top of page

MẸ CHỒNG - NÀNG DÂU, LÀM THẾ NÀO ĐỂ HÒA HỢP?

Updated: Mar 26, 2023

Mẹ chồng và nàng dâu luôn có những kỳ vọng khác nhau về “người đàn ông của mình”, thế nên họ thật sự khó có thể hòa hợp, gần gũi với nhau. Con dâu rất khó để thân thiết với mẹ chồng, mẹ chồng cũng rất khó để yêu thương con dâu.


Vậy làm thế nào để có thể hóa giải mâu thuẫn trong bộ phim dài tập này?




MỤC LỤC

  • Từ người con trai/người chồng

  • Từ người thân xung quanh



1. Nguồn căn của mâu thuẫn Mẹ chồng và Nàng dâu

Mẹ chồng và nàng dâu thì cũng đều có những người thế này, thế kia; không phải mẹ chồng nào cũng khó tính, xét nét; không phải người con dâu nào cũng dè chừng mẹ chồng.


Có những mối quan hệ chỉ cần nói thẳng ra là sẽ giải quyết được mâu thuẫn, nhưng có những mối quan hệ, nhất là quan hệ mẹ chồng – nàng dâu thì nói thẳng vấn đề để mong nhận được sự cảm thông của người kia thì không phải là điều dễ dàng. Vậy điều gì là rào cản khiến mối quan hệ này trở nên khó thân thiết?


Tâm lý của mẹ chồng

  • Con trai của mình tuyệt vời nhất

Con trai mình sẽ thiệt thòi hơn sau khi lấy vợ” hoặc "Nàng dâu chính là người đã cướp mất con trai bà" dường như là tâm lý chung của các bà mẹ.


Đối với mẹ chồng, con trai bao giờ cũng như là báu vật cần phải được săn sóc. Nhưng chỉ có bà mới hiểu tính nết, thói quen, sở thích của con trai. Vì thế, bà sẽ hiếm khi tin tưởng rằng con dâu có đủ khả năng để làm điều đó, cách bà nói hay cư xử thường để chứng minh cho con dâu thấy bà là người chăm sóc con trai bà tốt nhất trên đời.


Bà coi con trai như một phần của bản thân, không hề có sự tách biệt nào. Vì thế, bà mong con trai cũng coi bà lúc nào cũng phải là số một, phải luôn chứng minh mình yêu mẹ nhất trên đời. Còn nàng dâu, chỉ là một “hạt bụi”, phải may mắn lắm mới lấy được con trai bà, có phúc lắm mới được vào làm dâu nhà bà. Khi con dâu nói ra những khuyết điểm, hay chê trách chồng thì người mẹ sẽ cảm thấy bất bình, tìm cách bao biện cho con trai và truy tìm lỗi lầm của con dâu.


  • Mẹ chồng luôn đúng

Có rất nhiều mẹ chồng luôn luôn cho bản thân mình là đúng, không bao giờ thừa nhận mình sai và cũng chẳng bao giờ xin lỗi về bất cứ điều gì. Trong mắt bà, nàng dâu luôn là người duy nhất đáng trách. Bà lúc nào cũng để ý, soi mói từng cử chỉ, lời nói để rồi phán xét, lên án theo quan điểm của mình.


Thậm chí, nhiều bà mẹ còn đi bêu rếu con dâu khắp làng trên xóm dưới, so sánh con dâu nhà mình với nhà người ta. Mẹ chồng luôn đòi hỏi cao hơn ở con dâu và muốn con dâu phải giống như bản thân mình. Mẹ chồng sẽ thường xuyên mang con dâu ra so sánh với những người khác tài giỏi và hoàn hảo hơn.


Mẹ chồng luôn đặt ra các quy tắc và yêu cầu tất cả mọi thành viên đều phải tuân thủ. Bà cho rằng mình là chủ nhà nên có quyền đưa ra những quy tắc đó, dù có vô lý đi chăng nữa. Con dâu chỉ được phép làm theo chứ không được phép trái lại.


Mẹ chồng hay soi mói và thích chỉ đạo


Tâm lý nàng dâu

Trong một cuốn sách mới xuất bản tại Anh, tác giả Terri Apter cho biết dù một người vợ mong muốn yêu mến mẹ của bạn đời, thì cô ấy vẫn luôn có sẵn tư tưởng rằng hai người sẽ không hòa hợp với nhau.


