top of page

SỞ HỮU KỸ NĂNG TỰ HỌC NÀY - BẠN DỄ DÀNG CÓ ĐƯỢC TẤT CẢ TINH HOA NHÂN LOẠI

Updated: Mar 18

Chào các bạn, mình là Nhàn - Học viên Content 3 Gốc. Mình cũng giống bạn, là người ham học hỏi, luôn chủ động rèn luyện kỹ năng tự học.


Khi còn là học sinh - sinh viên, chúng ta muốn học “một nhớ mười”, muốn mình sáng tạo, giao tiếp, phản biện tốt hơn. Khi đi làm để phát triển sự nghiệp, ta mày mò học thuyết trình, học kỹ năng đàm phán, giải quyết vấn đề, rồi không ngại trải nghiệm nhiều dự án, với nhiều đồng đội khác nhau. Đến khi trở thành ba mẹ, ta cũng phải học, học cách rèn con, học cách lắng nghe, quản lý cảm xúc của con…


Chưa dừng lại, với chính mình ta cũng phải học rèn thân-tâm-trí, học để lãnh đạo bản thân. Với nhiều mong muốn như vậy, liệu có bí quyết nào giúp kỹ năng tự học trở nên HIỆU QUẢ hơn không. Hãy cùng mình đọc bài viết này để khám phá điều đó nhé.





MỤC LỤC


1. Kỹ năng tự học và nỗi niềm của người ham học

Khi ta ta có ý thức học cho mình thì lúc này việc học không chỉ dừng lại ở nhà trường mà ta học mọi lúc mọi nơi từ: tham gia khóa học, học từ Tam bảo, học từ cuộc sống. Để tìm tòi và hiểu sâu lượng kiến thức khổng lồ, ta sẽ mất khá nhiều thời gian để tự học.


1.1 Kỹ năng tự học là gì?

Có nhiều định nghĩa khác nhau về kỹ năng tự học. Dưới đây mình xin trích dẫn định nghĩa sau quá trình học hỏi từ thầy Trần Việt Quân.


Khi phân tích từng từ, ta thấy kỹ năng tự học được hiểu như sau:

  • Kỹ: làm đi làm lại N lần, ít nhất 10.000 giờ để luyện thành tuyệt chiêu

  • Năng: năng suất, năng làm để tạo ra hiệu quả

  • Tự: bản thân chủ động tìm kiến thức

  • Học: hiểu sâu ý nghĩa

Vậy kỹ năng tự học là việc chủ động trau dồi kiến thức, học sâu hiểu rộng và luôn sửa đổi, làm đi làm lại để tăng năng suất trong mọi công việc mình đảm nhận.


Hiểu như vậy ta sẽ thấy kỹ năng tự học không chỉ là việc tiếp nhận kiến thức từ bên ngoài, mà còn là việc tự mình suy ngẫm bên trong, sau đó đưa sự hiểu biết ra bên ngoài trở lại để tạo nên kết quả.





1.2 Nỗi niềm của người tự học

Đúc kết quy trình như trên nghe có vẻ đơn giản, nhưng thực tế trên hành trình tìm kiếm tri thức, ta hay hơi vào những khó khăn dưới đây.


Thấy mình bé nhỏ trước người khổng lồ kiến thức

Mỗi thế hệ đi qua đều để lại cho nhân loại lượng thông tin tri thức mới. Cùng đó, thông tin được chuyển đổi số hoá, việc tiếp cận kiến thức lại càng dễ dàng hơn. Chính vì vậy, chúng ta đang bị tình trạng “nhiễu loạn thông tin”.


Nhiều tài liệu, sách báo lại thêm nhiều góc nhìn mới khiến ta không biết chọn cái nào, tin cái nào. Đọc mà không phân loại, không đúc kết, nên đọc đâu quên đó.


Thấy mình học nhiều nhưng làm không ra kết quả

Bao nhiêu năm đèn sách, bước vào cuộc đời với tấm bằng đỏ chói, ấy vậy mà đi làm chẳng áp dụng được nhiều. Học một đằng rồi làm một nẻo vậy. Bao nhiêu năm khổ luyện để trở thành cử nhân, thạc sĩ, thậm chí là tiến sĩ, nhưng lại thiếu thốn kỹ năng, kinh nghiệm thực tế trầm trọng.


