top of page
Writer's pictureNhàn Lý

BÍ QUYẾT CAI NGHIỆN ĐIỆN THOẠI CHO MỌI ĐỐI TƯỢNG THÀNH CÔNG 98%

Updated: Mar 18

Ai cũng biết Mark Zuckerberg là CEO của mạng xã hội đình đám Facebook nhưng có lẽ không nhiều người biết rằng cũng chính ông không hề dành thời gian trực tiếp sử dụng nền tảng này. Tất cả đều được một đội ngũ hùng hậu phía sau hỗ trợ.


Vậy mà chúng ta - những con người luôn than vãn rằng cuộc sống quá bận rộn lại có rất nhiều thời gian sử dụng điện thoại để truy cập mạng xã hội đến mức NGHIỆN gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống và công việc của mình.


Làm thế nào để có thể “cai nghiện” và biết cách sử dụng điện thoại thông minh một cách "thông minh"?

Mời bạn cùng blog 3 gốc tìm câu trả lời trong bài viết này nhé!





MỤC LỤC


1. Nghiện điện thoại - vấn đề không của riêng ai

1.1 Nghiện điện thoại là gì?

Nghiện là sự lặp đi lặp lại của một hành vi bất chấp nó mang lại sự tiêu cực (ví dụ nghiện ma túy, nghiện rượu, nghiện lô đề, nghiện game…), trở thành thói quen diễn ra trong một thời gian dài và chủ thể không thể kiểm soát được hành vi đó.


Trước đây khi nói đến nghiện thường chúng ta chỉ nghĩ đến nghiện chất cấm, nghiện cờ bạc. Hiện nay với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, chúng ta lại vô tình rơi vào một thứ “nghiện” khác, đó là nghiện điện thoại.


Nghiện điện thoại là việc chúng ta dính mắc, phụ thuộc quá nhiều, sử dụng quá nhiều facebook, tiktok, instagram, game, phim ảnh… đến mức không có nó ta cảm thấy bứt rứt, khó chịu, mất đi sự an toàn và niềm vui trong cuộc sống.





1.2 Bạn đang làm chủ hay lệ thuộc vào điện thoại?


Các bạn trẻ thường định nghĩa vui về cảm giác an toàn là khi trong túi đầy tiền - xăng xe đầy bình - điện thoại đầy pin để thể hiện rằng điện thoại là một phần tất yếu của cuộc sống.


Điều đó hoàn toàn đúng khi sáng sớm thức dậy thứ bạn chạm đến đầu tiên là chiếc smartphone với đầy đủ tính năng. Trong giờ làm thi thoảng bạn lại lướt facebook, youtube một cách vô thức, hóng không sót drama nào trên mạng xã hội. Trên đường trở về nhà, bạn nhìn thấy ai ai cũng mải miết lướt điện thoại, chẳng bận tâm đến người đi bên cạnh mình. Và buổi tối sau những phút ngắn ngủi ngồi dùng bữa cùng nhau, gia đình bạn lại mạnh ai nấy về phòng, đóng kín cửa và xem điện thoại tận đêm khuya. Những cuối tuần cũng chẳng cần đi ra ngoài chơi nữa, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh là đủ để giải trí rồi.


Theo báo cáo của công ty đầu tư mạo hiểm Kleiner Perkins Caufiels & Byers (Mỹ), trung bình một người mở khóa điện thoại 150 lần mỗi ngày. Dữ liệu khác từ SecurEnvoy cũng chỉ ra đến 66% dân số thế giới có dấu hiệu mắc chứng nomophobia; 74% người Mỹ cảm thấy khó chịu khi để điện thoại ở nhà và 46% người khác nói không thể sống thiếu điện thoại

Điện thoại là một phát minh làm thay đổi nhân loại khi có thể giúp con người giao tiếp không giới hạn về mặt không gian. Ta không phủ nhận lợi ích thiết thực, giải phóng sức lao động, tăng năng suất và phục vụ cho hầu hết các nhu cầu con người. Nhưng lạm dụng quá mức, vô tình chúng ta trở nên phụ thuộc, bị “nghiện” lúc nào không hay.





