top of page

8 NGÀNH NGHỀ KIẾN TẠO MỘT QUỐC GIA HẠNH PHÚC

Updated: Mar 26, 2023

Nghề nghiệp hiện tại của bạn là gì?

Bạn có thực sự hiểu được ý nghĩa công việc của mình trong mỗi phút giây làm việc hay chưa?


Nếu trước đây, công việc chỉ là một phần cho công cụ mưu sinh, duy trì sự sống. Thì trong thời đại ngày nay, trung bình mỗi người đều dành khoảng 10 hay 12 tiếng, thậm chí có khi lên đến 14 hay 16 tiếng mỗi ngày cho công việc. Điều đó chứng tỏ rằng công việc hiện nay không chỉ giúp chúng ta nuôi sống bản thân, gia đình mà còn mang đến cảm giác sống và đóng góp một phần tâm huyết & đam mê của bản thân để vẽ nên bức tranh xã hội đa sắc màu.


Chính vì lẽ đó mà mỗi nghề nghiệp cá nhân được coi là mỗi tế bào của xã hội sẽ quyết định hình thành nên một quốc gia có thực sự sống hạnh phúc hay không?


Sau đây là 8 ngành nghề nền tảng & cần thiết nhất để kiến tạo nên một quốc gia hạnh phúc. Mời bạn cùng đọc và suy ngẫm!


MỤC LỤC



1. Y TẾ

Thành ngữ Việt Nam có câu "Lương y như từ mẫu". Ngụ ý rằng thầy thuốc phải là người có y đức chăm sóc cho người bệnh giống như mẹ hiền, như chính người thân trong gia đình của mình vậy.


Có rất nhiều người hành nghề y quan niệm rằng, sứ mệnh của họ chỉ là khám bệnh rồi bán thuốc. Họ cho rằng, tạo ra thật nhiều bệnh viện, sáng chế ra thật nhiều phương pháp, thuốc thang, vaccine, máy móc trang thiết bị hiện đại để đáp ứng cho số lượng bệnh nhân ngày càng gia tăng phức tạp, khó lường... mới đáng được tuyên dương là ngành y tế phát triển. Nhưng chúng ta mãi vẫn không thể nào làm được điều ấy. Thực tế diễn ra trước mắt luôn là cảnh tượng bệnh viện thì hết giường, hết phòng; bệnh nhân thì "nằm chung nằm chạ", người thân gia đình lên chăm sóc thì "ngủ vờ ngủ vật" ngoài ghế đá, hành lang


Tôi thấy điều cốt lõi nhất người hành nghề y, nghề dược cần thấy ra đó là việc cân bằng giữa điều trị thân bệnh & tâm bệnh song hành, vì theo nghiên cứu trên thế giới có tới 75% các bệnh trạng hiện nay xuất phát từ TÂM bệnh như mệt mỏi, căng thẳng, áp lực, nóng giận,... lâu ngày bị ứ đọng, tích tụ trổ ra THÂN bệnh.


Con người hiện đại ngày nay vì bị cuốn theo vòng xoáy phát triển đời sống vật chất quá độ nên ỉ lại hay thờ ơ với đời sống tinh thần của bản thân & gia đình mình. Khi sức khỏe suy yếu, bệnh tật trổ ra thì chúng ta lại giao toàn bộ hy vọng & niềm tin mạng sống này cho bác sĩ, thuốc men hay bệnh viện.

Vì thế, mục tiêu cao cả nhất của ngành y tế nói chung và người hành nghề y nói riêng NÊN là không còn ai phải đến bệnh viện để chạy chữa bệnh nữa chứ không phải cứ mãi mê đi giải quyết hậu quả cho một lối sống lệch lạc, mất quân bình, thiếu sự kết nối với môi trường tự nhiên.


