Xưa - thông tin chủ yếu được tiếp cận qua sách báo nên để trau dồi sự học không thể bỏ qua việc đọc sách và duy trì văn hóa đọc.
Nay - chỉ cần một cú click chuột, mọi thông tin xuất hiện nhanh chóng ở mọi lúc - mọi nơi - mọi thời điểm. Việc tiếp cận cũng không chỉ dừng lại ở kênh đọc mà còn là xem, là nghe…Sự phong phú và đa dạng đó ít nhiều khiến thói quen đọc thay đổi.
Cần gì đã có “chị Google” rồi thì việc duy trì đọc sách và cao hơn nữa là văn hóa đọc có còn quan trọng và cần thiết?
Mời bạn cùng 3goc.vn trăn trở về sự cần thiết của văn hóa đọc và làm thế nào để duy trì văn hóa đọc trong cuộc sống thời hiện đại, bạn nhé!
Mục lục
Văn hóa đọc là gì?
Càng nhiều thông tin chúng ta càng cần văn hóa đọc
Làm thế nào để xây dựng và nuôi dưỡng văn hóa đọc?
Hãy bắt đầu từ chính mình
Đồng hành cùng văn hóa đọc xuyên Việt
4. Kết luận
Văn hóa đọc là gì?
Trước tiên để tìm câu trả lời cho câu hỏi “Văn hóa đọc có quan trọng trong thời đại 4.0?”, chúng ta cần hiểu văn hóa đọc là gì? Văn hóa đọc có đơn thuần chỉ là việc đọc sách?
Văn hóa là thay đổi để trở nên đẹp đẽ (Văn có nghĩa là đẹp; Hóa là sự thay đổi, chuyển hóa). Như vậy, văn hóa đọc có nghĩa là nhờ hoạt động đọc mà chúng ta có sự chuyển hóa nhận thức và hành vi giúp mình ngày càng trở nên tốt đẹp hơn.
Theo Trí Tuệ Việt Nam, thì văn hóa đọc bao gồm 5 hoạt động chính sau đây:
1- Đọc những điều có văn hóa (chủ động thông tin - chủ động thái độ)
Tức là chúng ta sẽ đọc những thông tin (bao gồm cả thông tin trên mạng internet) có văn hóa, cùng hướng về 3 gốc rễ (Đạo đức - Trí tuệ - Nghị lực). Những thông tin này giúp chúng ta đào luyện bản thân và phát triển nghề nghiệp.
2- Đọc mọi điều với thái độ có văn hóa (thụ động thông tin - chủ động thái độ)
Thái độ có văn hóa là chúng ta không bị đồng hóa, đọc không vội tin ngay mà có sự nghi ngờ và phản biện, có sự quan sát kĩ càng để không bị dẫn dắt và lôi kéo về mặt cảm xúc.
3- Suy ngẫm và có góc nhìn đa chiều
Góc nhìn đa chiều là ta tìm hiểu qua nhiều nguồn thông tin khác nhau, từ đó có suy luận và diễn giải cho riêng mình. Quan trọng nhất là từ suy ngẫm và đúc kết này, mỗi người có thể ứng dụng bài học vào thực tế cuộc sống.
4- Có thực hành và chuyển hóa nhận thức, hành vi đúng tốt
Vì lựa chọn thông tin đọc có nội dung 3 gốc nên khi thực hành, mỗi người sẽ có sự chuyển hóa mang lại lợi ích cho mình, cho cộng đồng và cho thiên nhiên.
5- Có lan tỏa, chia sẻ, giúp đỡ cộng động các hoạt động Văn hóa đọc
Sẵn sàng chia sẻ cho mọi người về hành trình mình đã trải qua để mọi người có thêm cơ hội mở mang và tiếp nhận điều đúng tốt.
Như vậy, việc đọc không đơn thuần chỉ là đọc sách mà bao gồm tất cả các hoạt động tiếp nhận thông tin từ nhiều nguồn khác nhau; cũng không đơn thuần chỉ là đọc để hiểu mà bao gồm tiến trình học - hiểu - hành; không chỉ đề cập đến thói quen đọc mà còn là thái độ và phương pháp đọc.
Với nội dung trên thì văn hóa đọc có cần được đề cao và chú trọng trong cuộc sống của chúng ta ngày hôm nay?
