top of page
Writer's pictureĐức Hạnh

Ép con ngừng cuồng thần tượng, phụ huynh đúng hay sai?

Updated: Jun 4

MỤC LỤC

***

Con bạn đang ở lứa tuổi vị thành niên, bọn trẻ đặc biệt quan tâm tới một nam thần hay một nữ thần ở trong nước hay ngoài nước: BTS, Blackpink, Sơn Tùng MTP… Con mê thần tượng tới nỗi chúng bỏ bê học hành. Bạn luôn tìm cách khuyên nhủ, nhưng con bướng bỉnh không nghe, dần dà bạn mất kết nối với con.


Nhịp sống, suy nghĩ của con không đi vào quỹ đạo như bạn mong muốn. Và bạn cho rằng cuồng thần tượng là văn hoá không tốt cần phải loại bỏ.


Đây là cách nghĩ của đại đa số phụ huynh thời nay. Vậy việc ngăn cấm các con cuồng thần tượng là đúng hay sai? Mời cùng đọc bài viết của mình để hiểu sâu hơn về chủ đề này nhé.


Mình là Đức Hạnh - Học viên Content 3 Gốc K2.

Cuồng thần tượng đúng hay sai
Cuồng thần tượng đúng hay sai
Bài viết nằm trong chuỗi 64 thẻ "Rèn trí sáng suốt", giúp bạn Chánh Kiến những vấn đề đang diễn ra trong cuộc sống hằng ngày dưới góc nhìn 3 Gốc.

Con đang cuồng thần tượng nào thế?

Có bao giờ bạn tự hỏi “Thần tượng của con là ai thế?”. Họ có gì hay ho mà con bạn suốt ngày lại mê mệt, ăn cũng nhắc tên thần tượng, ngủ cũng mơ thấy thần tượng….


…và cả trên màn hình laptop, điện thoại không phải là hình gia đình, mà là hình một cô cậu thần tượng nào đó.


Hiểu đúng về thần tượng

Thần tượng là gì?


Thần tượng là hình ảnh hay một vật tượng trưng cho một vị thần được hướng đến để thờ phụng, tôn sùng trong tôn giáo, hoặc còn có thể là bất kỳ người nào hay thứ gì được quan tâm bằng sự ngưỡng mộ, yêu mến hay sùng bái.


Thần: chỉ về một vị có phẩm chất tốt đẹp bên trong xứng đáng cho ta học hỏi và noi theo.


Tượng: được làm bằng nhiều chất liệu như gỗ, xi măng, thạch cao, đá, ... mô phỏng theo các vị thần, nhằm nhắc nhở bản thân cố gắng nỗ lực rèn luyện phẩm chất giống với vị thần này.


Vậy khi nói tới việc thần tượng một ai đó, có nghĩa là chúng ta đang lấy một hình mẫu để phấn đấu, ra sức rèn luyện sao cho giống với khuôn mẫu đó.


Nếu chỉ nhắc đến cụm từ thần tượng, có thể thấy ở mặt tích cực. Nhưng cuồng thần tượng lại khác, nó dùng để chỉ những việc say mê, yêu thích một cách quá khích và mất kiểm soát.

Thần tượng là hình mẫu tốt đẹp để noi theo, cuồng thần tượng là mù quáng
Thần tượng là hình mẫu tốt đẹp để noi theo, cuồng thần tượng là mù quáng

Bạn có biết con đang thần tượng ai?

Giới trẻ ngày nay có nhiều khuôn mẫu để noi theo, họ thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, rất đa dạng.


  • Thần tượng đời thường: có thể là cha mẹ, anh chị, thầy cô hoặc bạn cùng lớp học giỏi…Những người chúng ta gặp gỡ, giao tiếp thường xuyên trong cuộc sống và có những điểm đáng cho chúng ta khâm phục ngưỡng mộ.


  • Thần tượng giải trí: đây là những người nổi tiếng như ca sĩ, nhạc sĩ, diễn viên, vận động viên thể thao… Họ đóng những bộ phim hay, hát dòng nhạc mà mình thích, chơi những môn thể thao được cả thế giới dõi theo.