Nếu một xã hội biết sống chậm lại, dành nhiều hơn thời gian để phát triển thế giới nội tâm của mình ngày càng phong phú, mới mẻ & sâu sắc thì có chăng mọi bệnh tật sẽ tiêu tan đi phần nào, hoặc nếu có phải mắc bệnh đi chăng nửa thì tự bản thân mình cũng biết cách đối diện khổ đau với một nhận thức & thái độ lạc quan, thong dong & bình thản hơn rất nhiều.


Tất nhiên việc chữa chạy các bệnh trạng gấp rút hay tai nạn khẩn cấp thì luôn luôn cần thiết. Nhưng song hành với nó, chúng ta rất cần một thế hệ tri thức có hiểu biết đúng đắn hơn về Y khoa dưới góc nhìn đa chiều kết hợp giữa phòng & chữa bệnh THÂN-TÂM một cách toàn vẹn nhất, đặc biệt đề cao ý thức phòng bệnh tự thân trong từng gia đình, làng xóm, địa phương bằng 1 số cách như:

  • Giúp người dân ý thức & biết cách điều chỉnh thói quen, lối sống lành mạnh. Nâng cao tầm quan trọng của việc cân bằng đời sống vật chất & tinh thần

  • Thấy ra sợi dây kết nối vô cùng quan trọng của thiên nhiên với sự sống con người. Từ đó, biết trở về với thiên nhiên để vận động, sinh hoạt nhiều hơn

  • Lan truyền các hoạt động sức khỏe cộng đồng để chia sẻ kiến thức về chăm sóc sức khỏe tự thân cho nhau để cùng nhau kiến tạo nên sức đề kháng cộng đồng bền vững.

2. NÔNG NGHIỆP

Ông cha ta thời xưa có câu "Có thực mới vực được đạo" hàm ý muốn khẳng định tầm quan trọng của thực phẩm là một nhu cầu thiết yếu vô cùng quan trọng trong cuộc sống của mỗi người


Bài học này được hiển lộ ngày càng sâu sắc từ sau đại dịch COVID-19 vừa qua. Khi ấy, nhà nhà người người đi tích trữ hàng đống thùng mì tôm, các món ăn khô và đồ đông trong tủ lạnh, chứ đâu phải xe hơi đắt tiền, thời trang xa xỉ hay nhà cao cửa rộng? Ấy vậy mà tình trạng sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu cho nông sản, thuốc kích thích tăng trưởng dùng cho gia súc, gia cầm mỗi tháng tăng 30,40 cân là chuyện thường tình. Nông sản, gia súc, gia cầm chỉ được nuôi trong 1/3 thời gian bình thường nhưng lại tăng trưởng trọng lượng, kích cỡ gấp đôi thì hỏi dinh dưỡng lấy từ đâu mà ra?


Vị cha đẻ của cuộc cách mạng Nông Nghiệp Thuần Tự Nhiên Masanobu Fukuoka đã từng nói: "Thực phẩm và thuốc không phải 2 thứ khác nhau, chúng là mặt trước và mặt sau của một cơ thể". Điều đó nghĩa là, nếu đầu vào của chúng ta như thực phẩm xanh, nước uống sạch thì đó không chỉ là thức ăn để nuôi thân mà còn chính là liệu thuốc để phòng & chữa mọi bệnh tật có nguy cơ xảy đến. Và nếu được kết hợp với chế độ ăn uống & sinh hoạt đúng cách thì chắc chắn rằng sức đề kháng cơ thể cũng như tuổi thọ sẽ từ đó mà gia tăng đáng kể. Hiện nay, có rất nhiều quốc gia nhận ra được vấn đề này và quay lại với con đường kiến tạo lối sống xanh, tối giản & thuận hòa với tự nhiên hơn.


Nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ hay tuyệt vời hơn nữa là ngành nông nghiệp thuần tự nhiên là điều mà bất cứ quốc gia nào cũng đang trên đà hướng tới vì an toàn sức khoẻ người dân. Vì thế, những mô hình nông trại thu nhỏ tự cung tự cấp tại nhà, những hộ gia đình tự chủ trong một số nguồn lương thực, thực phẩm tại nhà là một ý tưởng hay mà từng gia đình nhỏ có thể nghĩ tới, giải pháp ở đây là cần làm sao để nó đơn giản và hiệu quả thì sẽ áp dụng được rộng rãi.