Vì rất tiện ích trong công việc cũng như thể hiện bản thân nên ai cũng muốn “làm chủ” một chiếc smartphone thời thượng và nhiều tính năng. Cả thế giới thu nhỏ và tiện lợi đều có mặt ở đó. Một chiếc chạm tay chưa đầy 2 giây, thế giới của game online, phim ảnh bạo lực, video nhảm nhí, tin tức giật gân hay bất cứ điều gì ta cần hiện ra nhanh chóng. Ban đầu, ta trả tiền để được “làm chủ”, được sở hữu nhưng vì thói quen không rời mắt nổi màn hình khiến ta vô tình trở thành “nô lệ”, phụ thuộc vào nó từ bao giờ.


2. Hậu quả đáng báo động của nghiện điện thoại


Có một chiếc điện thoại trong tay, lợi ích cũng nhiều nhưng hệ quả mang lại cũng vô vàn, vô kể. Kẻ thù của sự rắc rối và thành công thời đại 4.0 không chỉ còn là sự trì hoãn, lười biếng nữa, mà giờ đó còn là điện thoại. Tại sao vậy? Bởi vì việc sử dụng đến mức nghiện ngập mang lại hậu quả cụ thể như sau:


2.1 Lãng phí thời gian, bỏ lỡ thành công


Các chuyên gia khuyến cáo chỉ nên dùng 1-2 giờ mỗi ngày cho mạng xã hội nhưng thực tế mỗi ngày bạn đốt bao nhiêu thì giờ cho “dế yêu” của mình?


Có phải trong 8 giờ làm việc, cứ khoảng 15-20 phút bạn lại ngó điện thoại một chút. Bạn tự lên deadline là sẽ hoàn thành công việc nào đó trong 2 tiếng đồng hồ nhưng quá nửa thời gian bạn bị hút vào một phim hay một câu chuyện tản mạn của ai đó trong thế giới ảo mà chính bạn chẳng hề liên quan đến họ.


Theo công ty nghiên cứu thị trường Q&Me mới đây công bố báo cáo Những ứng dụng di động phổ biến với người Việt 2023trung bình hàng ngày mỗi người Việt Nam dành khoảng 7 tiếng đồng hồ cho việc truy cập internet. Thời gian này tương đương ⅔ thời lượng trong ngày chỉ để truy cập các ứng dụng trên mạng xã hội.


Quỹ thời gian đó nếu có thể dành cho công việc, phát triển bản thân thì sau một năm thôi, bạn đã tiến xa biết chừng nào. Còn nếu bạn cứ trượt dài ngày này sang tháng khác với việc giải trí bằng điện thoại thì điều tất yếu bạn nhận được sẽ là đánh mất đi rất nhiều cơ hội để có được sự thành công trong công việc cũng như cuộc sống.


2.2 Ảnh hưởng tới sức khỏe


Mặt trái của nghiện điện thoại không chỉ dừng lại ở việc tiêu tốn nhiều thời gian cho việc vô bổ mà nó còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe về thể chất và tinh thần.


Với trẻ nhỏ, nếu thường xuyên sử dụng điện thoại sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến mắt, giảm vận động, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất. Nếu thói quen được lặp lại nhiều lần thì dễ dẫn đến hiện tượng “tăng động, giảm chú ý”. Triệu chứng tương tự cũng diễn ra ở các em học sinh, sinh viên. Khả năng mất tập trung, kết nối kém và hàng loạt các vấn đề tiêu cực xảy ra khi các em chưa đủ khả năng kiểm chứng thông tin và lựa chọn kênh phù hợp với mình.





