top of page

"YÊU THƯƠNG HAY NUÔNG CHIỀU", 2 THÁI CỰC DỄ NHẦM LẪN CỦA CHA MẸ

Updated: Mar 12

Trở thành cha mẹ, đồng nghĩa với sự song hành của khó khăn và vĩ đại, vất vả và hạnh phúc. Mỗi bậc cha mẹ đều kỳ vọng con mình thành tài, đều tích cực yêu thương con, song lớn lên, mỗi đứa trẻ lại có một tương lai khác nhau. Có người tài năng xuất chúng, có người trở thành nỗi lo ngại, tại sao lại có sự khác biệt lớn đến như vậy?


Mời ba mẹ cùng blog 3 gốc suy ngẫm và soi lại xem mình đang nuông chiều hay yêu thương con đúng cách nhé!




MỤC LỤC

3. Kết luận

Ranh giới giữa Thương Yêu và Nuông Chiều đôi khi rất mong manh
Ranh giới giữa Thương Yêu và Nuông Chiều đôi khi rất mong manh

1. Bạn có đang nhầm lẫn giữa Yêu Thương và Nuông Chiều?

  • Điều đáng sợ nhất trong tình yêu thương của các bậc cha mẹ là nuôi con bằng cách hi sinh hạnh phúc của mình

Có vợ chồng nhà nọ bị hiếm muộn nên mãi tới gần 40 mới sinh được một cậu con trai. Họ vui mừng tột độ, và xem con như bảo bối trong nhà mà “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”.


Dù gia cảnh không được khá giả, nhưng họ cũng cố gắng cho con được bằng bạn, bằng bè, không thiếu thứ gì. Con đòi ăn kem, có kem! Con đòi uống nước ngọt, có nước ngọt! Đồ chơi gì con thích, mua ngay!


Con chạy chơi, té ngã, bà vội vàng chạy lại đỡ con dậy mà xuýt xoa, dỗ dành. Con nhõng nhẽo không muốn ăn cơm, bà nịnh nọt, làm trò, đủ kiểu và xúc con ăn từng muỗng.


Tới tuổi đi học, ông bà không cho con đụng vào bất cứ việc gì trong nhà, chỉ cần con tập trung học cho giỏi. Ông bà quan niệm rằng, đời mình đã khổ nhiều rồi, giờ chỉ có một đứa con, ráng cho nó học hành nên người, sau này có người nhờ cậy lúc tuổi già, mấy việc cỏn con trong nhà, ông bà quen tay, làm loáng cái là xong, chứ để con tự làm, có khi bà phải làm lại.


Năm 19 tuổi, vì không đủ điểm vào đại học, nên ông chạy chọt, xin cho con vô học một vào một trường trung cấp, ngành công nghệ thông tin. Nghe con nói học thì cần có máy vi tính xách tay để thực hành, ông bà cũng vay mượn thêm để cố mua được cho con một cái. Con muốn mua điện thoại, ông bà cũng cố làm thêm mà mua cho con.


Nhưng con lại học hành chểnh mảng dần và bắt đầu nghiện games, nghiện máy tính, nghiện điện thoại… ông bà khuyên ngăn con đủ điều nhưng cũng không có tác dụng. Lay lắt với việc thi lại, học lại mãi thì thầy cô cũng nản mà cho qua môn.


Sau ba năm thì con cũng tốt nghiệp được với tấm bằng trung bình. Ra trường rồi, đi xin việc khắp nơi mà cũng không có việc làm. Bà lại chạy vạy người quen mà cho con một chân làm ở tiệm photocopy, nhưng chưa được hai tháng thì con cũng nghỉ, với lý do không hợp với ngành đã học. Cứ như vậy, hai năm nay, vẫn thất nghiệp nằm nhà. Hàng ngày, ông đi chạy xe giao hàng, còn bà thì đi bán đậu phộng để lo cho con và duy trì cuộc sống của gia đình.


Bây giờ, niềm mong ước nhất của ông bà là làm sao thay đổi được con, cho con có công việc ổn định mà tự lo cho bản thân mình.