Một lần nữa, tôi xin nhấn mạnh việc đưa nông nghiệp vào đời sống văn minh hiện nay là bài toán hay để thế hệ trẻ có đủ tri thức, trải nghiệm và sức lực gắn bó đồng lòng cùng nhau trăn trở và xây dựng nên những mô hình canh tác nông nghiệp bền vững, thực phẩm xanh, sạch, ngon, bổ, rẻ. Tôi tin rằng, một quốc gia lấy nông nghiệp thuần tự nhiên, nông nghiệp tự cung tự cấp, nông nghiệp tử tế làm nền tảng thì đất nước đó không còn lo chết đói nếu có bất kỳ biến cố, thảm họa thiên tai gì xảy đến bất ngờ.


3. MÔI TRƯỜNG - THIÊN NHIÊN

Theo các thống kê số liệu của các kỷ lục gia Guinness trên thế giới, con người có thể nhịn ăn hơn 1 năm, nhịn uống khoảng 1 tuần, nhưng chỉ nhịn thở được tối đa 24 phút 3 giây.


Ấy vậy mà ngày nay, nhìn xung quanh các TP lớn như HCM hay Hà Nội, bầu trời thỉnh thoảng không thể phân biệt được đâu là sương mù đâu là bụi mịn. Mỗi ngày, có hàng tấn khí thải được thải ra bởi hàng triệu phương tiện tham gia giao thông, bởi hàng loạt các nhà máy công xưởng và cũng bởi vô số tòa nhà cao ốc trọc trời đang mọc lên nhanh như nấm. Trong khi đó, cây xanh để lọc các khí độc, cung cấp oxi trong lành thì ngày càng bị chặt phá & thu hẹp diện tích đất rừng.


Tổng thư ký liên hợp quốc Ban Ki Moon đã từng nói: "Một thế giới bền vững là nơi mọi người có thể thoát nghèo và có được việc làm tử tế mà không làm tổn hại đến hệ sinh thái và tài nguyên thiết yếu của Trái Đất, nơi mọi người có thể sống khỏe mạnh, có được thực phẩm và nguồn nước họ cần, nơi mọi người đều có thể tiếp cận năng lượng sạch mà không gây ra biến đổi khí hậu, nơi phụ nữ & trẻ em gái có quyền và cơ hội bình đẳng"


Hội chứng thiếu hụt thiên nhiên đang là căn bệnh của thời đại mới. Hàng ngàn con người văn minh quá mức đang bắt đầu run rẩy phát hiện ra rằng đi lên núi chính là về nhà. Thiên nhiên hoang dã là một điều vô cùng cần thiết.


Tình trạng môi trường sống đang lên tiếng báo động chúng ta phải cần nhiều hơn nữa những nhà hoạt động vì thiên nhiên môi trường, những người trăn trở mỗi phút giây làm sao để lan toả ý thức giảm thiểu rác thải nhựa, tuyên truyền, phát động lan tỏa ý thức sống bền vững thuận hòa với tự nhiên hơn. Nếu chúng ta cứ mãi chạy đua với cuộc sống ngoài kia, cứ mãi làm kinh tế đánh đổi cả thiên nhiên môi trường thì những thiên tai như hạn hán, ngập mặn, bão dông, lũ hụt xảy đến ắt là chuyện thường tình của Nhân Quả

Tôi thấy hiện nay có khá nhiều người dám sống, dám cống hiến, dám lan tỏa hành động vì một môi trường sống trong lành & hài hòa với mẹ thiên nhiên bằng những việc đơn giản cụ thể như sau:

