top of page

ĐAM MÊ - VIÊN NGỌC ĐẮT GIÁ TRONG MỖI NGƯỜI

Updated: Mar 18

Chắc hẳn trong mỗi chúng ta, ai cũng có những lúc thức dậy vào buổi sáng và cảm thấy chán nản, mệt mỏi vì công việc hiện tại không mang lại bạn động lực và niềm vui.


Có bao giờ bạn tự hỏi: “Làm thế nào để mỗi ngày đi làm là niềm hứng khởi? Làm thế nào để tạo ra những đột phá mới trong nấc thang sự nghiệp?”


Có thể nói “Đam mê” là chìa khóa cốt lõi cho câu trả lời trên.


Mỗi người sẽ có những định nghĩa về Đam mê khác nhau; tuy nhiên, ta có thể hiểu theo cách nôm na. Đam mê là niềm khát khao, yêu thích làm một công việc nào đó mà quên đi thời gian, tiền bạc và thậm chí là tình cảm cá nhân.


Chính vì sức hút mãnh liệt này mà người có đam mê thường chứa đựng những nguồn năng lượng bất tận, họ ham học hỏi, luôn cầu tiến. Đối với họ khó khăn, trở ngại là những thách thú vị cần phải vượt qua.


Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, nhiều người vì hiểu sai hai chữ đam mê mà bám víu vào sự hào nhoáng của nó. Để rồi cuộc sống cứ mãi chạy theo một vòng luẩn quẩn, bế tắc.


Bài viết này sẽ làm rõ những hiểu nhầm và cách để giúp bạn tìm ra đam mê đúng. Bạn dành thời gian để chiêm nghiệm phần chia sẻ bên dưới nhé!


MỤC LỤC

Rà soát nghiệp lực

Tìm đến môi trường lành mạnh

Vượt qua vòng tròn thoải mái

Bắt tay với sở trường

Bắt đầu ngay tại phút giây hiện tại

Dấn thân rèn luyện 10.000 giờ

Liên tục nhìn lại và cải tiến

Gia tăng giá trị cộng đồng





Nhận diện sai đam mê, chịu thất bại ê chề


Đã có nhiều người thành công, doanh nhân nổi tiếng nói về sự đam mê.

Steve Jobs là hiện thân của sự đam mê bất tận, ông giúp Apple trở thành biểu tượng trên toàn thế giới, các sản phẩm iPhone, iPad,... mang lại sự đột phá cho thị trường. Ông đã từng nói “Bạn phải tìm ra thứ bạn yêu, đừng an phận”.


Hà Anh Tuấn cũng là một ví dụ điển hình. Anh đã thành công với đam mê ca hát khi dũng cảm rẽ hướng khỏi con đường kỹ sư dầu khí, để rồi chạm đến đỉnh cao sự nghiệp và khẳng định chỗ đứng trong lòng người hâm mộ.


Thế nhưng, đã có không ít người lạc lối bởi chính vẻ đẹp mờ ảo của 2 từ “đam mê” này.


Họ thường nhầm lẫn đam mê với sở thích nhất thời - là một thứ cảm xúc bất chợt bị thu hút bởi vẻ hào nhoáng bên ngoài, hay từ hiệu ứng đám đông.


Họ lao vào những cuộc tìm kiếm bất tận, rồi viện cớ “phải tìm ra đam mê” để biện minh cho quyết định nghỉ học, nghỉ làm. Rồi có nhiều người cho rằng vì chưa tìm đúng đam mê, nên mình được phép “làm hời hợt, nửa vời”.


Để rồi cuộc đời của họ cứ luẩn quẩn, đầy mâu thuẫn. Họ chẳng biết mình giỏi gì, dở chi, đi về đâu?


Có rất nhiều tấm gương thành công khi theo đuổi đam mê, nhưng ngược lại cũng có người hô hào hai chữ này nhưng nhận lại thất bại ê chề.

Lý do rất đơn giản: Họ đã nhận diện sai đam mê, một sự nhầm lẫn tai hại giữa đam mê và sở thích nhất thời. Vậy đâu là cách để tìm ra đam mê thật sự mà không phải là sự ảo tưởng. Bạn cùng xem tiếp bên dưới nhé.

Săn lùng hạt giống đam mê ngủ ngầm


Để khám phá đam mê, bạn cần thời gian rà soát toàn bộ cuộc đời mình.