Có vẻ xung đột muôn thuở giữa mẹ chồng và nàng dâu có nguyên nhân rất khoa học: Các bà vợ được lập trình sẵn trong não để không hòa hợp với mẹ chồng, vì một số tâm lý như:

  • Nàng dâu muốn sở hữu người chồng

Nàng dâu cho rằng bây giờ người đàn ông này đã thuộc về mình, nên mọi chuyện liên quan tới người đàn ông này đều chỉ liên quan tới mình. Chồng không còn sống chung, cũng không còn là con trai bé bỏng của mẹ chồng nữa mà phải là người biết quan tâm, chăm sóc, tâm lý và tinh tế với mình.

Mọi việc làm của người chồng đều chỉ nên vun vén cho gia đình nhỏ chứ không phải là với gia đình chồng. Đặc biệt suy nghĩ: “Chồng nghe lời mẹ” luôn làm cho nàng dâu cảm thấy khó chịu và thua thiệt.

  • Nàng dâu muốn mình được chấp nhận

Dù gia đình chồng hay chồng có tốt thế nào đi chăng nữa thì con dâu cũng là người được chồng yêu thương, trân trọng nên mới cưới về. Con dâu không tự nhiên đến ở nhà mẹ chồng mà đã được cưới hỏi đàng hoàng.

Bản thân nàng dâu cũng nhận được sự giáo dục tử tế từ bố mẹ đẻ, từ các trường đại học, không thể nào mẹ chồng lại có thể coi thường mình được. Nàng dâu có cái tôi và thành công của riêng mình nên mong mẹ chồng cũng đón nhận và nâng niu mình.

  • Nàng dâu muốn mình được tự chủ

Nàng dâu thường bị choáng ngợp trước những nếp sinh hoạt của nhà chồng. Những quy tắc, quy định của mẹ chồng làm cho nàng dâu bị rối trí và cảm thấy không phù hợp với mình. Nàng dâu vẫn muốn mình thức dậy hay đi ngủ vào lúc mà mình muốn. Mua sắm những vật dụng mà mình thích, nấu ăn theo khẩu vị mà mình đã quen thuộc… chứ không muốn mẹ chồng can thiệp hay nhắc nhở.


Gia đình nhỏ của nàng dâu cần có không gian riêng tư như bất kỳ gia đình nào khác. Từ các kế hoạch chi tiêu, sinh con, nuôi dạy con,... đều phải do nàng dâu và chồng làm chủ, chịu trách nhiệm chứ không phải là một ai khác. Dù cho người đó có là mẹ chồng.

Nàng dâu ghét bị mẹ chồng can thiệp


Từ những tâm lý trên mà những hành động hay lời nói nói của mẹ chồng - nàng dâu đều quy về một suy nghĩ: Mẹ chồng không thương yêu gì mình đâu. Con dâu không tốt đẹp gì với mình cả.


Thử nghĩ, không riêng gì mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu, mà bất cứ mối quan hệ nào, nếu bước vào với tâm thế tiêu cực như vậy, làm sao chúng ta có đủ niềm tin, sự bao dung, cởi mở để xây dựng cho nó tốt đẹp lên?


2. Ảnh hưởng từ sự bất hòa trong mối quan hệ Mẹ chồng Nàng dâu


Người chịu tổn thương nhiều nhất là ai?

Nếu giữa mẹ chồng và nàng dâu luôn xảy ra bất hòa như vậy thì đôi bên đều sẽ vô cùng mệt mỏi, ngột ngạt. Luôn cảm thấy không được thoải mái trong chính căn nhà mình. Cả mẹ chồng và nàng dâu lúc nào cũng ở trong tâm thế phòng thủ đối phương, lo lắng và cảnh giác nhất cử nhất động của nhau.

Thay vì tập trung sống cuộc đời cho bản thân mình thì họ lại mất rất nhiều thời gian để quan tâm xem đối phương đang làm gì, đang nghĩ gì… gây ra sự xáo trộn trong cuộc sống cũng như trong tâm trí của mỗi người.