  • Nếu họ là một người yêu động vật thì họ sẽ hạn chế việc mua bán và ăn thịt các động vật hoang dã, đồng thời biết tiết chế ăn thịt vừa đủ. Một số người khác còn có ý tưởng và trăn trở về việc cứu trợ chó mèo bị bỏ rơi kết hợp trong các công viên, sở thú để có thể tiết kiệm diện tích, và tạo hoạt đông cho nhiều người đến sở thú công viên hơn

  • Nếu họ là một người thích cây cối thực vật, họ sẽ trăn trở làm sao đưa cây vào văn phòng nhiều hơn, làm sao để tạo ra các hoạt động đổi lọ nhựa lấy cây phủ xanh văn phòng, làm sao để phát động phong trào trồng cây cho các khu phố, làm sao để cải tạo các bãi rác tự phát thành khuân viên cho mọi người ra vui chơi, tập thể dục & sinh hoạt cộng đồng...


4. GIÁO DỤC

Nelson. Mandela - vị anh hùng giải phóng dân tộc Nam Phi có nói rằng: "Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà người ta có thể sử dụng để thay đổi cả thế giới".


Giáo dục được mệnh danh là gốc rễ của mọi vấn đề đang diễn ra trong đời sống ngày nay. Chỉ vì sự thiếu hiểu biết đúng đắn mà ta thường để mình đắm chìm trong guồng quay cuộc sống xã hội với đầy cạm bẫy & cám dỗ bởi tham sân si - một trong những cội nguồn của mọi nỗi khổ đau trên thế gian này. Muốn thay đổi được quốc gia hay các ngành nghề khác, cốt lõi phải thay đổi được nền giáo dục của quốc gia đó, giáo dục là quốc sách hàng đầu mà một quốc gia cần tập trung, là đầu tàu định hướng về triết lý sống, hệ tư tưởng, tác động rất lớn đến nhận thức & hành vi sống của toàn thể xã hội.


Có một nghiên cứu trên khoa học đã chứng m


inh rằng: không chỉ não bộ của chúng ta mới thông minh như ta hay nghĩ, mà từng tế bào trên cơ thể của chúng ta cũng rất thông minh, chúng có những phản ứng, cảm nhận & tương giao với thế giới bên ngoài vô cùng kỳ diệu. Thế mà chúng ta đang dạy con cháu chúng ta chỉ sử dụng não suốt 200 năm nay. Đó là thách thức giáo dục trí óc dựa trên tri thức bên ngoài quá mức và dần dần chúng ta không thể dạy con cháu chúng ta cạnh tranh với những cỗ máy thông minh hơn chúng ta rất nhiều (trong khi chính loài người đã tạo ra nó). Vì vậy ở kỷ nguyên mới này, chúng ta phải dạy điều gì đó đặc biệt mà những cỗ máy không thể sánh kịp.


Đó là giáo dục tâm thức, giáo dục để thế hệ trẻ thấy ra được thế giới nội tâm bên trong chính mình rồi học cách chấp nhận, thấu hiểu & chuyển hoá thành những hành trang cho sự sống như: khả năng tư duy độc lập, nhận thức được giá trị sống bản thân, khả năng quản lý cảm xúc, kỹ năng làm việc nhóm và quan tâm đến người khác...



Đây là những nhận thức & kỹ năng mềm mà tri thức khô khan hướng ngoại không thể dạy cho thế hệ con cháu chúng ta được. Đó là lý do vì sao tôi nghĩ chúng ta không chỉ nên chú trọng theo 1 hướng giáo dục trí óc nữa mà phải cân bằng với giáo dục trái tim & giáo dục đôi bàn tay. Chúng ta nên dạy con cháu chúng ta thể thao, âm nhạc, hội hoạ, nghệ thuật, lao động - tất cả những gì chúng ta cần dạy cho con cháu phải khác biệt với những gì có từ máy móc, nếu không máy móc có thể làm tốt hơn. Hãy nghĩ về điều đó...