Gần đây, các nhà khoa học Mỹ đã khảo sát và đưa ra kết luận rằng việc con người thường xuyên sử dụng điện thoại thông minh là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng trầm cảm, lo lắng, đau nhức cổ tay và vai gáy, rối loạn giấc ngủ, lo âu kéo dài. Kể cả không có các nhà khoa học kiểm chứng, tự chúng ta cũng cảm nhận được sự mệt mỏi, thiếu năng lượng của chính bản thân mình khi dùng điện thoại quá lâu trong một ngày.


Một ví dụ điển hình cho việc gây ra hiệu ứng tiêu cực nhưng rất vi tế là khi ta cố gắng khỏa lấp sự thiếu hụt của mình bằng cách đăng lên mạng xã hội (chẳng hạn vì muốn được công nhận nên khoe nhà khoe xe) ta vô tình lại kích hoạt sự ganh tỵ hoặc những mặc cảm, tự ti của một ai đó vô tình lướt phải. Những người đó lại tiếp tục sự khỏa lấp giống ta và ngoài kia lại một ai đó lặp lại hành động tương tự. Cứ như vậy tạo nên một lớp lớp người mệt mỏi với những mặt nạ sống ảo không có hồi kết


2.3 Sự kết nối con người trở nên rời rạc


Điện thoại ra đời mục đích để con người có thể kết nối với nhau bất chấp khoảng cách. Vậy nên thật “ngược đời” khi nói rằng cũng chính nó khiến những mối quan hệ trở nên rời rạc, nhạt nhòa. Nhưng thực tế đã diễn ra đúng như vậy.


Từ thành thị đến nông thôn, hình ảnh bố mẹ và con cái mỗi người ôm một chiếc điện thoại để xem phim, chơi game đã trở nên quen thuộc. Về hình thức, mọi người vẫn quây quần bên nhau nhưng thay vì trò chuyện, chia sẻ thì họ lại say sưa thả hồn vào thế giới ảo. Nhiều cha mẹ còn dùng điện thoại để dụ trẻ nhỏ ăn, để con tự chơi tránh làm phiền mình. Tất cả những hình ảnh đó vô tình tạo điều kiện cho các thành viên tuy không “xa mặt” nhưng vẫn “cách lòng”. Để rồi mọi người mất dần khả năng giao tiếp, lắng nghe, thấu hiểu nhau.


Điều này không chỉ diễn ra trong gia đình mà các mối quan hệ đồng nghiệp, bạn bè cũng vậy. Thậm chí cả những đôi tình nhân đi hẹn hò cùng không thể nào cưỡng lại được sức hút của điện thoại. Kề vai nhau, tựa vai nhau nhưng đa phần ánh mắt vẫn nhìn màn hình và tay mân mê lướt màn hình trong từng khoảnh khắc.





Chính vì vậy thật không khó hiểu khi con người ngày càng đông đúc nhưng lại ngày càng cô đơn, tự ti vì chỉ nhìn thấy những mặt tốt đẹp của mọi người trên mạng xã hội. Cuộc sống ngày càng dư dả, đủ đầy nhưng ta lại càng cảm thấy trống trải, thiếu thốn. Đó là chưa kể đến những nhận thức và hành vi lệch lạc của con người mà mạng xã hội tác động đến.


3. Những phương thức kích hoạt con nghiện trong ta


Có 2 yếu tố khiến ta khó thoát khỏi cơn nghiện, đó là mạng xã hội thiết kế để gây nghiện và bản thân chúng ta không đủ tỉnh thức, ý chí để vượt qua những cám dỗ đó.


3.1 Mạng xã hội thiết kế để gây nghiện


Mạng xã hội là một thế giới thu nhỏ, phong phú, đầy hấp dẫn và quan trọng nhất là ta có cảm giác kiểm soát được nhiều thứ - những vấn đề trong cuộc sống thực ta nỗ lực hết sức cũng khó làm được. Điển hình nhất đó là được hóa thân vào cuộc sống như mơ - cụ thể đó là sống ảo.