Đó là hành trình săn lùng những hạt giống đam mê ngủ ngầm bên trong nên cần nhiều suy ngẫm và trăn trở.


Dưới đây là 5 gợi ý để tự bản thân mỗi người rà soát được đam mê. Bạn có thể làm cả 5, hoặc chọn 1 trong 5 đúng với xuất phát điểm và bối cảnh hiện tại của mình.





Rà soát nghiệp lực


Để tìm ra đam mê bạn cần thấu hiểu chính mình. Vì vậy, hãy tìm một không gian yên tĩnh, thoải mái để bạn có thể tĩnh tâm quay vào bên trong tự vấn chính mình các câu hỏi sau:

- Học gì: Bạn cần quan sát xem trong cuộc đời mình môn học, ngành nghề nào bạn yêu thích; vị thầy nào ảnh hưởng đến bạn; cuốn sách nào bạn thích đọc, bộ phim nào thích xem; bản thân bạn đã có thành tựu gì?

- Làm gì: Hãy tự hỏi lòng mình bạn thích làm gì; bạn làm gì thấy vui và quên thời gian; lúc rảnh rỗi (Thứ 7, Chủ Nhật) bạn muốn làm gì; Bạn đã có thành tích gì trong công việc?

- Chơi gì: Từ nhỏ đến giờ trò chơi gì khiến bạn thấy vui và quên thời gian; hoạt động nào bạn thích tham gia; bạn đã có thành tích gì?

- Trăn trở gì: Bạn đã xác định mục tiêu, mong muốn, ước mơ, hướng đi, lời cam kết chưa? Đâu là những trải nghiệm sâu sắc, dấu ấn lớn của bản thân? Cuộc đời mình có xu hướng nào lặp đi, lặp lại hay không?


Hãy thật sự nghiêm túc để trả lời những câu hỏi trên và đúc kết ra những điểm trùng lặp xuất hiện nhiều lần trong cuộc đời bạn. Những điều nào mà khi học - chơi - làm khiến bạn cảm thấy rất vui và có thể đánh đổi rất nhiều thời gian để trăn trở và trải nghiệm, đó chính là hạt mầm của đam mê đang chờ được nuôi dưỡng.


Sau khi làm xong phần đúc kết cuộc đời, có thể bạn sẽ thấy đam mê rõ ràng hoặc mơ hồ. Thế nào đi nữa, kể từ khi nhận thức được một chút hạt mầm đang chảy trong bạn, bạn phải đi tiếp một bước là tạo ra môi trường đủ duyên để hạt mầm nảy nở.


Mình cùng đi tiếp các cách sau nhé.


Tìm đến một môi trường lành mạnh


Đời sống nhiều hưởng thụ hơn cũng là lúc chúng ta giống như những chú gà công nghiệp, mỗi ngày cứ lặp đi, lặp lại mà không có nhiều trải nghiệm trong cuộc đời.





Lúc này, bạn cần có môi trường để tác động, để tăng sự trải nghiệm nhiều hơn. Đó là tìm đến nơi có những vị Thầy giỏi, những cuốn sách tinh hoa và những người bạn tốt. Sau đó, bạn hãy lắng nghe, học hỏi từ họ.


Đây là cách tích lũy ý nghiệp một cách gián tiếp.


Vậy nên, hãy thử đọc những cuốn sách về cuộc đời vĩ nhân, nhân vật lịch sử, những trải nghiệm của người đi trước, hoặc những cuốn sách khuyến đọc theo nhiều chủ đề; hoặc nghe giảng từ nhiều vị thầy hiền trí và lắng nghe những người bạn tốt xung quanh.


Trong quá trình tiếp nhận, bạn hãy cảm nhận xem đâu là điều khiến bạn bị thu hút, muốn tìm hiểu về nó sâu hơn? Đâu là thứ khiến bạn cảm thấy hấp dẫn, thoải mái, thú vị khi tìm hiểu về nó và luôn muốn dành thời gian cho nó?


Khi đã có câu trả lời, hãy trải nghiệm và làm thử từng bước nhỏ một cách bền bỉ theo cách mà người Thầy/Sách/Bạn đã truyền cảm hứng cho bạn. Sẽ đến một ngày hạt giống ngủ ngầm sẽ được đánh thức.