Sự nuông chiều của bố mẹ đang dần tạo nên những đứa trẻ vô ơn và ỷ lại
Sự nuông chiều của bố mẹ đang dần tạo nên những đứa trẻ vô ơn và ỷ lại


  • Thương con hay hại con?

Từ câu chuyện của bà cụ nhắc nhở cho những người làm cha mẹ một điều quan trọng trong việc dạy dỗ con cái: Đừng nhầm lẫn giữa thương yêu và nuông chiều.


Cha mẹ thường có tâm lý, đời mình khổ nhiều rồi thì phải cho con cuộc sống sung sướng hơn. Đôi khi vì thương con mà nuông chiều mù quáng, cha mẹ vô tình tước đoạt đi những cơ hội trưởng thành và tạo nên những con người ích kỷ. Con chỉ muốn được cung phụng, hưởng thụ chứ không biết phục vụ và yêu thương, vô tình hại con trở thành “Gà công nghiệp”.


Thay vì để con vấp ngã mà tự đứng dậy, để cho con biết lần sau phải cẩn thận hơn, cho con tự chịu trách nhiệm với hành động của mình, thì lại vội vàng dỗ dành cho con nín khóc và sẵn sàng đổ lỗi cho người khác, vật khác.


Thay vì để cho con tự chịu trách nhiệm với sự bướng bỉnh của mình mà nhịn đói thật thì lại cho tập cho con thói quen hưởng thụ, lúc nào cũng có người chăm sóc, làm cho mình vui vẻ. Một đứa trẻ được bao bọc từ nhỏ, cơm đút tận miệng, nước dâng tận môi, muốn gì được nấy, liệu rằng khi lớn lên có tự chủ được cuộc sống của mình? Hay đứa trẻ đó sẽ thành một con người chỉ quen hưởng thụ, nếu không được đáp ứng sẽ quay lại oán trách cha mẹ.



Thay vì dạy con làm quen với những việc nhỏ trong nhà, tự chăm sóc bản thân, biết được giá trị những đồng tiền thì lại tập cho con quen với việc ỷ lại, sống phụ thuộc và lười biếng. Một đứa trẻ được cha mẹ bảo bọc từ trong trứng nước, không từng sứt đầu mẻ trán, không từng đi xa một mình, không từng được thực hiện ước mơ… chắc chắn là sẽ lớn lên với tâm lý ỷ lại và thụ động, chỉ trông chờ vào sự xếp đặt của người khác. Một đứa trẻ không quen lao động, không biết cha mẹ mình đã khổ cực thế nào để kiếm tiền thì chắc chắn là xem việc được nuôi nấng, bảo bọc là chuyện đương nhiên, mà không hiểu rằng, luôn phải hàm ơn dưỡng dục.


Vì nuông chiều mù quáng mà nhiều bậc cha mẹ đang tạo nên những người con ích kỷ, chỉ biết hưởng thụ chứ không biết phục vụ và yêu thương
Vì nuông chiều mù quáng mà nhiều bậc cha mẹ đang tạo nên những người con ích kỷ, chỉ biết hưởng thụ chứ không biết phục vụ và yêu thương

  • Ranh giới của yêu thương đúng cách và nuông chiều

Nuông chiều có nghĩa là bao bọc, bảo vệ quá mức, chu cấp vật chất và đáp ứng mọi mong muốn kể cả những điều vô lí, sai trái. Ba mẹ tự cho rằng đó là thứ con thích, con cần mà quên mất suy xét rằng điều đó có tốt cho con không.


Khi trẻ muốn sở hữu tất cả những gì mà chúng yêu thích, nếu cha mẹ đáp ứng theo thì đó chính là sự nuông chiều. Chẳng hạn khi con thích một đôi giày đắt đỏ, dù không dư giả ba mẹ vẫn cố mua cho con bằng được; khi con thích một món đồ chơi, dù biết ngay sau đó con sẽ chán nhưng ba mẹ vẫn đồng ý đáp ứng mong muốn nhất thời. Trước mắt, ba mẹ thỏa mãn cảm xúc của con nhưng đã vô tình tước đi cơ hội biết tự lập, vô tình biến con trở thành đứa trẻ ích kỷ, chỉ biết đòi hỏi.