Rất nhiều người nghiện sống ảo đến mức đếm từng lượt like, chờ đợi từng chiếc comment khen chỉ để chứng tỏ rằng mình được công nhận. Khi một bức hình hay một câu chuyện trở thành viral, lập tức dopamin trong não tiết ra, khiến ta không ngừng nghỉ check điện thoại để đón nhận trạng thái lâng lâng vui sướng.


Thậm chí vì những lượt tương tác mà sinh ra giờ vàng đăng bài với mục đích tiếp cận được nhiều người. Không những vậy thuật toán trên nền tảng mạng xã hội thay đổi liên tục, kích thích sự tò mò, mới lạ khiến người xem không thể nào dừng sự khám phá và mong muốn được ở lại lâu hơn.





Nếu bạn không trả tiền cho sản phẩm thì bạn chính là sản phẩm - câu nói này là hoàn toàn đúng với mạng xã hội. Thực tế, các phương tiện liên lạc không hề miễn phí. Ta không phải trả tiền để sử dụng chúng nhưng các công ty quảng cáo trả tiền, đổi lại các công ty truyền thông cung cấp cho họ những công cụ để thay đổi hành vi và giá trị của chúng ta.


Mỗi ngày một chút, nhờ tác động từ những thông tin trên mạng xã hội, ta ăn nhiều hơn, tiêu thụ nhiều hơn, tham lam nhiều hơn. Và chúng ta phải trả giá cho việc nghiện của mình bằng thời gian, sức khỏe, tiền bạc, cảm xúc, thậm chí là con người.


3.2 Sự thiếu tỉnh thức của con người


Ham muốn đến dính mắc, lệ thuộc

Đối với trẻ em, smartphone với nhiều hình ảnh, video đẹp mắt, chuyển động liên tục, âm thanh dễ nghe là yếu tố kích thích sự tò mò khám phá, dễ dàng khiến trẻ khi đã được tiếp cận một lần sẽ có nhu cầu sử dụng lâu dài. Cứ như vậy, từ lúc nào smartphone trở thành giải pháp quan trọng khi bố mẹ muốn con ngồi yên, không làm phiền người lớn. Từ lúc nào, trẻ không thể rời bỏ người bạn “đầu đời” mà hấp dẫn bậc nhất này.


Với người lớn, điện thoại không những dùng để nghe - gọi mà còn là vật trang trí thể hiện đẳng cấp. Vì vậy những chiếc điện thoại apple, samsung đời mới luôn được săn lùng. Nó không chỉ chứng tỏ chủ nhân có đời sống vật chất dư dả mà còn thể hiện rằng họ không hề thua kém trong việc cập nhật những thành tựu mới nhất của nhân loại. Ngay lúc này đã tồn tại ham muốn được công nhận thầm kín rồi.


Nếu ta chơi chung với nhóm bạn ai cũng có điện thoại đắt tiền, còn ta trung thành với chiếc "cùi bắp" cũ kĩ thì chắc hẳn ta sẽ bị coi là lạc hậu và dễ bị cô lập. Tuy nhiên với một bộ phận giới trẻ hiện nay thì bị những người xung quanh cô lập không đáng sợ bằng việc điện thoại hết pin, và họ coi đó mới là “thảm kịch” bị cô lập thực sự.





Coi nhẹ những tương tác trong đời sống thực nhưng chúng ta lại rất để tâm vào những tương tác trên thế giới ảo. Bằng chứng là khi bạn đăng một video hay một bức ảnh nào đó trên mạng xã hội, lập tức cảm xúc của bạn bị số lượng like làm chủ. Vì chạy theo lượng view phù phiếm đó mà rất nhiều những hành vi chưa đúng mực tràn lan trên cõi mạng. Ta chẳng cần phân biệt tốt xấu, chẳng cần ranh giới tích cực hay tiêu cực, chỉ cần tạo được nhiều lượt theo dõi là đạt mục tiêu rồi.