Càng nhiều thông tin chúng ta càng cần văn hóa đọc
Để hiểu tại sao càng nhiều thông tin thì càng cần văn hóa đọc, trước tiên chúng ta thử đối chiếu cách đọc xưa và cách đọc nay:
Trước đây, tài liệu và sách thường được in trên giấy và muốn đọc, chúng ta phải có sách giấy để đọc. Ngày nay, con người có thể đọc trên nhiều phương tiện như máy tính, điện thoại di động, máy đọc sách điện tử,
máy tính bảng…
Vì hoạt động đọc chỉ diễn ra trên trang giấy nên trước đây đọc thường là hoạt động đơn độc và yên bình, có sự tập trung vì ít tác động bên ngoài. Ngày nay, do đọc chủ yếu trên các phương tiện điện tử nên người đọc có thể thoải mái chuyển kênh (từ trang này sang trang khác) hoặc bị ảnh hưởng bởi lượng thông tin xuất hiện ồ ạt nên dễ mất tập trung, phân tán sự chú ý.
Không phủ nhận công nghệ phát triển giúp chúng ta có sự tiện lợi và linh hoạt trong việc tiếp nhận thông tin, có thể thu gọn “thư viện khổng lồ” trong một thiết bị nhỏ gọn. Chúng ta cũng dễ dàng tương tác và chia sẻ trực tiếp, cũng dễ dàng tìm kiếm thứ mình cần nhanh chóng. Thế nhưng, thứ ta “đánh mất” cũng không phải là ít:
Thứ nhất, vì nhiều thông tin nên ta đọc nhanh, đọc lướt, chỉ thích tiêu thụ nội dung ngắn chứ không muốn dành thời gian cho nội dung dài có chiều sâu. Như vậy, vô tình ta làm giảm sự kiên nhẫn và năng lực tập trung trọn vẹn. Khi không dành thời gian để suy ngẫm, mấy ai quan tâm phản biện - đúc kết - ứng dụng cho cuộc sống?
Thứ hai, vì mạng xã hội là nơi ai cũng có thể cập nhật, chia sẻ nội dung nên sẽ không tránh khỏi việc có nhiều thông tin chưa giá trị. Giữa một thế giới kiến thức gồm cả rác và hoa, nếu không có sự cẩn trọng và quan sát để “gạn đục khơi trong”, không biết cách xử lý thông tin, ta dễ dàng để những nội dung không lành mạnh chi phối tới mình.
Vậy nên càng nhiều thông tin, chúng ta càng cần có văn hóa đọc. Có văn hóa đọc để biết chọn nội dung nào đọc có lợi ích, biết phân biệt thông tin chính xác và thông tin sai lệch, tránh rơi vào bẫy của tin tức giả mạo và nguy hại. Khi bạn biết chọn lọc nội dung có văn hóa để đọc, bạn sẽ càng vun bồi được thái độ đọc có văn hóa. Nội dung đọc văn hóa và thái đọc có văn hóa là 2 điều quan trọng nhất trong văn hóa đọc.
Vậy nên chúng ta cần hiểu rằng, văn hóa đọc không có nghĩa là đọc thật nhiều mà còn là đọc có chiều sâu; không chỉ là tạo thói quen đọc mà cần thiết dành thời gian thiêng liêng để đọc; đọc không chỉ để trau dồi sự hiểu biết mà còn với sự trân trọng và biết ơn; lựa chọn nội dung tinh hoa để đọc và đọc đến đâu nên đọng đến đó.
Robert DiYanni có viết cuốn sách với tựa đề “Bạn là những gì bạn đọc”. Khi bạn đọc những điều có văn hóa với thái độ văn hóa, bạn sẽ chuyển hóa bản thân sâu sắc theo chiều hướng thượng. Không những vậy, bạn biết cách lan tỏa những giá trị tử tế đến mọi người, bạn biết giúp những người xung quanh phát triển nghề nghiệp, phát triển bản thân, tìm thấy niềm vui và sự thư giãn trong khi đọc - đó chính là giá trị thực sự mà văn hóa đọc mang lại.
Quan trọng - cần thiết - ý nghĩa, đó chính là lý do để mỗi chúng ta xây dựng và nuôi dưỡng văn hóa đọc cho chính mình.
Làm thế nào để xây dựng và nuôi dưỡng văn hóa đọc?
Ngay ở phần đầu, 3goc.vn đã đưa ra 5 hoạt động chính để xây dựng văn hóa đọc, vậy mỗi chúng ta cần ứng dụng như thế nào?
Hãy bắt đầu từ chính mình
Thứ nhất, hãy xây dựng cho mình thói quen đọc, hãy biến đọc trở thành thói quen có văn hóa.