Khác với nuông chiều, yêu thương là việc cha mẹ tôn trọng những cảm xúc, suy nghĩ và hành động của con trẻ trên cơ sở nhận thức điều gì tốt cho con. Khi những nhu cầu đó được tôn trọng, trẻ sẽ trở nên tự lập và biết tự đánh giá bản thân mình hơn. Trên con đường này, đôi khi ba mẹ cần phải “tàn nhẫn” một chút, cần phải biết từ chối, biết lắng nghe, biết phân tích… Ví dụ như khi mẹ đang làm việc mà trẻ muốn chơi cùng hay muốn được mẹ ôm thì có thể bỏ chút thời gian để chơi cùng hay ôm con vào lòng. Điều này sẽ khiến trẻ cảm thấy được quan tâm, được yêu thương. Nhưng không đồng nghĩa với việc mẹ lúc nào cũng ôm ấp, để con dính mắc vào mình.


Cha mẹ cần tôn trọng những đòi hỏi của trẻ. Điều quan trọng nhất là bạn cần phải dựa vào điều kiện gia đình, tính cách của mỗi đứa trẻ. Muốn vậy không thể chỉ dựa vào bản năng làm ba mẹ mà cần có trí tuệ của sự hiểu biết đúng đắn.


2. Giải pháp nào để con lớn lên trong tình yêu thương mà vẫn đầy bản lĩnh sống?

  • Cha mẹ là những tấm gương tốt cho con

Cha mẹ nào chẳng yêu thương và muốn dành những điều tốt đẹp cho con mình, nhưng yêu thương con cũng cần có trí tuệ. Yêu thương con đúng cách cũng là một môn học, một nghệ thuật mà tất cả mọi người đều phải học tập và con sinh ra là để dạy cha mẹ trưởng thành. Nếu cha mẹ không học cách thương yêu con đúng đắn thì hậu quả sẽ rất đáng tiếc.

Cha mẹ là nhân, con cái là quả. Hãy nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình


Cha mẹ - với tư cách là người thầy đầu tiên của trẻ, lời nói và thói quen của cha mẹ có tác động rất lớn đến tương lai của con. Cha mẹ muốn con học những thói quen tốt, thì bản thân mình phải làm gương học tập, rèn luyện những thói quen tốt mỗi ngày bởi con sẽ nhìn vào những hành động của cha mẹ để học theo chứ không phải nghe theo lời cha mẹ nói.


Một số gợi ý dưới đây sẽ giúp các bậc cha mẹ gắn kết với con và giúp con cảm nhận được sâu sắc tình thương của mình.

  • Dành thời gian trải nghiệm, học tập và rèn luyện cùng nhau

Các con rất cần những khoảng thời gian ý nghĩa, chất lượng cùng cha mẹ. Hãy toàn tâm, toàn ý khi bên con trong những hoạt động hàng ngày, ví dụ như: cùng nhau dọn dẹp trang trí, dọn dẹp nhà cửa, cùng nhau rèn luyện thể thao, cùng tham gia các chương trình rèn luyện 3 gốc: Đạo Đức - Nghị lực - Trí tuệ … Cha mẹ có thể tham khảo các chương trình rèn luyện Chiến binh 3 gốc, Đại Bàng Thép, Giờ đọc hạnh phúc của Bke, hoặc các chương trình dã ngoại ngoài trời, trồng rừng …

  • Tôn trọng con và lắng nghe con

Mỗi người, từ khi sinh ra đã có những cá tính, sở thích, suy nghĩ và chính kiến riêng của mình. Vì vậy, con rất cần sự tôn trọng, sự lắng nghe và chia sẻ của cha mẹ để giúp con giải tỏa.


Lắng nghe, giúp cha mẹ có thể hiểu con, làm bạn với con và hơn thế nữa, giúp con cảm nhận được tình yêu thương và sự quan tâm của cha mẹ dành cho mình.