Nếu bạn ấn tượng với cách tổng thống Lincoln bào chữa để bảo vệ sự chính nghĩa, hãy thử tập sống trung thực và bảo vệ công bằng cho ai đó xung quanh bạn?


Nếu bạn hứng thú với cách David Beckham sút một trái banh ghi bàn, hãy thử ra sân và tập luyện đá banh mỗi ngày.


Vượt qua vòng tròn thoải mái


Nếu bạn có quá ít dữ kiện để nhìn lại và đúc kết về chính mình; cũng không hứng thú với những cuốn sách và tìm đến một môi trường lành mạnh để học hỏi.


Hãy bước ra vùng an toàn, trải nghiệm thực tế điều mình chưa từng làm (đó có thể là những việc mình ghét, mình sợ) như đi du lịch bụi, thiện nguyện vùng sâu, đi thiền, đạp xe xuyên Việt, vẽ tranh, bán hàng…





Từ những trải nghiệm thú vị đó, bạn sẽ có thêm dữ kiện để nhận ra giá trị, mong muốn, khao khát ẩn sâu trong con người mình.


Những trải nghiệm nên này càng khó khăn, thử thách thì càng tốt. Chỉ có như vậy, mới giúp bạn bứt phá những năng lực tiềm ẩn bên trong.


Bắt tay với sở trường


Nếu đã thử 3 cách trên mà vẫn chưa tìm thấy đam mê thì bạn hãy nhiệt tâm bắt tay vào làm những việc mình giỏi, có năng khiếu để biến nó thành tuyệt chiêu


Năng khiếu, sở trường là những việc mà khi bạn làm thì rất dễ dàng nhưng lại cho ra kết quả hơn người. Còn đam mê là sự tích lũy mạnh mẽ và lâu dài của khát khao, hoài bão; của những câu hỏi, trăn trở lớn từ bên trong suy nghĩ, ý niệm.


Bạn có thể soi chiếu qua những công cụ bên ngoài như tử vi, sinh trắc vân tay, DISC, 8 loại thông minh…và lắng nghe chính mình để biết năng khiếu, sở trường của bản thân là gì.


Khi bạn làm những điều mình giỏi, được mọi người ghi nhận và khen ngợi; bạn cũng tích lũy dần những cảm xúc hứng khởi, và những trăn trở trong ý niệm.


Điều này, vô tình hình thành nên sở thích và đam mê mới cho bạn. Lúc này, điều tuyệt vời nhất đã xảy ra với bạn đó là đam mê và sở trường lại bắt tay hợp tác với nhau, trở thành 1 vectơ cùng chiều, tạo nên một sức mạnh tập trung vô cùng to lớn.


Bắt đầu ngay tại giây phút hiện tại


Sau 4 cách trên, bạn vẫn đâu đó chưa tự tin vào kết quả tìm được. Vậy thì, ngay lúc này hãy tận tình làm tốt nhất từ những việc nhỏ nhất ngay bây giờ.


Nghĩa là ngay giây phút này, bạn đang làm việc, có ai đó đang cần bạn giúp đỡ, hãy làm hết mình với năng lượng gần như 100%. Hãy tinh tấn và nỗ lực hết mình để hoàn thành kỹ lưỡng điều bạn đang làm; điều đó cũng sẽ giúp bạn có được niềm hứng khởi và cảm giác bản thân có giá trị khi được giúp đỡ người khác.





Mình nhớ trong lớp học “Đánh thức ý nghĩa cuộc đời” của thầy Trần Việt Quân đã từng có câu chuyện tương tự. Thầy kể lại:


“Trong công ty tôi, có một số nhân viên cứ loay hoay mãi mà không tìm được đam mê và sở trường.


Một hôm, có bạn hỏi tôi: “em đã làm hết các cách Thầy hướng dẫn nhưng vẫn không tìm được đam mê, sở trường Thầy ạ? E phải làm sao hở Thầy?”.


Tôi bảo bạn “Vậy em hãy làm tốt nhất từ những việc nhỏ nhất mà mình đang nhận hằng ngày, hoặc là nếu ai đó đang cần em giúp đỡ gì đó, em hãy nhiệt tình xắn tay áo giúp đỡ hết mình, cứ sống hết mình như vậy, rồi từ từ có nhiều kinh nghiệm rồi mình quay lại cách 1 để đúc kết”.