  • Thần tượng sự nghiệp: là những người thành đạt trong sự nghiệp, tạo cảm hứng cho người hâm mộ vươn tới thành công đơn cử như Steve Jobs, Bill Gates, Jack Ma...


  • Thần tượng ảo: là những thần tượng được tạo ra bằng trí tưởng tượng, như các nhân vật trong tiểu thuyết, phim ảnh, truyện tranh: Batman, Spiderman, Doraemon...


Ngoài ra, không ít bộ phận giới trẻ đang ngưỡng mộ, tung hô các Idols - Thần tượng nổi lên một cách bất ngờ trên các nền tảng mạng xã hội: Youtube, Facebook, Instagram, Tiktok…


Mình không phủ nhận hầu hết những người này là không có tài năng. Nhưng ngoài những Content Creator (Người sáng tạo nội dung) có chọn lọc thì vẫn còn nhiều hình mẫu rất tiêu cực. Họ tiếp cận người dùng bằng những lời nói gây hấn, khoe tiền, soi mói đời tư của người khác… nhưng lại nhận về hàng triệu lượt xem, bình luận.


Các bạn trẻ vô tình bị dẫn dắt, lôi cuốn để rồi chọn lệch.


Tuy nhiên, hâm mộ những khuôn mẫu tốt đẹp không có gì là sai cả, nhưng nhiều bạn trẻ lại đang có khuynh hướng yêu thích một cách thái quá. Chính điều đó làm lơ là việc học tập, vui chơi một cách sáng tạo và lành mạnh.


Trào lưu cuồng thần tượng lan rộng từ Kpop: BTS, TOP, G-Dragon, Blackpink… đến Việt Nam như Đạt Villa, anh Bông tím, Long chun, Sơn Tùng Mtp, …


Vì sao con cuồng thần tượng cha mẹ biết không?

Có 2 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng con cuồng thần tượng đó là: nguyên nhân bên ngoài và bên trong.


Những nguyên nhân bên ngoài

Có một số nguyên nhân bên ngoài phổ biến như sau:


Do sự phát triển của ngành giải trí

Ảnh hưởng của việc bùng nổ thông tin khiến mọi người dễ dàng cập nhật tin tức dù ở bất kỳ đâu, bất kỳ giờ nào. Sự kết nối nhanh chóng giúp những người có cùng một hình mẫu dễ dàng tìm thấy nhau, tạo nên những cộng đồng để cùng chia sẻ thần tượng với nhau.


Ngoài ra, các chiến dịch quảng cáo nhằm “hoàn hảo hoá” hình ảnh nhân vật công chúng cũng khiến chúng ta cuồng thần tượng quá mức. Sự hợp tác giữa người nổi tiếng, nhãn hàng và các công ty truyền thông tạo ra một làn sóng tiêu thụ giải trí, tiêu thụ hàng hoá.


Các bạn trẻ luôn đứng giữa các mâu thuẫn cảm xúc: sự phấn khích khi sống cùng thế giới với thần tượng, sự khao khát mong chờ những niềm vui tiếp theo bằng cách thả kéo trong các tuyệt chiêu - những kỹ thuật mà thần tượng được đào tạo rất bài bản.


Có thể nói đó là một ngành công nghiệp để tạo ra những hình mẫu hoàn hảo, để từ đó tạo ra những nhu cầu khởi sinh đi theo làn sóng hâm mộ này.


Do con không có môi trường vui chơi lành mạnh

Chúng ta phải công nhận một điều rằng giới trẻ đang thiếu sân chơi trầm trọng. Ngủ dậy là đi tới trường, về nhà thì mọi hoạt động đều bị giới hạn trong bốn bức tường. Quay đi quay lại cũng chỉ biết tới nhà và trường học.


Đô thị, thành phố ngày càng mở rộng. Nhà cửa, chung cư mọc lên chiếm hết phần lớn diện tích đất, tìm được những khu đất trống để đá bóng, thả diều như chúng ta ngày trước chắc hẳn là điều không thể rồi.