  • Phê bình con đúng cách

Khi trẻ mắc lỗi hoặc bướng bỉnh, cha mẹ đừng vội mắng mỏ, trách phạt con mà nên học cách phê bình con một cách khéo léo.

  1. Trước khi phê bình, hãy lắng nghe trẻ giải thích nguyên nhân của hành động đó.

  2. Tự nhìn lại bản thân mình trước khi phê bình con. Nhìn con mà sửa lại mình, sửa lại cách giáo dục con của mình.

  3. Lựa chọn thời điểm và không gian phù hợp để nói chuyện với con, tránh phê bình con trong những trường hợp sau: vào sáng sớm, khi đang ăn, trước mặt bạn bè, hoặc ở nơi công cộng…

  4. Giữ bình tĩnh để có thể kiểm soát lời nói và tông giọng của mình khi phê bình con. Cha mẹ nên phê bình con bằng giọng thấp hơn bình thường, giọng trầm và mạnh mẽ sẽ thu hút sự chú ý của trẻ, đồng thời dễ khiến trẻ nghe theo lời bạn nói.

  • Xây nền móng tự tin và bản lĩnh cho con bằng tình yêu thương đúng cách

1. Trò chuyện, âu yếm và khen ngợi con

Các nhà giáo dục khuyên rằng, khi trẻ ngủ, hãy nằm bên cạnh để ôm con ngủ, cùng trò chuyện với con, đọc cho con nghe những cuốn truyện, sách hay và nói với con về những ước mơ lớn lao, những điều thiện lương.


Đừng ngần ngại khen con nếu con làm đúng và làm việc tốt. Khen ngợi sự cố gắng của con, chứ không chỉ chú trọng vào kết quả. Điều đó sẽ giúp con tự tin và hăng hái hơn rất nhiều.


2. Dạy con biết tự lập

Hướng dẫn con những việc con có thể làm phù hợp với độ tuổi, như: vệ sinh cá nhân, xếp quần áo, chăn màn, quét dọn nhà cửa, trang trí phòng, góc học tập … Tạo nhiều cơ hội cho con làm những điều tốt mà mình thích, những việc sở trường. Chấp nhận sự vụng về, sai sót của con và để cho con có thể tích lũy những kinh nghiệm và tự hoàn thiện khả năng của mình. Hãy cho con biết, sự sai sót hay không thành công không có nghĩa là thất bại và không phải là chuyện gì khủng khiếp. Mọi việc đều cần có thời gian để hoàn thiện. Hãy cứ cố gắng, rồi trái ngọt sẽ đến.


Cha mẹ hãy buông tay để con được bay bằng nội lực của chính con,  đó mới là tình yêu thương cao cả nhất
Cha mẹ hãy buông tay để con được bay bằng nội lực của chính con, đó mới là tình yêu thương cao cả nhất

3. Cho con một môi trường tam bảo

Môi trường sống bên ngoài cực kỳ quan trọng, có ảnh hưởng rất lớn đến tính cách và sự phát triển của con. Thế nên, bên cạnh việc rèn luyện 3 nội lực: Đạo đức, Trí tuệ, Nghị lực cho con, cha mẹ hãy tham khảo việc xây dựng cho con một môi trường tam bảo, để giúp con thay đổi, đó là: chọn bạn tốt mà chơi, chọn thầy-hiền-trí mà học và chọn sách-tinh-hoa mà đọc.


  • Hãy buông tay để con thật sự trưởng thành

1. Buông tay không có nghĩa là buông bỏ

Buông tay, con sẽ phát triển sức mạnh tự lực bên trong. Một khi có sự can thiệp của cha mẹ, não của con sẽ ngừng hoạt động, ngừng tưởng tượng và ngừng lập kế hoạch. Chỉ khi bạn buông tay, con sẽ tự mình giải quyết vấn đề.


Cha mẹ, hãy đứng ở bên, dõi theo con, động viên và trao cho con niềm tinchỉ giúp đỡ khi con thật sự gặp nguy hiểm, thực sự không làm được.