Nỗi sợ bị bỏ rơi

Sở dĩ ta không rời mắt khỏi điện thoại còn một lí do nữa là sợ bị bỏ lại phía sau. Sợ bỏ lỡ những tin tức nóng hổi, sợ mình trở nên ngơ ngác khi ai đó hỏi “cậu biết tin gì chưa?” chỉ sau một đêm trong khi bạn bè, đồng nghiệp bàn luận sôi nổi. Điều đó khiến ta luôn trong tình thế “săn” thông tin, hóng không sót các thể loại trend. Thậm chí đôi khi chỉ là kiểu tóc hay bộ trang phục mới của người nổi tiếng, trạng thái cảm xúc của một người bạn hoặc đồng nghiệp.


Con người ngoài rất nhiều những áp lực đến từ gia đình, công việc, còn có một áp lực với tên gọi là áp lực cùng trang lứa. Nghĩa là chúng ta luôn tự so sánh bản thân mình với những người cùng thời, sau đó vui vẻ khi thấy mình giỏi hơn, buồn bã khi thấy mình kém cỏi hơn. Thường thì trên mạng xã hội, ai ai cũng thể hiện mặt tốt - đẹp, mặt giỏi giang - thành công, điều đó vô tình tạo cho ta nỗi sợ bị bỏ lại phía sau. Càng sợ thì ta lại càng theo dõi. Và điện thoại là phương tiện dễ dàng nhất để ta không bỏ lỡ sự thay đổi của tất cả mọi người ta quan tâm.


Si mê không lối thoát

Nếu ai đó hỏi rằng “bạn có nghiện điện thoại không?” liệu ta có tự nhận mình là “nô lệ” của điện thoại? Ta chỉ nghĩ rằng mình đang giải trí, đang thoát khỏi sự nhàm chán sau những giờ làm việc căng thẳng. Hoặc nếu có nhận thức được mặt trái của việc lệ thuộc quá nhiều, ta lại chẳng đủ lý trí để thoát ra được.


Giống như khi xem một bộ phim, xem tập 1 rồi lại muốn xem tập 2, 3. Cuối mỗi tập đạo diễn lại thường tạo những nút thắt chưa được gỡ, kích thích ta lao vào những tập tiếp theo. Vậy nên dù biết mai cần dậy sớm để đi làm nhưng ta cứ kệ cày phim cả đêm, chẳng cần đi ngủ.


Bản chất của con người là luôn bị cuốn hút bởi những điều mới lạ. Mạng xã hội với rất nhiều hình thức giải trí phong phú và vô tận khiến chúng ta đi từ lôi cuốn này đến sự thu hút khác. Những ma trận đó kích thích nhu cầu được khám phá, thỏa mãn sự tò mò không có điểm dừng.


4. Cách cai nghiện điện thoại thành công 98%


Nguyên nhân khiến ta nghiện điện thoại là do mong muốn hưởng thụ, có được những thứ mà cuộc sống thực ta chưa đạt được. Vì mải mê trong thế giới đó ta dính mắc, lệ thuộc lúc nào không hay dù biết rằng điều đó gây hại cho cuộc sống của mình. Để "thoát thân" khỏi cơn nghiện, cân bằng lại thân - tâm - trí, ta có thể thực hiện những cách dưới đây:


4.1 Sử dụng điện thoại thông minh một cách "thông minh"


Sử dụng điện thoại một cách thông minh là ta đưa công nghệ trở về đúng vị trí của nó. Nghĩa là ta nên để điện thoại trở thành phương tiện để kết nối, học tập, phát triển bản thân và phục vụ cho công việc thay vì để nó điều khiển hành vi và mang lại những tác động tiêu cực cho sức khỏe và các mối quan hệ.