Môi trường học tập vẫn gói gọn trong kiến thức cơ bản mà thiếu hẳn những kỹ năng, những hoạt động nâng cao tầm nhìn. Cũng chính vì thế mà những hiện tượng lạ trên mạng xã hội dễ dàng kéo giới trẻ ra khỏi không gian nhàm chán, quen thuộc để bước vào một thế giới ảo đầy màu sắc, đầy tự do.


Không phải con “chỉ biết tới thần tượng” mà là do con không có hoạt động ngoại khóa lành mạnh nào, buộc con phải giải trí bằng cách lên mạng rồi vô tình bị cuốn vào đó.


Nguyên nhân sâu xa hơn

Nếu nhìn kỹ hơn vào những biểu hiện của con, bạn sẽ nhận ra:


Con muốn được công nhân

Phần lớn những đứa trẻ cuồng thần tượng được nuôi dạy trong môi trường thiếu tư duy phản biện, bị ép suy nghĩ, bị cấm đoán hoặc nuông chiều quá mức.

Cha mẹ chỉ muốn con làm những gì “mình cho là tốt” mà không cần quan tâm tới mong muốn, nguyện vọng của con. Cha mẹ lúc nào cũng cho là mình đúng, con làm gì cũng không được phép, không được công nhận. Hoặc ngược lại, luôn đáp ứng hết nhu cầu của con, muốn gì được nấy, chỉ cần không phiền tới cha mẹ làm kinh tế là được.


Cha mẹ như vậy không khiến con cảm thấy tin tưởng để có thể chia sẻ mọi điều mà con đang mong muốn, trăn trở. Từ đó sinh ra những hạn chế về nhận thức, lệch lạc trong tư duy, thiếu tự tin, thiếu tự chủ.


Những hành vi nổi loạn của con đến từ việc cha mẹ kiểm soát thái quá khiến con cảm thấy ngột ngạt và sẵn sàng bùng nổ. Việc con thần tượng ai, thần tượng thế nào, mức độ ra sao là cách con đang phản ứng lại trước những hành động của cha mẹ.


Bên cạnh đó, khoảng cách về thế hệ khiến cho cha mẹ có những cái nhìn thiếu thiện cảm về thần tượng của con. Cha mẹ thường xuyên lên án, chỉ trích thần tượng bằng việc nhìn vào mặt xấu thay vì có cái nhìn khách quan hơn.


Do vậy làm con nảy sinh tâm lý chống đối, càng không tôn trọng sở thích cá nhân của con, con lại càng yêu mến người ngoài và đẩy cha mẹ ra xa hơn. Nếu như thời của cha mẹ được gặp Westlife, Backstreet Boys… chắc hẳn cha mẹ cũng la hét, hạnh phúc, thì các con bây giờ cũng có tâm trạng tương tự.


Do đó, kèm cặp hay nuông chiều đều mang đến cho con những cảm giác thiếu an toàn, thiếu thoải mái.


Cuồng thần tượng là tín hiệu thông báo rằng con muốn cha mẹ chú ý tới mình hoặc con đang tìm tới những thứ mà bản thân có thể làm chủ được.

Khó khăn trong việc hiểu bản thân

Có thể nói, độ tuổi thanh thiếu niên là độ tuổi bắt đầu định hình nhân cách, các quan niệm về bản sắc, tình bạn, tình yêu, những mối quan hệ lãng mạn và có nhu cầu bắt chước hình mẫu rất lớn.


Con không còn là thiếu nhi để chỉ lúc nào cũng "bố tớ là khỏe nhất, mẹ tớ là đẹp nhất" nữa. Các con muốn thoát khỏi ảnh hưởng của bố mẹ cũng như muốn thể hiện cái chất riêng của mình. Đây là xu hướng cực kỳ bình thường trong tiến trình phát triển tâm lý ở trẻ.


Trên con đường tự khẳng định mình, các con tìm thấy thần tượng, thấy những nhân vật trẻ tuổi, xinh đẹp, hào nhoáng, nổi tiếng. Thấy điều mình mong muốn ánh xạ qua bóng dáng thần tượng. Vì thế con muốn bày tỏ tình cảm ngưỡng mộ đối với họ.