Với nghĩa cử cao đẹp đó thì người làm giáo dục cũng phải tự ý thức được rằng bổn phận, thiên chức của mình đòi hỏi sự trau dồi, rèn dũa bản thân, học cách thấu cảm, lắng nghe, kiên trì & nhẫn nại ngày qua ngày với học sinh và không dừng lại việc đi tìm cầu cho mình những hiểu biết đúng đắn về mảng ngành nghề lĩnh vực mình theo đuổi lẫn những giá trị sống đúng đắn. Những kiến thức & thông tin xã hội thì vô số kể, có học mấy vạn kiếp người cũng không xuể vì chúng vẫn luôn đổi mới, cập nhật theo các giai đoạn của cuộc sống.


Vì vậy, người làm giáo dục không chỉ là người nhồi nhét kiến thức mà còn là người thổi hồn nhân cách sống, nâng đỡ & định hướng cho thế hệ tương lai có những nền tảng về mặt nhận thức đúng đắn như tinh thần tự học suốt đời, thấu hiểu được chính bản thân mình, từ đó mà có ước mơ, hoài bão & lý tưởng sống tốt đẹp.


Người làm giáo dục không chỉ nói mà phải cần làm gương, làm gương từ những hành vi cư xử nhỏ nhất lẫn thái độ sống của mình. Mọi ngành nghề đều bắt nguồn từ giáo dục và cũng kết thúc bởi giáo dục. Đất nước văn minh, phát triển bền vững hay suy vong, lụi tàn chỉ cần nhìn vào nền giáo dục của đất nước là sẽ đoán được tương lai 20, 30 năm nữa thế sự của nước đó sẽ đi về đâu?


Nói như vậy không phải để chúng ta lo lắng hay áp lực, mà hãy lấy nó làm động lực to lớn và tiềm tàng để vững bước trên con đường sự nghiệp liêng thiêng & cao cả như vậy. Bỏ qua tất cả thì để thực sự trở thành nhà giáo không có gì quá khó ngoại trừ một tình yêu đủ mãnh liệt với giá trị sống bản thân & kiên định đi với nó mỗi ngày, rồi một ngày cuộc đời sẽ mang ơn những giá trị vô hình mà bạn đã góp phần để tô điểm cho thế giới này thêm tốt đẹp.


5. KINH DOANH

Doanh nhân được mệnh danh là người giải quyết những vấn đề của xã hội để thu về lợi nhuận.


Hầu hết các hàng hoá, sản phẩm, dịch vụ đều xoay quanh các hoạt động giao thương, trao đổi & buôn bán. Với đời sống hiện đại chú trọng vào phát triển vật chất như hiện nay, thì công cuộc mưu sinh, kinh doanh buôn bán là 1 lựa chọn mang đến sự tự do, chủ động & phổ biến nhất cho phần lớn người đến tuổi lao động.


Chính vì thế, càng ngày càng nhiều người đổ xô đi làm kinh doanh nhưng phần lớn các sản phẩm/dịch vụ ngày nay mà người làm kinh doanh hướng tới chủ yếu là tạo ra tiền chứ ít ai trăn trở về việc sản phẩm/dịch vụ của mình mang lại lợi ích gì đến cho cộng đồng, xã hội & thiên nhiên. Có chăng nó cũng chỉ gán nhãn mác, bánh vẽ về công năng & lợi ích một chiều. Các sản phẩm công nghiệp, nhân tạo hiện nay bên cạnh mặt tốt là tiện lợi, sạch sẽ thì phần đa các sản phẩm đó ít nhiều cũng có các chất bảo quản, chế biến hóa học, hay khai thác tài nguyên thiên.


Để phục vụ cho việc kinh doanh phát triển, hàng loạt các chiến dịch marketing và truyền thông đã tiêm những kiến thức & thông tin một chiều vào trong khách hàng. Càng phát triển thì càng khai thác và sản xuất quá mức, nhiều khi còn đánh đổi cả chất lượng sản phẩm & trách nhiệm với nguồn tài nguyên sang một bên để thỏa mãn cơn dục vọng khát tiền tài, danh vọng & địa vị. Thử hỏi, chúng ta đếm được bao nhiều người kinh doanh mà dám đặt lợi ích của cộng đồng lên trên lợi ích kiếm lợi về cho bản thân?