Ta lại nỗ lực tự học để bổ sung kiến thức phù hợp với công việc chuyên môn. Đến khi chuyển sang vị trí mới, ta lại bối rối vì những điều đã biết chẳng ứng dụng được cho việc mới là bao. Ta thật khó hiểu vì sao cứ phải học, khối kiến thức đồ sộ góp nhặt bao năm chẳng giúp ích được bao nhiêu.





Khao khát học và làm, chạm tới đâu giỏi tới đó

Nếu search google ta sẽ thấy kết quả trả các từ khóa “cách học thuộc nhanh”, “cách học giỏi”, “cách học tốt” nhiều vô kể. Rất nhiều người muốn học, học để mình giỏi hơn.


Mong muốn học đến đâu giỏi tới đó, học ít thôi nhưng có chất lượng, chiều sâu. Học đến đâu áp dụng đến đó, học một nhưng áp dụng được mười. Như Đức Khổng Tử dạy học trò chỉ dạy một cạnh, 3 cạnh còn lại để trò tự tư duy suy ngẫm.


Làm sao sở hữu được bí quyết giúp học một lần có thể học tốt các kỹ năng khác, tìm ra được quy luật chung giữa các kỹ năng này.


Vậy muốn giải quyết được bài toán trên, chúng ta cần kiên nhẫn đào sâu lý do vì sao bản thân có tình trạng như hiện nay.





2. Tại sao học nhiều nhưng chưa hiệu quả?

Có lẽ nguyên nhân sâu xa đến từ việc giáo dục từ lúc còn nhỏ. Nó tạo thành một lối mòn tư duy bên trong, nên nó dẫn đến việc khó khăn trong kỹ năng tự học như hiện nay. Có 2 nguyên nhân chính đó là:


2.1 Ta ở đâu trên 4 vòng tròn đào tạo?

Từ mô hình 4 vòng tròn đào tạo, chúng ta nhìn lại hành trình học tập của mình thường chỉ hoàn thành vòng số 4, nỗ lực một chút ít ở vòng tròn số 2, ít quan tâm đến vòng tròn số 3 và hầu như quên mất vòng tròn số 1. Với cách giáo dục này, ta sẽ bị thiếu đi năng lực phản tư, luôn làm theo kinh nghiệm đám đông.


Cụ thể là nền giáo dục ở nhà trường.


Không phủ nhận việc học ở trường vô cùng quan trọng nhưng trường lớp chủ yếu chỉ giúp ta có thông tin, kiến thức mà ít quan tâm việc rèn rũa vững vàng về 3 gốc. Dần dần khi ra cuộc đời ta cũng hình thành thói quen học tập chú trọng dung nạp thông tin, kiến thức.


Khi chỉ chăm chăm học kiến thức, học để đáp ứng mưu sinh, ta sẽ chỉ nắm được phần ngọn của kỹ năng tự học. Hơn nữa lượng kiến thức ngày càng đồ sộ, năng lực ta có hạn nên khó mà bao quát được hết. Khi kiến thức ở lĩnh vực này không áp dụng được cho lĩnh vực kia, ta dễ lúng túng khi đối diện với những vấn đề mới nảy sinh trong cuộc sống.


Chưa kể việc nắm thông tin nhưng không biết đâu là xu hướng tính cách, đâu là điểm mạnh khiến ta không phát huy được hết khả năng.


Đi làm nhưng không biết đâu là ý nghĩa cuộc đời, đâu là mục đích sống khiến ta dẫu có giỏi về chuyên môn nhưng vẫn không cảm thấy trọn vẹn, đôi khi chán nản với công việc, từ đó sinh ra hời hợt và cảm thấy chán việc, chán đời. Như một vòng luẩn quẩn, điều đó khiến ta sinh ra chán học.