Trong mắt con, thần tượng lúc nào cũng mạnh mẽ nhất, dễ thương nhất, anh hùng nhất. Con thích giàu có như Huấn Hoa Hồng, muốn khí khái như Khá Bảnh, đẹp trai hát hay như các oppa của EXO. Nhưng vô tình vẻ hào nhoáng bên ngoài dễ làm con bị choáng ngợp và lầm lẫn với những giá trị khác.

Ngoài cha mẹ và bạn bè đồng trang lứa, thần tượng lúc này đóng vai trò là hình mẫu, cung cấp cho các con tầm nhìn về bản thể mà con muốn trở thành, về thế giới mà thần tượng tạo ra.


Có thể thấy việc con tìm đến thần tượng là đang tìm về chính mình. Nhưng vì thiếu nhận thức nên con dễ bị tác động, ảnh hưởng bởi những trào lưu, điều mới lạ, dễ dàng tin vào quảng cáo. Xu hướng hâm mộ những nhân vật “giang hồ” trên phim ảnh càng gia tăng thêm vì con cho rằng họ có thể tự tạo ra luật lệ, môi trường và cuộc sống riêng.


Nhìn chung do thiếu hụt môi trường tương tác cũng như ít nội lực bên trong nên các con dễ đặt hết tâm tư, tình cảm của mình vào một ai đó. Con dễ đồng hóa việc thể hiện sự ngưỡng mộ bằng việc có những hành vi vượt quá tầm kiểm soát, đi ngược lại các chuẩn mực của xã hội.

Cuồng thần tượng con được gì, mất gì ?

Thần tượng có cả mặt tốt lẫn xấu, cha mẹ cùng tìm hiểu 2 mặt này nhé!


Con có thể được gì?

Thời gian gần đây có một Idol Kpop nhận được rất nhiều sự quan tâm của các bạn học sinh, sinh viên đó là Hanbin - Ngô Ngọc Hưng.


Hưng đam mê ca hát, vũ đạo và cũng đặc biệt thần tượng các nhóm nhạc Kpop.


Vì lý do đó, bạn ấy đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu và cuối cùng đã trở thành Idol người Việt đầu tiên ở Hàn Quốc.

Rõ ràng việc con có thần tượng không phải luôn mang đến những điều tiêu cực như chúng ta vẫn nghĩ.

Khi có ai đó để thần tượng, con có thể tìm thấy cộng đồng cùng sở thích với mình để thoải mái chia sẻ và để có thêm những niềm vui trong cuộc sống.


Bản thân thần tượng cũng luôn không ngừng học hỏi, rèn luyện, kiên trì mỗi ngày để trở nên giỏi giang hơn.


Nhờ vào chính những tố chất đó ở thần tượng mà con được tiếp thêm động lực để biết cách làm đẹp cho chính mình, chủ động học ngoại ngữ, nuôi dưỡng mình thành người có giá trị hơn.


Ở độ tuổi nào cũng sẽ có những áp lực riêng mà chúng ta không thể hiểu hết được. Con cũng thế thôi, không phải chuyện gì con cũng có thể tâm sự được với cha mẹ.


Thay vào đó, mỗi khi con gặp khó khăn trong cuộc sống, con nghe “Never say never” của Justin Bieber, mỗi khi con thất bại con nghĩ tới hình ảnh của Ngô Ngọc Hưng… chắc chắn các con sẽ mạnh mẽ hơn nhiều.


Những chông chênh của tuổi teen sẽ trôi qua êm đềm hơn đối với con.


Con đánh mất những gì?

Bên cạnh những điều tốt đẹp mà con có thể học hỏi, thì vẫn còn tồn tại khá nhiều những vấn đề từ cuồng thần tượng mà chúng ta không thể giải quyết được.


Khoảng cách giữa con và cha mẹ lớn thêm

Cha mẹ và con cái có mối liên hệ mật thiết hơn so với những mối quan hệ thông thường. Tuy nhiên, khi bước vào giai đoạn dậy thì và trưởng thành, giữa bố mẹ và con cái sẽ bắt đầu xuất hiện khoảng cách.

Ở độ tuổi này, con bắt đầu hình thành cái tôi, suy nghĩ và quan điểm riêng. Mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái sẽ trở nên sâu sắc hơn, tiếng nói chung giữa đôi bên không còn đồng điệu.