2. Giúp con tìm được đam mê và ý nghĩa cuộc đời

Tạo điều kiện cho con đọc những quyển sách truyền cảm hứng, gương vĩ nhân … sẽ giúp con tìm được đam mê, sở thích, biết được điều gì mang lại hạnh phúc thực sự trong cuộc sống này.


Gợi ý và tạo điều kiện cho con tham gia các khóa học phát triển bản thân, hiểu về bản thân của những người thầy-hiền- trí, hoặc cho con gặp chuyên gia tâm lý, coaching, để giúp con phát triển chánh kiến, đánh thức ý nghĩa cuộc đời.

Hỗ trợ, nâng đỡ con, giúp con đặt ra những mục tiêu rõ ràng, phù hợp với khả năng của con và điều kiện của gia đình.


Điều quan trọng nhất, cha mẹ cần hiểu đây là một hành trình dài, cần sự nỗ lực và bồi đắp mỗi ngày. Và mọi nỗ lực phải bắt đầu từ chính bản thân con. Chính con mới là người làm chủ và quyết định số phận của mình.


Hãy buông tay con để chính con mới là người làm chủ và quyết định số phận của mình
Hãy buông tay con để chính con mới là người làm chủ và quyết định số phận của mình

3. KẾT LUẬN

Hành trình nuôi dạy con trẻ là một trong những trải nghiệm và cha mẹ không thể nào quên. Mỗi giai đoạn là mỗi khía cạnh tâm lý mới của con được hình thành và có những biến đổi nhất định. Cha mẹ cần học cách dạy con đúng đắn và tình yêu thương cần được đặt đúng nơi, đúng chỗ. “Nhẫn tâm” lùi ra khỏi cuộc sống của con, sẽ là cách giúp con trưởng thành hơn. Hãy trao cho con tình yêu thương đúng cách.


Một thương! thầy mẹ làm gương

Hai thương! Tam bảo, môi trường sống xanh

Thầy hiền trí, bạn tốt lành

Sách tinh hoa đủ duyên dành cho con

Ba thương! Hàm dưỡng tâm hồn

Nghe loa pháp thoại, thời con nhớ hoài

Trò chơi nhân-quả, đúng-sai

Bốn thương! cùng biết sửa ngay lỗi lầm

Kế hoạch nhỏ, làm từ tâm

Luyện rèn thể dục, chuyên cần mới nên

Năm thương! yêu quý thiên nhiên

Giữ gìn xanh, sạch mọi miền ta đi

Học - Tập - quan sát tức thì

Tư duy - phân tích - làm gì mới hay

Sáu thương! sáng tạo mỗi ngày

Đồ chơi, quà tặng có bày mới vui

Bảy thương! chia ngọt sẻ bùi

Anh em bè bạn, giúp người khó khăn

Tám thương! rèn luyện tự thân

Chín thương! thầy mẹ ân cần bảo khuyên

Mỗi người mỗi cảnh tình riêng

Khen nâng, phạt hạ con liền tốt lên

Mười thương! theo học thánh hiền

Rèn con 3 gốc, vững bền tương lai.




Ba mẹ cảm thấy tâm đắc nhất giải pháp nào trong bài viết? Hãy chia sẻ cùng 3goc.vn những "tuyệt chiêu" nuôi dạy con trưởng thành ba mẹ đang áp dụng ngay ở bên dưới nhé


Các bài viết hay nên đọc


Nội dung: Trang Vũ - Học viên Content 3 gốc

Biên tập: Nhàn Tuệ Tĩnh


749 views0 comments

Recent Posts

See All
Untitled-1.jpg

Cùng chung lý tưởng
“Giáo dục chuyển hoá 3 Gốc”

Trang thư viện 3 Gốc mong nhận được phản hồi, động viên hoặc “ủng hộ” tuỳ hỷ đến từ độc giả. Bởi đây là thông điệp ngầm nhắn gửi “Những gì chúng tôi làm mang giá trị thiết thực đến cho mọi người”, giúp 3GOC.VN sẽ ra mắt nhiều nội dung giá trị hơn trong thời gian tới. 

bottom of page