Tất nhiên nhu cầu giải trí cũng là một vấn đề cần thiết nhưng ta nên có chừng mực và nên ưu tiên những lĩnh vực mang lại sự tích cực trong đời sống của mình. Ví dụ nghe những bản nhạc thư giãn nhưng vẫn tạo động lực sống ý nghĩa và tốt đẹp; xem những bộ phim truyền tải nội dung về tình yêu thương, nghị lực và lòng dũng cảm của con người…





Thời gian sử dụng điện thoại mỗi ngày cũng chỉ nên giới hạn trong 1-2 giờ như khuyến cáo của các chuyên gia. Bản thân ta nên tránh những thông tin tiêu cực hoặc nếu tiếp cận thì cần có chánh kiến, tránh việc bị ảnh hưởng bởi những nội dung nhảm nhí, bạo lực, xem chỉ khiến bản thân thêm mệt mỏi, bực dọc. Tuyệt đối đừng để điện thoại trở thành đối tượng khiến ta mất tập trung trong công việc cũng như tạo nên những rạn nứt trong mối quan hệ gia đình.


Tóm lại, khi thay đổi nhận thức bằng trí tuệ sáng suốt thì ta sẽ dần dần rút khỏi việc sử dụng điện thoại một cách vô bổ và tốn thời gian. Chính nhận thức đó cũng khiến các nền tảng mạng xã hội thay đổi theo. Ví dụ hiện nay facebook hạn chế những nội dung bạo lực, đưa ra những quy định về tiêu chuẩn cộng đồng…


4.2 Vượt qua những cám dỗ trong thế giới ảo


Thật khó để giảm thời gian sử dụng điện thoại đang từ 7 giờ mỗi ngày xuống chỉ còn 1-2 giờ đồng hồ. Điều này khó tương đương với việc cấm một phụ nữ nghiện mua hàng online hay một người đàn ông dừng đam mê chơi game của mình.


Không phải chúng ta không nhận thức được tác hại của việc mình nghiện điện thoại nhưng vì không đủ bản lĩnh và sự quyết tâm nên ta cứ lần lữa “thôi xem nốt hôm nay”. Vì ngày nào cũng là “hôm nay” nên mãi mà chúng ta vẫn không giảm bớt được việc là “nô lệ” của những thông tin, giải trí trên mạng xã hội.





Khi nạp lại cho mình nhận thức có chánh kiến rồi, ta cần lên kế hoạch để vượt qua những cám dỗ đầy sức hút của thế giới ảo. Ta có thể kiên trì với những hành động tưởng rất nhỏ dưới đây:


- Tắt thông báo, xóa app hoặc cài mật khẩu: Cách này giúp ta giảm xao nhãng, tăng sự tập trung, giảm mức độ nghiện.


- Giới hạn thời gian sử dụng: Điều này nên xuất phát từ động cơ bên trong chứ không phải sự tự cấm đoán hình thức. Hãy tạo thói quen ý thức thường xuyên rằng mình cần dành thời gian cho gia đình, tập trung cho công việc và các mối quan hệ. Tự nhủ trong vô thức rằng mình đã lãng phí quá nhiều thời gian cho những điều vô nghĩa, rằng sử điện thoại quá nhiều gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Những suy nghĩ như vậy dần khiến ta dần tự kiểm soát mình trước sự lôi cuốn của thế giới ảo.


- Hạn chế post status trên nền tảng mạng xã hội: Khi ta chia sẻ một dòng trạng thái, ta sẽ luôn đợi chờ những lượt tương tác, sau đó buồn vui vì những chia của mọi người. Để tránh lãng phí thời gian và tâm tư vào những chuyện đó ta nên post vừa phải và chia sẻ những điều lành mạnh thôi.


- Để điện thoại tránh xa giường ngủ: Điều này giúp ta hạn chế việc xem điện thoại đến đêm khuya hoặc sáng sớm tỉnh dậy đã lướt mạng xã hội rồi.