Con càng cố gắng bảo vệ thần tượng, cha mẹ càng nghĩ rằng con hư hỏng. Nếu con cố giải thích về những điểm tốt, cha mẹ thường sẽ phản hồi: “Kể mà mày cũng ham học như ham thần tượng”.

Cha mẹ càng ép con bỏ thần tượng, con sẽ càng chống đối.

Chúng sẽ lên những hội nhóm để tâm sự. Ở trên đó, nhiều đứa trẻ với tình trạng tương tự sẽ tìm thấy tiếng nói chung, và rồi cộng đồng ủng hộ thần tượng càng lớn mạnh bao nhiêu, thì cộng đồng căm ghét bố mẹ cũng phát triển nhiều không kém.


Không tập trung đời sống thật bên ngoài

Khi con luôn chìm đắm vào thế giới thần tượng mà bỏ bê học hành, lãng quên thế giới thực bên ngoài. Con sẽ mất kết nối với cuộc sống bên ngoài. Đến khi thần tượng không còn đẹp đẽ, nhiều điểm tốt như mình đã từng kỳ vọng, thì con sẽ sinh ra thất vọng, đau khổ, thậm chí phẫn nộ.


Nhiều trường hợp các bạn “fan cuồng” còn viết thư bằng máu, theo dõi đời tư thần tượng 24/24, khủng bố thần tượng bằng cuộc gọi, tin nhắn hỏi thăm.


Vì quá tập trung theo đuổi thần tượng, nên con cũng quên luôn việc lắng nghe định hướng của bản thân. Việc được thần tượng để ý, việc giống với thần tượng là mục đích chính của cuộc đời con, thay vì là những ước mơ của riêng mình.


Bất chấp các giới hạn về đạo đức

Khi quá cuồng thần tượng, những điều tốt đẹp cũng trở nên lu mờ trước các con. Những hành vi xấu, thói giang hồ, côn đồ của thần tượng dễ được tung hô, đón nhận và có chỗ để phát triển trong tâm trí con. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ trong việc hình thành, hoàn thiện nhân cách của lứa tuổi nhi đồng, thanh thiếu niên.


Chúng ta dễ dàng tìm đọc được các trang báo đưa tin về việc fan ngất xỉu khi thấy thần tượng, hôn lên ghế thần tượng vừa ngồi, đòi tự tử nếu không được tham gia show của thần tượng…


Một câu khẩu hiệu của nhóm fan hâm mộ từng dậy sóng một thời đó là “Anh sai, em sai cùng anh”.


Khi biết thần tượng của mình vướng phải nhiều rắc rối về chuyện đời tư, những người hâm mộ này không thừa nhận mà lại tìm cách để ủng hộ đến mức mù quáng. Họ lợi dụng sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội để "lên tiếng", kêu gọi biểu tình gây sức ép trên mạng thay cho thần tượng. Thậm chí còn hùng hồn tuyên bố muốn ngồi tù thay cho thần tượng, đề xuất đào đường hầm giúp thần tượng trốn khỏi nhà giam.


Và còn rất nhiều những hệ luỵ xảy ra khi các con theo đuổi thần tượng mà thiết sự hiểu biết, hoặc không có sự dẫn dắt đúng đắn từ cha mẹ.


Do đó, để thấu hiểu các con, các bậc phụ huynh nên tự mình trẻ lại để hòa mình vào dòng chảy cùng các con. Có như thế con mới được thấu hiểu và cảm nhận cha mẹ cũng đang cùng chung tần số với mình.

Chung tay xây dựng nội dung Trang Thư Viện 3 Gốc có chiều sâu, mang nhiều giá trị - hướng theo sợi chỉ đỏ "Giáo dục chuyển hoá 3 Gốc".

Con sẽ ngừng cuồng thần tượng khi nào?

Khi biết được con đang thần tượng ai, chúng ta hãy bình tĩnh để phân tích vấn đề. Hãy để con biết rằng cha mẹ và mình đang cùng một chiến tuyến.


