ đi đâu cũng có được thiện cảm của mọi người, khiến mọi người yêu mến, các mối quan hệ trong gia đình hay ngoài xã hội đều hoà hợp.
Người khiêm hạ luôn hiểu rằng bản thân họ chỉ như là hạt cát giữa sa mạc nhân loại mênh mông. Cái hiểu biết của họ dù nhiều, dù rộng vẫn không thể nào bao trùm tất cả kiến thức của nhân loại.
Cái tôi và sự hiểu biết tỷ lệ nghịch với nhau. Hiểu càng nhiều, cái tôi càng bé. Hiểu càng ít, cái tôi càng to -Albert Einstein
Biểu hiện của đức khiêm hạ
Từ khái niệm và những dẫn chứng trên, ta phần nào cũng cảm nhận được dòng năng lượng nhẹ nhàng của đức tính khiêm hạ. Dưới đây xin đúc kết một lần nữa những biểu hiện cụ thể hơn, qua đó giúp chúng ta dễ dàng rèn luyện đức tính này.
Đức tính khiêm hạ không tự nhiên có, mà đó là kết quả của cả quá trình rèn luyện tu dưỡng thân tâm.
Người sống khiêm hạ là người luôn tôn trọng người khác, đồng thời luôn tự tin vào chính mình. Họ biết rõ điểm mạnh, điểm yếu của mình để từ đó phát huy thế mạnh, cải thiện sự yếu kém để mang lại lợi ích chung trong công việc.
Người khiêm hạ là người biết trân trọng những gì mình đang có. Họ biết sống nhẫn nhịn, tùy thuận, bằng lòng, biết ơn với những gì mình đạt được.
Họ bằng lòng không phải bởi họ không có chí tiến thủ mà sự bằng lòng của họ thể hiện họ hiểu rõ năng lực bản thân ngay thời điểm ấy. Họ biết ơn những thứ rất nhỏ bé, bình thường nhưng có thể giúp họ đạt được những thành công nho nhỏ - tiền đề cho những thành tựu lớn lao về sau.
Người khiêm hạ sẽ luôn biết khiêm nhường, hạ mình để đón nhận những góp ý, chê bai từ người khác và giữ hòa khí cho đôi bên.
Nhưng họ sẽ không kiêu căng, tự cao khi được người khác khen ngợi mà luôn sẵn sàng nâng đỡ kẻ yếu. Người khiêm hạ sẵn sàng làm một chiếc gậy đồng hành giúp người khác đỡ mỏi chân trên những hành trình vạn dặm.
Chung tay xây dựng nội dung Trang Thư Viện 3 Gốc có chiều sâu, mang nhiều giá trị - hướng theo sợi chỉ đỏ "Giáo dục chuyển hoá 3 Gốc".
Rèn luyện đức khiêm hạ
Khi thấy được những lợi ích từ đức tính khiêm hạ, ta muốn mình rèn luyện để mỗi ngày một chút có được đức tính này. Dưới đây là 3 cách đơn giản bạn có thể tham khảo.
Tác động đến nhận thức
Đặt tên tác ý: ví dụ bạn tên Bình, bạn sẽ đặt tên tác ý trên tài khoản mạng xã hội là Bình Khiêm Hạ. Khi bước vào một môi trường như khoá học, cộng đồng bạn hãy tự giới thiệu tên mình kèm với tác ý đi phía sau để nhắc nhở bạn, đồng thời cũng là cách để mọi người nhớ về bạn hơn.
Xây dựng thư viện hình mẫu: ghi lại các câu nói của các vĩ nhân, thánh nhân, cổ nhân, … về chủ đề khiêm hạ lên màn hình máy tính, điện thoại hoặc dán ngay nơi ta ngồi làm việc để mỗi ngày ta đều đọc được chúng.
Ví dụ: “Sông sâu tĩnh lặng, lúa chín cúi đầu” hoặc “Tất cả dòng sông đều đổ về biển lớn vì biển luôn hạ mình thấp hơn sông”. Hoặc ta có thể để hình ảnh cũng những người ngưỡng mộ đức tính này ngay bên cạnh bàn làm việc, trong phòng ngủ để nhắc nhở ta liên tục.