Người thiệt thòi không kém là những người xung quanh, đặc biệt là người con trai Chắc chắn người con trai sẽ rất bế tắc, khó xử khi đứng giữa hai người phụ nữ: Một người mình yêu và một người mình luôn kính trọng, ai cũng quan trọng. Họ không hề thích phải làm trọng tài để cân bằng giữa hai người.


Người con trai mà mẹ chồng và nàng dâu nghĩ rằng đang rất được cả hai thương yêu thật ra luôn đau đầu trong việc phải cân bằng mối quan hệ cách xử sự với vợ và mẹ, nếu đứng về phía vợ thì mẹ không hài lòng, mà ngược lại vợ cũng khó chịu.

Khiến cho con trai mình, chồng mình đau khổ như vậy chẳng phải là chưa yêu người đàn ông này một cách thật lòng hay sao?

Đau khổ do mâu thuẫn giữa mẹ và vợ


3. Cái kết của bộ phim dài tập Mẹ chồng - Nàng dâu

Chuyện mâu thuẫn trong cách sống lẫn quan điểm sống của mẹ chồng và nàng dâu luôn là chủ đề được nhiều người quan tâm dõi theo như xem một bộ phim dài tập vậy.


Hầu hết những lần xung đột trong mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu đều bắt nguồn từ khi cảm xúc của một trong hai (hoặc cả hai) người bị tổn thương. Điều khó khăn là sự tổn thương này xảy ra do người kia vô tình hoặc cố ý và chúng ta không thể kiểm soát được.


Nhưng nếu luôn chú ý đến việc tôn trọng cảm xúc của nhau thì bạn sẽ hạn chế được rất nhiều tình huống làm tổn thương cảm xúc của người kia. Hãy thừa nhận những thiếu sót của đối phương như một phần của cuộc sống để bộ phim này có một cái kết viên mãn.


Thay đổi từ bên trong

Chúng ta cần thấu hiểu cảm xúc, tâm trạng của mình để hóa giải những hiềm khích, hiểm lầm giữa 2 người. Bởi mẹ chồng cũng từng là con dâu, hơn ai hết bà hiểu rõ nỗi lòng, sự tủi hờn hay ấm ức thông thường của một người con dâu. Và con dâu sẽ trở thành một người mẹ chồng trong tương lai, mong muốn con dâu cũng như thế nào thì bây giờ hãy đối xử với mẹ chồng mình như vậy.

Mẹ chồng ghi nhớ 3 chữ Buông

  • Buông đầu tiên là CON TRAI. Con thì đúng là con mình, nhưng khi lấy vợ sinh con, đó đã không còn là đứa trẻ cần mẹ bảo vệ nữa mà là người đàn ông gánh vác cả 1 gia đình. Anh ta phải học được ý thức trách nhiệm, và nếu vợ chồng xảy ra mâu thuẫn, anh ta phải là người "trong cuộc" chứ không phải mình. Tâm lý sở hữu này sẽ chỉ làm áp lực cho con cái trên đường đời và hành trình trưởng thành mà thôi.

  • Chữ buông thứ 2 là CẢM XÚC. Nói ra sẽ mất lòng các bà mẹ nhưng đừng giữ mãi tư tưởng mẹ là người sinh thành, nuôi dưỡng, mẹ chỉ có 1. Mẹ chồng là người từng trải, là bề trên, việc của bà là cư xử sao cho xứng đáng với sự tôn trọng mà con dâu dành cho mình, đừng coi con dâu là người ngoài, có hay không không quan trọng.

Nếu mẹ chồng biết ơn "chị sui" đã nuôi dạy con gái thành người để tự nhiên mình có thêm một đứa con thì sẽ không còn giữ sự xét nét khó chịu nữa. Hãy chủ động dành cho con tình yêu để kết nối và gần gũi với nhau hơn

Mẹ chồng chủ động dành tình yêu cho nàng dâu


  • Buông thứ 3 là ĐỊNH KIẾN. Đừng giữ tư tưởng cổ hủ mà nghĩ đó là truyền thống, trứng có thể không khôn hơn vịt nhưng con dâu thời nào cũng thế, chưa chắc thiếu hiểu biết hơn mình. Có những vấn đề, hãy tham khảo ý kiến của con dâu, để thử nhìn nhận mọi thứ đa chiều ở góc độ của người trẻ và bậc con cháu, khi đó người mình sẽ là người biết thấu hiểu và lắng nghe, chứ không phải là rào cản giữa vợ chồng trong nhiều câu chuyện.