Có nhiều người chia sẻ rằng “Tôi đã cai được facebook bằng cách nghiện Youtube” - điều này thật đáng ngại. Vậy nên ta nên cẩn trọng việc chuyển nghiện đối tượng này sang đối tượng khác. Vượt qua cám dỗ của thế giới ảo không hề dễ dàng nhưng nếu kiên trì ta hoàn toàn làm được.


4.3 Kết nối sâu với mình và Tam bảo


Nguyên nhân chính của việc nghiện điện thoại đến từ việc chúng ta mất kết nối với chính mình và mọi người. Vì vậy giải pháp thiết thực nhất đó là hãy xây dựng môi trường Tam bảo và kết nối với chính mình.





Khi chúng ta thỏa mãn với sự hiện diện của một người ta yêu thương thì ta đâu có cần điện thoại để giải trí. Giống như một đứa trẻ nếu được ba mẹ yêu thương, dành nhiều thời gian thì chúng sẽ chọn chơi đùa chứ không cần điện thoại. Bản thân chúng ta cũng vậy, nếu chúng ta có những mối quan hệ chất lượng, ta sẽ ưu tiên thời gian để cùng họ chia sẻ, cùng đọc sách, cùng nâng đỡ nhau phát triển.


Điều quan trọng nhất trong việc kết nối, đó là kết nối với chính mình. Ta mê điện thoại bởi cảm thấy cuộc sống thực tế không hấp dẫn bằng thế giới ảo. Đó là do ta chưa tìm thấy những đam mê, sở trường, ý nghĩa cuộc đời của mình. Nếu ta thực sự có đam mê trong một lĩnh vực nào đó, dành trọn vẹn thời gian để tìm hiểu nghiên cứu nó thì điện thoại với những thông tin vô bổ không còn là ưu tiên hàng đầu. Để có được sự sự kết nối sâu với chình mình, ta cần thiết rèn luyện bản thân vững vàng về 3 gốc, đặc là trí tuệ.


5. Kết luận

Chúng ngu si, thiếu trí
Chuyên sống đời ăn chơi
Người trí, không ăn chơi
Rèn luyện bản thân mình

Điện thoại thông minh là phương tiện hữu ích trong cuộc sống nhưng nếu sử dụng không thông minh ta dễ bị lệ thuộc và trở thành “nô lệ”, thành con nghiện của chính sản phẩm do con người tạo ra.


Cai nghiện không phải là việc chúng ta tự cấm đoán bản thân sử dụng mà là tỉnh thức để đưa công nghệ trở về đúng vị trí của nó. Nơi mà nó phục vụ cho việc kết nối, giao tiếp, mang lại những tiện ích trong công việc và giúp ta dễ dàng tiếp cận - lan tỏa những điều tử tế.


Nội dung: Trần Mai - Học viên Content 3 gốc

Biên tập: Nhàn Lý

Hình ảnh: Trúc Phương


215 views0 comments

Comments

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating
Untitled-1.jpg

Cùng chung lý tưởng
“Giáo dục chuyển hoá 3 Gốc”

Trang thư viện 3 Gốc mong nhận được phản hồi, động viên hoặc “ủng hộ” tuỳ hỷ đến từ độc giả. Bởi đây là thông điệp ngầm nhắn gửi “Những gì chúng tôi làm mang giá trị thiết thực đến cho mọi người”, giúp 3GOC.VN sẽ ra mắt nhiều nội dung giá trị hơn trong thời gian tới. 

Trí nhân

Đóng góp tài năng viết lách của mình cho trang

01

Tài vật

Đóng góp bằng tài chính

02

Nội dung chuyển khoản:

3goc.vn_Tên_Điều nhắn gửi

Số Tài Khoản: 215962349

Ngân hàng: ACB - PGD Vạn Hạnh

Tên tài khoản: Bùi Thị Thanh

z5270840594423_a3c1e7ba81d7effac77193110559e12d.jpg
bottom of page