Liên tục tự hỏi bản thân: Năng lực của mình đang ở mức này, vậy có ai giỏi hơn để mình học hỏi hay không, có ai chưa bằng mình đang cần được giúp đỡ hay không. Đó là sự kết nối cân bằng phù hợp với lẽ tự nhiên. Hãy nhìn lại thành công mình đang có, có phải là do một mình bản thân làm nên không, hay là do hội tụ của nhân-duyên-quả.
Vun bồi yêu thương
Cách thực hiện ở trên là bước đầu để luyện tập, nhưng nếu chỉ dừng lại ở tưởng tượng mà chưa có trải nghiệm thực tế, chúng ta dễ bị “tập khí” cũ lôi kéo.
Do đó hãy bỏ mình vào môi trường cần cho đi tình yêu thương nhiều hơn. Chúng ta hãy mở lòng hơn, yêu thương người khác hơn bằng cách tham gia làm thiện pháp tại các nhà mở, mái ấm, nơi nuôi dưỡng trẻ mồ côi, người khuyết tật, người già, người neo đơn.
Sống tử tế với người khác sẽ giúp ta nhận ra mình còn may mắn hơn rất nhiều người. Từ đó ta cũng dễ chấp nhận sự khác biệt từ những người xung quanh. Chính những trải nghiệm ra bên ngoài cuộc sống như vậy càng nhiều, tự nhiên bên trong ta dần chuyển hoá sự thấu hiểu. Nhờ đó mà tính khiêm hạ tự nhiên được phát triển.
Rèn sự điềm tĩnh
Luôn giữ tâm bình tĩnh, trí sáng suốt, suy nghĩ cẩn thận trước mỗi hành vi của mình. Trước khi phản ứng lại với mỗi hành vi, câu nói của người khác, ta nên hít thở thật sâu để tâm lắng lại khoảng 10 giây rồi hãy quyết định.
Ta nên tự hỏi mình: “Nếu ta hành động như thế này thì bản thân ta và cộng đồng xung quanh có được lợi ích gì? Hành động của ta có xâm hại đến thiên nhiên, muôn loài không?”.
Sự bình tĩnh, sáng suốt giúp ngăn ngừa các hành động xấu ác của bản thân, đồng thời các hành vi thiện lành cũng từ đó mà được tăng trưởng. Thực hành nếp sống tỉnh thức mỗi ngày giúp ta soi lại lỗi của chính mình để thấy mình cũng còn thiếu sót cần vun bồi.
Tổng kết
Sống khiêm hạ để thấy mình còn nhỏ bé, cần phải học hỏi nhiều từ xung quanh. Trước những thành công mà ta đạt được trong cuộc sống, ta không nên ngủ quên trên chiến thắng mà hãy nhủ rằng: “Thế giới này còn cần nhiều sự đóng góp khác để cuộc sống đa dạng và tốt đẹp hơn. Sự đóng góp của mình tuy có ích nhưng nó cũng như hạt muối bỏ bể”.
Ta cần nhận thức rõ mỗi cá thể sống trên thế giới này luôn có mối quan hệ đan xen, tương hỗ nhau. Cá nhân nào cũng có giá trị riêng và đều có thể đóng góp vào cái chung. Sống chan hòa với mọi người, sẵn sàng nâng đỡ người khác giúp ta lan tỏa sự tử tế.
Như thế giúp cuộc sống thêm nhiều ý nghĩa hơn.
Sau khi đọc bài viết này, bạn đừng lướt qua mà hãy để lại một đúc kết bên dưới nhé. Sau này có cơ hội đọc lại, bạn sẽ thấy mình khác đi rất nhiều.
***
Nội dung: Ý Tuệ - Học viên Content 3 Gốc
Biên tập: Khánh Vi
Hình ảnh: Trung Căn Bản
>>>Tìm hiểu thêm: Bài học khiêm tốn từ Washington và người tiểu thương
Chân thành cám ơn bài viết rất hưu ích. Khiêm hạ chính là một my đức trên con đường tu duong thân tâm.núi cao còn có núi khác cao hơn, không ai là người tài giỏi hoàn toàn và sự thành tựu mà ta có được cung nhờ sự đóng góp của nhưng người chung quanh ta thế nên ta phải biết khiêm hạ
Bài viết rất hay , mong là ai đọc được bài viết này đều có lòng khiêm hạ