Đó là cách thiết lập một sợi dây an toàn để con cởi mở với bố mẹ. Từ đó mới có thể tư vấn cho con về những ứng xử đúng mực và có văn hóa trong việc hâm một ai đó.


Được cha mẹ tôn trọng và thấu hiểu

Trong tất cả các mối quan hệ, sự tôn trọng luôn được đặt lên hàng đầu. Khi cha mẹ tôn trọng con thì chính cha mẹ cũng sẽ được tôn trọng. Mối quan hệ sẽ chỉ được duy trì bền vững nếu sự tôn trọng đến từ hai phía.


Tuy nhiên, cha mẹ thường có thói quen và nếp nghĩ như những “bề trên”, nghĩa là hiếm khi cho con cơ hội được bày tỏ bản thân. Nhớ lại thời chúng ta còn đi học, thế hệ 8X ai mà không mê Đan Trường, Lam Trường? 9X ai mà không thích H.A.T, Ưng Hoàng Phúc?


Chúng ta cũng có những cuốn sổ dán kín mít hình ảnh trong phim Hoàn Châu Cách Cách. Những thông tin về thần tượng trên các trang báo Hoa Học Trò luôn thu hút chúng ta đọc đi đọc lại để ghi nhớ ngày sinh, sở thích của thần tượng. Tất cả những điều đó luôn khiến chúng ta cảm thấy tự hào và hạnh phúc còn gì?


Vậy thì đâu thể nào tránh được việc con thần tượng ai đó?

Chúng ta đừng dán nhãn cho con là hư, xấu khi con cái bắt chước thần tượng trong cách ăn mặc, kiểu tóc... Cách nhìn của giới trẻ chắc chắn có những khác biệt với cha mẹ, nhưng hãy rộng lượng và đừng áp đặt cách nhìn định kiến của thế hệ mình.


Có thể con sẽ làm theo sự áp đặt của cha mẹ trước mặt nhưng chúng sẽ làm điều chúng thích ở sau lưng. Và như vậy, cha mẹ sẽ vuột mất cơ hội rất quý giá để dạy con.


Cha mẹ hãy tìm hiểu thần tượng của con, đừng công kích mà hãy chia sẻ và chỉ ra cái hay của thần tượng. Được đồng cảm như vậy, con sẽ rất hạnh phúc và học theo những cái hay đó rất nhanh.


Nếu con mê diễn viên Hàn Quốc, thỉnh thoảng xem phim cùng con và chỉ cho con những nét đẹp trong văn hóa của họ. Hãy chỉ cho con thấy cách người dưới lễ phép với người trên, cách họ bảo vệ các giá trị gia đình. Con sẽ học được rất nhiều từ chính thần tượng thông qua cách dạy của cha mẹ. Hãy thử nghe nhạc cùng con, biết đâu chúng ta lại thấy thần tượng của con mang đến nhiều điều mới mẻ, thú vị và xứng đáng là ngôi sao của giới trẻ.

Cha mẹ cũng có thể chia sẻ với các con về thần tượng mà mình từng ngưỡng mộ. Ở họ có những phẩm chất nào mà mình yêu quý, tìm sự tương đồng với thần tượng của con hiện tại. Sự chia sẻ của cha mẹ có thể giúp con thấy mặt khác nhau của thần tượng, cho con hiểu thần tượng cũng là người bình thường.


Đồng thời chỉ cho con những người không nổi tiếng nhưng mang những phẩm chất tốt đẹp, có hành xử dũng cảm, nhân ái thì cũng rất đáng ngưỡng mộ.


Bớt những áp lực từ học hành

Thành công nào cũng phải đến từ sự khổ luyện, nỗ lực trong học tập. Nhưng stress ở mức độ vừa phải giúp huy động nguồn lực để con người vượt thử thách. Còn căng thẳng quá mức thường mang đến hậu quả nhiều hơn.


Điều này gây cảm giác vô cùng khó chịu, thúc đẩy những hành vi mất kiểm soát, trong đó có cả việc cuồng thần tượng của các con. Quá quan tâm đến thành tích của con, quên đi thế giới tinh thần của con là cách mà đa phần phụ huynh hiện nay đều đang làm.