Thế là bạn đó sau 1 năm đã trở thành trưởng phòng Media”.


Từ câu chuyện trên đã cho mình niềm tin về hành trình khám phá đam mê. Chắc chắn ai cũng có, nhưng đam mê cần rất nhiều nỗ lực để tìm ra sâu bên trong mỗi người.


Vết khuyết của đam mê


Sau khi giải được mật mã của chiếc ổ khóa đam mê; mở toang cánh cửa, bạn sẽ đối mặt với gian nan tiếp theo đó là sự phân vân giữa ngã ba đường: lựa chọn làm việc vì đam mê hay vì cuộc sống thực tế.


Một số người cho rằng theo đuổi đam mê là sống thiếu thực tế. Nhưng mình lại không nghĩ vậy, nếu bạn cho rằng đam mê của mình không thể kiếm ra tiền nuôi sống bản thân, ắt hẳn đam mê của bạn còn nhiều vết khuyết, chưa tròn đầy.


Thông thường, đam mê của chúng ta thường có những vết khuyết như sau:

  • Thiếu sự can đảm và dấn thân; thiếu sự kiên nhẫn và nỗ lực; thiếu sự điềm tĩnh và khả năng chịu áp lực khi gặp thất bại

  • Thiếu sự quan sát đa chiều, thiếu sự nhìn lại bản thân để đúc kết và cải tiến sự hiệu quả mỗi ngày

  • Không trao được giá trị gì, hoặc trao rất ít giá trị cho cộng đồng





Nếu niềm đam mê đó được trui rèn, mài dũa thành tuyệt chiêu và trao giá trị cho cộng đồng, đó hẳn là một viên ngọc sáng rất đắt giá mà nhiều người sẵn sàng đổ tiền vào để săn bạn về.


Biến đam mê thành viên ngọc đắt giá


Việc gì cũng vậy cần phải có sự luyện tập mới có thể trở thành viên ngọc sáng giá. Cho dù bạn đã tìm ra đam mê ngay lúc này, hay còn đang mơ hồ, thì việc luyện tập, trải nghiệm sâu sắc là điều bắt buộc phải làm.


Dấn thân rèn luyện 10.000 giờ


Nhắc đến đam mê người ta thường hình dung đến những vị ngọt của niềm vui, hạnh phúc, và sự công nhận; mà không hề biết rằng nó còn chất chứa những vị đắng của sự chán ghét, thất bại và nỗ lực không ngừng.


Khi bạn đã thấu hiểu bản thân, xác định được đam mê thì việc tiếp theo cần thực hiện đó là xác định nguồn lực, bước ra khỏi vùng an toàn để RÈN LUYỆN 10.000 giờ.

Hành trình của bạn lúc này là toàn tâm HÀNH ĐỘNG, HÀNH ĐỘNG


2 từ “hành động” được lặp lại 2 lần hoàn toàn không phải là lỗi đánh máy bạn nhé. Sự lặp lại này để nhấn mạnh rằng chúng ta cần phải thực thi, rèn luyện N lần để nâng cấp mình từ Không biết gì -> Trung bình -> Khá -> Giỏi -> Xuất sắc.


-Huấn luyện viên Alex Ferguson nhận xét: “David Beckham là cầu thủ tốt nhất nước Anh không phải bởi tài năng thiên phú mà vì cậu ấy luyện tập không ngừng nghỉ - điều mà phần lớn cầu thủ ít tài năng hơn thậm chí không thèm làm”.


- Thomas Edison, một người gần như không được đến trường học, đã thử nghiệm 10,000 lần mới thành công trong việc tạo ra bóng đèn sợi đốt thắp sáng cho nhân loại.





- Colonel Sanders bị từ chối 1009 lần khi rao bán công thức gà rán của mình, bí quyết tạo nên thương hiệu KFC.


- Bill Gates trước khi thành công cũng dành tới 8 giờ một ngày, suốt 7 ngày trong tuần không nghỉ liên tục trong 7 tháng rèn luyện ở trung tâm dữ liệu Washington khi đang còn là sinh viên.


- Tim Ferriss bị từ chối đến 25 lần trong việc xuất bản cuốn sách “4 giờ làm việc trong tuần”.