Người làm kinh doanh chân chính & tử tế thì sẽ đặt bài toán lợi nhuận & tiền bạc chỉ là hệ quả tất yếu của một tâm huyết phục vụ vì lợi ích cộng đồng và thiên nhiên. Có vô số những mặt hàng tử tế chúng ta có thể tìm hiểu đến như: kinh doanh, phân phối nông sản sạch thuận tự nhiên, các sản phẩm thân thiện & bền vững với môi trường, các hoạt động/ dịch vụ du lịch trải nghiệm quay về với thiên nhiên, chữa lành thân - tâm. Kinh doanh hoàn toàn có thể xen kẽ trong tất cả các lĩnh vực khác như giáo dục, môi trường đến bất kỳ đối tượng nào như trẻ em, phụ nữ, thanh niên cho đến người già,...

Kinh doanh chưa bao giờ tách biệt với đời sống, kinh doanh là cuộc chơi thú vị dành cho những ai thiết tha phục vụ & kiến tạo giá trị cho mọi người. Vậy nên, nếu bạn đã & đang ấp ủ một điều gì đó thì hãy bắt tay vào kinh doanh một cách chân thực & tử tế cũng là 1 con đường vô cùng thiết thực tạo giá trị bền vững & lâu dài cho xã hội đó bạn nhé!



6. TRUYỀN THÔNG

Ngày nay, có vô vàn các trang mạng xã hội & giới trẻ đang tiếp nhận hàng tấn thông tin mỗi ngày. Những thông tin đó đang chi phối nhận thức & hành vi của xã hội hơn bao giờ hết. Một đứa trẻ giờ ít tin & nghe theo lời giáo viên trên trường dạy vì đó là bị bắt học chứ không tự nguyện. Thay vào đó, bằng chính những video, hình ảnh, bài viết & thông điệp trên các kênh thông tin báo chí, đài truyền hình, mạng xã hội là những mũi tiêm đều đặn, âm ỉ mỗi ngày vào trong tư duy, nhận thức của từng cá nhân trong xã hội.


Từ khi, có công nghệ truyền thông kết nối phát triển, cuộc sống như bị đảo lộn & thay đổi 180 độ. Truyền thông trong thời hiện đại giống y hệt như con dao 2 lưỡi. Con dao đó có thể giết người nếu dùng nó để đâm chém người khác, nhưng cũng có thể dùng để thái hoa quả, trái cây... tạo ra rất nhiều món ăn ngon, mát lành đến cho mọi người. Truyền thông châm mũi tiêm vào thẳng tâm thức nhân loại, nó có thể giết người bằng những nhận thức hư hảo, sai lầm hoặc nó có thể cứu vớt được tâm hồn của những mảnh đời đang lạc lõng, chông chênh giữa dòng đời đầy cám dỗ, thị phi để giúp họ nhìn thấy hướng đi đúng đắn, hướng về phía ánh sáng giải thoát khỏi mọi khổ đau của chính mình.


Dẫn chứng là năm 1968, Hàn quốc đã từng là một đất nước vô cùng nghèo khó, bé nhỏ nằm rìa mép phía Đông Bắc Châu Á. Trong gần 20 năm Ban lãnh đạo Hàn Quốc đã quyết tâm gây dựng & lột xác một cách ngoạn mục. Kể từ đó, Hàn Quốc trở thành TOP 4 các quốc gia phát triển bậc nhất Châu Á. Có 2 bài điều mà HQ đã tập trung thay đổi trong giai đoạn đầu của cuộc cách mạng phục hưng đất nước lúc bấy giờ.

  • Thứ nhất là giáo dục. Họ thay đổi nền giáo dục của quốc gia bằng cách mang tất tần tật bộ sách đã được nghiên cứu & ứng dụng thành công qua quá trình phát triển giao thoa giữa triết lý Đông Tây kết hợp với những tinh hoa của người bạn hàng xóm láng giềng "Nhật Bản", và chỉ giữ lại bộ sách liên quan đến văn hóa, xã hội Hàn Quốc nhằm lưu giữ lại nét truyền thống dân tộc.