Nếu như chúng ta biết quan tâm và cho con tham gia các hoạt động từ nhỏ, tìm hiểu mọi loại hình nghệ thuật, tìm hiểu và chơi thể thao... thì việc mất tự chủ khi gặp thần tượng chắc chắn sẽ không xảy ra.


Thay vì soi mói thần tượng của con, chỉ trích sở thích của con là không đúng, không tốt thì chúng ta hãy đăng ký cho con tham gia những hoạt động lành mạnh, hòa nhập với cộng đồng.


Cho con nghỉ một vài tiết học thêm trong tuần để con có thời gian chơi bóng rổ, học võ, bơi lội… Rủ con cùng đi leo núi, cắm trại, ngắm bình minh hoặc hoàng hôn…. để con nhận ra rằng có nhiều thứ giá trị còn quý giá và đẹp đẽ hơn thần tượng rất nhiều.

Ngoài ra cha mẹ hãy cho con làm các bài test tính cách, thần số học, sinh trắc…. để con có cơ hội hiểu về chính mình thay vì đi tìm mình trong hình ảnh của một người khác.

Khi đó con sẽ biết cách xây dựng tính độc lập cá nhân, biết điểm mạnh điểm yếu của mình là gì, biết lựa chọn những gì phù hợp với mình.

Đồng thời cha mẹ cũng bớt đi nhiều những kỳ vọng thái quá vào con cái, giúp con phát triển được thế mạnh của con thay vì những điều mà cha mẹ mong cầu.

Chúng ta đừng can thiệp quá sâu vào việc lựa chọn trường học, ngành nghề hay cách mà con trưởng thành. Những kỳ vọng, thành tích, danh tiếng của cha mẹ đang khiến con mệt mỏi, cạn kiệt dần năng lượng tích cực.

Đánh giá khả năng, năng lực của con không thể chỉ dựa vào chỉ số thông minh duy nhất là IQ. Con cần được phát triển toàn diện để hiểu biết, để làm việc, học để sống chung và quan trọng nhất là học để làm người.

Cha mẹ đủ kiên nhẫn với con

Chúng ta có còn nhớ tới hiện tượng Khá Bảnh nổi tiếng một thời khiến biết bao nhiêu bạn trẻ hâm mộ không? Điệu nhảy múa quạt của Khá Bảnh “thịnh hành” đến mức đứa trẻ 5, 6 tuổi cũng biết. Nhưng cái tên đó cũng không còn “hot” nữa, chẳng còn mấy bạn trẻ tiếp tục theo đuổi phong cách của anh chàng này.


Điều đó cho chúng ta thấy, rồi đến độ tuổi nào đó, ở một thời điểm nào đó mức độ thần tượng và đối tượng thần tượng của con cũng sẽ thay đổi mà thôi.

Giải pháp an toàn nhất là phải hạ nhiệt con từ từ chứ không được nóng vội. La mắng cấm đoán chỉ làm con thêm giận mọi người xung quanh và càng thích làm ngược lại.

Khoảng cách càng lớn thì con sẽ rất khó để nghe khuyên bảo. Khi tình cảm con dành cho thần tượng đang thăng hoa, không thể nào chỉ một hay hai buổi là con có thể hạ nhiệt được.

Tưởng tượng lúc này con đang là một đám cháy, những lời chỉ trích của cha mẹ chẳng khác nào đổ thêm xăng vào lửa, càng khiến cho đám cháy đó mãnh liệt hơn.

Chúng ta phải thật bình tĩnh để chờ đợi giai đoạn tiếp theo của con. Xét cho cùng thì tình cảm của con hay của chúng ta cũng đều vô thường mà. Thích rồi sẽ không thích nữa. Thay vì dùng xăng thì hãy dùng nước, vì đến nước chảy mà đá còn mòn cơ mà.

Cơn nóng giận của cha mẹ chẳng những không "tạo động lực" mà rất dễ khiến con ức chế, căng thẳng và bột phát hành động tiêu cực. Hãy dùng chính trái tim yêu thương và bao dung của chúng ta để giải quyết. Bởi những điều xuất phát từ trái tim sẽ luôn chạm tới trái tim.