Nàng dâu thực hành 4 chữ: Hiếu, Tình, Đạo, Đức

  • HIẾU:

Con dâu về nhà chồng gọi mẹ chồng một tiếng “Mẹ” thì xin hãy hiểu mình là con thì con nào cũng cần chữ Hiếu để báo đáp mẹ. Bà đã mang tới cho mình một người đàn ông vững vàng, khỏe mạnh. Chữ Hiếu này thay lời cảm ơn cũng xứng đáng lắm phải không?


Mẹ chồng bạn khi về già thường chỉ ở nhà và ít khi ra ngoài. Vì vậy, bà rất muốn có người ở bên cạnh tỉ tê, bầu bạn. Hãy dành thời gian rảnh để trò chuyện, lắng nghe bà nói nhiều hơn. Đó là một cách đơn giản mà cực kỳ hiệu quả để làm bà vui và có ấn tượng tốt hơn về bạn.

Nàng dâu báo đáp mẹ chồng bằng chữ hiếu


  • TÌNH:

Mẹ chồng đẻ ra chồng, yêu thương người con trai với tình cảm mẹ con. Con dâu yêu thương chồng với tình yêu đôi lứa. Cả 2 người phụ nữ cùng chung tình yêu dành cho một người, cùng mong muốn cho người đó được hạnh phúc. Đây là sự gắn kết bởi chữ tình nên không thể là đối thủ của nhau.


Có thể nói vui rằng: Kẻ thù của kẻ thù còn là bạn, huống chi đây là người tình của người tình thì càng phải là người tình mặn nồng đúng không ?

  • ĐẠO:

Trước khi làm con dâu, ai cũng từng làm con. Đã làm con thì nhất định phải có đạo làm con. Có đạo làm con thì ắt có đạo làm con với mẹ chồng. Khoảng cách giữa hai thế hệ thường rất lớn, do vậy có nhiều lúc, bạn sẽ không hiểu vì sao cùng một vấn đề nhưng bà lại có cách suy nghĩ và giải quyết hoàn toàn khác nhau.


Hãy chấp nhận sự khác biệt ấy bởi hoàn cảnh sống của 2 người không hề giống nhau, không thể nào quan điểm của mẹ chồng lại giống như quan điểm của mình được. Vì thế, đừng vội tỏ thái độ khó chịu mà hãy tìm hiểu vấn đề cho thật kỹ, đặt mình vào vị trí của bà để thấu hiểu và tránh những hiểu lầm đáng tiếc.

  • ĐỨC:

Để có thể sống vui vẻ, hòa thuận với nhau bạn cần phải học cách thích nghi và thay đổi một số thói quen của bản thân để phù hợp hơn với nếp sống nhà chồng. Cần chú ý về tâm tư, mong muốn của gia đình chồng, đặc biệt là mẹ chồng. Chỉ cần như thế bạn cũng có thể dễ dàng tạo được cảm giác gần gũi và nhận được sự yêu thương từ mọi người.


Không thân mật với chồng trước mặt mẹ chồng. Một số người vợ thích được chồng âu yếm, chiều chuộng. Tuy nhiên, khi sống chung, nhiều mẹ chồng cảm thấy không thích những hành động thân mật thái quá giữa con trai và con dâu. Những hành động này có thể khiến bà hiểu lầm bạn.


Nghiêm túc học tập mẹ chồng. Như người ta vẫn nói: Gừng càng già càng cay. Điều này không phải là không có lý. Nếu bà đang làm điều gì đó tốt, bạn hãy khen ngợi, học tập và làm theo cách làm của bà. Điều này chắc chắn sẽ khiến bà rất vui và tự hào.

Phải đâu mẹ của riêng anh

Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi

Mẹ tuy không đẻ không nuôi

Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong…”

Xuân Quỳnh


Đây là một đoạn trong bài thơ Mẹ của anh của nhà thơ Xuân Quỳnh. Những lý lẽ thật giản dị và đầy chân lý này như muốn gửi gắm tới các nàng dâu thông điệp rằng: Mẹ tuy không đẻ, không nuôi em nhưng em ơn Mẹ suốt đời vì nhờ có Mẹ thì em mới có anh. Mà sự hàm ơn ấy suốt cả cuộc đời em trả Mẹ cũng chưa xong.