  • Thứ hai là truyền thông. Hàn Quốc đã phát sóng duy nhất 2 kênh truyền hình trên tivi lúc bấy giờ, đó là kênh: "HỌC LÀM ĂN & HỌC LÀM NGƯỜI". Họ phủ sóng mọi ngóc ngách và kêu gọi người dân cùng nhau tự học về làm ăn để phát triển nền kinh tế ở mỗi cá nhân, gia đình, tự học về làm người để giáo dục nhận thức, tạo lập phẩm chất, tư duy đúng đắn. Từ đó nhào nặn nên mỗi người dân biết sống sao cho đúng, gầy dựng nên một nền kinh tế phát triển một cách bền vững. Khi có đạo sống vững chắc, ắt sẽ tự sanh ra đạo trong nghề nghiệp, đạo trong gia đình, đạo với quốc gia, đạo với thiên nhiên môi trường.

  • Tóm lại, người làm truyền thông cũng cần phải có những chất liệu thực, sâu sắc từ chính trải nghiệm ở nơi bản thân chính mình & góc nhìn cuộc sống đa chiều, để mỗi thông điệp người làm truyền thông gửi gắm đến xã hội ngày một chân thật, hướng thiện & tử tế.


7. CÔNG NGHỆ


Đã bao giờ bạn thử rời xa chiếc smartphone, laptop một thời gian nhất định trong ngày để sống hòa mình cùng gia đình, bạn bè chưa? Điều này sẽ giúp bạn nhìn lại xem bản thân có đang bám víu vào công nghệ cả ngày mà quên mất những thứ đang diễn ra xung quanh mình hay không? Bởi lẽ, ngày này, hầu hết công nghệ đang khiến chúng ta bị lệ thuộc, mất kết nối với thế giới thực & đắm chìm vào thế giới ảo đến nổi quên mất chính mình.


Nhưng dù sao đi chăng nữa, nó chỉ là công cụ, là phương tiện để phục vụ cho sự sống con người. Nếu chúng ta hiểu rõ về bản chất đích thực của công nghệ để sử dụng nó chứ không phải để nó sử dụng lại mình một cách vô thức thì chắc chắn công nghệ sẽ là 1 đòn bẩy vô cùng lớn. Chẳng hạn, bài viết này mình đăng lên có thể tiếp cận được đến hàng vạn đọc giả cũng là nhờ đến công nghệ.


Thử nghĩ xem, những con người nhỏ bé như chúng ta được cất tiếng nói trong một xã hội thu nhỏ có phải là điều tuyệt vời quá không? Ngẫm lại, công nghệ thực sự đã làm cuộc sống, công việc của chúng ta tiện lợi hơn rất nhiều, một đứa bé người châu phi trong thời đại bây giờ, hoàn toàn có cơ hội được tiếp cận 1 lượng thông tin, kiến thức bằng với bất cứ một vị chính trị gia, tổng thống nào trên thế giới.

Vì vậy, chúng ta vẫn rất cần các kỹ sư phần mềm, phần cứng ứng dụng công nghệ có thể kết nối con người với sự sống nhiều hơn là biến người dùng thành những cỗ máy vô hồn, đắm chìm vào thế giới ảo. Khi đó, những kỹ sư công nghệ mới thực sự làm tròn vai & tạo tác động tích cực đến với thế giới này.


8. LUẬT, CHÍNH SÁCH & CHÍNH TRỊ

Nếu mỗi chúng ta là một hạt mầm nhỏ tự lan toả hương thơm của sự tử tế, bình an & hạnh phúc cho chính mình và người thân, nếu mỗi ngành nghề được cho là những mảnh ghép kiến tạo nên một quốc gia phát triển bền vững và hạnh phúc, thì người làm chính sách sẽ là chất kết dính nối những mảnh ghép đó lại, tạo thành một bức tranh lớn thay đổi cả một quận huyện, tỉnh thành hay thậm chí là cả một đất nước.