2.2 Ta ở đâu trên tiến trình Văn - Tư - Tu?

Theo thầy Trần Việt Quân, để việc học có hiệu quả ta phải thực hiện tiến trình văn - tư - tu, nói cách khác là học - hiểu - hành. Trong 3 yếu tố này thì văn chiếm 10%, tư chiếm 20% và tu cần 70%. Thế nhưng hiện tại dường như chúng ta đang làm ngược lại.


Ta học nhiều nhưng áp dụng được ít bởi việc học của ta chủ yếu chú trọng lý thuyết. Vì học để lấy bằng cấp, đáp ứng mưu sinh nên đôi khi ta học vẹt, nhồi nhét thông tin mà chưa hiểu sâu vấn đề. Việc thực hành, ứng dụng trong thực tế cuộc sống lại càng ít ỏi.


Khi đa phần mọi thứ là lý thuyết mà không có ứng dụng nên kiến thức không có ý nghĩa trong cuộc sống và ta cũng dễ quên nó đi. Học chẳng để làm gì vậy thì học làm gì?





3. Kỹ năng tự học qua Quan sát - Phân tích - Đúc kết

Làm thế nào để có thể bao quát 4 vòng tròn đào tạo. Làm thế nào để thực hiện trọn vẹn tiến trình Văn - Tư - Tu để việc học không chỉ trên sách vở mà tự tin bước ra ngoài cuộc sống và mang lại những giá trị cho đời. Tất cả trăn trở đó sẽ được giải quyết trong: Kỹ năng tự học qua quan sát - phân tích - đúc kết.


3.1 Quan sát đa chiều

Để quan sát đa chiều ta cần đọc kỹ - học kỹ và chú trọng 2 điều dưới đây:


Quan sát - đổi vai nhiều góc nhìn

Quan sát đa chiều không phải cứ lắng nghe chia sẻ của nhiều người là đủ, điều cốt lõi là ta phải quan sát được ít nhất đồng thời 3 góc nhìn, đó là góc nhìn cá nhân - xã hội, người giỏi và bậc vĩ nhân.


Tại sao cần phải quan sát đồng thời?


Nếu chỉ nhìn qua góc nhìn cá nhân, ta dễ bị chủ quan, phiến diện. Chưa kể ta sẽ bị dính mắc, bám chấp, bị cảm xúc cá nhân chi phối, suy nghĩ đơn chiều nhưng lại không nhìn thấy sai sót của bản thân.


Nếu chỉ nhìn qua góc nhìn xã hội, ta dễ bị nhiễu loạn thông tin, bị xu hướng đám đông chi phối mà không phân biệt được đâu là đúng - sai, giá trị và vô giá trị.


Có thêm góc nhìn của người giỏi và đặc biệt là bậc vĩ nhân với những lời nói trường tồn cùng thời gian, giúp ta có cái nhìn sâu sắc, có thể soi sáng chính mình.


Thông tin chất lượng

Quy tắc để có thông tin chất lượng là ta tuân theo tỉ lệ 100:10:1. Một cách dễ nhớ là: Yêu 100 chọn 10 lấy 1.


Yêu ở đây là yêu thông tin, tài liệu. Nghĩa là khi đứng trước khối lượng thông tin khổng lồ mình có thể liệt kê tất cả, sau đó chọn lọc những nội dung liên quan và từ đó chọn những tài liệu quan trọng nhất để đúc kết lại nội dung mình cần.


Để lọc được thông tin chất lượng, ta lại cần quan sát đa chiều, bên cạnh đó áp dụng tư duy nhân quả với 3 câu hỏi đúng sai. Đồng thời thực hiện phản tư chính mình bằng cách luôn đặt câu hỏi “Như vậy đã đúng chưa?”, “Ta có đang bị chủ quan không?”, “Tâm ta có an khi quan sát?”.


Những lần đầu thực hiện chắc chắn sẽ có chút hơi nản vì gặp nhiều khó khăn. Nhưng nếu ta thực hành liên tục đều đặn mỗi ngày, bằng việc quan sát những vấn đề trong cuộc sống và công việc thì dần dần ta sẽ hình thành thói quen và dễ dàng trong việc quan sát đa chiều để có được thông tin chất lượng.