- Ban nhạc The Beatles cũng chơi nhạc suốt 8 tiếng liên tục, 7 ngày mỗi tuần trong 5 năm (1960-1964) để trở thành nhóm nhạc vĩ đại.


“Khi anh muốn có được sự thành công giống như anh muốn có không khí để thở khi bị dìm đầu xuống nước, thì anh sẽ có được nó. Ngoài ra không có bí quyết nào khác" - Socrates


Vậy nên, nếu đam mê của bạn nỗ lực 1,2 tháng là mong muốn thay đổi, bị chê 1 -2 lần là chán nản thì bạn thật sự thiếu sự cam kết, nhẫn nại và khả năng chịu đựng áp lực.


Điều này khiến bạn không thể bức phá lên được mà cứ luẩn quẩn trong sự bình thường


Rất nhiều người sợ phải theo đuổi đam mê, sợ phải theo đuổi những gì bản thân luôn ao ước nhất bởi họ sợ phải làm những việc họ chán ghét, phải chấp nhận sự thất bại và căng thẳng, phải tinh tấn nỗ lực không ngừng nghĩ, áp suất chính mình trong nhiều năm liền.


Nhưng hãy ngẫm lại xem, một viên ngọc thô nếu không được mài dũa, cắt gọt đi những phần lồi lõm dư thừa, liệu nó có trở nên đẹp mắt và có giá trị để ai đó sẵn sàng trả nhiều tiền để mua nó hay không.


Ai trong chúng ta cũng tiềm ẩn hạt giống của sự xuất sắc và hoàn toàn có thể thành công nếu sẵn sàng dành thời gian nỗ lực cho công việc của mình. Cũng như vậy, các vĩ nhân sinh ra cũng không thể mang lại giá trị cho nhân loại nếu không miệt mài học tập và rèn luyện.

Có một công thức 10.000 giờ rất nổi tiếng nói về hành động liên tục như sau:

20 giờ x 50 tuần x 10 năm = 10.000 giờ

8 giờ x 5 ngày x 52 tuần x 4.8 năm = 10.000 giờ




Liệu điều này có nghĩa là bạn cứ bỏ ra 10.000 giờ là sẽ trở thành một chuyên gia?

Không đâu!

Rất nhiều người vẫn đều đặn đi làm ngày 8 tiếng. Công việc đó kéo dài 5, 10 năm thậm chí 20, 30 năm hoặc đến khi nghỉ hưu nhưng họ vẫn chẳng có bứt phá trong công việc, chẳng ai nhớ đến chuyên môn của họ.

Nếu vậy công thức 10.000 giờ đã sai?

Cũng không hẳn!

Hãy tự hỏi lòng mình “Có bao giờ ta nhìn lại để cải tiến công việc đó hay chưa?”

Liên tục nhìn lại và cải tiến

Để phát triển và nâng tầm đam mê lên một tầng cao mới, việc liên tục nỗ lực làm việc, rèn luyện 10.000 giờ là chưa đủ.


Chúng ta cần dành thêm thời gian lắng nghe những phản hồi, tự đặt câu hỏi: "Phương diện nào còn thiếu sót?", "Chỗ nào mình làm chưa tốt?"


Hãy giữ vững tinh thần khát khao kiến thức, đừng nghĩ mình rất thông minh, đừng eo hẹp bản thân mình trong nhận thức đã có sẵn.


Ví dụ: Có 2 bác cùng làm Taxi.


Bác thứ nhất rất nhiệt tình mời chào hết người này đến người khác để đi xe của mình; cứ lặp đi lặp lại kiên trì như vậy 8 tiếng mỗi ngày trong 5 năm vẫn không thay đổi cách làm. Mặc dù, bác đã tích lũy được 10.000 giờ nhưng hiệu quả công việc cũng không hề thay đổi là mấy.


Còn bác thứ 2 thì ban đầu cũng rất nhiệt tình mời chào tất cả khách, nhưng mỗi ngày đều dành thêm thời gian để nhìn lại và đúc kết những lần mời chào thành công, và những lần mời chào thất bại.





Nhờ vậy, mà bác đúc kết được đâu là gương mặt, cử chỉ của một người muốn đi Taxi của mình, đâu là những cung đường đi nên tránh vào giờ cao điểm; từ đó bác giảm được số lần mời chào nhưng lại tăng được số "cuốc" taxi mình nhận được và tiết kiệm thời gian đáng kể mỗi lần chở khách nhờ đi đường tắt.