Cha mẹ vun bồi 3 Gốc cho chính mình

Chúng ta cũng đừng nên quá quan tâm tới vấn đề của con mà quên mất rằng mình cũng còn có cuộc đời để sống cho mình. Đừng quên vun bồi Đạo đức - Trí tuệ - Nghị lực cho chính mình để trở thành một tấm gương sáng, một thần tượng đời thường cho con học hỏi.


Bản thân phụ huynh chúng ta đôi lúc cũng cuồng một ngôi trường nào đó mà đội mưa, đội nắng đứng xếp hàng để nộp hồ sơ cho con.


Quá thần tượng một người nào đó mà mua các chương trình giáo dục để thúc ép con học theo. Chính chúng ta đang vô tình biến con thành những bản sao cuồng thần tượng đó, cha mẹ có biết không?


Nếu có thời gian rảnh, thay vì cầm điện thoại thì cha mẹ nên cầm sách để đọc. Một người luôn lướt mạng xã hội thì lời nhắc nhở con “đọc sách đi” sẽ không có trọng lượng.


Ngay bây giờ hãy cùng con xây dựng giờ “văn hóa đọc gia đình”, cùng nhau chia sẻ những điều hay mình đọc được, những cuốn sách, những câu chuyện mà mình ấn tượng. Có thể thời gian đầu sẽ hơi khó khăn, bởi thế giới ảo vẫn lung linh hơn. Dần dần con sẽ tìm thấy được những người thầy, người bạn và thấy chính mình trong các trang sách thay vì trong thần tượng.


Thông qua đó, con học cách chắt lọc, rèn luyện tư duy phản biện, biết nhìn nhận vấn đề từ nhiều phía. Sự ngưỡng mộ thần tượng sẽ thay đổi bằng cách ứng xử đúng đắn hơn, không tới mức mê muội, cuồng si.


Điều cuối cùng mình muốn nhắn nhủ, phụ huynh cũng đã từng là những đứa trẻ. Thay vì phản đối rồi đi ngược nhu cầu với con, thì hãy đồng cảm và cùng chia sẻ với con để nghe con tâm sự nhiều hơn về thần tượng của con; tạo ra sự kết nối với con theo từng giai đoạn để con biết rằng dù con như thế nào, phía sau vẫn có gia đình luôn ủng hộ.

Các ba mẹ đang có con cuồng thần tượng ơi, bài viết này có giúp bạn giải toả nỗi lo lắng chưa, hãy cho mình biết bên dưới phần bình luận nhé!


Nội dung: Đức Hạnh - Học viên Content 3 Gốc K2

Biên tập: Khánh Vi

Hình ảnh: Văn Long


291 views1 comment

1 Comment

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating
Guest
Jun 04
Rated 5 out of 5 stars.

Sao bài này nói đúng tim đen quá, con em học lớp 5, con gái nên đang cuồng thằng nhỏ nào bên Thái Lan á, bảo là gu người yêu của ẻm. Mà em nhìn giống con gái lắm, tóc thì dài để hai mái lơ thơ, người gầy nhom à. Còn để hình nền điện thoại nữa, chán quá!

Edited
Like
Untitled-1.jpg

Cùng chung lý tưởng
“Giáo dục chuyển hoá 3 Gốc”

Trang thư viện 3 Gốc mong nhận được phản hồi, động viên hoặc “ủng hộ” tuỳ hỷ đến từ độc giả. Bởi đây là thông điệp ngầm nhắn gửi “Những gì chúng tôi làm mang giá trị thiết thực đến cho mọi người”, giúp 3GOC.VN sẽ ra mắt nhiều nội dung giá trị hơn trong thời gian tới. 

Trí nhân

Đóng góp tài năng viết lách của mình cho trang

01

Tài vật

Đóng góp bằng tài chính

02

Nội dung chuyển khoản:

3goc.vn_Tên_Điều nhắn gửi

Số Tài Khoản: 215962349

Ngân hàng: ACB - PGD Vạn Hạnh

Tên tài khoản: Bùi Thị Thanh

z5270840594423_a3c1e7ba81d7effac77193110559e12d.jpg
bottom of page