3.2 Phân tích nhân quả

Hãy luôn nghĩ thật kỹ - làm thật kỹ, bởi quan sát là để phân tích và phân tích sau đó lại cần quan sát. Hai giai đoạn này luôn diễn ra song hành với nhau. Để thực hành phân tích sâu, ta cần thực hiện 3 thao tác sau:


Bước 1: Phân tích chi tiết - tách lớp

Phân tích chi tiết nghĩa là ta liệt kê tất cả những bộ phận của đối tượng. Sau đó phân loại dựa vào đặc điểm, tính chất, công dụng để phân loại thành từng lớp. Mục đích để hiểu đối tượng sâu sắc và cặn kẽ trên từng biểu hiện nhỏ nhất.


Ví dụ để nhìn nhận lại bản thân, ta cần liệt kê những biểu hiện về nhận thức, thái độ, lời nói, hành vi. Sau đó phân loại thành điều tích cực (3 gốc) và điều tiêu cực (3 độc).


Trong những điều tiêu cực lại có những chi tiết nhỏ như tham - sân - si, trong những điều tích cực cũng có chi tiết nhỏ đạo đức - trí tuệ - nghị lực.


Trong những chi tiết nhỏ đó lại có những chi tiết nhỏ hơn, ví dụ đạo đức bao gồm từ - bi - hỷ xả, nghị lực bao gồm dũng - nhẫn - tĩnh… Cứ như vậy việc phân tích chi tiết - tách lớp khiến ta nhìn nhận rất rõ điểm yếu - mạnh để tự soi sáng chính mình.


Bước 2: Phân tích sự vận hành

Khi đã nhìn thấy chi tiết, đã phân loại được rồi ta sẽ quan sát để thấy mối quan hệ, sự liên kết vận hành của chúng. Thao tác này giúp ta thấy rõ sự liên hệ, cần có nhau của các chi tiết, các lớp, không còn nhìn nhận chúng dưới góc nhìn rời rạc, độc lập, khô khan.


Nó giống như việc trong một tập thể, ta tách từng cá nhân, từng nhóm người có đặc điểm giống - khác nhau để quan sát. Sau đó nhìn thấy mối quan hệ của tập thể đó.


Bước 3: Phân tích tổng quan

Khi đã phân tích chi tiết, sự vận hành rồi, ta cần bao quát để thấy cái chung và cái trọng yếu nhất.


Lưu ý là các thao tác trên cần thực hiện lặp đi lặp lại n lần. Tại sao vậy?

Thao tác có vẻ rườm rà trên sẽ giúp ta nhận rõ những điều đúng đắn, phân biệt trắng - đen để từ đó bỏ đi những sai - xấu, giữ lại những điều tốt - đẹp, quan trọng. Đây cũng là nền tảng để ta có thể đúc kết cốt lõi một cách chất lượng nhất. Vấn đề càng khó thì ta càng cần phải thực hiện đầy đủ cả 3 thao tác trên.





3.3 Đúc kết cốt lõi

Tiếp tục nghĩ thật kỹ - làm thật kỹ, bởi có đúc kết cốt lõi, tìm ra nguyên lý ta mới ứng dụng thực tế, có thành tựu và thành công.


Đây cũng là thành quả của quan sát đa chiều và phân tích nhân quả. Để có được điều này, ta cần tìm cốt lõi và ứng dụng thực tế.


Tìm cốt lõi

Để tìm cốt lõi trước tiên ta cần thường xuyên tác ý và đặt cho mình câu hỏi “Đâu là cốt lõi của vấn đề/hiện tượng?”, “Đâu là nguyên lý và sự vận hành?”


Đây là một thao tác cực kì khó nên mình cần tập luyện dần, chủ yếu theo 3 cấp độ sau:

  • Cấp độ 1: Ở cấp độ này ta cần tóm tắt đủ ý chính, quan sát sự vận hành của ý chính.

  • Cấp độ 2: Suy nghĩ lại các ý chính để trả lời “Cái gì quan trọng hơn?”

  • Cấp độ 3: Rất nhiều lần quan sát - suy ngẫm để tìm ra câu trả lời “Cái gì quan trọng nhất chi phối toàn bộ?”