Không cần thiết mỗi ngày phải đọc thật nhiều, bạn có thể chỉ cần 5-10 phút nhưng thật tập trung và duy trì đều đặn mỗi ngày. Hãy đọc với tâm thái biết ơn, trân trọng, niềm yêu thích chứ không phải sự bắt buộc hay gượng ép.
Thứ 2, vun bồi năng lực quan sát - phân tích - đúc kết để chọn lọc những thứ có văn hóa để đọc. Những thứ có văn hóa là toàn bộ các chủ đề giúp bạn phát triển bản thân, công việc, khiến bạn sống vị tha hơn - trí tuệ hơn - dũng nhẫn tĩnh hơn.
Bạn có thể áp dụng cách đọc rộng và đọc sâu để chọn lựa những nội dung tinh hoa hoặc xây dựng môi trường Tam bảo để được thầy hiền trí hoặc nhóm bạn tốt chia sẻ nội dung giá trị.
Thứ 3, trau dồi phương pháp đọc sâu giúp mình có sự tập trung và trọn vẹn. Việc đọc kỹ và có đúc kết sẽ giúp bạn ghi nhớ nội dung tốt hơn, từ đó ứng dụng hiệu quả trong công việc và cuộc sống.
Để xây dựng và nuôi dưỡng văn hóa đọc hiệu quả, bạn cũng có thể áp dụng 9 bước tự học tự rèn tại đây: https://www.3goc.vn/post/9-buoc-tu-hoc-tu-ren
Đồng hành cùng văn hóa đọc xuyên Việt
Thực hiện đầy đủ những bước trên là bạn đã hoàn thành xây dựng văn hóa đọc cho riêng mình. Sẽ thật tuyệt nếu bạn ứng dụng bài học của mình để đồng hành cùng văn hóa đọc xuyên Việt, giúp lan tỏa văn hóa đọc cho mọi người ở mọi miền.
Còn nếu bạn cảm thấy xây dựng văn hóa đọc một mình khá khó khăn thì bạn càng cần tham gia văn hóa đọc xuyên Việt. Bởi hành trình này sẽ đưa bạn vào môi trường được cộng hưởng năng lượng, được học hỏi từ những người có kinh nghiệm và có cơ hội nâng đỡ những người mới bắt đầu.
Đừng ngần ngại và nghĩ rằng văn hóa đọc là nhiệm vụ của những người làm giáo dục. Văn hóa đọc đúng là sẽ được xây dựng và nuôi dưỡng tốt nhất trong nhà trường nhưng đó không phải là nhiệm vụ của riêng thầy cô, của học sinh mà đó là nhiệm vụ của toàn dân, trong đó có bạn.
Mỗi ngày trôi qua, mỗi giờ trôi qua, mỗi khoảnh khắc trôi qua, chúng ta không biết có bao nhiêu tin tức được cập nhật trên mọi nền tảng của mạng xã hội. Nhờ công nghệ, chúng ta dễ dàng tiếp cận tất cả nhưng đừng để công nghệ biến mình thành một người tiêu thụ nhanh nhưng không có chọn lọc, biết nhiều nhưng không có chiều sâu, hời hợt và thiếu đi những khoảng lặng của sự trọn vẹn.
Hãy để công nghệ 4.0 trở thành công cụ đắc lực để mỗi người:
Tiếp cận và chọn lọc nội dung tinh hoa.
Kết nối Tam bảo để cùng vun bồi văn hóa đọc
Sẻ chia, lan tỏa văn hóa đọc đến mọi miền.
Làm được những điều này là bạn đã thực hiện đủ 5 hoạt động cần thiết để xây dựng văn hóa đọc một cách có văn hóa.
Kết luận
Văn hóa đọc không chỉ là đọc sách mà bao trùm tất cả hoạt động tiếp nhận thông tin trên mọi nền tảng, vì vậy thông tin càng bùng nổ, chúng ta càng cần có văn hóa đọc.
Nhờ có văn hóa đọc mà mỗi người biết chọn lọc nội dung có văn hóa để đọc và đọc mọi thứ với thái độ có văn hóa. Đây là nền tảng để chúng ta cùng chung tay thực hiện tâm nguyện: 20 năm nữa sẽ có một thế hệ người trẻ sống tử tế, sống cống hiến.
Nhưng để có 20 năm nữa, 3goc.vn và bạn cần bắt đầu từ hôm nay!
Nội dung: Nhàn Lý
Hình ảnh: Tuệ Tâm - Học viên Content 3 gốc
Opmerkingen