Thử nghĩ xem, nếu chúng ta thấy đâu đó có một ngôi trường với những phương cách & triết lý giáo dục vô cùng sâu sắc và đậm chất nhân văn thì hàng triệu thế hệ học sinh sẽ thay đổi như thế nào, nền giáo dục cấp quốc gia được thay đổi thì đất nước không sớm thì muộn cũng sẽ chuyển hóa mạnh mẽ về mặt nhận thức & hành vi sống của thế hệ măng non - người chủ tương lai của quốc gia. Nếu chúng ta chung tay kiến tạo để kêu gọi ban hành những chính sách này ra đời sống thì có thể xoay chuyển cục bộ của cả một vùng lãnh thổ trong quốc gia đó.


Với tôi, CHÍNH là chân chánh, đúng đắn còn TRỊ là cai trị, cai quản. Vì vậy, là một đầu tàu chính trị thì phải cần kiệm liêm chính - chí công vô tư, phải lắng nghe dân, sống cùng dân để hiểu dân & có tầm nhìn vượt thoát, rộng mở bao hàm cả kinh tế, xã hội, thiên nhiên.


  • Bạn biết không, những bậc vĩ nhân lưu danh thiên cổ trên thế giới ở thời cận đại như tổng thống Lincoln ở Mỹ, thủ tướng Lý Quang Diệu của Singapore đều bắt nguồn là những luật gia thanh liêm, chính trực.

  • Vậy nên chúng ta cần nhiều hơn những con người theo con đường làm chính trị, người làm luật gia cộng đồng, chính sách hay chính trị. Bởi họ là những hiện thân cho tinh thần phục vụ & hy sinh cái riêng của mình để hướng đến cái chung lớn hơn.


KẾT LUẬN

Thật ra, 08 ngành nghề trên tôi đề ra cũng chỉ để tượng trưng, để phác thảo những trụ cột lớn trong một xã hội mà thôi. Bởi lẽ, cuộc sống này thì vô cùng phong phú, các ngành nghề thì vô cùng đa sắc màu. Thế nên, tôi tin rằng bất kỳ ngành nghề nào, nếu chúng ta vượt thoát ra khỏi cái sự bó hẹp, rập khuôn, gói gọn trong chuyên môn nghề nghiệp của mình để nhìn ra được bức tranh lớn tổng hòa giữa mình và vũ trụ thì tự khắc chúng ta sẽ tự biết cách chọn nghề nào phù hợp với bản thân, nghề nào phù hợp với đạo sống và lương tâm của chính mình.


Cuối cùng, tôi biết rằng mình còn nhiều thiếu sót xin được mọi người cùng cảm nhận, góp ý, phản biện, bổ xung thêm để có nhiều góc nhìn đa chiều. Điều đó là một tin tốt lành dành cho tôi, bởi nó chứng tỏ còn vẫn có nhiều con người đã, đang trăn trở & hành động vì một quốc gia, xã hội hạnh phúc bền vững. Chân thành cảm ơn các bạn rất nhiều!


Các bài viết hay nên đọc

https://www.3goc.vn/post/doi-khong-tra-cat-xe-tai-sao-lai-phai-dien



Nội dung: Thiện Phong

Biên tập: Liên Thanh



Untitled-1.jpg

Cùng chung lý tưởng
“Giáo dục chuyển hoá 3 Gốc”

Trang thư viện 3 Gốc mong nhận được phản hồi, động viên hoặc “ủng hộ” tuỳ hỷ đến từ độc giả. Bởi đây là thông điệp ngầm nhắn gửi “Những gì chúng tôi làm mang giá trị thiết thực đến cho mọi người”, giúp 3GOC.VN sẽ ra mắt nhiều nội dung giá trị hơn trong thời gian tới. 

bottom of page