Mẹ tuy không đẻ, không nuôi Em nhưng Em ơn Mẹ suốt đời


Tìm sự hỗ trợ ở bên ngoài

  • Từ người con trai/người chồng

Người chồng có vai trò rất quan trọng đối với sự hòa hợp mối quan hệ giữa mẹ và vợ. Cách cư xử của người chồng là yếu tố quyết định sự kết nối tốt giữa cả hai. Người chồng cần phải có cái nhìn khách quan, biết cách chia sẻ và nói chuyện khéo léo với cả hai người.


Nếu nhận thấy cả hai chưa có sự hòa hợp hoặc chưa thể thấu hiểu với nhau thì người chồng cần phải tạo nhiều điều kiện để họ trò chuyện, tâm sự với nhau nhiều hơn. Khi cả hai xảy ra mâu thuẫn cần phải khôn khéo cư xử đúng mực, thẳng thắn chia sẻ cảm xúc bị mắc kẹt và khó xử của mình.


Đây chính là cơ hội để mẹ và vợ được đặt mình vào vị trí của người khác. Bởi cả mẹ và vợ đều dành tình yêu thương cho cùng một người - họ sẽ vì vậy mà suy nghĩ lại chăng? Tinh tế để giải quyết vấn đề, tránh làm cho câu chuyện trở nên nghiêm trọng hơn.

  • Từ người thân xung quanh

Mỗi một người luôn có 1 câu chuyện phía sau. Đừng ngại ngần mà hãy thăm hỏi người thân của nhau để hiểu hơn về sở thích, tính cách, quá khứ, tổn thương của đối phương trong quá khứ. Thông qua việc hiểu này, chắc chắn chúng ta sẽ có cái nhìn khác về nhau, thương cảm cho nhau hơn.


Người ta vẫn thường khuyên nhau “dĩ hòa vi quý” để bảo toàn hòa khí gia đình. Song im lặng cho qua mọi chuyện vốn chỉ là giải pháp tạm thời. Ngọn lửa ấm ức trong lòng mỗi người vẫn luôn âm ỉ và có thể bùng cháy bất cứ lúc nào.


Thế nhưng, điều quan trọng cốt lõi nhất, đó chính là tự xây dựng một trường cùng học, cùng rèn luyện có Thầy hiền trí, sách hay để cùng nhau cài đặt những niềm tin, thói quen, tư duy mới hướng về đạo lý


4. Kết luận

Chúng ta đừng biến mối quan hệ Mẹ chồng nàng dâu thành bộ phim dài tập không hồi kết. Vì hạnh phúc của cả gia đình, hãy cùng nhau xây dựng TAM BẢO, cùng nhau học tập và thực hành để nâng cấp chính mình. Cùng lắng nghe và nhìn lại để thấy được những điểm dễ thương ở đối phương. Như thế sẽ tốt hơn là việc bạn luôn bị mắc kẹt ở những điều gây tổn thương, đau đớn cho tinh thần và cảm xúc của bạn.


Tham khảo thêm các cuốn sách nổi tiếng về mẹ chồng nàng dâu giúp bạn có thêm những góc nhìn mới về mối quan hệ này.


Bài viết có tham khảo bài thơ mẹ của anh từ nguồn Phật dạy 4 chữ sống với mẹ chồng


Các bài viết hay nên đọc



Nội dung: Đức Hạnh - Học viên content 3 gốc

Biên tập: Linh Tinh Tấn



433 views0 comments

Recent Posts

See All
Untitled-1.jpg

Cùng chung lý tưởng
“Giáo dục chuyển hoá 3 Gốc”

Trang thư viện 3 Gốc mong nhận được phản hồi, động viên hoặc “ủng hộ” tuỳ hỷ đến từ độc giả. Bởi đây là thông điệp ngầm nhắn gửi “Những gì chúng tôi làm mang giá trị thiết thực đến cho mọi người”, giúp 3GOC.VN sẽ ra mắt nhiều nội dung giá trị hơn trong thời gian tới. 

bottom of page