Trong 3 cấp độ trên, ta cần thực hiện 3 bước để tìm lõi. Tiếp tục quan sát - phân tích - đúc kết ngay chính ở giai đoạn tìm lõi

  • Tách sự vật hiện tượng thành các phần nhỏ

  • Phân tích mức độ quan trọng của các thành phần mình vừa tách ở trên

  • Xác định thành phần nào có độ quan trọng cao nhất thì đó chính là lõi

Ứng dụng thực tế

Khi rút ra được điều quan trọng, lõi, nguyên lý rồi phải ứng dụng thực tế xem có đúng không. Nếu như đối chiếu với thực tế không đúng thì ta cần quan sát - phân tích - đúc kết lại đến khi nào ứng dụng được mới dừng lại.





3.4 Chia sẻ và kaizen

Khi ta đã được soi sáng bởi quan sát - phân tích - đúc kết, thậm chí đã ứng dụng thực tế rồi, vẫn còn một bước nữa cần thực hiện đó là: chia sẻ lại.


Giai đoạn này ta cần tiếp tục làm kỹ - kiểm tra kỹ để có cơ sở kaizen. Lặp lại bước này liên tục giúp ta biến phế phẩm thành sản phẩm, biến sản phẩm thành tác phẩm.


Vậy ta cần chia sẻ với ai? Trước tiên hãy đảo vai - tức là nhìn nhận quá trình của mình dưới góc nhìn của người khác. Sau đó chia sẻ lại với mọi người bằng cách viết hoặc nói lại - đặc biệt là người giỏi, chuyên gia để nhận góp ý.


Tiếp tục một lần nữa quan sát - phân tích - đúc kết nhiều lần để chỉnh sửa sao cho sản phẩm của mình trọn vẹn nhất. Sự lặp đi lặp lại này giúp ta có thói quen tốt, sau đó biến thành kỹ năng hay và dần dần trở nên xuất sắc ở lĩnh vực đó.


Ta có thể áp dụng tiến trình quan sát - phân tích - đúc kết - kaizen này vào mọi lĩnh vực cả trong đời sống lẫn công việc, cả đi học lẫn đi làm. Và khi đã thành thạo kỹ năng tự học này rồi thì không còn kỹ năng nào hay thông tin - kiến thức nào làm khó ta được nữa.





4. Kết luận

Mình đã áp dụng tiến trình quan sát - phân tích - đúc kết để hoàn thành bài viết này. Cụ thể, mình đã quan sát - phân tích - đúc kết những trải nghiệm bản thân, thực trạng xã hội, đọc thêm tài liệu và quan trọng nhất là mình đã lọc thông tin chất lượng từ bài giảng của thầy Trần Việt Quân và đội ngũ Nhân sự kế thừa của thầy.


Kiến thức - tinh hoa nhân loại rộng vô cùng tận nhưng khi thành thạo kỹ năng tự học này rồi, ta sẽ dễ dàng có được những kỹ năng khác để học sâu - hiểu rộng - ứng dụng thực tế. Điều cần thiết đó là bản thân mỗi chúng ta có sự tự giác, kỷ luật, kiên trì trên hành trình văn - tư - tu của chính mình.


Bạn có cảm nhận gì khi đọc bài viết này? Hãy chia sẻ lại để blog 3 gốc có thêm góc nhìn để cải tiến cho bài viết bạn nhé!


Nội dung: Nhàn Lý

Biên tập: Khánh Vi

Hình ảnh: Trúc Phương




199 views1 comment

Recent Posts

See All
Untitled-1.jpg

Cùng chung lý tưởng
“Giáo dục chuyển hoá 3 Gốc”

Trang thư viện 3 Gốc mong nhận được phản hồi, động viên hoặc “ủng hộ” tuỳ hỷ đến từ độc giả. Bởi đây là thông điệp ngầm nhắn gửi “Những gì chúng tôi làm mang giá trị thiết thực đến cho mọi người”, giúp 3GOC.VN sẽ ra mắt nhiều nội dung giá trị hơn trong thời gian tới. 

bottom of page