Như vậy là cả hai bác tài xế đều tích lũy được số thời gian hành nghề như nhau, nhưng bác thứ 2 lại nâng cao được kỹ năng nghề nghiệp nhờ có sự đúc kết và cải tiến mỗi ngày.


Khi bạn rèn luyện đủ lâu theo nguyên tắc 10.000 giờ với sự tập trung quan sát - phân tích - đúc kết và cải tiến liên tục bạn sẽ trở thành một “kẻ xuất chúng” với tuyệt chiêu của mình.


Gia tăng giá trị cộng đồng


Để biến đam mê thành viên ngọc quý đắt giá, nó đã đi qua hành trình rèn luyện 10.000 giờ, cùng với sự cải tiến, sửa đổi không ngừng nghỉ; cuối cùng đây sẽ hành trình quan trọng nhất của nó - hành trình trao giá trị.


Điểm đến cuối cùng này mới là đích đến nhân văn nhất của đam mê.


“ Ý nghĩa cuộc sống là tìm được tài năng của bản thân. Mục tiêu cuộc đời là đem tài năng đó ra cống hiến” - David Viscott -


Chúng ta tìm ra đam mê không phải chỉ để thỏa mãn cảm xúc, cũng không đơn thuần là nâng tầm tài năng của bản thân, mà là để sống có ý nghĩa và trao đi giá trị nhiều hơn.


Sau khi biến đam mê thành tuyệt chiêu cho mình, bạn sẽ dùng tài năng đó để làm gì?


Nếu chỉ để kiếm tiền và bất chấp làm những việc hại mình, hại người, hại trái đất, xã hội; bạn sẽ giống như Kẻ Phá Hoại.





Nếu sống cống hiến và giúp đỡ mọi người, trong tâm trí bạn sẽ bừng lên một hoài bão và lý tưởng sống.


Thậm chí, ngay cả khi đến cuối bài viết này rồi, bạn vẫn chưa tìm được đam mê của mình, bạn vẫn có thể sống một cuộc đời hạnh phúc và ý nghĩa nếu sống cống hiến từ những việc nhỏ nhất ngay tại giây phút này.


“Không phải tất cả chúng ta đều làm được những điều vĩ đại, nhưng chúng ta có thể làm những điều nhỏ nhặt với tình yêu vĩ đại”. - Mẹ Teresa -


Vậy nên, nếu chúng ta không tìm ra được đam mê và tài năng của mình để làm những việc lớn, hãy làm nhiều việc nhỏ với tình yêu lớn.


Hơn thế nữa, số tiền và thu nhập ta nhận về sẽ tương ứng với những giá trị ta trao đi. Thế nên, khi bạn trăn trở và tìm cách giúp đỡ càng nhiều người, bạn sẽ được nhận lại xứng đáng, đôi khi không chỉ là bằng tiền, mà còn là sự tin yêu, sức khỏe, mối quan hệ tốt đẹp.


Lời kết

Tới đây, xin kết lại bằng 4 bước ngắn gọn để tỏa sáng viên ngọc đắt giá đam mê bên trong bạn:

Bước 1: Hãy bắt đầu bằng những điều mình hứng khởi, đam mê

Bước 2: Cực kỳ nghiêm túc rèn luyện liên tục, tập trung toàn lực để hành động

Bước 3: Không ngừng cải tiến, trau dồi hiểu biết về lĩnh vực đó

Bước 4: Dùng tài năng đó để phục vụ và cống hiến cho xã hội


Mến chúc bạn có hành trình khám phá đam mê đầy thú vị!


Nội dung: Liên Thanh - Admin lớp Content 3 Gốc

Biên tập: Khánh Vi

Hình ảnh: Hạnh Dung






374 views0 comments
Untitled-1.jpg

Cùng chung lý tưởng
“Giáo dục chuyển hoá 3 Gốc”

Trang thư viện 3 Gốc mong nhận được phản hồi, động viên hoặc “ủng hộ” tuỳ hỷ đến từ độc giả. Bởi đây là thông điệp ngầm nhắn gửi “Những gì chúng tôi làm mang giá trị thiết thực đến cho mọi người”, giúp 3GOC.VN sẽ ra mắt nhiều nội dung giá trị hơn trong thời gian tới. 

bottom of page